Chuỗi hạt cuộc sống trong đại dịch
TGPSG -- Cuộc đời của Chúa Giêsu vẫn đang tiếp diễn trong thế giới hôm nay, qua những tràng chuỗi Mân Côi được thể hiện cách sống động nơi cuộc đời phục vụ của từng Kitô hữu trong đại dịch...
Tháng Mười đang khép lại, nhưng lại mở ra bao hy vọng, khi các chốt được tháo gỡ khỏi những tuyến đường. Nhiều nơi được mở cửa để buôn bán, và nhà thờ có thánh lễ trở lại như báo hiệu niềm hy vọng mới đang trở lại với Sài Gòn thân thương này.
Tháng Mười cũng là tháng của vòng chuỗi Mân Côi, hay của vòng Lịch sử Cứu Độ, khi lần chuỗi Mân Côi mà suy ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu: Giáng sinh - Rao giảng - Tử nạn - Phục sinh.
Cầm chuỗi trong tay để cùng với Đức Maria đưa cuộc đời của Chúa Giêsu vào trong cuộc đời của từng người. Sống những mầu nhiệm Mân Côi để tháng Mân Côi tiếp tục nối dài trong ngày sống của mỗi Kitô hữu với những mùa Vui, Sáng, Thương và Mừng.
Mùa Vui
Mùa Vui: là niềm vui thúc đẩy tôi hăng say dấn thân đến với các bệnh nhân nhiễm Covid 19, khao khát lan tỏa yêu thương như chút muối giữa lòng biển của tình người trong đại dịch này, như biết bao các bác sỹ y tá, tình nguyện viên và các tu sĩ đang dấn thân nơi tuyến đầu tại các bệnh viện điều trị Covid.
Niềm vui ấy làm tôi hiểu hơn giá trị của ơn gọi dâng hiến vẫn đang âm thầm tỏa hương yêu thương nơi những đau đớn của các bệnh nhân.
Mùa Sáng
Mùa Sáng là ánh sáng mà tôi thấy được giữa những âm u đau đớn tại các phòng bệnh. Vâng, nơi các bệnh nhân đang chiến đấu đến kiệt sức với căn bệnh toàn cầu này, vẫn sáng lên niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống. Khi tôi chăm sóc các bệnh nhân thì chính họ đã dạy tôi niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa và Mẹ Maria.
Lời kể của cô Bình nghẹn ngào như người từ cõi chết trở về: “Sơ biết không, lúc nhập viện con phải thở máy đau đớn lắm, tưởng mình sẽ chết; lúc đó con chỉ biết giơ tay nhìn chuỗi hạt đang đeo ở tay mà gọi Đức Mẹ thương con, và xin Chúa cứu con; cuối cùng Chúa đã thương cho con khỏe lại.” Lời cô Bình khiến tôi thấy rõ hơn: sự sống - mà Thiên Chúa đã ban cho con người - thật là quý giá. Và rồi lúc nào vào phòng bệnh thăm cô, tôi cũng đều thấy cô đang mân mê chuỗi hạt Mân Côi như một vật quý giá.
Tôi còn thấy ánh sáng của bầu trời thật là quý giá biết bao, khi tôi đẩy chiếc xe lăn đưa ông Hà Nguyên đi tắm nắng. Ông cười thật tươi với câu nói “hôm nay trời thật đẹp phải không?” Giọng nói của ông hòa vào tiếng cười của anh chị em tu sĩ tình nguyện chúng tôi, vì đã hơn một tháng, ông nằm trong phòng và lại còn bị mù nữa nên không thể tự mình đi ra ngoài được. Ông bị khiếm thị, nên phải chăng bầu trời mà ông nhìn thấy đó là tình người ấm áp mà ông cảm nhận được?
Mùa Thương
Mùa Thương vẫn có đó khi những ca bệnh trở nặng vẫn là nỗi trăn trở của các nhân viên y tế. Họ đang hết mình với từng bệnh nhân, theo dõi từng nhịp tim nhịp thở của các bệnh nhân đang nằm bất động trên giường: đau đớn hằn trên khuôn mặt với ống thở và ống nuôi ăn cùng các thiết bị y tế trên cơ thể; đôi mắt muốn mở ra nhưng nặng trĩu mệt mỏi…
Tôi bước tới bên từng bệnh nhân ở phòng ICU, cầm siết đôi tay tưởng chừng chẳng còn chút sức lực của họ để tiếp sức cho họ với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, đau đớn của anh chị em con trong đại dịch này, xin được hợp với đau đớn của Chúa Giêsu trên đồi Canvê; xin thương xót chúng con!”
Và rồi cái chết vẫn lặng lẽ diễn ra thật cô đơn nơi bệnh viện không hoa nến, không kèn trống, không người thân. Đâu đó có tiếng nghẹn ngào không thành lời. Khi đứng trước cái chết, tự nhiên thấy lòng mình se lại trong một nỗi niềm không thể diễn tả được.
Mùa Mừng
Mỗi ca trực, tôi đến với bệnh nhân trong bộ áo bảo hộ nên có thể chẳng ai nhận ra mình là nữ tu cả. Nhưng tôi luôn muốn phục vụ bệnh nhân với tình yêu của một người dâng hiến trọn vẹn cho Chúa.
Ca trực đêm nay có người Công giáo xin xức dầu vì bệnh đang trở nặng. Tôi liên hệ để mời được một linh mục trong nhóm đến xức dầu cho anh. Nụ cười thanh thản của bệnh nhân - vui chịu đau đớn sau khi lãnh nhận bí tích Xức dầu bệnh nhân - làm tôi thấy cái chết thật thật nhẹ nhõm: một cái chết đẹp sẽ dẫn vào cuộc sống vĩnh cửu.
Ra khỏi phòng bệnh, tôi hỏi vị linh mục: “Cha ơi, nếu bệnh viện chỉ còn một người nhiễm Covid đang cần đến cha, cha có đi làm tình nguyện viên không?” Vị linh mục trẻ mỉm cười qua ánh mắt đầy niềm tin: “Có chứ sơ, vì phần rỗi của một linh hồn thôi, tôi cũng sẽ đi. Nhưng ở đây thì có tới… hơn một bệnh nhân mà!”
Để kết
Thật là đẹp khi tôi cảm nghiệm được cách sâu sắc những mùa Vui, Sáng, Thương hay Mừng trong cuộc sống quanh mình, ngay giữa đại dịch Covid này.
Tôi đã cảm nghiệm được điều ấy từ niềm tin đơn sơ mộc mạc của chính các bệnh nhân Covid, từ sự nhiệt tâm của các nhân viên y tế, và từ các linh mục tu sĩ đang âm thầm phục vụ.
Và như thế, chính trong đại dịch này, cuộc đời của Chúa Giêsu vẫn đang tiếp diễn trong thế giới hôm nay, qua những tràng chuỗi Mân Côi được thể hiện cách sống động trong cuộc đời phục vụ của từng Kitô hữu.
Maria Hồng Hà CMR (TGPSG)
Ngày 30.10.2021 - Bv Dã chiến Thu Dung 16
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly