Bài ca ngàn trùng
Giáo Hội Công giáo Việt Nam được thế giới biết đến như một Giáo Hội tử đạo. Điều này vừa có nghĩa là Giáo Hội đã được sinh ra và lớn lên giữa những cuộc bách hại của quá khứ, vừa có nghĩa là Cộng đoàn Đức tin của ngày hôm nay vẫn đang đối diện với những khó khăn đến từ nhiều phía. Nếu diễn tả sự hy sinh thấm đẫm máu đào của các Thánh Tử đạo như một bài ca ngàn trùng tôn vinh Chúa (nhan đề của một bài thánh ca), thì thế hệ của chúng ta đang nối tiếp các bậc Tiền nhân để viết lên bài ca đó. Chứng từ anh dũng của các Thánh Tử đạo không chỉ là chuyện kể của ngày hôm qua, mà còn là những vấn đề của ngày hôm nay, trong xã hội hiện đại này đang rất cần những chứng nhân Đức tin.
Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng bằng chính máu đào của mình. Các ngài là những người đã vượt qua đau khổ lớn lao, đã giặt áo mình trong máu Chiên Con (x. Kh 7,14). Để trung thành với Đức tin, khoảng 130.000 tín hữu đã đổ máu đào, thấm đẫm giang sơn ba miền Bắc Trung Nam của nước Việt Nam. Trong số này, có những người Việt Nam cũng như ngoại quốc; có những người già cũng như trẻ, nam cũng như nữ, trí thức cũng như bình dân. Trong số các ngài, có những người làm việc trong triều đình, quân đội, nhưng cũng có những người suốt đời quen với cày cuốc và ruộng đồng. Trong số các ngài, có giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân. Dù khác biệt về tuổi tác, nguồn gốc cũng như địa vị xã hội, các ngài đều có chung một niềm tin, cùng một lý tưởng phụng sự Chúa. Các ngài được nuôi dưỡng bằng chí khí anh hùng, thà chết chứ không bỏ Đạo. Các ngài đã làm nên một dàn đồng ca vĩ đại, dâng lời ca tụng tạ ơn Thiên Chúa. Chứng từ của các ngài làm nên vẻ đẹp của Giáo Hội Việt Nam. Khi ôn lại đời sống và chứng tá của các Thánh Tử đạo, chúng ta là hậu sinh hôm nay không khỏi ngỡ ngàng, làm sao những người dân quê suốt đời chân lấm tay bùn, lại có thể trở thành những chứng nhân trung kiên, can đảm đối diện với nhà cầm quyền hùng mạnh và với những hình khổ dã man? Câu trả lời chắc chắn là nhờ ơn của Chúa. Họ bị bắt, bị bỏ đói và hành hạ trong tù. Họ bị liệt vào hàng phản quốc. Họ bị vu khống tội âm mưu lật đổ triều đình. Tất cả những điều đó không làm họ nản chí. Nhờ ơn trên, các Thánh Tử đạo của chúng ta có thể chấp nhận mọi sự, miễn là Đức Kitô được rao giảng. Những câu trả lời của các ngài nhiều khi rất đơn sơ, nhưng cũng làm cho nhà cầm quyền bối rối và đuối lý. Khi các quan khuyên Phêrô Nguyễn Văn Tự: “Này anh Tự, thực tình chúng tôi muốn tha anh. Vậy, anh nghe chúng tôi mà bước lên Thánh Giá để được tha”. Thánh Tự đã trả lời: “Tôi cám ơn các quan về những lời hứa hẹn này. Nhưng tôi không thể bỏ Thiên Chúa của tôi để theo vua và các quan. Tôi không thể giày đạp lên ảnh của cha mẹ tôi cũng như ảnh vua, thì làm sao tôi có thể giày đạp lên ảnh Thiên Chúa của tôi?”. Nhân đức anh hùng và chứng từ can đảm của các Thánh Tử đạo là những nốt nhạc thiêng viết nên bản hùng ca ngàn trùng, làm rạng rỡ Giáo Hội và non sông Việt Nam.
Giáo Hội Công giáo Việt Nam hôm nay là hậu duệ thiêng liêng của các Thánh Tử đạo. Chúng ta có bổn phận viết tiếp những trang sử rạng ngời mà ông cha ta đã viết. Những trang sử của thời hiện đại không viết bằng máu, nhưng bằng những nỗ lực cố gắng để đem Đạo vào đời, để tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu thấm nhập mọi môi trường ngõ ngách của cuộc sống. Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi trong năm 2016 sắp tới, mỗi tín hữu Công giáo hãy cộng tác phần mình làm cho xã hội Việt Nam được thấm nhuần men Phúc Âm. Sống và thực thi tin thần Tin Mừng, đó là bổn phận và là nguyện vọng của người Công giáo Việt Nam. Do thành kiến và ảnh hưởng bởi lịch sử, có những lúc người Công giáo bị coi là “công dân hạng hai”, bị xa lánh và bị từ chối vào một số trường học, cơ quan nhà nước. Vì vậy, khá nhiều người Công giáo dè dặt trong việc tham gia những hoạt động xã hội. Nhiều cộng đoàn giáo xứ trở nên khép kín, chỉ biết kinh lễ và những sinh hoạt trong nhà thờ. Lâu dần, cách suy nghĩ này trở thành thói quen chung của cả một làng, nhất là những làng Công giáo toàn tòng. Nhiều người không muốn cho con cái đi học cao, vì biết rằng, người Công giáo có học cao cũng chẳng làm gì. Tình trạng khép kín cứ thế, ngày một trở nên nghiêm trọng. Tạ ơn Chúa, những năm gần đây, não trạng này đang dần dần thay đổi và có nhiều cải thiện. Những người Công giáo đang chứng tỏ sự hoà nhập dấn thân và đồng hành với xã hội. Nhiều người tín hữu thành đạt trong các lĩnh vực trí thức, kinh doanh thương mại, văn hoá xã hội. Những hoạt động từ thiện của Giáo Hội ở nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau đang làm cho hình ảnh người Công giáo gần gũi với đồng bào, với quê hương. Những giao lưu học hỏi giữa các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo cũng sinh nhiều hoa trái và giúp các tôn giáo xích lại gần nhau, cùng chung mục đích đem lại hạnh phúc cho con người. Hoà đồng với xã hội nhưng không đánh mất mình, người Công giáo Việt Nam đang nỗ lực cố gắng để đem tinh thần của Chúa tô điểm cho trần gian nên phác thảo của đời sau. Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư gửi Cộng đồng Dân Chúa vừa qua, sau khi đã đưa ra những nhận định tổng quát về tình hình xã hội Việt Nam, đã mời gọi mỗi người Công giáo “phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống” (số 3). Mặc dù còn nhiều thành kiến nơi những đồng bào không cùng tôn giáo, nhưng chúng ta không vì thế mà nản lòng hoặc bỏ cuộc, nhưng kiên trì đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau. Thánh Phêrô đã mời gọi các tín hữu hãy ăn ở ngay lành giữa các dân ngoại và ngay cả giữa những người chưa thực sự cảm thông, thậm chí còn có những tư tưởng thù nghịch với chúng ta. Qua những việc lành của mình, chúng ta sẽ dần dần cảm hoá họ, đồng thời trình bày gương mặt đích thực của Thiên Chúa và hình ảnh tinh tuyền của Giáo Hội (x. 1P 2,11-12).
Lễ kính các Thánh Tử đạo là dịp để chúng ta kể lại cho nhau những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi các ngài. Những con người yếu đuối mỏng giòn thường ngày, nhờ ơn Chúa đã trở nên can đảm phi thường. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử của Giáo Hội Việt Nam. Quên lịch sử là quên cội nguồn. Đánh mất lịch sử là đánh mất tương lai. Mầu nhiệm “các thánh cùng thông công” còn khẳng định với chúng ta, các Thánh Tử đạo luôn đồng hành với chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta trước toà Chúa. Nhờ các ngài, chúng ta được tiếp thêm nghị lực để sống và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay, tiếp tục viết nên bài ca ngàn trùng của tình thương Thiên Chúa.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19