Cha và con
TGPSG -- Có một người cha đầy nhiệt huyết. Ông kết hôn với một phụ nữ từng mang danh “nữ sinh Gia Long”. Cũng như bao gia đình vào giai đoạn giữa thập niên 70 đến đầu thập niên 80, họ đối diện với trở ngại kinh tế nên đã đi vùng kinh tế mới theo chủ trương chung, rồi cho ra đời lần lượt ba đứa trẻ cách nhau từ 2 đến 5 năm.
Khởi sự
Và cũng như bao người Công giáo Việt Nam, ngoài việc nuôi dạy con cái, người cha này cũng giúp việc giáo xứ khi linh mục đảm trách cần đến, như sửa chữa tu bổ nhà thờ, để mắt đến thiếu nhi trong giờ sinh hoạt giáo lý… Nhờ đó, tình thân ái giữa ông và vị linh mục ấy rất thắm thiết.
Khi đứa con lớn của ông vượt tuổi 20, ông có nhiều dịp gần gũi cậu cả này nhiều hơn so với hai đứa em của cậu. Trong những chuyến đi làm ăn xa nhà, ông thu xếp mang con cả đi theo. Khi gặp khó khăn trong công việc, đôi lúc ông cũng bảo cậu cả góp ý kiến. Ông thường chia sẻ với cậu về niềm tin và những bận tâm trong gia đình. Nhưng, khá nhiều lần, cảm xúc buồn đã ở lại với ông khi ông chưa có được sự đáp ứng tương xứng từ cậu con cả này…
Rồi vài thập kỷ nữa trôi qua …
Ở tuổi 66, do vấn đề huyết áp và tiểu đường tăng cao, ông thường đi khám định kỳ tại bệnh viện tuyến quận. Một ngày kia, ông cảm thấy đau miệng, bác sĩ cho rằng chỉ là nhiệt miệng. Các thành viên trong gia đình cũng không để ý, vì thỉnh thoảng ông gặp bạn bè vui vẻ bia rượu với nhau. Khi triệu chứng nặng thêm, mọi người bắt đầu để ý, vị bác sĩ kia mới cho ông chuyển tuyến, đi khám bệnh ở tuyến trên.
Đầu mùa Hè năm 2016, anh con cả đưa ông đi làm sinh thiết ở hai nơi. Đọc hai tờ xét nghiệm có chung một kết quả “Ung thư lưỡi ở giai đoạn di căn”, anh ta cảm thấy có cái gì đó đè nặng lên tim mình. Anh ngồi khóc như trẻ thơ khi ngoài trời lúc ấy cũng đang mưa tầm tã. Anh không thể tin vào dữ liệu thực tế, cố cho rằng kết quả này có thể sai. Ông bố hỏi: "Mày nói bố nghe, sao mày khóc? Đàn ông mà sao yếu đuối thế?" Thấy không thể giấu được bố, anh đành nói sự thật.
Ông bố nhẹ nhàng ra ghế ngồi trầm ngâm. Nhìn lên bầu trời mây xám ngoét với khóe mắt hình như cũng na ná ướt giống con trai, ông chậm rãi nói: "Thôi! Đừng khóc nữa, hãy đứng dậy và mạnh mẽ lên!”
Khi biết sự thật u ám này, ông đã không trách vị bác sĩ tuyến quận không phát hiện ra bệnh sớm, mà chỉ muốn anh con cả của mình đồng hành với ông trong thời gian sắp tới.
***
Nằm ở khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện khoảng một tuần, đến lịch giải phẫu bóc tách khối u, anh con cả đưa ông bằng băng-ca xuống khu vực giải phẫu. Trước khi vào phòng, đôi mắt ông nhìn anh xao xuyến lạ kì.
Kết quả giải phẫu thành công tốt đẹp, bác sĩ đã lấy vài khối u, chúng to bằng hạt quả bơ khỏi vùng miệng-họng của bệnh nhân. Thời gian phục hồi hậu phẫu chừng 2 tuần. Khi về nhà, ông vẫn theo công việc kiếm sống bình thường. Mọi sự trôi êm ả như mặt hồ thu.
Một ngày đầu năm 2017, bệnh viện gọi ông đến để thực hiện giai đoạn hóa-xạ trị. Ông bàn bạc với mọi người trong gia đình và đưa quyết định tiếp tục điều trị. Ban đầu, anh con cả nghi ngại, không muốn ông thực hiện giai đoạn điều trị này, nhưng rồi nghĩ lại, cậu lại bảo: “thôi thì cứ đặt niềm tin vào khoa học qua bàn tay các bác sĩ…” Việc điều trị cho bệnh nhân có vấn đề huyết áp, tiểu đường loại 2 và ung thư giai đoạn di căn thì rất phức tạp. Sau nhiều ngày tháng hóa xạ trị, cùng với triệu chứng bệnh tăng dần, người ông bị rút dần xương thịt. Từ trọng lượng 85kg, nay chỉ còn hơn 30kg, thân thể chỉ còn da bọc xương.
Nhiều tháng liền của giai đoạn hóa xạ trị, cậu con cả liên tục chở bố đi lại bệnh viện, ngày cũng như đêm. Một buổi sáng, sau khi ra khỏi bệnh viện, ông muốn anh chở ông đi một vòng khắp Sài Gòn để ngắm phố phường. Nhưng do thời tiết nắng mưa thất thường của tháng Sáu, chuyến đi mong muốn này của ông chưa được thực hiện ngay lúc đó. Anh con cả đâu biết đó là lần cuối ông bố đề nghị như thế.
Sau mỗi lần xạ trị, cơ thể ông vẫn còn chất phóng xạ. Điều khiến ông lo lắng, đó là cậu con trai có thể bị ảnh hưởng phóng xạ vì khoảng cách hai người quá gần khi cậu chở bố về nhà. Nhưng đâu còn cách nào khác… Do lượng bệnh nhân đông mà máy móc của bệnh viện lại hạn chế, thời gian xạ trị cho ông thường là ban đêm. Vào một ngày khoảng 2 giờ sáng, sau cuộc xạ trị, được cậu con trai chở đi ngang qua phòng gym quen thuộc, ông vui miệng nói: "Khi nào khỏe mạnh trở lại, bố sẽ tập thể thao với mày ở đây..." Ước muốn trong câu nói vui này đã không bao giờ thành sự thật...
***
Sau một lần hội chẩn đặc biệt, bác sĩ đã thay đổi phác đồ hóa trị. Và lần này, người bố rất mạnh mẽ ấy đã “quỵ ngã”, phải ở lại bệnh viện để điều trị. Ở với bố mình tại khu vực gọi là “giảm đau”, ngay ngày đầu tiên, anh con cả bị sốc nặng khi thấy đủ loại bệnh tật ở đây. Người ta đưa bệnh nhân sắp chết vào, người qua đời được đẩy ra trên băng-ca. Đêm cũng như ngày, mỗi khi nghe tiếng bánh xe của băng-ca, anh đoán biết có người cận kề cửa tử, cũng như nghe tiếng khóc của người nhà khi thân nhân qua đời… Rồi, anh cũng quen dần với hoàn cảnh.
Trở về
Người ta chuyển ông từ phòng này qua nơi khác cùng khu vực, chắc là để có chỗ cho bệnh nhân mới. Nằm trong căn phòng số 509 được vài ngày, ông yêu cầu về nhà để cảm thấy thoải mái hơn mặc dù bác sĩ cho biết vẫn còn tia hi vọng.
Khi về nhà được hơn hai ngày, vào buổi tối trước khi bước qua ngày thứ ba, ông ghé tai nói cho cậu con cả vừa đủ nghe: “Bố yêu con nhất trên đời!” Anh ta bật khóc. Ông nghiêm nghị: “Phải mạnh mẽ lên! Không được khóc!” Và vào lúc 5g sáng Chúa Nhật 23-7-2017, sau khi chuông nhà thờ đổ, ông đã ra đi…
Lời kết
Sau nhiều năm, ngẫm suy lại những gì đã trải qua, anh con cả nghiệm thấy rằng: Tình yêu Thiên Chúa luôn phủ rợp trên gia đình anh. Chúa đã gìn giữ cha anh, cho ông nuôi dạy con cái để họ đủ sức vượt nghịch cảnh trên đường đời. Đặc biệt hơn, khi gọi người cha sinh thành trở về với Ngài, Chúa lại dẫn một người cha tinh thần và những người bạn mới tốt lành đồng hành với anh trên con đường đời. Và anh biết, người cha sinh thành ra anh cũng vẫn hằng ở với anh, giống như Thiên Chúa là Cha trên trời vẫn hằng ấp ủ anh với muôn ơn lành hồn xác.
Mỗi lần nghĩ về tình yêu quá trọn hảo của Thiên Chúa, anh con cả lại thấy miệng mình ngân nga lời ca quen thuộc: “Tình thương của Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Ngài suốt năm canh dài. Con sẽ ca ngợi, con sẽ ca ngợi đến muôn muôn đời…”
Ảnh internet
Mai Dũng Ân (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân
-
Phóng sự: 10 năm bác ái yêu thương -
Tôn vinh Mẹ Maria giữa mùa Hè -
Tìm lại bình an trong Chúa -
Mang Yêu Thương đến Vùng Cao -
Hành hương ngày lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ -
Đâu là nơi lạnh lẽo nhất cõi đời này? -
Tiếng Lòng -
Sống như “Người Trời” giữa Thế Gian -
Con đường Truyền Thông của tôi