Chúa nhật Phục Sinh: Chứng nhân của ngôi mộ trống
TGPSG /CatholicExchange --- “Chúng ta được mời gọi sống niềm vui phục sinh trong đời sống hằng ngày, làm chứng cho sự chiến thắng của sự sống trên cái chết.”
Tin Mừng (Gioan 20:1-9)
Vào Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta nghe trình thuật Cuộc Thương Khó của Chúa kết thúc với những lời này:
Cùng đi với ông Giuse, có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.
Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền. (Lc 23,55-56).
Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng rằng "nghỉ lễ" trong ngày Sabát đó chắc chắn là một ngày dài nhất trong cuộc đời của họ: đầy lo âu và khắc khoải.
Hôm nay, lễ Phục Sinh, Tin Mừng theo Thánh Gioan ghi lại rằng:
“Vào ngày đầu tuần, Maria Mađalêna ra mộ vào lúc sáng sớm, khi trời còn tối” (Ga 20:1).
Ngày sabát vừa kết thúc, bà Maria Mađalêna vội vã đến mộ để xức dầu thơm cho xác Chúa. Tại sao bà lại đến sớm như vậy, trước lúc mặt trời mọc?
Ai đã từng đau buồn vì mất đi người thân sẽ hiểu câu trả lời. Dù đã chuẩn bị tinh thần, cái chết vẫn là điều khó có thể chấp nhận được. Chúng ta không thể chịu nổi ý nghĩ rằng sẽ không bao giờ được gặp lại người thân yêu. Maria có cơ hội đến gần Chúa một lần nữa, để nhìn thấy và chạm vào Ngài. Ngay cả trong cái chết, Ngài vẫn thu hút bà bằng một sức mạnh không thể cưỡng lại được.
Bỗng Maria nhìn thấy hòn đá đã được lăn ra khỏi ngôi mộ. Thật bàng hoàng! Chúng ta có thể cảm nhận được sự mong mỏi của bà để được gặp lại Chúa, nhưng Ngài lại không còn ở trong mộ. Thánh Gioan muốn chúng ta thấy rằng: những người theo Chúa Giêsu chậm hiểu những điều Người đã nói với họ nhiều lần: Người sẽ sống lại từ cõi chết. Maria nghĩ rằng có ai đó đã lấy xác Chúa và mang đến một nơi khác. Hãy tưởng tượng điều này trong một khoảnh khắc: nỗi đau buồn sâu sắc của Maria hòa trộn với nỗi kinh hoàng hoảng hốt. Đối với Maria lúc ấy, ngôi mộ trống không phải là nguồn vui. Đó là một bước ngoặt đau đớn như trong một cơn ác mộng.
Phêrô và Gioan (người môn đệ Chúa yêu) đã chạy vội đến mộ khi được Maria báo tin trong tâm trạng hoảng hốt này. Họ cũng không thể cưỡng lại sự thôi thúc tìm Chúa. Gioan đến trước, nhưng nhường cho Phêrô vào trước: chúng ta nhận thấy sự tôn trọng của ông đối với Phêrô, người mà Chúa đã chọn làm trưởng nhóm các tông đồ. Khi vào trong mộ, họ nhận ra ngay rằng: không phải bọn trộm mộ đã lấy xác Chúa. Những khăn liệm (vải vóc quý giá) sẽ không bao giờ bị bỏ lại và được xếp gọn gàng như thế nếu là trộm cướp. Không, chắc chắn có điều gì lớn lao đang xảy ra.
Thánh Gioan nói rằng khi vào trong mộ và thấy các khăn liệm, “... ông đã tin” (Ga 20:8). Ông tin điều gì? Chỉ đơn giản là xác Chúa thật sự không còn trong mộ nữa - một điều kỳ bí. Gioan giải thích rõ ràng rằng: “Vì họ chưa hiểu Kinh Thánh rằng Ngài phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20:9).
Vậy, vào ngày Chúa nhật Phục Sinh, những gì bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta chỉ là những manh mối. Thật thú vị! Không phải là niềm vui vô bờ bến của các môn đệ khi thấy Chúa sống lại. Thay vào đó, chúng ta cùng với các môn đệ sống trong nỗi khát khao, lo âu, buồn bã và sự hoang mang tột cùng. Chúng ta bây giờ, tất nhiên, đã biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng họ khi ấy thì chưa biết. Thánh Gioan muốn chúng ta dừng lại một chút, cùng cảm nhận những phản ứng rất con người của các môn đệ trước một phép lạ tuyệt vời. Ngài muốn chúng ta cảm nhận sâu sắc câu hỏi khiến các môn đệ bối rối: “Điều gì đã xảy ra cho Đức Giêsu vậy?”
Chỉ khi hoàn toàn nhập tâm vào tình huống khó xử này, chúng ta mới có thể thật sự chuẩn bị cho câu trả lời: Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết. Điều tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, khi con người giết chết "Đấng Tạo Hóa sự sống" (Cv 3:15), lại trở thành điều tốt đẹp nhất trong lịch sử, và lịch sử của con người đã thay đổi mãi mãi. Chúng ta được mời gọi sống trong niềm vui của sự phục sinh, không chỉ như một kỷ niệm, mà như một thực tại trong đời sống hằng ngày, trong những nỗ lực nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa, nơi chúng ta làm chứng cho sự chiến thắng của sự sống trên cái chết.
Lời nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đôi khi con cảm thấy bối rối khi Ngài vắng mặt, nhưng xin giúp con tin rằng sự vắng mặt này luôn dẫn đến sự hiện diện của Ngài, và con sẽ thấy Ngài luôn đồng hành với con trong từng bước đi của cuộc đời.
Bài Đọc I (Cv 10:34a, 37-43)
Nếu chúng ta nghĩ về những gì đã thấy về Phêrô trong các bài đọc Tuần Thánh, đoạn sách Công vụ này có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi: Điều gì đã xảy ra với Phêrô? Trong trình thuật Thương Khó được đọc vào Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta nghe kể về ông Phêrô chối Chúa ba lần và bỏ chạy khi Chúa bị đóng đinh. Nhưng trong bài Phúc Âm của Chúa nhật Phục Sinh hôm nay, chúng ta nghe kể lại: ông mạnh dạn rao giảng Tin Mừng cho chính những người Do Thái đã làm ông sợ hãi rằng: cái chết không thể giam c được Đức Giêsu.
Chúng ta thấy tác động mạnh mẽ của biến cố Chúa phục sinh đối với ông. Phêrô chứng thực không phải chỉ “Đức Giêsu Nazareth,” Đấng “đã làm bao điều thiện” (Cv 10:38), mà còn cả việc ông “đã ăn và uống với Ngài sau khi Ngài sống lại từ cõi chết” (Cv 10:41). Sứ mệnh mà Phêrô và các tông đồ khác nhận được từ Chúa Phục Sinh, và từ Chúa Thánh Thần vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, đã làm thay đổi hoàn toàn Phêrô. Thật là một sự biến đổi lớn lao so với sự bối rối trước đó tại ngôi mộ trống! Được giải thoát khỏi sự nhút nhát và sợ hãi, ông muốn cho thế giới biết rằng Đức Giêsu đã sống lại và “ai tin vào Ngài sẽ được tha tội nhờ danh Ngài” (Cv 10:43).
Lời nguyện: Lạy Chúa, trong mùa Phục Sinh này, xin mở miệng con để làm chứng cho ngôi mộ trống của Ngài và cho bữa ăn mà chúng con vẫn được tham dự với Ngài trong Thánh lễ. Xin giúp con trở thành chứng nhân cho tình yêu của Ngài.
Bài Đọc II (Cl 3:1-4)
Trong thư gửi tín hữu Côlôsê, Thánh Phaolô viết một lời khuyên đáng chú ý gửi đến những người bạn Kitô hữu của ngài (và cũng gửi cho chúng ta): “Hãy tìm kiếm những gì ở trên cao, chứ đừng tìm những gì ở dưới đất” (Cl 3:2). Tại sao, chúng ta, những con người bị ràng buộc vào trái đất này, lại phải tìm kiếm những điều ở trên cao? Điều gì đã xảy ra với chúng ta?
Thánh Phaolô nói về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu - là những gì chúng ta đã chú tâm trong suốt Tuần Thánh - giờ đây cũng là chuyện của chính chúng ta. Trong phép rửa, chúng ta đã chết cùng Chúa và sống lại với Ngài trong một cuộc sống mới. Quyền năng của Đấng làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết cũng đã đưa chúng ta ngồi cùng Chúa: “Cuộc sống của anh em đã tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3:3). Điều này thật sự là một cuộc chuyển đổi lớn lao đối với chúng ta! Ngôi mộ trống của ngày Phục Sinh đầu tiên đã vang vọng đến tận chúng ta ngày nay, vào thế kỷ 21. Ý nghĩa của nó không chỉ là sự kiện lịch sử mà còn liên quan sâu sắc đến cuộc sống cá nhân của chúng ta. Trong Chúa, chúng ta được tha tội, được giải thoát khỏi cái chết và được định sẵn để hưởng vinh quang: “Khi Đấng là cuộc sống của anh em tỏ hiện, thì anh em cũng sẽ tỏ hiện với Ngài trong vinh quang” (Cl 3:4). Alleluia!
Lời nguyện: Lạy Cha, xin tha thứ cho con khi con chỉ tìm kiếm những gì thuộc về thế gian này. Xin giúp con luôn hướng lòng về thiên đàng và sống như những chứng nhân của sự sống vĩnh cửu trong Chúa Giêsu.
Tác giả: Gayle Somers
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ CatholicExchange
bài liên quan mới nhất

- Tại sao Thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành vào buổi tối?
-
Các thánh đều từng là tội nhân và mọi tội nhân đều được mời gọi nên thánh -
Chẳng lẽ chính con sao? -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Những người giữ bình an nơi cổng nhà thờ -
Bài giảng Chúa nhật Lễ Lá 2025 của Đức Thánh Cha -
Lý do Thánh Gioan Phaolô II chọn Lễ Lá làm Ngày Giới trẻ Thế giới -
Lễ Lá: Sự chiến thắng của khiêm tốn và hy vọng -
Mầu nhiệm Cứu độ: Lễ Lá và con đường Thương Khó -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa
bài liên quan đọc nhiều

- An tử và Trợ tử trong Giáo lý Công Giáo
-
Tại sao người Công giáo lại che các thánh giá và ảnh tượng trong Mùa Chay? -
Phẩm giá của mỗi nhân vị và các quyền con người -
Cầu nguyện cho các linh mục trong Tuần Thánh -
Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng: lời mời gọi trở về trong Mùa Chay -
Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người -
Chọn ngôn sứ Giêrêmia đồng hành với bạn trong mùa Chay -
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa -
Về Tuyên ngôn “Dignitas infinita” -
Ngày 05 tháng 03: Thứ Tư Lễ Tro