Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 28 Thường niên năm C
Lc 17, 11-19
"Không phải cả mười người đều được sạch sao?
Thế thì chín người kia đâu?"(Lc 17,18)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Chúng ta vừa đọc lại một bài Tin Mừng rất đáng cho mọi người suy nghĩ.
1. Cha đố chúng con khi cho đọc lại bài Tin Mừng này, Giáo Hội muốn nhắc cho mọi người điều gì?
- Lòng biết ơn.
- Lòng thương người của Chúa.
- Lòng Chúa xót thương đối với những người đau khổ.
+ Tất cả đều đúng, nhưng đặc biệt nhất là lòng biết ơn.
Chúng con biết lòng biết ơn là giá trị nền tảng nghĩa là không thể thiếu trong cuộc sống làm người. Lòng biết ơn...một trong những giá trị căn bản nhất của một cuộc sống đẹp, thế nhưng hình như người ta ngày càng xa lạ với nó.
Cha mời chúng con nghe câu chuyện này. Câu chuyện trích từ Internet:
Có hai người bộ hành đang đi trong một khu rừng rậm rạp. Đó là hai ông cháu. Trời nóng và oi bức. Họ khát nước. Cuối cùng họ đến một con suối nhỏ. Hai người cúi xuống uống nước. Ông lão bảo:
- Cám ơn dòng suối nhỏ nhé!
Đoạn, ông rút trong túi ra một cái muôi và múc một ít bùn dưới lòng suối đổ đi. Đứa cháu thấy vậy thì cười. Ông hỏi:
- Sao cháu lại cười ?
Đứa cháu trả lời :
- Có gì đâu mà ông phải cám ơn dòng suối? Nó có phải là người đâu? Nó không nghe được lời ông nói, nó có hiểu được lời cám ơn của ông đâu.
Người đàn ông ngẫm nghĩ. Dòng suối vẫn chảy róc rách. Chim vẫn hót vang trong rừng. Sau một hồi lâu im lặng, ông bảo:
- Thế đấy, giòng suối có nghe thấy gì đâu. Nếu như có một con sói đến uống nước, có thể nó sẽ không biết cám ơn dòng suối. Nhưng chúng ta không phải là chó sói, mà là con người. Đừng quên điều đó cháu ạ: Và cháu có biết con người nói hai tiếng cám ơn là để làm gì không?
Đứa bể trầm ngâm. Nó chưa bao giờ suy nghĩ về điều đó. Cụ già chậm rãi bảo cháu:
- Cháu ơi, con người nói lên hai tiếng cám ơn chính là để không bao giờ trở thành ...chó sói!
Một lời khuyên hết sức cụ thể và đáng suy nghĩ.
Có lẽ không có gì tử tế và đẹp đẽ hơn bằng hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả tấm lòng chân thành và trân trọng của mỗi người chúng ta trong cuộc sống làm người.
2. Chúng ta phải biết ơn ai?
+ Trước hết phải biết ơn Chúa.
Cha hỏi chúng con ai dựng nên bầu trời trái đất này cho chúng ta sinh sống?
- Chúa.
- Ai cho chúng ta không khí để chúng ta thở mỗi ngày?
- Chúa.
Những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của chúng ta thì Thiên Chúa ban một cách dư dật thoải mái.
- Cha hỏi chúng con đã có bao giờ chúng con phải đi mua không khí về để thở chưa?
- Dạ chưa.
- Rất đúng. Cha cũng vậy! Chưa bao giờ cha phải mất một cắc bạc để đi mua không khí mặc dầu không khí là thứ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người cũng như các mọi sinh vật sống trên trời dưới đất này. Nếu thiếu không khí con người không thể sống và tồn tại trên hành tinh trái đất này!
Bây giờ chúng con thử đưa tay lên bịt mũi lại cho cha xem nào.
Chúng con nín thở được mấy phút?
Đó chúng con thấy những gì cần thiết cho cuộc sống của chúng con thì Chúa ban cho dư dật. Vậy mà có mấy ai biết nhận ra điều đó để cám ơn Chúa đâu.
Chính vì thế mà Charles Erdman một nhà chú giải chuyên về thánh Luca nói: "Có lẽ 9/10 sẽ quên hết những ơn họ lãnh nhận". Sao mà tỉ lệ những biết nhận ra những ơn mình được hưởng để nói lên hai tiếng cám ơn ít quá.
+ Sau Chúa, chúng con phải biết ơn mọi người.
Tại sao thế?
Chúng con thử nhìn vào con người của chúng con coi! Đôi dép chúng con mang ở chân ai làm ra? Quần áo chúng con mang trên mình ai đệt ai may vậy? Rồi còn bao nhiêu thứ nuôi dưỡng chăm sóc cho chúng ta hằng ngày! Ai lo cho chúng ta vậy? Người khác. Phải biết ơn những người đó chứ.
Rồi hằng ngày chúng con đi học. Ai dạy dỗ chúng con từ khi chúng con mới mở miệng đánh vần A-B-C cho tới hôm nay chúng con học được nhiều thứ, làm được nhiều việc hữu ích. Có phải các thứ đó tự nhiên mà có không?
Vậy thì chúng con hãy tập cho mình thật quen với hai tiếng cám ơn. Có như vậy chúng con mới xứng đáng làm người.
Cha muốn kết thúc bằng câu chuyện có thật, rất cảm động này. Một câu truyện có thật đã trở thành một bài học để dạy đời trên toàn đế quốc Roma vào thời của Chúa Giêsu và sau đó. Câu chuyện như thế này: Androcles là một nô lệ...Vì không chịu nổi cảnh bị đối xử quá khắc nghiệt ở nhà chủ cho nên anh bỏ trốn vào rừng. Đang đi lang thang trong rừng thì bất ngờ anh nhìn thấy một con sư tử đang lê bước bằng ba chân của nó...vừa đi vừa rên la đau đớn.
Thương hại quá, Androcles cảm thấy hết cả sợ hãi, anh can đảm tiến lại gần con sư tử. Con vật thấy anh xuất hiện thì nó dừng lại. Nó ngoan ngoãn nằm xuống bên cạnh anh. Anh nhẹ nhàng cầm lấy chân nó đưa lên để quan sát thì thấy chân nó đạp phải một cái gai thật to. Anh khéo léo, nhẹ nhàng nhổ cái gai ra khỏi chân con vật rồi tìm lá cây thuốc trong rừng đắp lên vết thương đang sưng tấy lên của nó.
Không bao lâu sau đó vết thương khỏi hẳn và từ đó trở đi người và vật quấn quít sống chung với nhau không rời nhau một bước. Mỗi ngày sư tử đi săn và bao giờ nó cũng dành cho Androcles, một ân nhân cứu mạng nó một phần thịt ngon nhất.
Một hôm khi con sư tử đi săn mồi thì Androcles sơ ý đi ra khỏi khu rừng và anh bị bọn chủ nô lệ bắt lại. Anh bị giam rồi sau đó bị trả về với đời sống vất vả của một người nô lệ.
Cuối cùng khi đã vắt hết sức lao động của anh, bọn chủ nô lệ thấy anh không còn sinh ích lợi gì cho họ nữa thì họ đem anh đến đại hý trường nổi tiếng Colisée ở Roma để cho dã thú phanh thây xé thịt anh ra theo tục lệ giải trí của những người thời đó.
Hôm ấy giữa tiếng hò la như long trời sập đất của những khán giả, Androcles một mình đứng giữa hý trường. Một con sư tử đã bị bỏ đói nhiều ngày đang bị nhốt trong chuồng sắp được thả ra.
Bầu khí hết sức căng thẳng. Khi cửa chuồng mở, con vật chạy như gió tiến về phía nạn nhân.
Nhưng thật bất ngờ khi gần tới nơi thì con vật như khựng lại. Nó ngoan ngoãn nằm phủ phục dưới chân của Androcles rồi ngước mắt nhìn lên, dùng lưỡi nhẹ nhàng liếm tay người nô lệ. Androcles đưa tay vuốt ve nó. Anh rất mừng khi nhận ra đó chính là con sư tử mà anh đã cứu nó trong rừng.
Tất cả mọi người ở trong đại hý trường hôm đó đều hết sức ngỡ ngàng và cảm động. Họ đồng thanh la thật lớn yêu cầu hoàng đế trả tự do cho đôi bạn chân tình này.
Thế là từ đó trở đi Androcles và con sư tử đã trở thành một bài học và một biểu tượng của lòng biết ơn.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về mọi sự Chúa đã ban cho con.
Tạ ơn Chúa đã ban cho con: Sức khoẻ dồi dào, cặp mắt để nhìn, đôi tai để nghe, hai bàn tay để làm việc, đôi chân để đi, bộ óc để suy nghĩ, trái tim để yêu mến.
Xin Chuá giúp con biết cố gắng sống xứng đáng hơn nữa với những tặng phẩm Chúa ban. Amen .
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 29 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 28 thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Nhật 27 thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Thường niên năm B