Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
TGPSG/Aleteia.org --- Việc Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông là giáo lý của Hội Thánh Công Giáo - điều này được tuyên xưng mỗi khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính và được nhắc đến trong phụng vụ Thứ Bảy Tuần Thánh.
Đây không chỉ là một chi tiết phụ trong trình thuật cuộc Thương Khó, mà còn diễn tả một thực tại sâu xa, có liên hệ mật thiết với đời sống chúng ta hôm nay.
Thiên Chúa dùng các dấu chỉ trong thế giới hữu hình để mạc khải cho chúng ta thấy điều đang diễn ra trong thế giới vô hình.
Khi Chúa Giêsu giáng sinh, một ngôi sao đã xuất hiện. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi Người chịu chết, điều ngược lại xảy ra: một hiện tượng nhật thực bao phủ khắp đất, khiến bóng tối bao trùm để sự mất mát của thế giới trở nên hiển nhiên.
Các sách Tin Mừng còn thuật lại một trận động đất xé toạc bức màn trong Đền Thờ - bức rèm che nơi Cực Thánh mà người tội lỗi không được phép lại gần. Đó là một hình ảnh gợi mở rằng Cổng Vườn Ê-đen nay đã được mở ra cho nhân loại được trở về hiệp thông với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu mô tả địa ngục như một "hồ lửa." Hình ảnh này có thể khiến ta liên tưởng đến một nơi cô quạnh, tăm tối và đau đớn, nhưng thực ra đây chỉ là biểu tượng cho một thực tại thiêng liêng: tình trạng xa cách vĩnh viễn khỏi Thiên Chúa - chứ không phải một địa điểm cụ thể.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy:
“Sự chết trong tội lỗi mà không sám hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa có nghĩa là người ấy sẽ xa cách Thiên Chúa mãi mãi do sự chọn lựa tự do của chính mình. Tình trạng tự loại mình ra khỏi hiệp thông với Thiên Chúa và các thánh được gọi là ‘hỏa ngục’” (số 1033).
Trước cái chết và phục sinh của Đức Kitô, trước khi “cổng trời” được mở ra, đã có những người công chính thành tâm sám hối và sống trong niềm trông đợi Đấng Mêsia. Chúa Giêsu đã xuống với họ trước tiên để giải thoát họ.
Sách Giáo lý giải thích:
“Qua lời tuyên xưng 'Người xuống ngục tổ tông', Kinh Tin Kính khẳng định rằng Chúa Giêsu thật sự đã chết, và nhờ cái chết của Người, Người đã chiến thắng sự chết và ma quỷ - ‘kẻ cầm quyền sự chết’ - và Người đã mở cửa thiên đàng cho các bậc công chính đã qua đời trước Người” (số 636).
Sách Giáo lý còn trích dẫn một bài giảng cổ xưa của Giáo Hội trong Thứ Bảy Tuần Thánh để mô tả biến cố này:
“Hôm nay, một sự im lặng lớn bao trùm trái đất: một sự im lặng sâu xa vì Vị Vua đang an nghỉ… Người đã xuống để tìm kiếm tổ phụ của chúng ta, Adam, như một con chiên bị lạc… [và Người nói]: ‘Ta truyền lệnh cho ngươi, hỡi kẻ đang ngủ, hãy chỗi dậy! Ta không tạo ra ngươi để làm tù nhân trong địa ngục. Hãy đứng dậy từ cõi chết, vì Ta là sự sống của người đã chết.’”
Thánh Vịnh 40 có thể được xem như lời thở than của Adam, Eva và những người công chính Cựu Ước đang mong đợi Đấng Cứu Độ. Thánh Vịnh viết:
“Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu cứu. Người kéo tôi lên khỏi hố sâu, khỏi vũng bùn lầy.”
Vậy điều này có liên hệ gì với chúng ta?
Sách Giáo lý còn dạy rằng Chúa Giêsu đã đến để cứu “tất cả những ai vì sợ chết mà phải sống trong nô lệ suốt đời” (x. Dt 2,15; SGLHTCG số 635).
Điều này áp dụng cho chính chúng ta hôm nay. Khi chúng ta sống trong tội lỗi, bị giam hãm trong nỗi sợ, bị trói buộc bởi những chọn lựa sai lầm, Chúa Giêsu cũng xuống “địa ngục” của đời ta - để ở đó với ta và đưa ta ra khỏi bóng tối.
Một câu chuyện có thật được kể trong podcast Extraordinary Story minh họa cách Chúa cứu ta: Thomas Vander Woude, một người cha ở Virginia, đã chứng kiến con trai mình - một thanh niên 19 tuổi mắc hội chứng Down - rơi vào bể phốt. Không chút do dự, ông nhờ hàng xóm trợ giúp rồi nhảy xuống, ngụp lặn dưới lớp nước thải để đỡ con mình lên. Khi người khác kéo được cậu con trai lên bờ, người cha đã tắt thở vì ngạt khí.
Đó chính là điều Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta. Người thấy chúng ta đang chết đuối trong vũng bùn của tội lỗi, bị nhấn chìm trong bóng tối của tuyệt vọng, và Người đã bước xuống đó để nâng ta lên. Nếu Thánh Vịnh 40 có thể mô tả những người công chính xưa kia, thì Thánh Vịnh 69 có thể là tiếng lòng của chúng ta hôm nay:
“Lạy Chúa, xin cứu con, vì nước đã ngập đến cổ con. Con đã chìm trong bùn sâu, nơi không thể đứng vững.”
Chính trong tình trạng đó, Chúa Giêsu đến bên ta để cứu ta. Người vác ta lên vai Người và đưa ta đến nơi mà Hội Thánh mở tay đón ta qua các bí tích, đặc biệt là Bí tích Hòa Giải, để kéo ta ra khỏi địa ngục cá nhân và đưa ta vào sự tự do, sự sống mới, và ánh sáng của lòng thương xót Chúa.
“Ta không tạo ra ngươi để làm tù nhân trong địa ngục,” Người nói với mỗi chúng ta.
“Hãy đứng dậy, và chúng ta cùng đi.”
Tác giả: Tom Hoopes
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Aleteia.org
bài liên quan mới nhất

- Phòng Tiệc Ly: Nơi thế giới mãi mãi đổi thay
-
Ở Nhà - Ở Bệnh viện: Có gì khác? -
Chiếc khăn tinh tuyền -
Những quả bong bóng và tình yêu không mỏi giữa Mùa Chay -
Thánh Phaolô: Hành trình từ tội lỗi đến ân sủng -
Cải thiện sức khỏe tâm linh -
Ánh mắt của lòng thương xót -
Bên cạnh người thân đang đau nặng và hấp hối -
Suy tư của Thánh Gioan Phaolô II về tuổi già và mầu nhiệm sự chết -
Một thánh lễ thay đổi cuộc đời
bài liên quan đọc nhiều

- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Khôn ba năm - Dại một giờ -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái