Chúa nhật 24 Thường niên năm B (+video)

Chúa nhật 24 Thường niên năm B (+video)

Chúa nhật 24 Thường niên năm B (+video)

Mc 8,27-35
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác Thập Giá mình mà theo. (Mc 8, 34)

Chúa Giêsu gây rất nhiều phiền toái cho mọi người, nhất là cho những ai muốn theo Ngài. Ngài đòi hỏi quá nhiều. Và những điều Ngài đòi hỏi thường đi ngược lại với bản năng của con người. Ngài mời gọi theo con đường hẹp, và qua cửa hẹp, vác Thập Giá mỗi ngày. Ngài còn đòi hỏi phải từ bỏ tất cả, kể cả chính bản thân.

  Người tín hữu phải theo gương Chúa Giêsu mà theo Chúa Giêsu còn khó hơn leo núi. Chiều cao của ngọn núi này không thể đo được bằng thước trần gian. Càng leo càng thấy cao và càng thấy dốc, làm sao đôi lúc tránh được cơn cám dỗ ác hại nhất là bỏ cuộc vì nản lòng.

1. Phải từ bỏ chính mình. (Mc 8, 34)

Theo Chúa Giêsu nhiều khi chúng ta phải để cho Ngài cắt tỉa như người thợ vườn nho cắt tỉa cây nho. Có để cho Chúa làm như thế, chúng ta mới có thể trở nên dụng cụ trong tay của Ngài.

Một nông dân trồng bụi tre nơi gốc vườn. Thân tre mỗi ngày một cao lớn, thẳng nuột. Ngày kia người ấy đến nói với cây cao nhứt:

- Này bạn, ta cần bạn.

- Thưa ông, tôi sẵn sàng. Ông cứ sử dụng tôi theo ý ông.

- Được ta sẽ xẻ ngươi ra làm đôi.

Nghe thế, cây tre phản đối:

- Xẻ tôi? Sao vậy? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu? Xin ông đừng... Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin ông đừng xẻ tôi ra.

- Nếu không xẻ ra thì ngươi chẳng được việc gì.

Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài:

- Thưa ông, nếu còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông.

- Tôi sẽ tước bỏ hết các cành của anh.

- Ông tước cành tôi à? Như vậy, còn gì là vẻ đẹp của tôi, lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế.

- Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.

Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa:

- Thưa ông, xin ông chặt tôi đi.

Ông chủ nói:

- Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn, nếu không, ta không thể dùng bạn được.

Cây tre cúi rạp xuống đất nói:

- Thưa ông, xin ông cứ  việc chặt, dùng tôi theo ý ông.

Người nông dân chặt trẻ, tước cành, xẻ đôi, và lóc mắt làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu. (Minh họa Lời Chúa)

2. Vác Thập Giá mình hằng ngày (Mc 8, 34)

Mùa Chay 1995, cha Nguyễn Huy Lịch thuộc Dòng Đa-minh được mời đến Tân-định để nói chuyện với các bạn trẻ về mầu nhiệm thập giá. Ngài phải ngồi xe lăn để trao đổi, vì hai chân của ngài đều bị cưa mất một khúc. Được hỏi Thánh Giá là gì, cha ngẫm nghĩ một lúc rồi gật gù trả lời:

“Thánh Giá là cái mình không chờ, không đợi mà nó đến, hoặc chờ đợi mãi mà chẳng thấy đến, chẳng hạn như tôi có nghĩ, có mong đợi mình bị cụt chân đâu, nhưng rồi hai chân cũng đã không còn lành lặn. Đau khổ của tôi không hệ tại mất hai bàn chân nhưng là thấy mình hoàn toàn bất lực, và luôn phải làm phiền đến người khác, trở nên gánh nặng cho anh chị em của mình. Và tôi chỉ tìm lại được bình an, khi khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ của mọi người.

Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, kiểu nói “vác thập giá” không có ý đề cao hãm mình hay từ bỏ, không đòi hỏi cần phải nhẫn nhục chịu đựng mọi cơ cực lớn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày; càng không đề cao sự đau khổ như phương thế làm đẹp lòng Chúa.

“Vác Thập giá” có nghĩa là: kết hợp với Chúa trong việc cống hiến cho mọi người một bằng chứng lớn nhất của tình yêu: tiêu hao sự sống mình với Chúa, cho tình yêu mình đối với Thiên Chúa và người xung quanh.

Ngày nay, việc vác Thập Giá như thế không dễ, vì theo Đức Thánh Cha, đang có một thứ “văn hoá” rất phổ biến và làm các bạn trẻ sợ dấn bước vào con đường Chúa đã đi. Đó là “văn hóa của sự phù du” vốn chỉ coi những gì dễ chịu hoặc xinh đẹp mới có giá trị, và muốn ta tin rằng cần phải xa lánh thập giá mới được hạnh phúc.

Thực ra, việc đó chỉ có khả năng dẫn ta đến một thành công nhất thời, một nghề tạm bợ, một tính dục tách biệt khỏi mọi ý thức trách nhiệm, một cuộc sống tập trung vào việc khẳng định mình và coi thường kẻ khác. Đó chỉ là con đường của sự chết.

Ngược lại, vác thập giá là: con đường của sự sống cho ta mặc lấy và canh tân tinh thần của Đức Kitô trong ta, dẫn ta đến chỗ tín thác vào Người và chương trình cứu rỗi của Người, dẫn tới cứu rỗi, dẫn đến hạnh phúc của người theo Đức Kitô đến cùng, con đường không sợ thất bại, khó khăn, cô lập, cô đơn, vì nó lấp đầy tâm hồn ta bằng sự hiện diện của Chúa Giê-su; con đường của bình an, tự chủ và tràn đầy niềm vui.

Lạy Chúa, Chúa đã dùng Thập giá mà cứu chuộc thiên hạ. Xin thương xót chúng con. Amen.

Top