Chẳng lẽ chính con sao?

Chẳng lẽ chính con sao?

Chẳng lẽ chính con sao?

TGPSG/CatholicExchange --- Chúng ta thử hình dung: điều gì đã diễn ra trong tâm trí Giuđa khi Đức Giêsu long trọng tuyên bố trong Bữa Tiệc Ly rằng, “Thật, Thầy bảo cho anh em hay: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,20-25)? Giuđa, cũng như các môn đệ khác, làm ra vẻ bàng hoàng và cất tiếng hỏi: “Chẳng lẽ chính con sao?” Liệu ông có nghĩ rằng mình có thể lừa được Thầy Giêsu chỉ bằng vẻ ngoài ngây thơ đó?

Có thể, ông nghĩ Thầy Giêsu chỉ là một người tự xưng là ngôn sứ, nói những điều chung chung, không thật sự biết rõ tương lai. Hoặc cũng có thể, ông nghĩ rằng Thầy Giêsu biết rõ ai là kẻ phản bội, nhưng nếu ông đánh lừa được các môn đệ khác, ông vẫn có thể giữ kín hành động của mình và giữ trọn số bạc ấy.

Kinh Thánh không ghi lại tâm trạng thật sự của Giuđa lúc ấy. Nhưng có một khả năng khác: biết đâu chính ông cũng không nhận ra mình là kẻ phản bội.

Tác giả M.C. Holbrook kể lại một trải nghiệm cá nhân giúp ta phần nào hiểu được điều này.

Mẹ cô là một trong sáu người con, ai cũng lập gia đình và có con cái, nên tuổi thơ của Holbrook gắn bó với đại gia đình, đầy ắp những buổi tụ họp bên bà ngoại và các anh chị em họ. Cô rất yêu những buổi tụ họp đông vui ấy. Tuy nhiên, cũng có những lần cô cảm thấy bị trêu chọc, như chuyện thường thấy giữa các trẻ nhỏ.

Nhiều năm sau, trong một cuộc trò chuyện với người chị họ, cô chia sẻ rằng những ký ức đẹp nhất thuở nhỏ của mình là những lần quây quần bên bà. Người chị ấy nhìn cô, nghiêng đầu mỉm cười và nói nhẹ nhàng: “Với chị thì không. Em lúc đó dữ lắm, hay bắt nạt chị.” Khi kể lại như thế, người chị ấy không giận, thậm chí còn cười vui vẻ, nhưng Holbrook thì sững người. Cô? Là kẻ bắt nạt? Trong khi cô luôn nghĩ mình là người bị tổn thương.

Những ngày sau đó, câu nói ấy cứ theo cô mãi. Cô bắt đầu nhớ lại: những lúc thấy nhẹ nhõm vì người khác bị nói xấu chứ không phải mình… những lần cô không lên tiếng bênh vực… và cả những lúc có thể chính cô đã hùa theo để cảm thấy mình thuộc về. Những chuyện cô tưởng đã quên, nhưng lại in đậm trong ký ức của người khác.

Cô gọi cho chị họ để xin lỗi, và chị ấy tha thứ một cách nhẹ nhàng: “Chuyện cũ rồi mà.” Điều khiến Holbrook đau lòng nhất, chính là cô không hề biết mình đã làm tổn thương người khác.

Có thể, Giuđa cũng ở trong một tâm trạng như vậy. Biết đâu, trong lòng ông, ông không nghĩ mình là kẻ phản bội. Có thể ông chỉ thấy mình như một môn đệ thất vọng - người đã đặt trọn hy vọng vào Đấng Mêsia, nhưng lại không thấy chương trình cứu độ được thực hiện theo cách thức hay theo thời điểm mà ông mong đợi.

Cũng không loại trừ khả năng, ông nghĩ rằng mình đang giúp Thầy “đẩy nhanh” sứ mạng. Trong thực tế, ông đã góp phần vào chương trình cứu độ, nhưng không theo cách ông tưởng.

Chỉ tiếc rằng… Giuđa đã không đủ can đảm để quay về bên Thầy, để thưa một lời: “Con xin lỗi.” Có thể lời ấy không thay đổi được gì. Nhưng Thầy Giêsu chắc chắn vẫn sẽ tha thứ cho ông.

Tình thương của Chúa luôn vượt qua tội lỗi của con người. Người luôn chờ đợi chúng ta trở về, chỉ cần ta dám thưa: "Lạy Chúa, xin thương xót con!"

Tác giả: M.C. Holbrook

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ CatholicExchange

Top