Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Phục sinh
Mc 16, 1-7
“Ðừng hoảng sợ! Các bà tìm Ðức Giêsu Nazareth,
Ðấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi,
không còn đây nữa”.
(Mc 16, 6)
Thiếu nhi chúng con yêu quý,
- Chúng con có biết hôm nay là ngày lễ gì không?
- Dạ thưa cha: Lễ Phục sinh.
- Phục sinh là thế nào?
- Thưa là sống lại từ cõi chết.
- Chúng con rất giỏi. Đúng là hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Giêsu Chúa của chúng ta sống lại từ cõi chết.
- Chúng con đã thấy người chết bao giờ chưa?
- Dạ đã thấy! Thấy rất nhiều.
- Chết rồi thì làm sao chúng con?
- Chết rồi thì người ta phải đem đi chôn. Ngay nay thì thường người ta đem đi hỏa thiêu. Thế là hết một đời người, chẳng ai còn thấy người ấy trên đời này nữa.
Còn Chúa Giêsu thì sao? Chúa cũng đã chết. Người ta đã đóng đinh Chúa trên Thập Giá và chỉ sau một thời gian ngắn, Chúa đã chết.
Sau khi chết Chúa được những người thân đem xác Chúa vào an táng trong một ngôi mộ bằng đá.
Và sau đó thì mọi người cứ nghĩ rằng: Thế là hết, chẳng bao giờ sẽ thấy được Chúa nữa.
Thế nhưng thật lạ lùng.
Tin Mừng ghi lại: “Vừa hết ngày Sabat, sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời vừa hé mọc, các bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, đem dầu thơm để đi ướp xác Ðức Giêsu. Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?”. Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Khi vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Ðừng hoảng sợ! Các bà tìm Ðức Giêsu Nazareth, Ðấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16, 1-7).
Lạ không chúng con? Chúa không còn ở trong mộ nơi người ta an táng Chúa nữa.
Chúng con thấy với tất cả mọi người: chết là hết. Tài giỏi như A-lịch-sơn Đại đế, thông minh như hoàng đế Napoléon, thánh thiện hiền lành như Khổng Phu Tử, ác độc tàn bạo như Tần Thủy Hoàng, như Hitler, giàu có và tài giỏi như vua Salomon. . . tất cả đã qua đi và thành tro bụi.
Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này. Napoléon hồi còn là một ông vua tài giỏi của nước Pháp, một ông vua không những tài giỏi về mọi phương diện mà còn nổi tiếng về sự khôn ngoan ít ai sánh kịp trên đời này. Vậy mà vì mắc phải cái tội kiêu ngạo mà ông đã bị thất trận rồi bị dân chúng hạ bệ. Ở đời mà chúng con. Được thì làm vua, thua thì làm giặc. Rất may là dân chúng còn thương nên dành cho ông ta một chốn nương thân ở đảo Sainte Hélène. Ông phải sống cảnh lao tù tại đây suốt cuộc đời còn lại của mình. Lúc về già, khi cảm thấy mình gần đất xa trời, nhớ lại những tháng ngày anh dũng thời xa xưa, ông đã than thở với người hầu cận của ông như thế này: “Bây giờ ta ở trên cù lao Saint Hélène này. Trong cơn hoạn nạn, những kẻ nịnh hót ta ở đâu? Chúng biến mất cả rồi ư? Có ai còn nhớ tới ta không? Những bạn thân thiết của ta ở đâu? Sao lại chỉ có mấy người nghĩa tín với ta cho đến chết vậy? Chỉ có các ngươi chia sẻ cuộc lưu đày với ta hay sao? Chỉ còn một thời gian ngắn ngủi nữa là xác của ta sẽ bị chôn vùi xuống đất làm mồi cho sâu bọ. Cái khốn khổ của ta thật khác xa biết bao với cái thế giới bất diệt của Chúa Cứu Thế mà ngày nay người ta vẫn còn rao giảng, vẫn còn yêu quý, vẫn còn thờ lạy Ngài. Như vậy thì có phải là chết hay sống. Nếu bảo Ngài đã chết thì đó phải là cái chết của một Đức Chúa Trời.
Đúng thế chúng con: Chúa chết như một Đức Chúa Trời.
Bởi vì trước khi chịu chết, Chúa đã nói thật rõ Ngài sẽ chết khi nào, chết ở đâu, chết như thế nào và chết do bàn tay của ai.
Ngài chết chỉ vì Ý của Thiên Chúa Cha muốn như thế và Ngài cho phép sự chết đến với Ngài khi Ngài muốn.
+ Nhiều lần chính những người Do Thái đã muốn giết Ngài, nhưng Ngài đã chẳng hề hấn gì.
+ Hêrôđê bắn tiếng đe dọa Ngài, Ngài thẳng thắn trả lời cho Ông ta biết: “Hãy về bảo cho con cáo già đó là giờ của Ta chưa đến”.
+ Tại vườn cây dầu, ba lần quân lính đã ngã xuống đất khi Ngài mới chỉ xác nhận “Ta đây”.
+Trước mặt quan tổng trấn Philatô. . . Chúa đã thẳng thắn trả lời cho Ông: “Nếu từ trên chẳng ban cho Ông thì Ông chẳng có quyền gì đối với tôi”.
+ “Ta có quyền thí mạng sống để rồi lấy lại”.
Vâng! Chúa đã chết như một Đức Chúa Trời và Chúa cũng sống lại như một Đức Chúa Trời.
Tại sao cha dám nói thế? Cha dám nói vì cha thấy Chúa đã tuyên bố thật rõ rệt và dứt khoát như thế:
+ “Như Giona ở trong bụng cá ba ngày thế nào thì Con người cũng ở trong lòng đất ba ngày như vậy”.
+ “Cứ phá hủy đền thờ này đi nội trong ba ngày ta sẽ xây dựng lại”.
Chúa đã sống lại như lời Ngài đã nói. Đó là một sự thật và sự thật này còn được rao giảng cho mọi người cho đến hôm nay.
Chúa đã sống lại và sống lại để sống với con người mãi mãi. Chúng con hãy nhớ lại lời của Chúa nói với các Tông Đồ khi từ giã các ngài để về trời: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến ngày tận thế” (Mt 28, 20).
Cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này.
Đây là câu chuyện do một cựu nữ tù nhân thuật lại.
Tối hôm đó, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi đã kề miệng vào tai tôi hỏi khẽ:
- Chị biết hôm nay là ngày gì không?
Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp: “Hôm nay là ngày lễ Phục sinh”. Nghe thế tôi tự hỏi:
- Lễ Phục sinh đã đến rồi sao?
Lễ của niềm vui và của hy vọng nhưng trong tù niềm vui của chúng tôi đã héo úa, khô cằn, còn niềm hy vọng thì phải để lại trong lòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề:
- Đức Kitô đã sống lại,
Tôi quay lại nhìn mặt cô gái vừa cất tiếng tuyên xưng đức tin và thấy đôi mắt cô ánh lên sự lung linh huyền diệu.
Cùng lúc ấy, từ mọi phía của phòng giam khác vang lên câu trả lời: “Ngài đã sống lại thật”. Quá sửng sốt, các nhân viên trại giam đứng bất động như tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí họ đang giận dữ đến tột độ trước một sự việc chưa từng bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng bị mở tung cửa. Hai nhân viên hỏi ai đã xướng câu nói mê tín dị đoan, và hùng hổ túm lấy cô gái lôi xềnh xệch ra khỏi phòng.
Một tuần sau, khi được trả về phòng giam, mặt cô xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Suốt tuần lễ Phục sinh, họ đã cách ly cô, giam cô vào một phòng không có lò sưởi để đồng thời họ bỏ đói cô. Họ nghĩ rằng với cái lạnh thấu xương và cơn đói chết sẽ làm cho con người mà họ cho là cuống tín đó sẽ ngã gục. Thế nhưng sự thật đã xảy ra không như họ mong muốn. Sau khi nằm yên tại một góc phòng, cô gái khều bọn tôi lại, và thều thào: “Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục sinh trong trại giam, những cái khác không quan trọng gì cho lắm”. Nói xong, cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn ánh lên như dạo nào.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết can đảm sống niềm tin Phục sinh để Chúa biến đổi cuộc đời của chúng con nên tốt đẹp hơn. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B