Các thiên thần nhỏ trong cô nhi viện
TGPSG -- Cô nhi viện Xuân Tâm luôn là một điểm đến của tôi mỗi lần tôi được về quê nhà và nó chiếm một vị trí đặc biệt trong lời cầu nguyện hằng ngày của tôi...
Tôi sinh ra và lớn lên trong một xứ đạo toàn tòng. Trong bầu khí đạo đức sống động của giáo xứ, tôi được nuôi dưỡng tinh thần yêu thương của người Công Giáo.
Bên cạnh lòng đạo đức của bà con giáo dân và sự điều hành linh hoạt của các cha xứ, tinh thần phục vụ các em cô nhi của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn là một gợi hứng để tôi biết sống yêu thương và quảng đại.
Cô nhi viện Xuân Tâm
Cô nhi viện Xuân Tâm (Xuân Tâm, Xuân Lộc, Đồng Nai) gắn bó với tôi suốt cả tuổi thơ. Nhiều kỉ niệm của tôi gắn liền với từng khung cảnh và con người nơi đây. Đặc biệt, cung cách của các nữ tu qua việc chăm sóc những “thiên thần” bé nhỏ trong tinh thần hy sinh là động lực ban đầu để tôi quyết định chọn và dấn bước trong ơn gọi tu trì của mình.
Khi tôi trưởng thành và rời xa gia đình, tôi ít về quê nên cũng không có mấy dịp về thăm các sơ và các em. Dẫu vậy, tôi biết cánh cửa cô nhi viện luôn chờ đón tôi như một người con có dịp trở về thăm nhà. Nơi đây cũng mở rộng cửa đón chào tất cả những ai có tấm lòng thiện chí, yêu thương những mảnh đời kém may mắn.
Buổi trưa tại cô nhi viện
Có lần, khi đi thực tập, tôi ghé vào cô nhi viện vào lúc trời đã trưa. Tôi muốn ghé vào giờ này để được ngắm nhìn những gương mặt thiên thần vô lo của các em giữa guồng quay của cuộc sống vội vã. Giữa cái nóng oi bức của mùa hè, nụ cười của các em cũng đủ mang lại một cái gì đó tươi mát cho tâm hồn.
Trưa! Các bé đang chìm vào giấc ngủ. Tiếng gió phát ra từ chiếc quạt trần nhè nhẹ. Tôi tự hỏi: “Nhịp sống ngày hôm nay có cuốn những đứa trẻ vào guồng quay của nó hay chăng?” Trong giấc ngủ trưa nay, gương mặt chúng mang một vẻ bình yên đến lạ! Tôi chợt nghĩ: “Các em đang mơ gì nhỉ”? Ngay trong cái không gian yên tĩnh đến mức có thể nghe từng nhịp thở, từng cái trở mình và có những lúc giật mình của các em trong nhà sơ sinh. Bất giác, tôi nhớ đến hình ảnh thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu với con đường nên thánh như một trẻ thơ phó thác đời mình trong bàn tay của Chúa. Ngay cả trong giấc ngủ, con người cũng có thể vươn lên với một Đấng linh thiêng rất gần, rất gần.
Buổi chiều tại cô nhi viện
Đầu giờ chiều, tôi đang ngồi trò chuyện với sơ Lê Thị Thanh Tâm ngoài hành lang, bất chợt Sơ cất tiếng gọi một cậu bé:
“Chót! lại đây Sơ nói cái này nè!”.
Cậu bé hãy còn ngái ngủ, nhưng khi nghe tiếng của Sơ thì nhanh nhảu chạy lại, ôm lấy Sơ với ánh mắt chờ đợi. Sơ xoa đầu và nói:
“Chót, hát cho chị nghe một bài đi con!”.
Đưa tay lên gãi đầu một cái như đang lục lại mấy bài hát trong trí nhớ rồi Chót cất lên:
“Ba hương con quỳ con rống mẹ, mẹ hương con quỳ con rống ba. Cả nhà ta cùng hương yêu nhau, xa là nhớ gần nhau là cười.”
Giọng hát ngọng nghịu của thằng bé ba tuổi khiến tôi phải bật cười. Hát xong, em nhìn Sơ cười tít mắt rồi chạy ra sân chơi cùng các bạn.
Qua lời sơ Thanh Tâm kể lại, Chót là đứa con cuối cùng mà “Má Hương” nhận nuôi trước khi “má” qua đời vài tháng vì căn bệnh ung thư. Má Hương cũng là cô nhi, được các sơ nhận nuôi trước năm 1975. Má Hương không lập gia đình và giúp các sơ nuôi các em cho đến khi Má qua đời. Thế nên, cái tên “Chót” nghe có vẻ chân chất nhưng đó là một kỷ niệm về Má Hương, sẽ theo em trong suốt cuộc đời.
“Chót rất thích hát, nó hát suốt ngày thôi!”, sơ Thanh Tâm nói.
Các thiên thần nhỏ
Hầu như những đứa trẻ nơi đây, mỗi em đều có một cái tên gắn liền với một biến cố hay một sự kiện nào đó từ những ngày đầu đời của chúng.
Cậu bé Lượm – đứa trẻ bị bỏ lại trước cổng cô nhi viện vào một buổi chiều muộn – được các nữ tu “nhặt” về nuôi nấng và từ đó “Lượm” là tên gọi gắn liền với em.
Còn với Cười, gọi tên em như thế chỉ đơn giản bởi vì khi còn bé xíu em đã rất hay cười. Em cười suốt cả ngày và đôi khi trong giấc ngủ em cũng cười.
Hay như tên “Beo” là tên của một bé với thân hình gầy còm, xanh xao, chậm lớn nhưng có một ánh mắt rất sáng và nụ cười thật tươi.
Và còn rất nhiều những cái tên “cúng cơm” ngộ nghĩnh khác mà các Sơ đặt cho mỗi em để dễ gọi thay vì gọi tên thật của chúng như: Sa-kê, Chôm Chôm, Sơ-ri, Chít, Tí, Móp, Đen… Mỗi cái tên đều như muốn nói tất cả về em đó.
Ẩn sau những gương mặt “thiên thần” là những tâm hồn luôn khát khao được vun đắp yêu thương. Có em, khi các sơ nhận vào chỉ mới được mấy ngày tuổi, nước da còn đỏ hỏn, hơi thở yếu ớt. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, cần mẫn của các sơ và chị Thảo, các em cứ thế lớn dần lên theo năm tháng.
“Tụi nó hay lắm! Bú xong là ngủ hoài thôi. Chắc tụi nó biết thương chị và các sơ nên mới ngoan như thế!” chị Thảo nói.
Chị Thảo cũng là một thành viên lớn lên trong cô nhi viện này. Trong một tai nạn, đôi chân của chị Thảo không đi lại được nữa. Các Sơ dành một phòng riêng cho chị tiện sinh hoạt. Từ đó, chị phụ các Sơ dạy chữ cho sấp nhỏ. Từ lúc “má Hương” mất, chị thay má giúp các Sơ chăm sóc các bé sơ sinh mới nhận về. Thấy chị vất vả trong việc đi lại, các em lớn thay nhau giúp chị thay tã, đưa bình bú, đút cơm cho các em nhỏ. Các em làm tuy có hơi vụng về nhưng điều đó đã mang lại cho nơi đây bầu khí ấm áp thân thương như một đại gia đình.
Lần đó, tôi rời cô nhi viện lúc chiều muộn, những cánh diều của đám trẻ vùng quê đang bay cao trên bầu trời. Chợt nghĩ: Mong rằng ước mơ của các em cũng bay cao như những cánh diều kia.
Trưởng thành
Bây giờ, tôi đã trở thành một nữ tu. Các em cũng đã lớn lên và khung cảnh cũng có chút thay đổi so với ngày trước nhiều. Cơ sở vật chất nơi đây đã được Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đầu tư xây dựng lại khang trang hơn.
Các em cũng khác trước nhiều. Có những em đã bước vào tuổi thanh thiếu niên được các sơ gửi đi học ở các trường nội trú của các cha hay khác thầy dòng khác; có em đã rời cô nhi viện để làm việc trong các công ty; có em vững mạnh tiến vào các trường đại học, tốt nghiệp và tìm được công việc ổn định…
Cậu bé Cười ngày nào giờ đã trở thành đầu bếp của một nhà hàng ở Bình Dương.
Lượm thì lớn lên mạnh mẽ, vững chãi, em vào Sài Gòn làm cho một công ty của gia đình mà các sơ quen.
Chót thì đang nuôi ước mơ trở thành một linh mục...
Mỗi em có một chọn lựa và cách thức để thực hiện ước mơ mà Chúa muốn thực hiện nơi cuộc đời các em. Các sơ cũng góp công sức rất lớn trong việc giúp các em thành toàn ước mơ của mình.
Chúa hiện diện
Mỗi khi có dịp hay khi Tết đến, các em trở về ngôi nhà thân thương này thăm các em hay cùng ăn Tết với các sơ. Bởi, nơi đây mang đầy dấu ấn tình Chúa tình người.
Đã có những lúc sức người đổ ra tối đa nhưng không thể đáp ứng nổi các nhu cầu cần thiết của các em, Thiên Chúa kịp ra tay nâng đỡ. Chúa quan phòng đã thúc đẩy nhiều nhiều tâm hồn quảng đại qua các nhóm từ thiện biết mở lòng, rộng tay để các em có phương tiện được chăm sóc tốt hơn. Qua nhiều thế hệ, các nữ tu sống sứ mạng của Dòng và để Thiên Chúa dùng mình như dụng cụ, như cầu nối những tấm lòng dấn thân làm công việc của Thiên Chúa: nuôi dưỡng cô nhi, quả phụ.
Cô nhi viện Xuân Tâm luôn là một điểm đến của tôi mỗi lần tôi được về quê nhà và nó chiếm một vị trí trong lời cầu nguyện hằng ngày của tôi.
Dẫu cho cộng đoàn của các nữ tu luôn có sự thuyên chuyển trong sứ vụ, các em cứ thế lớn dần lên và ít nhận ra chị là ai, nhưng tôi nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa nơi đây.
Chúa hiện diện trong dòng chảy của lịch sử tu viện, trong lịch sử của từng em cô nhi. Hơn thế, sự hiện diện của cô nhi viện trong giáo xứ quê nhà của tôi là một điểm sáng để bà con giáo dân biết cộng tác, chung tay gìn giữ và nuôi dưỡng những sinh linh bé bỏng được Chúa gửi đến cô nhi viện này.
Thiên An (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái -
Khôn ba năm - Dại một giờ