Chúa gìn giữ gia đình tôi
TGPSG -- Năm 1946, ba mẹ tôi lập gia đình khi mẹ tôi mới 18 tuổi và ba tôi kém mẹ tôi một tuổi. Quê nội ở Thanh Hóa còn quê ngoại ở Ninh Bình.
Ông nội tôi là thầy thuốc bắc nên người ta gọi là ông lang cũi. Bà nội tính tình rất hiền lành và rất tin tưởng vào Chuá Giêsu và Đức Mẹ Maria. Mỗi lần có pháo kích, mọi người chạy xuống hầm trú ẩn nhưng bà nội tôi lại kéo tay mẹ tôi đến núp dưới chân bàn thờ. Bà nói:”Không chạy đi đâu, con cứ trú ở đây, đừng sợ gì cả.”
Năm 1954, ba mẹ tôi cùng bốn người con di cư vào Nam. Năm 1955 mẹ sinh ra tôi và tiếp tục mỗi năm lại có thêm một đứa em ra đời. Mặc dù tuổi còn trẻ chưa đến ba mươi nhưng mẹ tôi đã có dến 8 người con: 3 trai và 5 gái. Tôi là thứ năm trong gia đình, thân hình gầy ốm nên ba thương tôi nhất.
Đất nước chia hai nên gia đình tôi không có tin tức gì bên nội. Năm 1961, được tin bà nội mất nên ba mẹ tôi đã xin lễ cho bà.
Sau dó, ba tôi đi lính Địa phương quân và phụ trách kế toán trong đơn vị. Mẹ tôi mở tiệm sách vở học sinh ở phố Hai Bà Trung, phường Tân Định, quận Nhất. Cuộc sống gia đình tôi lúc đó tương đối khá giả nhưng chưa thực sự êm ấm vì ba mẹ tôi thỉnh thoảng gây chiến với nhau. Có lẽ vì vậy nên năm tôi mười tuổi, mẹ đã bán nhà Hai Bà Trưng và mua nhà ở đường Trương Minh Giảng cũng mặt tiền đường (bây giờ là đường Nguyễn Văn Trổi, quận Ba). Mẹ tôi cũng tiếp tục việc bán sách vở và văn phòng phẩm đồng thời xây cất lên ba tầng lầu. Cũng từ đây, ba mẹ tôi chia tay nhau khi tôi mới được mười một tuổi. Chẳng hiểu sao tôi và các anh chị em vẫn vô tư trong những tháng ngày sống cùng me.
Công việc buôn bán của mẹ tôi lúc này không được thuận lợi như trước kia. Tiền sinh hoạt cho việc ăn uống, tiền học của 8 đứa con khiến mẹ tôi rất vất vả, lại thêm khoản tiền vay nợ khi xây nhà. Một phần vì anh trai cả chỉ biết ăn chơi mà chúng tôi thì còn nhỏ nên chẳng thể phụ giúp gì được cho mẹ.
Đến lúc anh tôi tới tuổi quân dịch, mẹ tôi phải lo tiền cho anh cả vào cảnh sát áo trắng. Năm 1962, mẹ tội lại phải bán căn nhà ở đường Trương Minh Giảng và chuyển về Thị Nghè, lúc ấy tôi đang học lớp đệ lục trường Regina Pacis (trường Nữ Vương Hòa Bình) Tú Xương, quận Ba.
Do chuyển chỗ ở nên đường từ nhà đến trường hơn mười cây số, chị em tôi phải đi bộ mỗi ngày. Rồi có những lúc tôi phải lội bộ từ Thị Nghè đến chợ Phú Nhuận để mượn tiền của cô Hinh về cho mẹ. Nhưng rồi cuối cùng, căn nhà ở Thị Nghè cũng bị mẹ tôi sang lại cho người khác vì những tháng ngày sau này, mẹ tôi không buôn bán gì hết, số tiền bán nhà trước kia cũng không còn.
Thế là bắt đầu từ đây, cuộc sống gia đình tôi thật sự khó khăn, là những tháng năm ở nhà thuê nên không cố định một nơi nào. Khi thì ở giáo xứ Bùi Phát, lúc thuê nhà ở giáo xứ Kì Đồng và tiếp theo là giáo xứ An Phú.
Chị và các em tôi mất một năm phải theo học lớp buổi tối ở trường Trương Minh Giảng vì không có tiền đóng học phí nếu theo học trường tư thục buổi sáng. Năm đó, tôi học lớp đệ ngũ. Họ hàng bảo mẹ tôi cho chúng nó đi làm chứ con gái học làm gì khi nhà gặp khốn khó nhưng mẹ tôi vẫn cương quyết không để chúng tôi bỏ học. Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu hết nỗi ưu tư của mẹ và tôi nghĩ nếu không có Đức Mẹ Maria và hồng ân của Chúa Giêsu ban xuống cho gia đình thì không biết gia đình tôi sẽ sống ra sao. Thực sự, gia đình tôi đang lâm vào cảnh bế tắc về kinh tế.
Có lẽ trong nỗi lo lắng vô vàn, những lời nguyện kinh của mẹ tôi đã được Chúa và Mẹ Maria xót thương. Mẹ tôi kể rằng, mẹ đã thấy Đức Mẹ hiện ra trong giấc ngủ nhưng Mẹ Maria không đứng như chúng ta vẫn thấy trong nhà thờ mà Mẹ ngồi trên ghế. Đức Mẹ nói rằng: “Con đừng lo, mọi sự đã có Mẹ lo liệu.”
Và quả thật, những may mắn đến với gia đình đã giúp cho đời sống kinh tế của gia đình tôi tạm ổn định dù không giàu có gì.
Gần nhà tôi có một cô chuyên thêu hàng cho người ta. Mỗi lần rảnh rỗi, tôi và chị kế thường đến nhà cô đó chơi và tập thêu. Tôi thì thuận tay trái nên cô ấy nói muốn làm thì phải tập tay phải. Về nhà, tôi bắt đầu tập thêu bằng tay phải. Lạ thay, tôi chỉ tập một hai ngày là thêu được ngay. Tôi đem mẫu cho cô xem và từ đó tôi và chị gái sau giờ học sang nhà cô để phụ thêu hàng. Thấy chị em tôi có tiến bộ tốt nên cô đến nhà gặp mẹ tôi xin cho chúng tôi phụ cô làm hàng, cô sẽ trả tiền ăn quà. Mẹ tôi nói với cô ấy: "Thú thật với cô, nếu chúng nó làm được thì để chúng làm lấy tiền sinh sống chứ tôi giờ chẳng còn tiền để nuôi chúng chứ nói gì đến ăn quà.” Thế là nhờ có nghề thêu mà gia đình tôi đã vượt qua được cơn khủng hoảng, bế tắc về kinh tế, chị em tôi vẫn có thể tiếp tục đến trường. Năm đó, tôi mới được mười bốn tuổi, còn đứa em trai út mới mười một tuổi.
Ngoài anh cả, anh Đức sinh năm 1949 là anh trai thứ hai thì kém may mắn hơn anh cả nên đến tuổi đi lính thì mẹ tôi chẳng còn tiền. Vì vậy, anh đăng kí đi lính nhảy dù.
Thời điểm sau Tết Mậu thân 1968, chiến tranh dữ dội nên anh đã trốn ở nhà khoảng một năm. Bấy giờ việc kiểm tra rất gắt và vì sợ anh hai tôi bị bắt đi lao công chiến trường nên mẹ đã nhờ bác tôi xin cho anh vào lính địa phương quân ở Biên Hòa. Năm đó, anh hai tôi vứa tròn hai mươi. Rất tiếc là đến năm 1972, anh và một người bạn trên dường từ Long Thành về trại thì bị xe Mĩ đụng, cả hai chết ngay tại chỗ, khi đó anh mới hai mươi ba tuổi.
Anh hai tôi mất đi đã để lại sự tiếc nhớ sâu sắc trong lòng chị em chúng tôi vì anh không những đẹp trai, hiền lành mà còn rất thương các em lúc sống cũng như khi mất đi. Nhờ có số tiền bồi thường mà mẹ tôi mua được một căn nhà trong con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 thuộc giáo xứ Hòa Hưng. Dù chỉ là căn nhà cấp bốn cũ kĩ, bề rộng chỉ 3 mét nhưng chiều dài được 16 mét. Tôi nghĩ đó cũng có thể là sự sắp đặt của Chúa, Người đã dang tay cứu giúp gia đình tôi thoát khỏi cảnh thuê mướn và anh hai tôi chắc sẽ được Chúa thương cho anh về nước Thiên đàng.
Tôi luôn cảm ơn Chúa đã cho tôi một người mẹ thông minh, mạnh mẽ luôn chở che, bảo vệ các con trong những lúc gian nan, dù sống nghèo khổ vẫn nghĩ đến tương lai con mình, không như một số bà mẹ chỉ biết hưởng thụ mà đẩy con cái ra ngoài dầm mưa dãi nắng kiếm tiền về đưa mẹ. Tôi cũng cảm tạ Chúa vì đã ban cho chị em chúng tôi sức mạnh tinh thần, sự kiên nhẫn giúp chúng tôi vượt qua giới hạn của bản thân để có thể vừa làm vừa học tập trong suốt bao năm qua.
Tôi không thể nào quên được những năm tháng cơ cực ấy. Mỗi ngày đi học về, ăn cơm xong, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, chị em tôi lại ngồi thêu thùa đến tận khuya bên chiếc đèn dầu, không có thời gian để ôn tập ở nhà. Bởi lúc mua nhà, mẹ tôi chưa xin gắn điện nên chủ yếu gia đình sử dụng đèn dầu vào mỗi chiều tối cho việc thêu thùa, học tập. Chỉ khi nào có bài kiểm tra, lúc đó tôi ráng tranh thủ xem lại bài.
Có lúc hàng gấp, chị em chúng tôi phải thức khuya đến một, hai giờ thêu cho xong bộ đồ để sáng mai ông chủ đem gởi đi nước ngoài. Cuộc sống gia đình tôi bấy giờ phụ thuộc vào nghề thêu này. Mẹ tôi thì đảm nhận việc nội trợ và giặt giũ cho chị em chúng tôi. Đứa em gái áp út do tuổi còn nhỏ chưa biết thêu nên có nhiệm vụ đi giao hàng. Thật thương cho em tôi, mỗi ngày đi bộ từ nhà đến đường Trần Quang Khải quận Nhất cũng mười mấy cây số.
Tôi nhớ một buổi sáng, tôi lãnh nhiệm vụ giao hàng, trên đường về nhà, tôi đã xỉu ngay trên vệ đường. Mọi người tưởng tôi bị trúng gió nên xoa dầu vào hai bên thái dương nhưng thực ra chỉ vỉ tôi đói bụng mà thôi. Sau khi tỉnh táo, tôi cảm ơn mọi người và lại tiếp tục đi bộ về nhà.
Tôi nhớ đến hai buổi tối đi học ở trường Hội Việt Mĩ về, mệt quá nên tôi đã ngồi trên sạp hàng ở đường Nguyễn Thông và lần nào cũng may gặp được người bạn đi ngang qua chở về nhà. Những việc này mẹ tôi không hề hay biết.
Tôi nhớ đến năm chị kế tôi học lớp đệ nhất, còn tôi học lớp đệ nhị trường Lê Bảo Tịnh. Vì năm đó chị tôi thi Tú Tài hai nên suốt 3 tháng chị chỉ ngồi học còn tôi đảm nhận việc thêu thùa cùng với hai đứa em gái. Chỉ khi có kết quả thi đậu thì chị mới thay tôi làm hàng và tôi chỉ có 3 ngày chuẩn bị cho kì thi Tú Tài một. Lần đó, tôi đã thi rớt nhưng may mắn thay, Bộ Giáo Dục đã bỏ kì thi Tú Tài một nên tôi không phải ở lại lớp mà được tiếp tục lên lớp đệ nhất học. Tôi nghĩ rằng may mắn này là do Chúa đã thương ban cho tôi vì nếu Bộ Giáo Dục không bỏ kì thi Tú Tài một thì tôi phải học lại thêm một năm nữa.
Tôi cũng không quên khi tôi thi Tú Tài hai thì chị tôi cũng vào Đại học. Vì vậy, những tháng gần đền ngày thi, tôi và chị gái thay nhau vừa thêu vừa ôn bài.
Tôi nhớ đến những tối thức khuya chong đèn dầu ôn tập, có lần thêu quá khuya nên lần lượt chị và em gái tôi ngủ gục chỉ còn mình tôi, mẹ đã thức cùng tôi cho đến sáng thì tôi vừa hoàn thành công việc cũng là lúc đến giờ tôi phải đi học luôn.
Việc thêu thùa kiếm sông khiến chị em tôi không có nhiều thời gian để ôn tập ở nhà, vậy mà năm nào chúng tôi cũng lên lớp. Và tôi thật may mắn khi tôi đã thi đậu Tú Tài hai năm 1974. Chúa Giêsu, Người đã lắng nghe tiếng tôi cầu nguyện: “Con thật muôn vàn cảm ơn Người, tình yêu của Ngài thật là vĩ đại!”
Tết Mậu Thân 1975, giải phóng miền Nam, một lần nữa, mẹ và chị em tôi rất lo lắng vì nếu không có hàng thêu thì gia đình sẽ sống ra sao?
Cũng may là chị Phương cùng con gái từ Vĩnh Long về ở nhà mẹ tôi nên nhờ số tiền ít ỏi của chị ấy, chúng tôi tạm thời sống qua ngày.
Những ngày sau đó, mẹ tôi lấy bún ở lò cho tôi ra bán ở chợ Hòa Hưng. Thú thật, tôi là đứa con gái ít nói lại nhút nhát, không lanh lợi nên việc buôn bán này chẳng mấy thuận lợi. Nếu kéo dài tình trạng này thì chẳng biết gia đình tôi sẽ như thế nào? Nhưng một lần nữa, Chúa lại đưa tay nâng đỡ gia đình tôi. Một ngày nọ, ông chủ đến nhà đưa hàng thêu cho chúng tôi. Cứ ngỡ sau giải phóng sẽ không thể tiếp tục làm vì những bộ quần áo thêu thùa này xem như hàng xa xỉ. Và rồi chị em tôi lại cùng những ngày quây quần chăm chỉ từng mũi kim thêu.
Hiện tại, tôi và chị gái đều có bằng Tú Tài nên ở nhà chỉ có 3 đứa em tôi đi học, chúng tôi không phải thức thâu đêm như trước kia mà chỉ thêu đến chiều là xong bộ đồ để đem giao.
Một thời gian, chị em tôi đã có thể đi làm nên cũng tạm biệt nghề thêu thùa. Chị lớn thì đã lập gia đình, chị kế và tôi đều là giáo viên Mầm Non. Các em còn lại cũng đã có việc làm. Tôi không sao quên những ngày tháng theo học trường Sư phạm Mầm non ở đường Tôn Đức Thắng, quận nhất. Từ một cô gái hiền lành, ốm yếu và nhút nhát, tôi trở nên mạnh dạn, bản lĩnh hơn. Tôi có thể hoàn thành tốt công việc lớp trưởng lớp A2, Bí thư chi đoàn khối A trường Sư phạm Mầm Non, trưởng đoàn giáo sinh của lớp khi đi thực tập Cần Giờ, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Long Hòa - huyện Cần Giờ, hiệu phó bán trú trường Mầm non - Q.5, quản lí bếp ăn tập thể cho khoảng 200 người….
Năm 1988, nhờ ơn Chúa, mẹ tôi đã mua thêm được căn nhà kế bên và nhờ thời gian vất vả nuôi heo mà mẹ tôi đã sửa sang căn nhà được khang trang hơn.
Quãng thời gian thăng trầm, cơ cực đã qua, gia đình chúng tôi đã ổn định về kinh tế, mẹ tôi và các chị em tôi không còn phải cơ cực như trước kia: “Gia đình con thật muôn vàn tạ ơn Chúa vì Người đã luôn che chở, ban nhiều hồng ân xuống cho gia đình chúng con bao nhiêu năm qua.”
Mỗi khi ra đường, nhìn thấy những người buôn bán lam lũ, vất vả, nghèo khổ, tôi thấy mình sống chưa xứng đáng với tình Chúa trao ban. Tôi thầm xin lỗi Chúa thật nhiều và tự nhủ mình phải sống và làm việc theo Lời Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời Chúa thánh hóa và biến đổi tâm hồn con. Chúng con luôn tin tưởng vào Người, trong những lúc gian nan, chúng con vẫn luôn tín thác vào Chúa.”
Phạm Kim Chi (TGPSG - Hòa Hưng 2023)
bài liên quan mới nhất
- Người Thầy chân chính
-
Thiên Thảo Đường: Điểm Hẹn của Người Nghèo -
Ơn gọi và ký ức về Bố -
Chiếc khăn thổ cẩm của Mẹ -
Có Chúa trong đời tôi -
Chiếc mền nhung phủ ấm tim con -
Viết cho người cùi, cho bạn, cho tôi... -
Các thiên thần nhỏ trong cô nhi viện -
Máy khoan và chiếc điện thoại Chúa gửi -
Và con tim đã vui trở lại
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ