Bài học Mùa Chay từ Thánh Phêrô

Bài học Mùa Chay từ Thánh Phêrô

Bài học Mùa Chay từ Thánh Phêrô

TGPSG / Catholicworldreport.com --- Chủ đề Mùa Chay tuần này nhắc nhở chúng ta về sự hoán cải, mà bài học từ Thánh Phêrô là một minh chứng sống động về quá trình này.

Lời kinh Thú Nhận mời gọi chúng ta nhớ đến “các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô”, Các ngài có quá khứ không hoàn hảo nên chính là những vị thánh chuyển cầu tuyệt vời cho chúng ta.

Thánh Phêrô có tính khí bộc trực, đôi khi nóng nảy – điều này không có gì lạ đối với một ngư phủ dạn dày sóng nước, thậm chí từng muốn đi trên nước. Ông không phải là người trầm lặng, cũng giống như Giacôbê và Gioan, hai người mà Chúa Giêsu gọi là "con trai sấm sét."

Một sự kiện nổi bật về Phêrô là khi Chúa Giêsu mượn thuyền của ông để giảng cho đám đông. Sau khi giảng dạy xong, Người bảo ông ra khơi thả lưới. Phêrô thoáng ngần ngại vì cả đêm qua đã không bắt được gì. Nhưng ông vẫn nghe theo, và kết quả là mẻ lưới đầy cá đến nỗi suýt rách.

Phản ứng của Phêrô rất đáng chú ý. Ông không chỉ kinh ngạc mà còn nhận ra một dấu chỉ thiêng liêng. Ông quỳ xuống và thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Giống như ngôn sứ Isaia trước ngai Thiên Chúa (Is 6,5-7), Phêrô ý thức sâu sắc về sự bất xứng của mình.

Nhà thần học Rudolf Otto (1869–1937) đã nghiên cứu về cách con người trải nghiệm về sự thánh thiện và về thần thánh. Ông gọi Thiên Chúa là “Mysterium tremendum et fascinans” – mầu nhiệm vừa uy nghi vừa cuốn hút. Khi đối diện với Thiên Chúa, con người cảm thấy vừa sợ hãi vì sự vĩ đại của Ngài, vừa bị thu hút, muốn đến gần hơn để nhận ra tình yêu vô biên của Ngài.

Bí quyết của sự hoán cải là để cho sự cuốn hút ấy lớn hơn nỗi sợ hãi trong ta. Chúa Giêsu không xa lánh Phêrô, dù biết ông sẽ yếu đuối. Dù Phêrô đã chối Người trong sân thượng tế, Chúa vẫn quay lại nhìn ông. “Lúc ấy, Chúa quay lại nhìn Phêrô, và Phêrô nhớ lại lời Chúa đã nói với mình: 'Hôm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối Ta ba lần.' Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Lc 22,61)

Sau Phục Sinh, Chúa còn cho Phêrô ba cơ hội để sửa lại ba lần chối Thầy (Ga 21,15-19), và điều này cũng diễn ra bên một mẻ cá lạ lùng khác.

Từ Phêrô, chúng ta học được hai điều: Thứ nhất, đừng chạy trốn Thiên Chúa. Ngài luôn đón nhận kẻ tội lỗi biết nhìn nhận lỗi lầm – thậm chí Ngài còn chạy đến trước để đón ta, như người cha của đứa con hoang đàng. Người duy nhất có thể tách ta khỏi Chúa (x. Rm 8,35-39) chính là bản thân ta, nếu ta cố chấp trong tội.

Thứ hai, ta học được giá trị của lòng thống hối. Cả Phêrô và Giuđa đều khóc sau khi phạm tội. Nhưng Phêrô khóc vì lòng ăn năn, còn Giuđa khóc vì tuyệt vọng. Tự nhủ “Chúa không thể tha thứ cho tôi” thực chất là một dạng kiêu ngạo: nghĩ rằng tội lỗi của mình lớn hơn lòng thương xót Chúa.

Nhà thơ Ba Lan Roman Brandstaetter (1906–1987), người từng cải sang Công giáo từ Do Thái giáo, đã viết về đêm Phêrô chối Thầy. Ông mô tả một bầy quỷ chế nhạo Phêrô: “Phêrô, quan thầy của kẻ sợ hãi, kẻ bỏ trốn, kẻ giả vờ dửng dưng, kẻ nhắm mắt làm ngơ.” Những danh hiệu ấy có thể dẫn đến tuyệt vọng. Nhưng Phêrô không dừng lại ở đó. Ông thấy “một thiên thần băng qua sân, thân mình run rẩy, đầu mang hình con gà trống.” Nhờ ơn Chúa, Phêrô có thể sám hối.

Dù có nhiều thiếu sót, Phêrô vẫn là người được trao chìa khóa Nước Trời. Chúa Giêsu ban quyền tha tội cho các Tông đồ (Ga 20,23), nhưng đặc biệt giao quyền cầm buộc và tháo gỡ cho Phêrô (Mt 16,19). Phêrô, một người cần được tha thứ, lại được trao quyền tha thứ. Vì sứ mạng của Chúa Kitô chính là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.” Nếu ta tin điều đó, thì công cuộc ấy phải tiếp tục.

Nhưng sự tha thứ không phải là điều trừu tượng. Chúa Giêsu đã tha thứ cho từng con người cụ thể. Và Người trao sứ mạng ấy cho những con người cũng yếu đuối, miễn là họ muốn hoán cải.

Ít nhất là trong giây phút này. Ít nhất là trong một nỗ lực chân thành. Ít nhất là để Thiên Chúa tác động trên họ.

Phêrô đã ra khơi theo lời Chúa, dù không hoàn toàn chắc chắn, nhưng vẫn “đủ cởi mở” để liều thử. Thiên Chúa chỉ cần ta mở lòng, dù chỉ một chút – và Người sẽ biến đổi chúng ta. Mùa Chay này, hãy để Chúa làm điều đó.

Tác giả: John M. Grondelski, Ph.D.

Xuân Đại (TGPSG ) lược dịch từ Catholicworldreport.com

Top