Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 24 Thường niên năm B
Mc 8,27-35
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe dài và nói về nhiều vấn đề quá. Nào là việc Chúa hỏi các môn đệ xem sau một thời gian dài Chúa rao giảng cho mọi người thì người ta nghĩ Chúa là Người như thế nào. Nào là việc Chúa trực tiếp hỏi xem chính các môn đệ nghĩ Chúa là ai. Rồi sau đó Chúa công khai loan báo về cuộc khổ nạn Chúa phải chịu và cuối cùng Chúa quyết liệt đòi hỏi những ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mạng sống mình, rồi phải vác thập giá mình mà theo.
Cha hỏi chúng con với tất cả những việc như thế Chúa muốn chúng ta điều gì?
………………
Khó phải không chúng con?
Cha tưởng Chúa muốn chúng ta phải hiểu Chúa cho đúng. Hiểu Chúa cho đúng là hiểu Chúa Là Ai. Chúa xuống thế làm người để làm gì? Đâu là con đường Chúa theo để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa Cha và muốn đi theo Chúa thì con người phải làm gì.
Nhiều quá phải không chúng con?.
Bởi vậy hôm nay cha chỉ muốn nói về một điểm thôi. Đó là việc Chúa đòi hỏi những ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình vác vác thánh giá mà theo. Nào chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8,34) Rồi sau đó Chúa giải thích: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”(Mc 8,35)
Cha hỏi chúng con: Tại sao Chúa lại đòi hỏi quá khó như vậy?
Trước khi tìm một câu trả lời, cha hỏi chúng con thêm một câu nữa: Trước khi Chúa đòi hỏi như thế, Chúa đã làm gì? Chúng con hãy nhớ lại một chút xem. Tin Mừng ghi: Trước khi Chúa đòi hỏi các môn đệ như thế Chúa đã báo trước về cái chết Chúa sắp phải chịu. Chúa bảo các môn đệ như thế này: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.(Mc 8,31) Sau đó Tin Mừng còn nhấn mạnh thêm: “Người nói rõ điều đó, không úp mở”(Mc 8,32). Tới đây thì cha thấy câu trả lời đã rõ: Chúa muốn chúng ta noi gương bắt chước Chúa.
Chúa đã chấp nhận đi qua con đường Thánh Giá khổ nhục rồi mới đến vinh quang Phục Sinh. Chính Chúa đã muốn đi qua cái chết đau đớn rồi mới tới ngày sống lại vinh hiển. Bởi vậy mà Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
Sở dĩ Chúa làm thế là để làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Vì Thiên Chúa Cha muốn Chúa Giêsu Con của mình làm thế để cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương loài người như thế nào. Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần cũng cho biết như vậy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến thân vì người mình yêu.”
Bởi vậy tuy những lời Chúa nói hôm nay, có khó nghe và khó chấp nhận. Nhưng đó là điều Chúa muốn. Môn đệ không thể hơn Thấy. “Môn đệ không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Môn đệ được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi.(Mt 14,24-25) Chúa đã đi qua con đường Thập Giá rồi mới tới vinh quang, phục sinh thì chúng ta là những môn đệ của Chúa muốn có vinh quang thì cũng phải đi vào con đường đó.
Cha kể cho chúng con câu chuyện này. Câu chuyện có tên là:Miếng Đất Sét Và Tách Trà Quý. Chúng con đã thấy cái tách trà bao giờ chưa? Cha chắc chúng con đã thấy rồi. Câu chuyện ấy như thế này:
Cái tách trà một lần kia đã tâm sự: “Trước đây, tôi không phải là cái tách trà xinh xắn đẹp đẽ như thế này đâu. Trước đây tôi chỉ là một miếng đất sét đỏ. Rồi một hôm, ông chủ đem tôi nhào nặn, đập dẹt ra, rồi nhào, rồi lại đập dẹt ra. Tôi sợ quá, nên đã hét lên:
- Buông tôi ra
Nhưng ông chỉ cười:
- Chưa được đâu.
Sau đó, ông đặt tôi lên một cái bàn xoay, xoay tôi liên tục đến độ tôi phải kêu lên oai oái:
- Dừng lại đi, tôi chóng mặt lắm
Thế nhưng ông lại nói:
- Chưa được đâu!
Rồi ông ấy đặt tôi vào lò nung, nóng khủng khiếp. Tôi không hiểu tại sao ông ta lại muốn hành hạ tôi, đốt tôi như thế. Tôi đập mạnh vào thành lò bồm bộp nhưng chỉ nghe tiếng ông nói:
- Vẫn chưa được đâu. Một lúc lâu sau, ông mới lôi tôi ra và đặt tôi ngồi trên kệ để người tôi nguội dần. Tôi cảm thấy thật dễ chịu. Nhưng thưởng thức cảm giác đó chưa được bao lâu, con người khó tính kia lại bắt đầu lấy một chất lỏng quét lên bên ngoài người tôi. Tôi không chịu được và gào lên:
- Hãy dừng lại
Nhưng ông vẫn chỉ gật gù:
- Chưa đâu.
Rồi tôi lại bị đặt vào lò và lần này là cái lò nóng gấp đôi lần trước. Tưởng như mình chết ngạt đến nơi, tôi khóc và van xin nhưng ông vẫn kiên quyết nói:
- Vẫn chưa được!
Tôi chẳng còn hy vọng gì nên đành buông xuôi theo số phận.
Đột nhiên cửa lò bật mở, ông chủ bế tôi ra và cẩn thận đặt trên kệ. Ông đặt một cái gương trước mặt tôi rồi nói:
- Hãy nhìn mình xem.
Tôi nhìn và thốt lên trong ngạc nhiên:
- Tôi đây sao? Giờ tôi trở nên xinh đẹp thế này sao?
Lúc này, ông chủ của tôi mới bắt đầu lên tiếng:
- Ta biết con sẽ đau đớn lắm khi bị ta nhào nặn nhưng nếu ta không làm thế, con sẽ bị khô đi và trở nên vô dụng. Ta biết bị xoay trên bàn nặn là vô cùng chóng mặt, nhưng nếu ngưng lại con sẽ bị méo mó. Ta cũng biết lò nung rất nóng và làm con rát bỏng nhưng nếu không vào đó con sẽ không trở nên cứng cáp và dễ nứt vỡ. Ta cũng biết mùi sơn làm con rất khó chịu, nhưng nếu không làm vậy, con sẽ nhạt nhẽo chẳng có chút màu sắc nào cả. Ta buộc phải đặt con vào lò nung thêm một lần nữa để con cứng cáp và bền chắc. Còn giờ đây, sau bao khổ luyện, con đã là một sản phẩm đẹp và hoàn chỉnh. Ta thật sự hãnh diện về con! Phải qua những thử thách vất vả con mới trở thành một tách trà đẹp như thế con ạ.
Để kết thúc xin mượn lời của ngôn sứ Isaia để thưa với Chúa.
Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con. Chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài. Chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.
Cúi xin Ngài nhìn đến: chúng con tất cả đều là dân của Ngài.
Xin hãy làm cho chúng con hiểu rằng: Đau khổ, nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước, nhưng là những thềm đá nâng con lên cao hơn, cao tới tận Thiên đàng. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm C
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa Giáng Sinh (+video) -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 34 Thường niên - Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 33 Thường niên - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B - Chúa nhật Chúa chiên lành -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 2 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 3 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 5 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 6 Phục sinh năm B