Cái giếng tình nghĩa

Cái giếng tình nghĩa

Cái giếng tình nghĩa

TGPSG – Hằng ngày, ông cho các dì cậu tới giếng lấy nước gánh đi bán để có tiền nuôi con…

Hình ảnh một cái giếng tròn trong một sân nhà giữa phố thị khiến tôi nhớ đến cái giếng của ông ngoại tôi xây bên hông nhà ngày xưa. Không biết ông xây từ lúc nào, nhưng lúc tôi còn nhỏ xíu đã thấy nó rồi. Dù thành miệng giếng cao, nhưng ông ngoại không cho chúng tôi chúng tôi chạy chơi gần đó vì sợ chúng tôi bị té xuống giếng.

Nước giếng rất trong và mát lạnh, uống rất ngon. Các cậu tôi múc nước đổ vào các lu vú gần đó để uống, nấu ăn và tắm giặt. Khi trời nắng, chúng tôi thích đứng gần giếng cho má tôi lấy gàu múc nước xối lên cho mát, rồi một hồi mới chạy vô nhà tắm thay đồ. Lúc trời lạnh, chúng tôi mới chịu tắm trong nhà tắm. Tuổi thơ chúng tôi có nhiều kỷ niệm với giếng nước, lúc thì tắm, lúc thì phụ má rửa dưa cải, cà rốt, củ cải, … để muối dưa và làm đồ chua lúc gần Tết.

Thời đó, nước máy chỉ vô tới các công ty, doanh trại, nhà giàu... nên có nhiều người sống bằng nghề gánh nước mướn. Họ kiếm các nhà có giếng để mua nước rồi gánh về bán lại cho những gia đình cần xài. Ông ngoại tôi không bán cho họ mà để dành cho các con của người bạn thân. Hai vợ chồng người bạn của ông đã qua đời, còn bốn người con bằng tuổi mẹ và dì cậu tôi, nên chúng tôi gọi bằng dì cậu. Hằng ngày, ông cho các dì cậu đó tới giếng lấy nước gánh đi bán để có tiền nuôi con. Các dì cậu đó mỗi người dùng hai cái thùng thiếc gắn thêm cọng dây kẽm dài xỏ vào cái đòn gánh để gánh nước. Chúng tôi ngồi chơi ở thềm nhà trước sân nên lần lần cũng quen với tiếng gánh nước kẻo kẹt ra vô và tiếng trò chuyện vui vẻ nơi bờ giếng.

Một ngày nọ, chúng tôi bỗng nghe một tiếng hét lớn “rắn”. Chạy xuống coi thì thấy hai dì cậu đang lấy đòn gánh đập vào con rắn lớn màu đen có mùi hành xông lên nồng nặc. Dì Hai nói nó là rắn hổ hành ở đâu lạc xuống giếng và bò vô gàu múc nước. Bữa đó, bốn dì cậu nói ‘trúng mánh rồi’ nên nghỉ làm sớm để về xào rắn với lá cách ăn cơm.

Khi nước máy bắt đầu thông dụng, bốn dì cậu nghỉ gánh nước thì con cái các dì cậu cũng đã trưởng thành ra đời làm việc. Dù có nước máy, cái giếng của ông ngoại vẫn còn để đó. Và nó lại có dịp phục vụ cho cậu Út và bạn bè trong đội đá banh của cậu sau mỗi lần đi tập hay đi thi đấu về. Tới khi cậu tôi không còn ở nhà này nữa thì mới lấp giếng đi.

Lúc còn sống, ông ngoại tôi thương các dì cậu đó như con cháu trong nhà. Ông hay nhắc các dì cậu làm gì thì làm, Chúa nhật phải nghỉ để lo "nhà thờ nhà thánh". Các dì cậu cũng nghe lời ông nên Chúa nhật nghỉ, không đi gánh nước.

Khi ông ngoại tôi qua đời, bốn dì cậu đều để tang và nhắc nhớ ông hoài, đồng thời cũng nhắc tới cái giếng ông xây. Khi ấy, cha sở cũng đến chia buồn, và khi nhìn đến cái giếng của ông, cha nhắc đến hình ảnh Giáo hội như giếng nước đầu làng. Điều này làm cho các dì cậu của tôi hết sức cảm động...

Tóc Ngắn (TGPSG)

Top