Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 24 Thường niên năm C
Lc 15, 1-32
"Giữa triều thần Thiên Chúa,
ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc 15,10)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa nghe một bài Tin Mừng thật dài. Cha đọc cha cũng thấy mệt nghỉ luôn. Thế nhưng phải đọc cả ba dụ ngôn chúng ta mới thấy được ý nghĩa đầy đủ của vấn đề Chúa muốn nói.
Vậy Cha đố chúng con với ba dụ ngôn vừa nghe, Chúa muốn dạy mọi người điều gì?
- Chúa muốn nói đến sự yêu thương.
- Chúa muốn nói đến sự tha thứ.
+ Đúng nhưng chưa đủ.
Nào còn ai trả lời thêm nữa không?
……….
Riêng đối với cha hôm nay, cha tưởng Chúa muốn nói đến những điều kiện làm nên tình yêu thương.
Bây giờ chúng ta hãy đi vào chi tiết:
1. Với dụ ngôn con chiên lạc Chúa muốn nói với chúng ta yêu thương thì không có tính toán hơn thiệt.
2. Bằng dụ ngôn đồng bạc bị lạc mất, Chúa bảo yêu thương thì không ngại vất vả cực nhọc.
3. Quan trọng nhất với dụ ngôn người cha nhân hậu, Chúa muốn nhấn mạnh đến điều này: Yêu thương thì phải biết tha thứ.
A. Bây giờ cha mời chúng con nhìn lại cả ba bài dụ ngôn. Nhìn lại chúng con sẽ thấy gì?
Trước hết trong cuộc sống hằng ngày của đời thường, chúng ta khó mà có thể tìm thấy được một người chăn chiên nào lại mà khờ khạo đến nỗi dám để 99 con chiên của mình giữa hoang địa làm mồi ngon cho thú dữ để đi tìm một con chiên lạc như vậy. Và giả sử như có liều lĩnh mà làm như thế đi nữa thì khi tìm được rồi chắc chắn người ta cũng chẳng có thể lại quá vui mừng mà "vác chiên trên vai, đi về mở tiệc ăn mừng" tốn kém như dụ ngôn nói. Thế nhưng khi yêu thương thì hoàn toàn khác. Khi yêu thương thì chẳng bao giờ tính toán hơn thiệt.
Đây chúng con nghe câu chuyện này:
Một hôm chiếc máy giặt nói với cái áo chùng thâm như thế này:
- Tôi thật không hiểu chủ nhân của anh vất vả với dân làm gì? Ông cứ ngồi toà, giảng đạo, thăm kẻ liệt. Rồi đâu vẫn hoàn đấy. Dân vẫn tội lỗi, dơ bẩn, ngay cả anh cũng bị lem luốc vì họ.
Áo chùng thâm trả lời :
- Nhưng rồi chị sẽ vẫn làm cho tôi sạch chứ? Và chị có vinh dự về công dụng của mình, có hãnh diện với người chế tạo ra chị không?
- Dĩ nhiên rồi, chúng tôi sẽ phục vụ anh dù biết rằng anh sẽ trở lại đây trong dơ bẩn, chúng tôi đủ kiên nhẫn cho tới ngày anh rách nát hay biến tan khỏi cõi đời này, trừ khi anh không cần đến chúng tôi nữa
Áo chùng thâm gật đầu:
- Chị giống như vị linh mục chủ nhân của tôi và người kỹ sư chế tạo ra chị, chúng ta có thể tạm sánh họ với Thiên Chúa.
- Chị nghĩ rằng các Ngài kém kiên nhẫn hơn chị sao?
- Ở đâu còn sự dơ bẩn, ở đấy vẫn cần người tẩy sạch để cho đời đẹp hơn trong tình thương.
- Chị thương tôi và chị chỉ ngồi đợi, còn các Ngài thương những người tội lỗi dơ bẩn và đã đi tìm. Tấm lòng của các Ngài là như thế, chắc chị đã thấy?
Tiếp đến, người phụ nữ có 10 đồng không may bị mất một đồng cũng vậy. Cha tưởng có lẽ bà cũng không đến nỗi phải tìm kiếm vất vả quá như thế. Hơn nữa khi tìm được rồi thì cũng chẳng đến nỗi phải quá vui đến mức độ đi mời bạn bè đến để chia vui vì đã tìm thấy một đồng bạc đã mất.
Lẽ thường thì là như vậy, nhưng khi yêu thương sẽ không phải là như thế. Khi yêu thương thì mọi sự sẽ khác hẳn.
Đây chúng con nghe một đoạn nhật ký của một sinh viên: Vào một buổi sáng mùa đông, tuyết rơi nặng hạt. Tôi đứng ở một góc phố tối và lạnh lẽo chờ chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày. Cách chỗ tôi đứng không xa, có hai vợ chồng ông cụ cũng đứng chờ xe buýt, chiếc áo khoác ngoài của họ bị tuyết phủ trắng xóa. Xem ra, họ đứng đợi xe đã khá lâu. Cuối cùng chiếc xe buýt cũng đến. Người lái xe bấm còi, đi lướt qua chỗ hai vợ chồng ông cụ rồi dừng lại chỗ tôi đang đứng. Khi tôi vừa bước lên xe, người tài xế đã cho xe chạy, bỏ lại hai vợ chồng ông cụ đứng trong tuyết. Tôi tức giận hỏi:
- Chẳng lẽ cậu không nhìn thấy hai vợ chồng ông cụ đó sao?
Người lái xe trẻ tuổi ấy nói:
- Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi làm. Hai cụ già đó là bố và mẹ tôi. Họ đến đây để xem tôi làm việc như thế nào.
Tôi bỗng rưng rưng xúc động.
Vâng! Nếu không vì yêu thương thì hai ông bà già đã chẳng phải vất vả như vậy.
Cuối cùng, người cha trong một gia đình! Với bối cảnh của xã hội Do thái lúc đó một thì người cha của gia đình là một người tượng trưng cho uy quyền và lề luật, làm gì mà lại có truyện quá dễ dàng thỏa mãn một cách hầu như mù quáng trước sự đòi hỏi của một một đứa con ngông cuồng như dụ ngôn mô tả. Hơn nữa giả sử như người cha ấy quá tốt lành và đã làm như vậy thì liệu khi đứa con đó sau khi đã phung phí hết tài sản của mình rồi lê tấm thân tàn tạ trở về ... liệu việc đó có xứng đáng để phục hồi quyền lợi cho nó một cách quá nhanh chóng cũng như phải tổ chức tiệc tùng ăn mừng như thế hay không? Làm như thế có khác gì khuyến khích, cổ võ thêm tội ác? Chắc là trong cuộc sống đời thường chúng ta khó mà có thể chấp nhận được điều đó.
Có phải đúng như thế không chúng con?
Quả là đúng như thế! Quả thật là khó mà tìm thấy trong đời thường những hình ảnh như một người cha, như một chủ chiên, như người đàn bà trong những dụ ngôn hôm nay. Thế nhưng chính từ trong cái khác thường không giống ai của những câu chuyện Chúa đưa ra mà chúng ta lại dễ nắm bắt được ý của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay hơn. Rất khác thường nhưng qua đó chúng ta dễ hiểu được tình yêu theo kiểu của Chúa là tình yêu như thế nào!
B. Vâng! Lòng yêu thương của Chúa thật lạ lùng, nhiều khi chúng ta không thể hiểu nổi.
Thánh Irênê đã viết một câu thật đáng cho chúng ta suy nghĩ: "Sự sống của con người là vinh quang của Chúa"
Một trong những câu chuyện dân gian hay nhất ở vùng cận Đông còn truyền tụng lại là câu chuyện về ông Abraham:
Abraham là người rất tốt bụng. Ông thường dời bữa ăn sáng lại chờ đến khi có một người đói đến để cùng chia sẻ bữa ăn với ông. Một ngày nọ, có một cụ già đi ngang qua và được ông mời vào và được dùng bữa.
Nhưng trước khi dùng bữa, Abraham nghe thấy cụ già thì thầm đọc lời kinh của người ngoại đạo, ông liền mời cụ già đi nơi khác. Cụ già chưa đi khuất, thì Abraham nghe tiếng Chúa trách:
- "Abraham! Abraham! Ta đã cung cấp lương thục để nuôi sống cụ già trên 80 năm qua, mặc dù cụ không phải là người tin thờ Ta, thế mà con không đủ kiên nhẫn và nhân từ để chia sẻ một bữa ăn với cụ sao?"
Chúng con yêu quí.
Cha vừa nói cho chúng con về Tình yêu theo kiểu của Thiên Chúa.
Khi đã yêu thì sẽ không còn so đo tính toán.
Khi đã yêu thì sẽ không còn ngại vất vả hy sinh.
Khi đã yêu thì sẵn sàng sống khoan dung tha thứ.
Cha chúc chúng con biết yêu thương như Chúa để chúng con được xứng đáng với tình yêu Chúa dành cho chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B