Chúa nhật XVI Thường niên: Đón tiếp vị khách hồng phúc
TGPSG/CatholicExchange -- Chúa nhật này, Đức Giêsu viếng thăm nhà của hai chị em và gây ra một cuộc xáo trộn. Tại sao vậy?
Tin Mừng (Lc 10,38–42)
Thánh Luca thuật lại việc Đức Giêsu đến một làng kia, nơi “có một người phụ nữ tên là Matta đón Người vào nhà.”
Hẳn là Đức Giêsu cảm thấy được an ủi khi được tiếp đón nồng hậu như vậy. Trên hành trình từ Galilê đến Giêrusalem, Người đã gặp nhiều phản ứng khác nhau - một số không mấy thân thiện (x. Lc 9,52–53; 10,13–16.25). Có lẽ Người cảm thấy nhẹ lòng khi được viếng thăm một gia đình thân tình.
Tuy nhiên, thay vì sự hiện diện của Đức Giêsu mang lại phúc lành cho gia đình Matta, thì rắc rối lại xuất hiện ngay tức thì. Khi Đức Giêsu đến, Maria - em của Matta - chỉ đơn giản là “ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe lời Người.”
Có lẽ theo phong tục thời ấy, khi tiếp đón khách thì phải nhanh chóng hành động - như mời nước rửa chân dính bụi sa mạc, chuẩn bị bữa ăn, v.v. Vậy tại sao Maria lại chọn buông bỏ mọi việc và ngồi yên lặng? Có điều gì nơi Đức Giêsu khiến cô xác tín rằng Người không phải là một vị khách tầm thường? Phải chăng lời Người quá cuốn hút đến mức cô không muốn bỏ sót một lời nào? Có phải cô cảm nhận được ngay rằng ưu tiên hàng đầu trong chuyến viếng thăm của Người là lắng nghe tất cả những gì Người muốn nói với mọi người trong nhà (giả định là các môn đệ cũng hiện diện)?
Matta cảm thấy rất khó chịu vì cô phải một mình lao vào mọi việc cần làm để thể hiện lòng hiếu khách. Cô bực dọc đến mức trách cứ cả Đức Giêsu lẫn em mình vì đã khiến cô cảm thấy bị bỏ rơi: “Thưa Thầy, Thầy chẳng lo gì đến việc em con để mình con phục vụ sao?” Cô cho rằng người khác đã khiến cô rơi vào cảnh đơn độc trong công việc. Cô đổ lỗi cho họ về sự bất mãn của mình - điều này luôn là dấu hiệu xấu. Vì quá bức bối, Matta cố gắng giành quyền kiểm soát tình hình, vì cô cho rằng người khác đang phụ cô: “Xin Thầy bảo em con giúp con.”
Chúng ta có ngạc nhiên trước sự táo bạo này không?
Hãy tưởng tượng cảnh một người chủ nhà ra lệnh cho Đức Giêsu - vị khách - phải làm gì! Dù lời trách ấy có phần không phù hợp, nhưng phản ứng của Đức Giêsu lại đầy ân cần: “Matta, Matta ơi! Con lo lắng bối rối nhiều chuyện quá!” Đức Giêsu quan tâm đến nội tâm của cô hơn là những việc phục vụ cô đang cố gắng thực hiện cho Người.
Người đã chẩn đoán đúng vấn đề cốt lõi của cô - lo âu và xao xuyến. Cô hoàn toàn chú tâm vào công việc trước mắt, vào những gì cô nghĩ là bổn phận của mình. Điều đó khiến cô phiền muộn, rồi trở nên hay trách móc. Cô muốn làm điều gì đó cho Đức Giêsu, nhưng có lẽ vì bổn phận, hoặc vì tự cho mình quan trọng, hoặc chỉ đơn giản vì thói quen. Dù lý do là gì, Đức Giêsu cần giúp cô thoát ra khỏi điều đó. Vậy đâu là cách tốt hơn để Matta đón tiếp cuộc viếng thăm này của Đức Giêsu?
Người nói với cô một cách rất rõ ràng: “Chỉ có một điều cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Khi Đức Giêsu đến viếng thăm, khi chúng ta mời Người vào đời sống mình như Matta đã mời vào nhà, thì phản ứng tốt nhất là dừng lại, thinh lặng và chăm chú lắng nghe những gì Người muốn nói. Vị khách ấy phải được dành trọn sự chú ý trước tiên. Sẽ có lúc để chúng ta làm điều gì đó cho Người, nhưng trước hết chính Người cần làm điều gì đó cho chúng ta. Maria đã hiểu điều đó ngay lập tức. Chúng ta có thể đoán rằng, sau lời sửa dạy nhẹ nhàng của Đức Giêsu, Matta cũng đã hiểu ra.
Còn chúng ta thì sao?
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu, lo âu và bối rối luôn là dấu hiệu cho thấy con đã quên mất điều duy nhất mà con thật sự cần. Xin giúp con luôn nhớ điều ấy.
Bài Đọc I (St 18,1–10a)
Ở đây, chúng ta gặp câu chuyện về tổ phụ Ápraham nồng nhiệt tiếp đón ba vị khách lạ - rõ ràng là một cuộc viếng thăm từ Thiên Chúa. Câu chuyện này rất quen thuộc với người Do Thái và rất có thể đã góp phần hình thành truyền thống hiếu khách trong dân tộc họ, kéo dài đến thời Đức Giêsu, như được phản ánh trong Thư gửi tín hữu Do Thái: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ đó có những người đã tiếp đón các thiên thần mà không hay biết” (Dt 13,2).
Phản ứng của Ápraham trước các vị khách có khác gì với phản ứng của Matta không? Chúng ta thấy rằng Ápraham hoàn toàn tập trung vào các vị khách của mình. Hãy lưu ý rằng trước tiên ông xin phép họ để được cung cấp các dịch vụ hiếu khách thông thường, bao gồm cả việc dọn bữa ăn.
Sau đó, “họ đáp: ‘Được, ông cứ làm như ông nói.’” Liệu chuyến viếng thăm của Đức Giêsu đến nhà Matta và Maria có diễn ra khác đi không, nếu Matta trước tiên hỏi Người có muốn điều gì từ gia đình mình không? Có lẽ Người đã bảo cô ngay lập tức rằng hãy ngồi với Maria và lắng nghe một lúc. Sai lầm của Matta là tự mình điều phối mọi thứ mà quên mất phải tập trung vào vị khách.
Như thế, Ápraham trở thành một mẫu gương tuyệt vời về cách đón tiếp một vị khách đến từ Thiên Chúa. Dù ông bận rộn với nhiều công việc, ông vẫn hành động với sự đồng thuận của các vị khách. Khiêm nhường và hiếu khách không bao giờ nên tách rời nhau.
Lời nguyện:
Lạy Cha trên trời, xin giúp con có được sự tập trung, lòng khiêm nhường và cả lòng nhiệt thành như Ápraham khi con ở trước nhan Ngài.
Thánh Vịnh (Tv 14[15],2–5)
Thánh vịnh ca ngợi đời sống công chính, và khi đọc, chúng ta có thể nhận ra phần nào lý do khiến Matta - trong Tin Mừng hôm nay - đã lạc hướng trong lòng hiếu khách của mình. Người công chính là người “hằng suy nghĩ điều chân thật trong lòng, và không nói lời vu khống bằng miệng lưỡi.” Chúng ta nhớ lại nỗi cay đắng trong lòng Matta khi cô đảm nhận việc phục vụ trong lúc Đức Giêsu viếng thăm.
Điều đó dẫn đến những lời trách móc cả Đức Giêsu lẫn em cô. Đó không phải là điều mà chuyến viếng thăm của Người đáng lẽ phải mang lại. Cô hoàn toàn quên mất rằng chính Đức Giêsu đang hiện diện trong ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, Người đã đưa cô trở về với thực tại. Chúng ta có thể hình dung rằng sau đó, Matta sẽ muốn ca lên với niềm vui cùng tác giả Thánh Vịnh: “Ai sống đời công chính, sẽ được ở trong thánh nhan Chúa.”
Lời nguyện:
Bản thân Thánh Vịnh chính là lời đáp lại cho các bài đọc khác. Hãy đọc lại với tâm tình cầu nguyện để làm cho lời ấy trở nên của riêng bạn.
Bài Đọc II (Cl 1,24–28)
Thánh Phaolô cho chúng ta một cái nhìn thật tuyệt vời về những đau khổ mà chúng ta sẽ gặp khi phụng sự Chúa. Nếu Matta được chính Đức Giêsu yêu cầu làm việc vất vả để tiếp đón Người, có lẽ cô đã có thể đón nhận gánh nặng đó giống như cách Thánh Phaolô đón nhận đau khổ: “Tôi vui mừng vì được chịu đau khổ.” Làm sao ngài có thể nói như vậy? Bởi vì ngài đã hiểu được mầu nhiệm vinh quang của Tin Mừng: “Đức Kitô ở giữa anh em, Đấng là niềm hy vọng vinh quang.” Mọi điều chúng ta làm cho Người bằng chính thân xác mình mà dẫn đến đau khổ, chính là cách chúng ta “Điều ‘còn thiếu’ không phải là thiếu sót nơi cuộc khổ nạn của Đức Kitô, mà là phần đau khổ mà mỗi Kitô hữu được mời gọi cộng tác trong thân phận của mình - như lời Đức Giêsu nói: ‘Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”
Thật khác biệt biết bao khi ta hiểu được điều này trong những đau khổ thể xác của mình!
Dĩ nhiên, chúng ta có thể vui mừng.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vui mừng trong đau khổ dường như là điều vượt quá sức con. Con sẽ cần đến ơn Chúa mỗi ngày để thực hiện điều ấy.
Tác giả: Gayle Somers
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ CatholicExchange
bài liên quan mới nhất

- Bạn có đoán được thứ gì nặng tương đương lượng thư từ mà Đức Giáo hoàng nhận mỗi ngày không?
-
Linh mục chia sẻ hành trình vượt qua cám dỗ tự tử -
Chiều kích tôn giáo của công cuộc kiến tạo hòa bình -
Phẩm giá con người sẽ ra sao nếu Kitô giáo suy thoái? -
Rèn luyện khả năng phân định -
Khóa học “Các phong cách giáo dục của cha mẹ” -
Rôma dưới lòng đất: Một thế giới ẩn giấu và huyền nhiệm -
Khi người Công giáo hẹn hò với những người không Công giáo -
Năm điều cần biết về lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu -
10 cách Satan đang tấn công con cái chúng ta trong nền văn hóa hiện nay
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Ý nghĩa chữ “PP” sau chữ ký của Đức Giáo hoàng -
Ảnh chính thức của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Sức mạnh của sự dịu dàng -
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
10 cách Satan đang tấn công con cái chúng ta trong nền văn hóa hiện nay -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa