Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm C
Lc 18, 9-14
Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 18,14)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng con vừa nghe một câu chuyện thật hay. Câu chuyện có liên quan đến hai người. Hai người này là những người rất quen thuộc trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu. Đó là một người Biệt phái thuộc giai cấp lãnh đạo xã hội lúc đó. Và một người thu thuế, bị liệt vào hạng những người bị ghét bỏ nhất thời bấy giờ.
Cha hỏi chúng con: Qua câu chuyện hôm nay chúng ta học được bài học gì nào?
- Thưa cha bài học về lòng khiêm nhường.
- Bài học về sự kiêu ngạo.
- Bài học về việc sống tôn trọng mọi người.
Cám ơn chúng con! Chúng con trả lời rất hay. Riêng cha qua câu chuyện hôm nay, cha có thể rút ra được mấy bài học rất cần cho cuộc sống của cha.
1. Bài học đầu tiên: Chúa không thích những ai kiêu ngạo tôn mình lên.
Trong câu chuyện vừa nghe chúng con thấy người biệt phái là người như thế. Người này đến với Chúa với một thái độ tự mãn. Ông ta đứng thẳng để kể công với Chúa về những việc ông ta đã làm. Ông không thấy mình có bất cứ một lỗi làm nào dù là rất nhỏ trước mặt Chúa. Hơn nữa ông còn kiêu ngạo coi mình hoàn hảo hơn người thu thuế đang đứng xa xa kia.
Cha hỏi chúng con nếu chúng con là Chúa, thì chúng con sẽ có thái độ như thế nào đối với con người này. Theo Cha thì chắc là Chúa không vui, không thích và Chúa không muốn nghe lời cầu nguyện của những người như thế.
Cha kể cho chúng con câu chuyện vui này:
Anh Guton Boris có thói quen ghi lại tất cả những việc làm tốt của mình vào sổ tay, đến ngày kết thúc cuộc đời ở trần gian, anh xuất hiện trước toà Chúa và trình lên Ngài một cuốn sổ tay dày cộm, trong đó anh ghi được tổng cộng tất cả là 50.000 việc làm tốt. Chúa Giêsu nhìn và tỏ vẻ rất nghiêm trang nhưng Ngài không phản ứng gì. Đoạn Ngài từ từ mở sổ riêng của Ngài ra nhìn vào đó hồi lâu rồi nói với anh.
- Con nói là đã làm được 50.000 việc tốt nhưng theo sổ riêng của Ta thì chỉ có một việc duy nhất mà thôi, vì thế con chưa được ở lại đây với Ta mà phải trở lại trần gian để được thanh luyện thêm rồi mới trở lại đây để ta xét.
Anh Guton Boris vội vã thanh minh.
- Thưa Chúa, con đâu ghi láo, mỗi lần làm xong việc tốt là con ghi ngay vào sổ. Quả thật tất cả là con đã làm 50.000 việc lành trong suốt đời sống con ở trần gian. Tại sao Chúa lại chỉ nhận có một việc, còn 49.999 việc kia thì sao.
Bấy giờ, Chúa Giêsu chậm rãi giải thích:
- Này con, con đã làm 50.000 việc tốt nhưng với ý khoe khoang chứ không phải vì ý ngay lành hay vì tình yêu đối với Ta. Chỉ có một lần duy nhất con làm vì ý ngay lành mà thôi, đó là lúc con mới được rước Ta vào lòng lần đầu tiên. Ý ngay lành rất quan trọng vì nếu không có nó, những việc tốt con làm không có giá trị gì đối với Ta cả. Con đã muốn khoe khoang, muốn được mọi người khen ngợi, vì thế 49.999 việc tốt kia là những việc khoe khoang vô ích mà thôi.
Vâng, con người có thể che mắt được thiên hạ chứ làm sao giấu được Chúa.
2. Bài học tiếp theo: Chúa thích những ai sống khiêm nhường và sẵn lòng ban ơn tha thứ cho họ. Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
Bây giờ chúng ta nói về người thu thuế. Câu chuyện ghi: "Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương cót con là kẻ tội lỗi.". Người này đứng trước mặt Chúa thấy mình tội lỗi và chỉ mong được Chúa thứ tha.
Cha hỏi chúng con: Chúa có tha không chúng con. Theo kết quả của câu chuyện thì Chúa bảo là Chúa tha."Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không" (Lc 18,13). Tại sao Chúa lại tha? Thưa vì người này biết khiêm nhường nhận lỗi. Người biết khiêm nhường nhận lỗi thì luôn được Thiên Chúa tha thứ.
Công tước D'Ossome, phó vương xứ Napoli (Ý) sống vào thế kỷ 17. Một hôm, Ngài đi thị sát một chiến thuyền, vốn là loại được chèo bởi một đạo quân đông đảo. Ngài đi xuống lòng thuyền để hỏi han từng tù nhân lý do nào đã đẩy họ đến kiếp sống chung thân gắn chặt với mái chèo với đủ cả xiềng xích ở chân và ở cổ như vậy ?
Tất cả các tù nhân đều kêu oan, bào chữa mình là vô tội. Duy chỉ có một tù nhân ngồi cúi gằm đầu xuống, im lặng, không hé răng nói một lời. Công tước thấy lạ tiến lại gần, dịu dàng hỏi mãi anh ta mới nói :
- Thưa Ngài, tôi chẳng có gì để bào chữa. Tôi thật xứng với tội tôi đã phạm trước đây.
Công tước liền quay lại nói lớn tiếng với mọi người chung quanh:
- Ah! Đây mới đúng là một tên phạm trọng tội. Một kẻ chẳng ra gì, hắn không xứng đáng được ngồi ở đây, chung chạ với những người vô tội này! Vì thế hãy tống cổ sang một nông trại để cải tạo lao động.
Ít lâu sau, anh ta được phóng thích tự do, trở về với đời sống bình thường. Chỉ nhờ lòng khiêm tốn chân thành biết nhận lỗi, biết chấp nhận hình phạt để đền bù tội ác đã phạm, mà tù nhân đó đã được vị Công tước nhân từ phóng thích khỏi kiếp nô lệ khổ sai chung thân đó.
3. Bài học: Hãy cố gắng sống khiêm nhường để được Chúa yêu thương.
Có người hỏi Thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) tại sao và bằng cách nào ngài làm được nhiều sự trọng đại, Ngài vui vẻ trả lời:
- Cũng dễ thôi, Chúa từ trời cao nhìn xuống và nói: "Ta kiếm đâu được một người yếu đuối nhất, bé mọn nhất, vô nghĩa nhất ở trần gian này!" Ngài nhìn thấy tôi, Ngài nói: "Đây là người Ta tìm được và Ta muốn hành động qua người này. Người ấy sẽ thấy rằng Ta dùng nó chỉ vì nó là con người hèn mọn nhất, khiêm hạ nhất".
Lời Đức Mẹ: "Chúa hạ kẻ quyền thế khỏi địa vị của họ và nâng các kẻ khiêm nhường lên" (Lc 1,52).
Vâng! Phải có một lòng khiêm nhường chân thực mới có thể sống được như thế.
Lúc nhỏ thánh Gioan Boscô có lần làm bể cây đèn nhưng vì khiêm nhường nhận lỗi nên được bà mẹ tha. Hôm đó bà Magarita là mẹ của Boscô đi chợ, Boscô muốn lấy cái mũ trên đầu tủ. Nhưng vì tủ cao quá, cậu phải lấy ghế kê sát tủ đứng lên mới với lấy được. Chẳng may đụng phải cây đèn dầu rớt xuống đất bể tan. Dầu chảy lênh láng. Boscô định phi tang để khỏi bị phạt nhưng không thể được vì dầu đã loang ra sàn nhà. Cậu định đổ lỗi cho con mèo, nhưng rồi cậu quyết thú lỗi và xin mẹ tha. Cậu ra vuờn chặt cây roi, để sẵn chờ mẹ về. Bà Magarita vừa về tới, cậu chạy ra ôm bà và nói:
- Mẹ ơi, mẹ cầm 1ấy roi này đi .
Mẹ cậu ngạc nhiên hỏi:
- Cầm lấy roi làm chi vậy con?
- Vì con đà làm bể cây đèn đèn trên đầu tủ. Xin mẹ phạt con rồi tha cho con.
Bà Magaria nhìn cậu cảm động :
- Boscô, con làm bể đèn, đáng bị phạt. Nhưng con biết nhận lỗi, mẹ tha cho con. Từ nay con phải ý tứ hơn.
***
Nhận biết lỗi mình và thành thực xin tha thứ thì chắc chắn sẽ được thứ tha. Nhưng lòng chân thành thú lỗi chỉ có nơi tâm hồn khiêm tốn thâm sâu như Boscô và người thu thuế trong Tin mừng hôm nay.
Thiên Chúa không thể cầm lòng trước những tâm hồn thành thật và khiêm tốn nhận lỗi! Khi người thu thuế trong Tin mừng hôm nay sấp mặt xuống đất, đấm ngực ăn năn, Chúa Giêsu tuyên bố: "Người nầy khi trở xuống về nhà, thì được nên công chính rồi ". Còn người biệt phái vì kiêu căng tự đắc, thay vì thú nhận tội lỗi, đã khoe công trạng và khinh dễ kẻ khác, nên Chúa bảo : "Còn người kia thì không". Không được tha tội, không được nên công chính, không đáng khen mà còn đáng phạt nữa" Vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên " (Lc 18,14).
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B