Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
Ga 20,19-23
Chúng con yêu quí,
Bài Tin mừng chúng con vừa nghe rất vắn nhưng qua đó thánh Gioan cũng đã đủ để cho chúng ta thấy được những ơn ban của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta thấy được sự có mặt của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta.
Cha đố chúng con những ơn ban đó là những ân ban nào?
1- Trước hết chúng con hãy nghe Chúa Giêsu: "Chúc anh em được bình an!"(Ga 20,19)
Như vậy ơn ban đầu tiên và cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là ơn Bình an. Thế nhưng cha hỏi sự bình an mà Chúa Thánh Thần ban tặng là thứ bình an như thế nào?
Cha kể cho chúng con nghe một câu chuyện này do báo Tuổi Trẻ Chúa nhật số ra ngày 2.9.2001 đăng. Bào báo có tựa đề là "Sự bình an". Câu chuyện như thế này: Một vị vua kia treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh diễn tả về sự bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút, kèm theo những tiếng sấm chớp long trời. Ở giữa là một dòng thác nổi bọt trắng xóa đang xuống bên vách núi là. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đàng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây ấy có một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, có một con chim mẹ đang thản nhiên đậu trên tổ của mình... Bình an thật sự.
Nhà vua công bố: "Ta chấm bức tranh này!"
Bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an ở ngay trong sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an.
Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.
Giữa cơn lo sợ đó, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!”.
2- Tiếp đến ơn tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.
Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hongkong kể lại rằng: Vào một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết trên thập giá và ơn tha thứ của của Chúa Giêsu, Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để hiểu được được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp ngài và nói như sau:
- Thưa Cha, con muốn xưng tội để được ơn tha thứ.
Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:
- Thưa Cha, trong Hồi giáo của chúng con không có sự tha tội, nhưng con cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.
Cha liền chúc lành cho người tín hữu Hồi giáo và sau đó người này trở thành người con của Chúa. Từ ngày đó người ấy nói rằng anh ta luôn được sống trong sự bình an.
3- Ơn ban cuối cùng là ơn được sai đi để loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người cho tới ngày tận thế. Thánh Phaolô đã quả quyết: "Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? (Rm 10,15). Chúa Giêsu bảo “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.(Ga 20,21)
Linh mục Natarinô Rochky, một thừa sai người Ý làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây:
"Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những cuộc thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Tin Mừng, về Giáo hội và về luân lý của đạo Công giáo.
Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ đã sẵn sàng đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy không lui tới với tôi nữa... Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:
- Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí Tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.
Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:
- Trong những tháng qua, con đã âm thầm theo dõi xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thờ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Phúc Âm, nhưng con muốn xem Cha có sống Phúc Âm thực sự hay không".
Cha Rochky không những đã truyền giáo bằng lời nói, giảng dạy, nhưng còn bằng cuộc sống thường nhật của mình nữa!
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như ngọn gió mát, thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới để cả trái đất này được thay da đổi thịt trong cùng một Thánh Thần Tình Yêu. Amen. **
** Lời Chúa:
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an!" 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: "Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ".
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B