Bài 120: Bình an và Thần Khí từ Đấng Phục Sinh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
TGPSG -- Hôm nay xin được cùng quý ông bà anh chị em đọc lại phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật II Phục Sinh và cùng tìm hiểu một số chi tiết liên quan đến biến cố Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ, trao ban bình an và Thánh Thần cho các ông. Câu chuyện được Tin Mừng Gio-an kể lại qua hai phân đoạn, cũng là hai lần Đức Giê-su hiện ra gặp các môn đệ : [1] cuộc gặp gỡ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần (x. Ga 20,19-23), và [2] cuộc gặp gỡ vào tám ngày sau đó, cách riêng với ông Tô-ma (x. Ga 20,24-29).
1. Cuộc gặp chiều ngày thứ nhất trong tuần (x. Ga 20,19-23)
Trình thuật Tin Mừng thuật lại cho chúng ta biết rằng vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, khi các môn đệ đang tụ họp trong căn phòng đóng kín vì sợ “người Do-thái” (cụm từ “người Do-thái” hàm ý giới chức lãnh đạo tôn giáo Do-thái, những kẻ chống đối Đức Giê-su), thì bất ngờ Đức Giê-su xuất hiện giữa các ông, chúc bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn Người để chứng thực cho các ông rằng Người đã phục sinh từ trong cõi chết.
Sau đó trình thuật Tin Mừng chuyển sang một chủ điểm khác là: Đức Giê-su trao cho các môn đệ khả năng tha thứ và cầm giữ tội lỗi, khi Người, một lần nữa, chúc bình an cho họ và nói : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”, rồi Đức Giê-su thổi hơi trên các ông và ban Thánh Thần cho họ.
Một số nhà chú giải cho rằng, đây chính là cao trào kịch tính của Tin Mừng Gio-an. Vào chiều ngày Đức Giê-su trỗi dậy và bước ra khỏi mộ, Người trao ban Thánh Thần cho các môn đệ. Việc trao ban Thánh Thần này xảy ra đúng như lời Người đã hứa với họ suốt hành trình sứ vụ của Người. Đây là lúc các môn đệ được Thánh Thần tái sinh và thực sự trở thành “con cái Thiên Chúa.”
Như vậy, xét về trình tự, trình thuật Tin Mừng Gio-an cho thấy hai phân cảnh rõ rệt của câu chuyện: [1] Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, và [2] Đức Giê-su ban Thánh Thần cho các ông. Theo đó:
[1] Phân cảnh thứ nhất kể lại việc Đức Giê-su hiện ra để xoá tan bầu khí sợ hãi, co cụm đến tê liệt của những môn đệ không còn có Thầy bên cạnh. “Bình an” mà Đức Giê-su ban cho các ông khi họ được thấy và được đụng chạm vào thân thể Phục Sinh của Đức Giê-su có thể xem là cuộc phục sinh của các môn đệ: cuộc phục sinh tinh thần vì con tim các ông đã vui trở lại.
[2] Trong khi đó, phân cảnh thứ hai cũng khởi đi bằng việc Đức Giê-su ban bình an cho các ông, nhưng không chỉ để “phục sinh” tinh thần các ông mà còn để các ông đón nhận Thánh Thần và thi hành “công việc” của Thầy mình.
Tất nhiên, nếu so sánh với trình thuật Thánh Thần Hiện Xuống trong sách Công vụ Tông đồ, thì việc trao Đức Ki-tô Phục sinh ban Thánh Thần vào buổi chiều ngày phục sinh có vẻ sớm hơn và cách thế cũng khác biệt. Không giống như trình thuật Tin Mừng Gio-an mà chúng ta đang phân tích, sách Công vụ Tông đồ mô tả việc các môn đệ nhận lãnh Thánh Thần được diễn ra vào năm mươi ngày sau cuộc phục sinh của Đức Giê-su, và khi ấy Thánh Thần như cơn gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi các môn đệ tụ họp, rồi xuất hiện dưới hình những lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một (x. Cv 1,8 ; 2,1-4),.
Các học giả Kinh Thánh đã nỗ lực nối kết hai trình thuật này theo nhiều cách khác nhau. Một số thì cố gắng dung hòa bằng cách giải thích rằng đấy là các ơn khác nhau của Chúa Thánh Thần được trao ban cho từng người và để thi hành sứ vụ, trong khi số khác lại cho là trình thuật trong sách Công vụ Tông đồ phản ánh các yếu tố liên quan đến Lễ Ngũ Tuần của Do-thái giáo, vốn diễn ra sau Lễ Vượt Qua năm mươi ngày để nối kết biến cố này với ngày lễ mừng của người Do-thái.
Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu mục đích chủ yếu của cả hai trình thuật về việc các môn đệ nhận lãnh Thánh Thần từ Tin Mừng Gio-an cũng như từ sách Công Vụ Tông Đồ đều chỉ nhằm chứng thực việc Thánh Thần đã được ban cho các môn đệ. Theo đó, chân lý này không bị giảm thiểu bởi những sự khác biệt giữa các bản văn Kinh Thánh về chi tiết thời gian xảy ra sự kiện. Cách hiểu này cũng được áp dụng cho những điểm dị biệt khác qua cách giới thiệu Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an và các Tin Mừng Nhất Lãm. Mục đích của trình thuật về việc trao ban Thánh Thần trong Tin Mừng Gio-an hoàn toàn sáng rõ, cốt là nhắm đến sự thành toàn lời hứa Đức Giê-su đã tuyên bố ở Ga 3,5-8 với ông Ni-cô-đê-mô rằng:
“Thật, tôi bảo thật ông : không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói : các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,5-8).
Hoặc ở nơi khác, khi Đức Giê-su nói rằng:
“‘Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống’. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7,38-39).
Theo đó, phân cảnh thứ hai của câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật này bao gồm hai chủ đề: [1] sứ vụ truyền giáo của các môn đệ, và [2] quyền tha tội. Đây cũng là hai chủ đề trọng tâm của các Tin Mừng Nhất Lãm.
2. Cuộc gặp gỡ với ông Tô-ma (x. Ga 20,24-29)
Đây là một trong những phân cảnh đặc sắc và nổi bật của Tin Mừng Gio-an, và phân cảnh này cũng có thể chia thành hai phân cảnh nhỏ hơn: [1] sự hoài nghi của ông Tô-ma về việc Đức Giê-su đã phục sinh, vì ông là người đã vắng mặt khi Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày Chúa Phục Sinh. Ông Tô-ma nói rõ rằng ông chẳng tin trừ khi ông có thể nhìn thấy và chạm vào các vết thương của Đức Giê-su, và [2] lời tuyên xưng đức tin của ông Tô-ma vào tám ngày sau đó, khi Đức Giê-su, một lần nữa hiện ra với các môn đệ và “mời” ông Tô-ma xem và chạm vào các vết thương của Người. Phân cảnh này rõ ràng có ý muốn cho thấy sự xác thực về mặt thể lý Đức Giê-su phục sinh nhằm phi bác bất cứ ai cho rằng Đức Giê-su trỗi dậy chỉ là một ảo ảnh tâm linh.
Trong Tin Mừng Gio-an, khi ông Tô-ma được gặp Đức Giê-su, ông không chỉ tin nhưng còn chân thành tuyên xưng về Đức Giê-su rằng : “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con.” Lời tuyên xưng của ông Tô-ma nổi bật lên không chỉ như lời tuyên xưng chân thành nhất trong Tin Mừng Gio-an nhưng còn có thể nói là lời tuyên xưng rõ rệt nhất về thần tính của Đức Giê-su trong toàn bộ Tân Ước.
Cuối cùng, Đức Giê-su công bố rằng niềm tin của ông Tô-ma, dựa trên “chứng cứ” ông được Người cho trải nghiệm thực là một điều tốt lành. Thế nhưng, Đức Giê-su khẳng định, những ai không thấy mà tin thì cũng phúc đức như vậy. Lời tuyên bố này còn nhắm đến những người mà trong tương lai, không có cơ hội để thấy tận mắt Đức Giê-su “bằng xương bằng thịt” nhưng vẫn tin vào Người.
Đoạn văn này có những điểm đặc thù của nó. Có sự khác lạ khi không biết lý do tại sao mà ông Tô-ma không có mặt cùng với các môn đệ trong buổi chiều ngày Chúa sống lại, lúc mà những môn đệ khác đang túm tụm lại với nhau vì lo sợ cho tính mạng của mình.
Tuy nhiên, vấn đề này có lẽ quan trọng hơn, đó là vì Tô-ma đã không có mặt ở đó với các môn đệ vào buổi chiều ngày phục sinh, nên ông đã không nhận được Thánh Thần mà Đức Giê-su trao ban cho các môn đệ. Đây có thể là điều khiếm khuyết trầm trọng về phần Tô-ma, nhưng đổi lại, ông lại có được lời tuyên xưng chân thành nhất trong Tin Mừng !
Chúng ta cũng thấy rằng, nếu những vấn đề liên quan đến sự thống nhất và tính mạch lạc còn nhiều điều phải bàn, thì ý tưởng thần học tổng thể của đoạn văn này khá rõ ràng và ấn tượng : Thánh Thần được Đức Giê-su Phục Sinh trao ban cũng đi liền với sự bình an cho cả tập thể lẫn từng cá nhân người môn đệ, và cả những ai quay lại để tề tựu với cộng đoàn các môn đệ Đức Giê-su. Việc Đức Giê-su Phục Sinh không hề “bỏ lại” một môn đệ nào phản ánh một tình thương trọn vẹn của Thiên Chúa được cụ thể hoá qua việc Đức Giê-su trao ban bình an cho các một đệ.
Phần kết của Bài Tin Mừng hôm nay cũng là kết luận thứ nhất của Tin Mừng Gio-an (Ga 20,30-31). Đoạn văn chủ yếu tập trung vào các dấu lạ của Đức Giê-su Phục Sinh như là nguồn mạch cho niềm tin : Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và chính Người là Con Thiên Chúa. Qua đó cũng khẳng định rõ về ân phúc vĩ đại nhất của lòng tin tưởng này là làm cho người tin có được sự sống đời đời nhờ danh Đức Giê-su.
Trong ý nghĩa này, chúng ta có quyền hiểu rằng Thánh Thần chính là tác nhân làm cho tất cả đời sống các môn đệ được sinh động, được “phục sinh” cùng với Đức Giê-su Ki-tô đúng như hình ảnh Đức Giê-su “thổi hơi” vào các môn đệ và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”
bài liên quan mới nhất

- Bài 119: Sao Chúa Phục Sinh hiện ra trước tiên với các phụ nữ? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 118: Bữa tiệc ly theo Tin Mừng Gioan | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 117 : Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu theo Thánh Luca -
Bài 116 : Người lấy ngón tay viết trên đất -
Bài 115 : Người con hoang đàng hay người cha nhân hậu ? -
Bài 114 : Nếu các ông không sám hối -
Bài 113 : Sao chỉ có ba môn đệ chứng kiến Đức Giê-su hiển dung ? -
Bài 112 : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa / Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 111: Khi làm Việc Lành Phúc Đức | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 110: Mở miệng ra, tôi sẽ kể Dụ Ngôn | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều

- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa