Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 8 Thường niên năm C
Lc 6,39-45
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Lại một lần nữa Chúa Giêsu dạy chúng ta về cách sống ở đời.
Cha nhớ tuần trước Chúa dạy chúng ta về sự tha thứ.
Tuần này Chúa dạy chúng ta về sự xét đoán nhất là xét đoán về người khác.
1. Chúng con đã có bao giờ xét đoán ai chưa?
Riêng cha, cha thấy nếu mình không cẩn trọng thì mình rất dễ rơi vào cái thói xấu ở đời là hay xét đoán người khác. Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Đã lâu lắm rồi, một lần nọ cha bị bệnh mà phải đi nằm nhà thương. Năm trong nhà thương cha thấy thời giờ ở trong đó sao mà chậm rãi quá. Cha nhờ một người thân ra ngoài sạp báo mua cho cha một tập truyện. Tên của tập truyện nhỏ đó: “Cái chuông điện” Trong tập truyện nhỏ này có nhiều nhưng cha nhớ mãi câu chuyện này.
Trong một gia đình kia có một ông bố có người con đang đi học.
Một hôm ông ấy thấy đứa con đang cầm cuốn sổ liên lạc trong tay. Nhìn thấy thế ông bỗng nhớ tới có lần đọc trong báo, ông thấy người ta khuyên không phải chỉ nhà trường mà cả các bậc phụ huynh cũng phải làm công tác vào công tác giáo dục con cái. Thế là ông quyết định thử bắt tay vào công tác giáo dục này. Ông nói với đứa con:
- Đưa bố xem nào!
Thế là ông lấy từ tay con trai ông cuốn sổ nhàu nát, bẩn thỉu, mất mấy trang. Những trang còn lại thì viết nhằng nhịt toàn chữ nguệch ngoạc đến phát sợ. Chỉ có nét chữ bằng mực đỏ của cô giáo thì còn đọc được. Ông sờ tay vào khoá thắt lưng chuẩn bị sẵn, rồi bắt đầu đọc: “Con trai của Ông bà ngủ gục trong giờ học - Con trai của Ông bà gây gổ với bảo vệ”. Ông bắt đầu nóng tiết rồi tự nói thầm
- A! cái thằng mất dạy! - Bằng ngần này tuổi mà đã gây gổ với bảo vệ thì không hiểu sau này nó còn kiêng nể ai nữa. Thật đáng sợ! Riêng mấy nhận xét này thôi thì đã đánh cho nó một trận đón rồi! Và Ông bắt đầu cởi dây thắt lưng.
Ông cho một viên Valiđan - thuốc trợ tim- vào miệng rồi đọc tiếp: “Trong giờ vẽ, đáng lẽ phải vẽ con bướm thì lại đi vẽ mụ phù thủy cưỡi chổi - Ném đá làm vỡ Biển Thái bình dương - Yêu cầu mang ba rúp 70 cô pếch đến để bồi thường tiền sửa chữa quả địa cầu địa lý - Giờ toán ngồi săn cá Xê-lêt-ca.”Đọc tới dây ông thấy có gì hơi khác thường, ông tự nhủ: “Khoan khoan....- Hình như có một cái gì đó hơi lạ.” Rồi Ông tra hỏi đứa con của Ông:
- Tại sao mày lại ăn cá Xê-lêt-ca trong giờ toán hả? .
Con trai tôi đáp
- Cái gì ạ? Chính bố biết là con rất ghét món Xê-lết-ca. Với lại đây có phải là sổ liên lạc của con đâu. Con tìm thấy trong đống sách cũ của bố trên gác xếp đấy chứ ạ.
Nghe con nói thế, ông tự nhủ trong lòng: “Tôi xem lại cuốn sổ - Quả thật như vậy! Ngoài bìa có tên đề là tên của tôi. Trong cuốn sổ cũng quen quen. Thôi thì đích là cuốn sổ liên lạc của tôi rồi.- Chà định giáo dục con mà thành ra như thế này!” Rồi giọng ông dịu hẳn xuống
- Này, thế con đã đọc quyển sổ ấy chưa?
- Con chưa kịp xem - Con trai ông đáp.
Ông thở phào như trút được gánh nặng trong người. Biết giáo dục con kịp thời...may thế đấy! (Bactia: Cái chuông điện)
Đúng là cái rác trong con mắt của người anh em chúng ta thấy rất rõ nhưng cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6,41)
Chúng ta rất dễ nổi quạu, phê bình, nói xấu anh em chúng ta và rất nhiều khi chúng ta quên rằng chính mình nhiều khi còn tệ hơn thế nữa. Chính bản thân chúng ta còn đầy những thói hư tật xấu. Nhưng khi lên án, chỉ trích anh em, chúng ta làm như thể mình vô tội. Thực ra đó chỉ là cái đà lớn che đi con người của tôi mà thôi.
Một hôm, có người chạy tới thì thầm với nhà thông thái Socrates:
- Này Socrates, tôi có tin này về người bạn của ông đây.
Socrates vội đáp:
- Khoan đã! Ông đã lọc cái tin ấy qua ba cái sàng chưa?
- Ba cái sàng à?
- Phải, ba cái sàng đấy ông ạ. Nào, bây giờ hãy xem điều ông muốn kể với tôi có lọt qua ba cái sàng ấy không. Cái sàng thứ nhất là sự thật. Ông có chắc chắn rằng điều ông sắp nói là sự thật không?
- Ờ, ... thật ra tôi nghe qua người khác.
- Ra thế. Chúng ta tiếp tục qua cái sàng thứ hai nhé. Điều ông sắp nói đó là tốt chứ?
- Không hẳn vậy. Thực tình, nó ngược lại.
- Để lưu ý điều đó. Bây giờ hãy nói xem chuyện này có cần thiết không?
- Hầu như không.
- À, nếu điều ông muốn kể cho tôi nghe đã không thật, chẳng hay ho, cũng không cần thiết, vậy thì bỏ qua cho xong. (Christopher Notes)
2. Chúng ta hãy tập cho mình cái thói quen đừng vội nghĩ xấu về người khác. Có như thế chúng ta sẽ tránh được cái thói xét đoán người như lòng Chúa mong ước.
Vào thời Vua Henry VII của Anh, ở Luân Đôn nạn trộm cắp thật nhiều. Quan Chưởng ấn Thomas More nhận thấy vị thẩm phán già hay khiển trách những người đến khiếu nại vì bị móc túi ngoài đường, ông quan tòa già quả quyết rằng nếu mấy nạn nhân đó cẩn thận giữ túi tiền của mình thì làm sao mà mất được.
Nhân một cuộc họp các thẩm phán, Thomas More bí mật cho gọi một tên móc túi chuyên nghiệp đang ở tù và dặn rằng:
-Ta sẽ thưởng cho nhà ngươi, nếu ngươi móc được túi tiền của ông quan tòa già kia.
Tên móc túi xin phép được tới nói chuyện với vị quan tòa già và đưa tay khéo léo móc được túi tiền của ông ta rồi hiên ngang về chỗ ngồi .
Thomas More bấy giờ mới lên tiếng xin các vị thẩm phán làm phúc bố thí cho một người nghèo ở đó. Vị nào cũng rờ túi tiền của mình. Vị quan tòa già kia giật mình vì không thấy túi tiền mình đâu nên la lớn:
- Bớ ăn cắp! Có tên nào ăn cắp túi tiền của tôi rồi!
Thomas nói:
- Sao? Ông nói chúng tôi ở đây đã ăn cắp túi tiền của ông sao?
Ông quan tòa mặt đỏ bừng vì giận. Bấy giờ Thomas More mới gọi tên lưu manh kia và bảo trả lại túi tiền cho đương sự. Thomas nói với vị thẩm phán già:
- Tôi khuyên ông hãy bớt nghiêm khắc với những người đã bị móc túi ngoài đường phố, vì chính ông cũng đã để cho người ta cuỗm mất túi tiền ngay giữa đại hội như thế!
3. Cha muốn kết thúc bằng lời khuyên của thánh Giacôbê “Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật.(Gc 4,11)
Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận? (Gc 4,12)
Chúa còn nói mạnh hơn “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.”
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con một tâm hồn
theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh.
Một tâm hồn trong trắng,
cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn
để luôn xứng đáng với Chúa.
Một tâm hồn khiêm hạ
tìm kiếm chỗ nhỏ bé,
nhưng luôn luôn muốn bày tỏ
một tình yêu lớn lao.
Một tâm hồn đơn sơ,
không biết đến phức tạp của ích kỷ,
và tìm hiến dâng mà không đòi lại.
Một tâm hồn lặng lẽ,
hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình
không được người khác biết đến.
Một tâm hồn nghèo khó,
chỉ làm giàu cho mình
nhờ chiếm được chính Chúa.
Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,
quan tâm đến những nhu cầu
và ước muốn của họ.
Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,
và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B