Chúa nhật II Thường niên A

Chúa nhật II Thường niên A

 

 

 

 

 

 

2nd Sunday of Ordinary Time
Reading I: Isaiah 49:3,5-6 II: 1Cor 1:1-3

Chúa Nhật 2 Thường Niên
Bài Đọc I: Isaia 49:3,5-6 II: 1Côrintô 1:1-3

Gospel
John 1:29-34

29The next day he saw Jesus coming toward him, and said, "Behold, the Lamb of God, who takes away the sin of the world!

30This is he of whom I said, 'After me comes a man who ranks before me, for he was before me.'

31I myself did not know him; but for this I came baptizing with water, that he might be revealed to Israel."

32And John bore witness, "I saw the Spirit descend as a dove from heaven, and it remained on him.

33I myself did not know him; but he who sent me to baptize with water said to me, 'He on whom you see the Spirit descend and remain, this is he who baptizes with the Holy Spirit.'34And I have seen and have borne witness that this is the Son of God."

Phúc Âm
Gioan 1:29-34

29 Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.

30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước."

32 Ông Gioan còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.

33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần."

34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.

Interesting Details

• The title "Lamb of God" are mentioned only in John's gospel as John the Baptist proclaims when he sees Jesus appoaching (Jn 1:29 and Jn 1:36). This title may refer to:

- the pascal lamb whose blood saved the people of Israel in the Passover (Ex 12),

- the victorious apocalyptic lamb who would destroy evils in the world (Rv 5-7),

- Jesus is crucified on the afternoon before Passover, this is the time when the pascal lamb are slain, or

- the suffering servant of the Lord who is led to slaughter like a lamb and bears our sins (Is 53). Jesus is presented as a lamb, not only to bear our sins but also to take away our sins.

• The Spirit descends and "remains" upon Jesus. The Spirit staying with Jesus emphasizes the permanent relationship between the Father and the Son, and between the Son and the Christian. Jesus is the permanent bearer of the Spirit.

Chi Tiết Hay

• Trong các sách Phúc Âm, chỉ có Phúc Âm thánh Gioan nói tới chức hiệu "Chiên Thiên Chúa" hai lần (Jn 1:29 và Jn 1:36), đó là lời Gioan Tẩy Giả khẳng định khi ông nhìn thấy Chúa Giêsu. Chức hiệu này có thể ám chỉ những hình ảnh sau đây:

- Chiên tế lễ mà người Do Thái đã dùng máu chiên trong lễ Vượt Qua để được cứu thoát (Ex 12).

- Chiên chiến thắng tội lỗi trần gian trong sách Khải Huyền (Rv 5-7).

- Báo hiệu Chúa Giêsu sẽ bị đóng đinh trên thập giá vào chiều trước lễ Vượt Qua là lúc các thầy tư tế giết chiên làm lễ tế.

- Người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa bị hành xử như một con chiên để chịu tội cho chúng ta (Is 53). Chúa Giêsu đưọc diễn tả như một con chiên, không những để chịu tội mà còn xóa bỏ tội cho chúng ta.

• Thần Khí ngự xuống và "ở" cùng Người. Thần Khí ở cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh sự liên hệ vĩnh cữu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa Chúa Con và Kitô hữu. Chúa Giêsu là Đấng luôn tràn đầy Thánh Thần.

One Main Point

LAMB OF GOD, WHO TAKES AWAY THE SINS OF THE WORLD

John the Baptist presumably did not know Jesus, but he is the first to bear witness and to proclaim that Jesus is the Lamb of God, who has the power to take away the sins of the world. John testifies as he himself sees and describes the Spirit's descending and remaining upon Jesus.

Một Điểm Chính

CHIÊN THIÊN CHÚA, ĐẤNG XÓA TỘI TRẦN GIAN

Gioan Tẩy Giả hầu như không biết Chúa Giêsu là ai, nhưng ông là người đầu tiên đã làm chứng và tuyên xưng Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng có uy quyền xóa tội trần gian. Gioan đã minh chứng qua những điều ông thấy và diễn tả là Thần Khí ngự xuống và ở cùng Chúa Giêsu.

Reflections

1. The people who went to John the Baptist on the bank of the Jordan River might have different attitudes: a great number came to be baptized, some by curiosity or just to be with friends, others to question and to criticize.By my activities in the church or in my community group, who am I in the crowd on the bank of the Jordan River?

2. Pausing the baptism, humbling himself, directing the attention of people to the person being in sight, John the Baptist courageously steps over his "ego" and acts under the light of the Holy Spirit; he turns himself as an instrument for the Holy Spirit. What are the motives in my actions?

3. John the Baptist chooses the most shallow spot in the Jordan River, where people from nations can travel or do business, for his mission. Therefore, the crowd includes not only Israelites, but also people from other countries, other cultures and economics. Is my mission limited only within my own, my family's, or my group's salvation?

Suy Niệm

1. Những người tới với thánh Gioan Tẩy Giả bên bờ sông Jordan, một số lớn xin đưọc thanh tẩy, một số có mặt vì sự tò mò hiếu kỳ hay do bạn bè lôi kéo, còn một số nhỏ đi theo để tra hỏi bắt bẻ. Khi tôi tham gia những hoạt động trong xứ đạo, trong gia đình Đồng Hành, tôi thuộc lớp người nào bên bờ sông Jordan?

2. Gián đoạn nghi thức rửa tội, tự đặt mình thấp bé và dồn sự chú ý của dân chúng về một nhân vật khác, Gioan Tẩy Giả đã táo bạo vượt qua cái tôi của mình và ông đã hành động theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Ông biến chính mình thành dụng cụ của Thánh Linh. Động lực nào thúc đẩy tôi trong các hành động?

3. Gioan Tẩy Giả chọn một nơi cạn nước nhất, chỗ dân muôn xứ có thể qua lại buôn bán du lịch. Vì thế chung quanh thánh nhân hôm nay, không phải chỉ có những người Do Thái, nhưng có thể có nhiều màu da khác nhau, nhiều văn hóa khác nhau, nhiều trình độ trí thức, giầu nghèo. Có phải sự nhiệt thành tông đồ của tôi chỉ để cho một mình tôi, một mình gia đình tôi hay một mình nhóm của tôi?

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN A
Lời Chúa: Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34

MỤC LỤC

1. Chiên Thiên Chúa 
2. Này Chiên Thiên Chúa - Charles E. Miller
3. Đây Chiên Thiên Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 
4. Giới thiệu Chúa Kitô – ĐGM. Vũ Duy Thống 
5. Tôi đã thấy 
6. Ý nghĩa của tình liên đới 
7. Ơn gọi 
8. Đền đáp ân tình 

SUY NIỆM

1. Chiên Thiên Chúa

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, Gioan Tiền Hô đã giới thiệu Chúa Giêsu: Đây Chiên Thiên Chúa. Thế nhưng hình ảnh con chiên có ý nghĩa gì trong Kinh Thánh?

Trong sách Samuel quyển thứ 2, tiên tri Nathan có kể cho vua Đavít nghe câu chuyện như sau: Có hai người trong một thành phố. Một người thì giàu sang và thế lực. Còn một người thì nghèo túng và hèn mọn. Gã giàu sang có một đàn chiên đông đảo, trong khi anh nhà nghèo chỉ có một con chiên nhỏ bé. Đứa con của anh nhà nghèo rất thương con chiên ấy và chơi đùa với nó suốt ngày. Thế rồi bữa kia, gã nhà giàu có khách, hắn truyền cho đám tôi tớ qua nhà anh nghèo, bắt con chiên mà giết thịt để đãi khách.

Câu chuyện trên rất thích hợp để áp dụng cho Chúa Giêsu. Ngài cũng được yêu mến, nhưng đồng thời cũng đã bị bọn người độc ác giết chết một cách tàn bạo. Tuy nhiên, trong tâm trí của Gioan Tiền Hô, còn có một hình ảnh khác khi giới thiệu Chúa Giêsu: Đây Chiên Thiên Chúa. Đó là hình ảnh những con chiên bị sát tế mỗi ngày trong đền thờ, làm lễ vật dâng tiến cho Thiên Chúa như Maisen đã quy định: Mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên được một tuổi. Một con vào buổi sáng còn một con vào buổi chiều. Máu của chiên đổ ra có sức tẩy xoá tội lỗi cho dân chúng.

Trước Gioan Tiền Hô, các tiên tri cũng đã nói về người tôi tớ Thiên Chúa phải đau khổ và phải chết như một con chiên. Tiên tri Isaia đã mô tả: Ngài như con chiên bị đưa tới lò sát sinh, mà không hề thốt lên một lời. Ngài chết vì tội lỗi chúng ta. Còn tiên tri Giêrêmia thì nói: Tôi giống như con chiên bị đem đi giết và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi. Và như thế hình ảnh con chiên gợi lên những hy sinh và đau khổ. Sau cùng thánh Gioan trong sách Khải Huyền, ngoài những đặc tính trên, còn thêm vào đó nét vinh quang và khải hoàn của Con Chiên Thiên Chúa. Chẳng hạn, nơi chương 5, thánh Gioan đã mô tả: Muôn dân vây quanh và ca ngợi Con Chiên bằng bài hát như sau: Ngài đã bị giết và nhờ cái chết hy tế của mình, Ngài đã mua chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia và mọi chủng tộc. Ngài đã biến họ trở thành vương quốc của các tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta. Rồi các thiên thần tiến đến vây quanh Ngài và hát vang: Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận danh vự, vinh quang và tán tụng... Tóm lại, hình ảnh Con Chiên Thiên Chúa gợi lên 3 hình ảnh. Hình ảnh của sự yêu mến, hình ảnh của sự đau khổ và hình ảnh của sự vinh quang. Đây cũng là con đường mà mỗi người chúng ta cần phải đi qua trong cuộc sống, đó là để được Chúa yêu thương và chúc phúc, chúng ta cũng phải bước qua gian khổ, thử thách và thập giá, nhờ đó mà tiến tới vinh quang phục sinh.

2. Này Chiên Thiên Chúa - Charles E. Miller

Môn chơi chữ có thể rất vui. Một số người nói một từ và bạn có thể trả lời theo những gì đến trong tâm trí bạn. Thí dụ, tôi nói “nhỏ” và bạn nói “lớn”. Tôi nói “bóng đá”, bạn nói “bóng chày”. Gioan Tẩy Giả nói Đây Chiên Thiên Chúa” và chúng ta có thể nói “cái gì?”.

Để trình bày Chúa Giêsu. Thánh Gioan tẩy Giả đã có thể làm tốt hơn khi tuyên bố: “Hãy chiêm ngắm, đó là Chúa của các ngươi” hoặc”Đó là Đấng Cứu Độ” hay “đấy là Đức Kitô” không hay hơn sao? Tất cả những tước hiệu này xem ra diễn tả rõ ràng hơn: “Chiên của Thiên Chúa”.

Thật ra, đối với người Do thái, tước hiệu mà Gioan Tẩy Giả rao giảng thì từ: “Chiên Thiên Chúa” gợi lên trong tâm trí họ toàn bộ giáo lý đức tin của dân riêng Thiên Chúa. Ngay lập tức, họ nghĩ rằng không phải là một con chiên nhỏ bé nhưng là sự lớn lao của quyền năng và lòng thương xót Chúa hướng đến họ qua dấu máu của con chiên, nhờ đó họ được cứu thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và được mang đến sự tự do và đời sống mới nơi đất Hứa. Mỗi năm và dịp lễ Vượt Qua, họ lại tưởng nhớ và mừng lễ Cứu Độ bằng việc tham dự vào bữa ăn tối Vượt Qua.

Trong Thánh Lễ, việc mừng sự cứu độ của chúng ta trong Đức Kitô, chúng ta nhìn lên Mình và Máu Chúa, chúng ta nhận biết Người bởi chúng ta hiểu những lời của vị linh mục: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Khi chúng ta nghe những lời này trước khi rước lễ, chúng ta được mời gọi nhớ lại những gì mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta, Người như Chiên Vượt Qua. Chúng ta diễn tả niềm tin của chúng ta trong những lời tuyên xưng Thánh Thể. Khi nhớ chiên Vượt Qua đã bị hy sinh sát tế như thế nào, chúng ta được mời gọi suy niệm về chung kết là việc Chúa ngự đến như là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ thế gian này: “Đức Kitô đã chết, Đức Kitô đã sống lại, và Chúa Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang”.

Khi suy niệm về sự giải thoát đã ban cho các tổ phụ chúng ta, trong đức tin, chúng ta được mời gọi suy niệm về việc được giải thoát khỏi tội lỗi của chúng ta: “Lạy Chúa, bằng thánh giá và sự Phục Sinh của Người, Người đã cho chúng con được tự do. Chúa là Đấng Cứu Độ thế gian”. Khi suy nghĩ về đời sống mới của các tổ phụ tinh thần của chúng ta nơi đất Hứa, chúng ta được mời gọi suy niệm đời sống mới của chúng ta trong Đức Kitô: “Bằng cái chết, Người đã tiêu diệt sự chết nơi chúng ta, bằng việc sống lại, Người đã phục hồi sự sống cho chúng ta”. Khi suy niệm về các tổ phụ đã kỷ niệm sự giải thoát của mình bằng việc dự phần vào bữa tối Vượt Qua, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm việc chúng ta cử hành ơn cứu độ của chúng ta nơi bữa tiệc Thánh Thể: “Lạy Chúa Giêsu Kitô khi chúng con ăn bánh và uống chén này, chúng con tuyên xưng việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến”.

Khi mời gọi mọi người lên hiệp lễ, vị linh mục nói: “Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” hay là câu “Hạnh phúc thay những người được gọi đến dự bữa tối với Người”. Bữa tối hoặc tiệc đây không phải ám chỉ bữa tối sau hết nhưng là tiệc cưới của Con Chiên Thiên Chúa trên thiên đàng nơi mà các tín hữu của Chúa mừng Giao Ước tình yêu và trung tín (Kh 19,9). Bữa tiệc huy hoàng và đời đời là số phận của chúng ta bởi vì chúng ta nên một với Chiên Thiên Chúa ở trên trời.

Không có từ đơn giản nào mà thích hợp như một câu trả lời khi chúng ta nghe xướng: “Đây Chiên Thiên Chúa”, nhưng một cuộc suy niệm sâu xa về sự phong phú của tước hiệu này sẽ giúp chúng ta hiểu biết Chúa Giêsu tốt hơn và dẫn chúng ta tới dự phần đầy đủ hơn nơi bữa tiệc Thánh Thể của Chiên Thiên Chúa.

3. Đây Chiên Thiên Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.

Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.

Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.

Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.

Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.

Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.

Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.

Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.

Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con,
Xin thương xót con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) “Chiên Thiên Chúa” gợi lên những ý tưởng nào nơi bạn?

2) Là ‘con chiên của Chúa’ bạn phải sống thế nào cho xứng đáng danh hiệu ấy?

3) Thánh Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với tất cả ý nghĩa sâu xa của danh hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Hôm nay, nếu phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người chung quanh, bạn sẽ dùng danh hiệu nào?

4. Giới thiệu Chúa Kitô – ĐGM. Vũ Duy Thống

Nếu khởi đầu Mùa Quanh Năm là sự nhận diện thiên tính của Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa nơi sông Giođan và cũng là nhận diện phẩm giá Kitô hữu khởi đi từ ngày họ lãnh phép Rửa Tội, thì Chúa Nhật thứ hai Thường Niên được xem như một khai triển phẩm giá ấy về mặt sứ vụ. Thật vậy, đảm nhận cuộc sống làm người và đón nhận cuộc đời làm con Chúa, tín hữu không chỉ sống đơn lẻ mà còn sống giữa những người khác, thế nên nét tươi tắn nhất trong sứ vụ của họ là giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ xung quanh mình. Nhưng vấn đề là phải làm sao để giới thiệu Chúa Kitô cho có hiệu quả.

Dựa trên trang Tin Mừng hôm nay về việc Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ đương thời, ta gặp thấy những tiêu chuẩn xác định hiệu quả cho việc giới thiệu ấy.

1) Giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân

Đây là tiêu chuẩn quan trọng có khả năng đi vào lòng người, bởi lẽ “con người hôm nay ít thích nghe những lời dạy cho bằng nghe những chứng tá” (Gioan Phaolô II). Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một học thuyết, thì dẫu chủ quan mình có nắm vững và say mê, Đức Kitô ấy vẫn chỉ là một lý tưởng còn xa lạ chưa đụng chạm thiết thực với đời người. Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một hệ thống tín điều, thì dù cho có xác tín đến đâu, Đức Kitô ấy vẫn còn xa vời, chưa phải là điểm quy chiếu thiết thân cho cuộc sống.

Thế nên, tiêu chuẩn hàng đầu là cần giới thiệu Đức Kitô như một Đấng mà mình đã tiếp cận, gặp gỡ và kết thân. Hiện nay mình đang sống trong Người như kiểu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, và do thúc bách bởi sự sống ấy mà mình giới thiệu Người cho người khác. Người là khởi điểm đồng thời cũng là đích điểm cho việc giới thiệu này.

Với kinh nghiệm bản thân, ta giới thiệu sự xác tín của ta vào Đức Kitô và đó cũng chính là sự khả tín của điều ta giới thiệu.

Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã không làm điều gì khác ngoài việc giới thiệu qua chứng từ về một kinh nghiệm ở ngôi thứ nhất số ít: “Tôi đã thấy và tôi xin làm chứng”.

2) Giới thiệu Đức Kitô là Đấng Cứu Độ

Có một thực tế không thể phủ nhận là khi giới thiệu Đức Kitô, thường ta hay rơi vào một trong hai thái cực:

Hoặc quá chủ quan: giới thiệu một Chúa Kitô không như Người là mà như mình tưởng, mình nghĩ. Coi chừng! Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng xem ra con người lại có khuynh hướng nắn đúc một Thiên Chúa theo như mình nghĩ, “giống hình ảnh con người”. Có lẽ chuyện dân Do Thái ở Ai Cập năm xưa lấy hình ảnh bò vàng làm tượng thờ phải được xem như một kinh nghiệm đau lòng.

Hoặc quá chung chung: giới thiệu một Chúa Kitô không minh bạch xác đáng, có nguy cơ giản lược đánh đồng coi Kitô giáo cũng chỉ là một trong nhiều tôn giáo ngang hàng và Đức Kitô không còn là Đấng Cứu Độ duy nhất nữa. Có lần đến thăm nhà một tân tòng, tôi gặp thấy cảnh tổng hợp nhiêu khê: truyền thống gia đình ông bà cha mẹ theo Phật Giáo, con trai theo Tin Lành, cô gái vào Công Giáo, còn cậu em là đối tượng một đảng nên không theo tôn giáo nào. Bà mẹ gia đình nói trổng như muốn phân bua về việc tự do chọn lựa niềm tin của con cái: “Ôi! Đạo nào cũng tốt, đều dạy ăn ngay ở lành cả ấy mà”. Trong suy nghĩ của người mẹ này, Đức Kitô cũng ngồi chung chiếu với những vị cổ võ đạo đức nhân sinh. Thế thôi.

Thiết nghĩ, giới thiệu Đức Kitô là phải trình bày cho thấy Người là Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại, là Đấng Cứu Độ trần gian, là Đấng từ trời xuống để đem ơn giải thoát đến tất cả mọi người và đạt tới từng người. Nét độc sáng của Kitô giáo chính là đây. Và Đức Kitô sở dĩ thiết thân đối với người đời bởi Người chính là Đấng Cứu Thế.

Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dứt khoát giới thiệu Đức Kitô cho dân chúng bằng một hình ảnh đặc biệt cho thấy Người là Đấng Cứu Độ: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.

3) Giới thiệu Đức Kitô nhờ Thánh Thần

Giới thiệu Đức Kitô là công cuộc dài hơi, thậm chí là công việc một đời, vì thế đòi hỏi người giới thiệu không chỉ như kẻ chào hàng tiếp thị, mà phải đầu tư để học biết và học hiểu, học tập và học hành, học ngang và học dọc, học tới và học lui; nghĩa là phải nỗ lực hợp tác với ơn thánh bằng vận dụng hết công suất những khả năng Chúa ban mà chu toàn nghĩa vụ cũng là ý nghĩa cuộc đời mình. Ngày nào còn là Kitô hữu, ngày đó còn phải gắn bó và giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Đó là yếu tố thuộc về căn tính.

Giới thiệu Đức Kitô cũng là một công trình thuộc về sứ vụ truyền giáo của mọi thành viên trong Giáo Hội, nghĩa là thuộc về lẽ công bình. Ai đã nhận được lẽ sống Đức Kitô thì cũng canh cánh bên lòng một đòi buộc phải tiếp nối sứ mạng giới thiệu sự sống ấy cho những người mình gặp gỡ trong mọi cảnh ngộ cuộc đời. Chả thế mà sứ vụ cũng đồng nghĩa với sự lên đường. Đồng quà tấm bánh có thể giữ lại chứ sự sống mà giữ lại thì cũng đồng nghĩa với sự thui chột ngột ngạt ngay trong vòng tay ôm chặt của người sở hữu.

Giới thiệu Đức Kitô như thế cũng là cuộc hiến thân làm chứng, đón nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, quên mình xóa mình, thao thức miệt mài, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Không dễ dàng, không dễ dãi và không dễ chịu. Thế nên đó là một công trình sức người tự mình không làm nổi ngoài ơn của Thánh Thần. Vả chăng chính Thánh Thần mới giữ vai trò chủ động trong công trình lớn lao này, còn con người dẫu hết lòng hết sức cũng chỉ là dụng cụ góp phần.

Nếu hôm qua Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dựa vào dấu chỉ Thánh Thần để nhận biết Đấng Cứu Thế: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần”, thì hôm nay tín hữu cũng dựa vào Thánh Thần để chu toàn sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho người đồng thời với mình.

Tóm lại, giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân, giới thiệu Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và giới thiệu Chúa Kitô nhờ Thánh Thần. Đó là những tiêu chuẩn giúp cho việc giới thiệu này mang lại hiệu quả mong muốn.

Vì thế, Kitô hữu không chỉ là người mang Chúa Kitô trong mình, không chỉ thuộc về Chúa Kitô mà còn là người phải giới thiệu Chúa Kitô cũng như biết cách giới thiệu Chúa Kitô làm sao cho có hiệu quả nữa. Như một người chào hàng không mệt mỏi, như một chứng nhân luôn trung thành, và như một lẽ sống hạnh phúc, ta quyết chí lên đường.

Trong buổi chia sẻ của những tân tòng lớp trước dành cho lớp sau, một cô gái mười sáu tuổi đã chân thành cho biết lý do mình gia nhập đạo Công Giáo: “Tôi theo đạo vì lúc nhỏ học chung với một người bạn Công Giáo. Bạn ấy rủ tôi đi lễ, tôi đi theo dẫu chẳng hiểu gì. Nhưng vì bạn ấy đối xử tốt với tôi, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của bạn ấy, dần dà tôi hiểu ra lẽ đạo và cuối cùng tôi tìm đến với lớp giáo lý khai tâm, và hôm nay được nhận Bí tích Thanh Tẩy”.

Mong rằng đây không chỉ là chuyện cá biệt mà là chuyện điển hình đã được nhân lên trong mọi cộng đoàn tín hữu.

5. Tôi đã thấy (Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Biết một người là đi vào một mầu nhiệm.

Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định: "Tôi đã không biết Người" (cc 31-33). Cho đến khi làm phép rửa cho Đức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia. Dù Đức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x.Lc 1,36), dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.

Và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x.Mt 3,14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự. Được Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.

Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia. Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Đức Giêsu lúc Ngài được ông ban phép rửa. Bây giờ có thể nói ông đã biết Đức Giêsu. Ông đã biết sau khi ông đã thấy.

Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban, Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín. Ông vui lòng giới thiệu Đức Giêsu cho môn đệ mình. Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26). Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30). Làm chứng cho Đức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng. Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Đức Giêsu.

Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn. Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc. Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng.

Biết một người là chuyện khó.

Biết Đức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều.

Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này, nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo.

Để biết Đức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình. Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng. Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng. Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường, qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp.

Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế. Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Đức Kitô, để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài. Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư, là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài, là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình, thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.
Gioan đã làm chứng cho dân về Đấng họ đang đợi.

Con người hôm nay đang đợi ai?

Đức Giêsu do chúng ta trình bày và sống có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?

Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.

Gợi Ý Chia Sẻ

• Theo ý bạn, thế nào là biết một người? Có bao nhiêu mức độ khác nhau trong việc biết một người? Bạn biết Đức Giêsu ở mức độ nào?

• Gioan giới thiệu Đức Giêsu là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian." Còn bạn sẽ giới thiệu Đức Giêsu như thế nào cho con người hôm nay?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ. Xin cho con thấy Chúa thật bao la, để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống. Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu, để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất. Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho con thật mạnh mẽ, để không nỗi thất vọng nào còn chạm được tới con. Xin làm cho con thật đầy ắp, để ngay cả một ước muốn nhỏ cũng không còn có chỗ trong con. Xin làm cho con thật lặng lẽ, để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi. Xin Chúa ngự trong con thật sống động, để không phải là con, mà là chính Ngài đang sống.

6. Ý nghĩa của tình liên đới (Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Bài Phúc Âm nói đến ‘ngày hôm sau’, tức là ngày sau khi Gioan Tẩy Giả trả lời cho người Do Thái đến hỏi về sứ mệnh của ngài, và tuyên bố rằng ngài không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngài nói: “Ở giữa các ông có một người mà các ông không biết. Đấng ấy đến sau tôi” (1,26). Danh từ ‘Con Chiên Thiên Chúa’ rất thông thường trong ngôn ngữ thánh sử Gioan, nhất là trong sách Khải Huyền của tác giả. Nó chỉ Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô hiến tế mình để giải phóng và hồi sinh nhân loại. Cách gọi này rất nhiều ý nghĩa đối với môn đệ Gioan là những người biết rõ nghi thức ăn tiệc chiên Vượt Qua và việc sát tế hằng ngày một con chiên trong Đền thờ, làm của lễ đền tội cho dân chúng. Con Chiên gánh tội trần gian là con chiên tự hiến làm lễ giải phóng dân chúng, theo như các bài ca của ngôn sứ Isaia về Người Tôi Tớ Giavê. Điều này không có nghĩa là các môn đệ hiểu rõ ngay. Nhưng Gioan Tẩy Giả dùng cách nói trên chuẩn bị cho họ hiểu rõ sau này.

Trong đời ta, có khi ta nghe một lời nói, hay trải qua một biến cố mà ngay lúc đó ta chưa thấy rõ tất cả ý nghĩa; chỉ về sau Chúa mới cho ta khám phá ra tất cả tầm mức của nó. Ở đây ta lưu ý tới hai điểm:

1) Tội trần gian.

Trần gian có nghĩa là nhân loại. Tác giả Phúc Âm dùng tiếng ‘tội’ ở số ít (không phải ‘các’ tội lỗi). Như thế ông làm nổi rõ sự liên đới của mọi người trong tai họa sự ác. Nhưng tình liên đới đó trở nên yếu tố thuận lợi cho sự cứu rỗi. Tất cả mọi người đều đồng hưởng ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại. Ơn cứu độ rộng mở đón nhận bất cứ ai. Điều tiên quyết đòi hỏi nơi họ là không từ chối lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, ít ra không từ chối một cách tội lỗi. Không được tẩy xóa khỏi tội lỗi, thì nhân loại sẽ bị kết án. Nhờ Đức Kitô, nhân loại được cứu thoát.

Một khi đã ý thức về tình liên đới của ta trong tai họa tội lỗi, chúng ta hãy cố gắng lật ngược ý nghĩa của tình liên đới ấy bằng cách đi sâu vào con đường hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô Cứu Chúa.

2) Phần tôi, tôi đã không biết Người.

Thế ra trong thời gian lâu dài, Gioan đã làm việc, giảng thuyết với ý thức đơn giản là để tuân theo một sứ mệnh mà không biết rõ Đấng mà ngài loan báo. Phải chăng đó là một trong những nét của một ơn gọi chân chính? Người có sứ mệnh chuẩn bị cho Đức Kitô đến trong một linh hồn, một môi trường, trong thế gian phải chấp nhận trường hợp có thể xảy ra là chính mình lại không thấy hiển nhiên rằng Đức Kitô đang ngự đến đó. Phải kiên nhẫn làm việc trong đức tin. Hãy để cho Chúa tự do chọn lựa thời giờ mà một dấu hiệu xảy tới, nếu có, báo tin Đức Thánh Linh ngự xuống.

7. Ơn gọi

Qua việc Chúa gọi Samuel, Gioan, Andrê và Simon, chúng ta nhận thấy, mỗi người có một trường hợp riêng, nhưng tất cả lại qui về một mối duy nhất.

Thực vậy, trong cả bốn trường hợp trên thì sáng kiến kêu gọi luôn luôn là sáng kiến của Chúa, chứ không bao giờ là sáng kiến của chính cá nhân, của chính bản thân các ông.

Samuel thì được Chúa kêu gọi trong đền thờ, giữa đêm khuya thanh vắng. Còn Gioan, Andrê và Phêrô thì lại được kêu gọi giữa thanh thiên bạch nhật trên bờ biển. Tất cả các ông đều chứng thực lời Chúa đã phán với các ông sau này:

- Không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con và sai các con đi để các con sinh nhiều hoa trái.

Tiếp đến, tất cả các ông, một khi đã nghe biết tiếng gọi của Chúa, đã mau mắn bước theo Chúa, không một chút do dự. Thế nhưng, mỗi người một cách khác nhau tùy theo hoàn cảnh của mình và cách thế mình được kêu gọi, cũng như theo nhiệm vụ mình được trao phó.

Đúng thế, Samuel được gọi trực tiếp từ thuở nhỏ, nhưng phải nhờ thày cả Heli thì mới hiểu được sứ mệnh Chúa ủy thác. Gioan và Andrê hoàn toàn bị thúc đẩy bởi tính tò mò tự nhiên, nhưng cũng đã phải nhờ tới thầy mình là Gioan Tiền hô mới nhận biết Đức Kitô chính là Thiên Chúa, chính là Đấng Cứu thế muôn dân mong đợi. Còn Simon Phêrô, được anh là Andrê tiến cử và sau đó Chúa Giêsu mới chính thức kêu gọi ông bằng cách đặt cho ông một tên mới. Nếu Gioan, Andrê và Phêrô đều là những tông đồ của Chúa, thì vai trò của mỗi ông trong lòng Giáo hội lại rất khác biệt nhau.

Còn chúng ta thì sao? Nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy tất cả chúng ta đều đã được Chúa kêu gọi nhưng theo những cách thức khác nhau. Đúng thế, người thì nhận ra tiếng Chúa gọi ngay từ thuở nhỏ, nhưng đến sau mới nhận được ơn soi sáng. Người thì trung thành tiến tới từng bước một, kẻ thì sốt sắng lúc ban đầu, nhưng rồi dần dần trở nên nguội lạnh.

Đồng thời chúng ta cũng được Chúa trao phó cho những nhiệm vụ khác nhau, tùy theo hoàn cảnh gia đình và xã hội, cũng như tùy theo khả năng riêng của mỗi người. Nhưng tất cả chúng ta đều phải hợp nhất trong một thái độ căn bản, là muốn trao về cho Đấng chúng ta tin, tất cả những gì thuộc về chúng ta như lời thánh Phaolô đã diễn tả:

- Thân xác chúng ta thuộc về Đức Kitô, nó sẽ được phục sinh.

Hay nói một cách khác:

- Thân xác của chúng ta là chi thể của Đức Kitô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Thân xác chúng ta.

Hay nói đúng hơn, tất cả con người chúng ta ngày càng phải thuộc về Chúa hơn. Và chúng ta chỉ thuộc về Chúa một cách dứt khoát và trọn hảo khi đã đi hết đoạn đường đời của chúng ta.

Mỗi người chúng ta có một hoàn cảnh, một sứ mạng riêng biệt. Thế nhưng, chúng ta cùng theo đuổi một mục đích là làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Cũng như trong một cơ thể, nhiệm vụ của tay khác với chân, nhiệm vụ của mắt khác với răng. Tuy nhiên, tất cả cùng theo đuổi một mục đích chung đó là sự sống còn và phát triển của cơ thể. Mặc dù chúng ta có những khác biệt, nhưng liệu tất cả chúng ta đã mau mắn đáp trả tiếng Chúa gọi hay chưa?

8. Đền đáp ân tình

Huyền thoại Ấn Độ kể rằng: Thuở trái đất này còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không bao giờ từ chối người nào.

Ngày kia, một lão ông lom khom chống gậy tới than thở với thỏ Pôlixa:

- Suốt mùa nước lũ vừa qua, lão không có gì để ăn, đói lả người, chắc lão sẽ chết nay mai thôi. Trước khi chết, lão chỉ xin một miếng thịt thỏ mà lão rất thèm thuồng bấy lâu. Vậy thỏ Pôlixa có cho lão được không?

Thỏ Pôlixa nhìn ông lão hom hem yếu đuối, tội nghiệp, liền nói:

- Được rồi, ông chờ cháu một lát.

Thế là Pôlixa vội đi kiếm củi, xếp thành đống, mồi lửa và nói:

- Ông chờ thịt cháu chín, rồi ông lấy àm ăn nhé!

Nói xong, thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên, lửa tắt, ông lão biến mất. Thì ra đó là một vị thần được sai tới để thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.

Huyền thoại nào cũng mang một sứ điệp cho con người. Nếu thỏ Pôlixa là hình ảnh của những ai biết hy sinh thân mình cho kẻ khác, thì “Con Chiên” trong Tin Mừng hôm nay chính là hiện thân của Đấng đã hiến thân vì nhân loại. Đó là Đức Giêsu Kitô mà Gioan đã giới thiệu với các môn đệ của ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29).

- Chỉ có Con Chiên thanh sạch, hiền lành, bị sát tế không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi.

- Chỉ có Đấng vô tội mới có thể chết thay cho các tội nhân.

- Chỉ có Phép rửa trong Thánh Thần, chính là Máu Đức Giêsu mới có thể tẩy xóa tội lỗi và ban ơn thánh hóa.

Qua lời chứng của Goan Tẩy giả, Giáo hội mời gọi chúng ta yêu mến và đền đáp công ơn cứu chuộc của Đức Giêsu. Đồng thời, cũng kêu gọi chúng ta hãy đi làm nhân chứng cho Người.Tình yêu đáp lại tình yêu, ân tình đền đáp ân tình, đó là qui luật cơ bản nhất của con người. Niềm tin của người tín hữu Kitô thiết yếu là sự đáp trả ân tình của Chúa.

• Đáp trả ân tình của Chúa không chỉ là thiết tha yêu mến Người, mà còn là quyết tâm sống hiến thân như Người đã sống.

• Đáp trả ân tình của Chúa không chỉ là nhìn nhận những ân huệ Người ban, mà còn luôn biết mở rộng lòng ra để sống quảng đại với anh em.

• Đáp trả ân tình của Chúa không chỉ là biết yêu thương con người, mà còn là yêu thương không mong đền đáp, là cho đi không tính toán thiệt hơn.

Những người quảng đại đáp trả ân tình của Chúa cũng là những chứng nhân. Làm chứng cho Đức Giêsu là để cho Người nói năng và hành động qua chúng ta. Làm chứng cho Đức Giêsu là để cho Người dùng cuộc sống chúng ta để tha thứ và yêu thương. Làm chứng cho Đức Giêsu là để cho Người mượn con người của chúng ta để tiếp tục hiến thân cho nhân loại.

Top