Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 28 thường niên năm B
Mc 10,17-30
“Vì đối với Thiên Chúa
mọi sự đều có thể được”.(Mc 10,27)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng thật hay do Thánh Marcô thuật lại.
Theo câu chuyện thì chúng con thấy người thanh niên giàu có này là người thế nào? Anh ta có phải là người tốt không chúng con?
- Dạ thưa cha...tốt.
- Đúng, con trả lời rất đúng. Đây chúng con hãy nghe lại cuộc nói chuyện giữa anh và Chúa Giêsu: “Hôm ấy, Ðức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18 Ðức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.(Mc 10,17-20)
Quá tốt phải không chúng con!
Cha thấy ở đời khó có người giữ được như vậy nhất là ngày hôm nay. Chính vì thế mà sau khi nghe anh ta trả lời chúng con thấy chính Chúa Giêsu cũng phải nể phục: “Ðức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”(Mc 10,21).
Thế nhưng câu chuyện có được diễn tiến theo chiều hướng tốt đẹp mãi như thế hay không thì Tin Mừng cho chúng ta biết là không. Lý do tại sao thì Chúa cho chúng ta biết: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”( Mc 10,21)Và kết quả như thế nào chúng con?.”Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.”(Mc 10,22). Thế là kết thúc một câu chuyện ban đầu thật đẹp nhưng cuối cùng thì thật buồn. Buồn cho cả Chúa và buồn cả cho người thanh niên. Lý do vì anh ta đã không dám sống chia sẻ như Chúa mời gọi anh.
Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Một bác nông dân người Anh nọ có dịp nghe John Wesley giảng. John Wesley là một nhà giảng thuyết nổi tiếng: hôm ấy ông giảng về việc sử dụng tiền của.
Wesley bắt đầu bài giảng bằng tư tưởng: Phải ra công tích lũy tối đa, phải dùng hết khả năng tìm cách làm giàu. Bác nông dân gật gù bảo người bạn ngồi bên cạnh:
- Đúng lắm!
Rồi Wesley triển khai điểm thứ hai: Phải tiết kiệm tối đa. Ông lên án thói phung phí tiêu xài quá đáng.
Bác nông dân xuýt xoa:
- Bài giảng thật tuyệt vời! Cám ơn Chúa, mình vẫn sống tiết kiệm như vậy.
Cuối cùng, nhà giảng thuyết đi tới điểm thứ ba: Phải chia sẻ tối đa. Hãy coi hoàn cảnh thiếu thốn của người chung quanh là thuộc trách nhiệm của mình.
Nghe đến đây, bác nông dân lắc đầu rồi bỏ nhà thờ đi ra…
Tiền bạc nguy hiểm vậy đó chúng con.
Nó nguy hiểm vì nó có sức hủy hoại cả những ước muốn tốt đẹp nơi một con người.
Thánh Antonio, là giám mục của vùng Firenze nước Ý vào khoảng thế kỷ thứ 15, có kể lại một câu chuyện mà ngài đã tận mắt chứng kiến trong đời mục vụ tông đồ của ngài:
Một hôm, đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một vị thiên thần cứ bay lượn bên trên một ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Ngài ghé vào hỏi thăm cha sở vùng ấy thì được biết gia đình này tuy rất nghèo nhưng lại rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thánh Antonio động lòng thương, hiểu ra ý Chúa muốn soi sáng cho mình, ngài bèn trích quỹ từ thiện, kín đáo trợ cấp hàng tháng một số tiền vừa đủ để gia đình này có vốn liếng mà chí thú làm ăn cho đỡ nghèo khổ.
Bẵng đi một thời gian, ngài lại có việc đi qua vùng ấy. Ngài chợt giật mình trông thấy một tên quỉ xấu xa đang bay lượn trên mái một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Ngài lại ghé vào cha sở để hỏi thăm, thì hóa ra đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp lâu nay. Ngài biết họ đã cố gắng ăn nên làm ra, nhưng dần dần, vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng, đời sống họ hoàn toàn vô đạo đức, trở nên ích kỷ và độc ác, khinh bỉ xua đuổi những người nghèo khổ láng giềng ngày xưa. Hiện tại họ lại còn thói ăn chơi trụy lạc.
Thánh nhân đau lòng quyết định cắt đứt nguồn trợ cấp, mong cho họ sớm hiểu ra mà sám hối quay về đường ngay nẻo chính.
Quả thật, của cải vật chất xa hoa dễ làm cho con người ra hư đốn xa đường lối của Thiên Chúa.
Và đây là câu chuyện khác:
Một người giàu có thường đến xưng tội với thánh Philipphê Neri, nhưng không thấy tiến bộ trên đường thiêng liêng nên ông đã chán nản thất vọng đến nỗi bỏ luôn việc xưng tội. Thánh nhân tìm đến nhà ông, sau một lúc chuyện trò thân mật, ngài nhìn lên cây thánh giá treo trên tường và cân nhắc độ cao của thánh giá, rồi đề nghị với người giàu có rằng:
- Ông thử đưa tay với thánh giá xem có tới không?
Người đàn ông cao lớn vươn cánh tay dài của mình ra, nhưng không thể nào chạm tới được thánh giá. Bấy giờ thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái tủ đựng tiền của người giàu có đến bên cạnh ông rồi ngài bảo ông hãy đứng lên cái tủ ấy để với tới thánh giá.
Quả thật ông đã sờ được Chúa Giêsu trên thập giá.
Lúc đó thánh nhân mới nói:
- Để có thể chạm được Chúa Giêsu, để tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải ở “đứng trên tiền bạc”
Làm sao để có thể đứng trên tiền bác chúng con?
- Khi Steve Jobs thấy nhiều người trong công ty Apple của ông vì tranh giành quyền lợi mà sinh ra bất hoà với nhau, ông đã nghiêm chỉnh đưa ra một quyết định cho cuộc đời của mình: “Tôi thề sẽ tránh sống xa hoa và tôi thề không để tiền bạc hủy hoại cuộc đời tôi.” Và ông đã giữ được điều đó cho tới khi ông qua đời.
- Năm 1830 khi thánh Gioan Vianey sửa lại nhà thờ xứ Ars, có một bà già đem đến cho ngài một đồng bạc, một loại tiền thời bấy giờ để dâng cúng vào việc tu bổ thánh đường. Thấy bà già quá nghèo nàn và vất vả, thánh Gioan không dám nhận, nên đã nói với bà rằng:
- Cha cám ơn lòng tốt của bà, và Chúa cũng đã nhìn thấy lòng rộng rãi và sốt sắng của bà rồi; nhưng vì bà quá vất vả và thiếu thốn, nên bà hãy giữ lấy đồng bạc, để tiêu xài những thứ cần thiết.
Lúc ấy bà già đã thưa lại cách khiêm tốn rằng:
- Thưa cha, nếu Chúa cho con có của, con sẽ dâng cúng cho Chúa nhiều hơn, nhưng vì con nghèo, nên con dâng cúng cho Chúa ít, nhưng với cả tấm lòng yêu mến của con. Vậy xin cha hãy nhận lấy đồng bạc của con. Với đồng bạc này, nếu cha không mua được cái gì cao quí, thì xin cha hãy mua một viên gạch lát trong nhà thờ, để mỗi khi Chúa Giêsu ngự trong nhà tạm nhìn ra trông thấy viên gạch ấy, Chúa sẽ nhớ tới con.
Đẹp quá phải không chúng con? Cha chúc chúng con có được những hành động đẹp như thế.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B