Bài 118: Bữa tiệc ly theo Tin Mừng Gioan | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
TGPSG -- Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh được gọi là Thánh lễ Tiệc Ly. Tin Mừng trong thánh lễ này kể lại bữa ăn cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ trích trong Tin Mừng theo thánh Gio-an (13,1-15). Trước khi phân tích bản văn Tin Mừng, chúng ta tìm hiểu xem tác giả Gio-an tường thuật bữa ăn này có gì khác biệt so với Tin Mừng Nhất Lãm không.
A. Trình thuật của Gio-an và Tin Mừng Nhất Lãm
So sánh, ta thấy có những khác biệt sau đây :
1. Thời gian
– Gio-an viết : “Trước lễ Vượt Qua” (13,1), mà không xác định là vào lúc nào. Có lẽ là vào chiều thứ Sáu, trước ngày chuẩn bị lễ Vượt Qua năm đó.
– Nhất Lãm :
+Mt 26,2 viết : “Còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua”.
+Mc 14,1 thì chép : “Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men”.
+Lc 22,7 nói : “Đã đến ngày lễ Bánh Không Men, ngày phải sát tế chiên lễ Vượt Qua”.
2. Không gian
– Gio-an không cho biết chính xác bữa tiệc diễn ra ở đâu.
– Nhất Lãm :
+Mt 26,18 : “Các anh hãy đi vào thành, đến nhà một người kia”, tức là tại nhà của một người ở trong thành Giê-ru-sa-lem.
+Mc 14,13-15 : “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà : Thầy nhắn : ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào ?’ Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu”. Như vậy Đức Giê-su ăn bữa tiệc lỵ tại một căn phòng rộng, ở trên lầu, tại nhà một người trong thành.
+Lc 22,10-12 tường thuật tương tự như trong Mc 14,13-15 nói trên.
Như vậy, theo Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su và các môn đệ ăn bữa tiệc ly trong một căn phòng rộng rãi trên lầu, tại nhà của một người, trong thành Giê-ru-sem.
3. Việc chuẩn bị : Tác giả Gio-an bỏ qua câu chuyện Đức Giê-su sai các môn đệ đi chuẩn bị bữa tiệc Vượt Qua như Tin Mừng Nhất Lãm trình thuật (x. Mt 26,17-19 ; Mc 14,12-16 ; Lc 22,7-13).
4. Lập bí tích Thánh Thể : Tin Mừng Gio-an cũng không tường thuật việc Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly như các Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt 26,26-29 ; Mc 14,22-24 ; Lc 22,19-20).
5. Rửa chân : Chỉ riêng Tin Mừng Gio-an kể lại việc rửa chân (x. Ga 13,4-12) và sau đó là một diễn từ ly biệt khá dài của Đức Giê-su (x. Ga 13,31–17,26).
6. Tiên báo kẻ phản bội : Mác-cô và Mát-thêu cho biết Đức Giê-su nói về kẻ phản bội đang khi ăn và trước khi lập bí tích Thánh Thể : “Đang khi dùng bữa, Người nói : “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy” (Mc 14,18 ; x. Mt 26,21) ; Lu-ca cho biết là sau khi lập bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su nói : “Này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy” (Lc 22,21) ; còn Gio-an thì kể lại việc này sau khi rửa chân cho các môn đệ : “Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21).
7. Tiên báo Phê-rô chối Thầy : theo Gio-an và Lu-ca, Đức Giê-su đã nhắc ông Phê-rô ngay trong bữa ăn : “Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Đức Giê-su trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông Phê-rô thưa : “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” Đức Giê-su đáp : “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13,36-38) ; Thánh Lu-ca thì ghi lại rằng : “Ông Phê-rô thưa với Người : ‘Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng’. Đức Giê-su lại nói : ‘Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy’” (Lc 22,33-34) ; Tác giả Mác-cô và Mát-thêu thì kể là Người nói với ông Phê-rô những lời tương tự sau khi đã rời khỏi phòng tiệc, và đang trên đường đến núi Ô-liu (x. Mc 14,29-31 ; Mt 26,33).
8. Loan báo các môn đệ sẽ tan tác : theo Gio-an, Đức Giê-su loan báo ngay trong bữa tiệc : “Này đến giờ –và giờ ấy đã đến rồi– anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình” (16,32) ; Mác-cô và Mát-thêu thì cho biết là sau khi rời phòng tiệc, Đức Giê-su nói : “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép : Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác” (Mc 14,27 ; x. Mt 26,31).
9. Bài học khiêm hạ
Tác giả Gio-an ghi lại lời Đức Giê-su dạy các môn đệ bài học khiêm hạ như sau : “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em !” (Ga 13,13-17).
Lu-ca thì ghi lại lời dạy của Đức Giê-su như sau : “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,24-27).
Như vậy, trình thuật Tin Mừng Gio-an về bữa tiệc ly không phụ thuộc vào trình thuật của Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng theo một truyền thống khác.
B. Tìm hiểu trình thuật Ga 13,1-15
1. Giờ của Đức Giê-su
Gio-an sử dụng hạn từ “giờ” để chỉ thời khắc Đức Giê-su “bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha”. Trong “giờ” này, Đức Giê-su muốn có một không gian riêng tư với các môn đệ, chỉ để làm và nói với các ông về những gì diễn ra trong “giờ” đó.
Giờ ấy không do Đức Giê-su ấn định, mà do Chúa Cha để Đức Giê-su hoàn tất công trình cứu độ được Chúa Cha ủy thác. Đó là Người được Chúa Cha tôn vinh qua đau khổ (chịu đánh đòn, vác thập giá), chết trên cây thập giá và phục sinh.
2. Bữa sau hết
Bữa tiệc ly trong Tin Mừng Gio-an chỉ được gọi là “một bữa ăn” (Ga 13,4) chứ không gọi là “ăn lễ Vượt Qua” (Mt 26,17 ; Mc 14,12 ; Lc 22,8) hay “tiệc Vượt Qua” (Mc 14,16 ; Lc 22,13) như trong Tin Mừng Nhất Lãm.
Chúng ta không biết vì sao tác giả Gio-an không tường thuật bữa ăn lễ Vượt Qua và việc chuẩn bị cho bữa ăn đó như các tác giả Nhất Lãm. Đồng thời Gio-an cũng không kể lại việc Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. Có lẽ vì Gio-an đã thuật lại dấu lạ hóa bánh ra nhiều và diễn từ về bánh hằng sống trong Ga 6, trong đó Người đã hành động tương tự như khi thiết lập bí tích Thánh Thể, đó là “cầm lấy bánh (ἔλαβεν οὖν τοὺς ἄρτους), dâng lời tạ ơn (εὐχαριστήσας), rồi phân phát (διέδωκεν) cho những người ngồi đó” (Ga 6,11). Cũng trong Ga 6, Đức Giê-su đã tuyên bố về Mình và Máu của Người rằng : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55). Sau bữa ăn cuối cùng, Thầy trò Đức Giê-su đến bên kia suối Kít-rôn và Người đã bị bắt trong một thửa vườn, rồi bị điệu đi xét xử và chịu đóng đinh (x. Ga 18–19). Vì thế, có thể nói bữa tiệc của Đức Giê-su với các môn đệ theo Ga 13 chính là “Bữa Tiệc Ly” của thầy trò Đức Giê-su như truyền thống vẫn gọi thế.
3. Rửa chân
Thoạt nhìn, chúng ta thấy việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ là chuyện khác thường, vì theo truyền thống Do-thái, người ta chỉ rửa tay trước bữa ăn (x. Mc 7,3) chứ không rửa chân trong bữa ăn. Hơn nữa, việc rửa chân cho khách dự tiệc là bổn phận của người nô lệ ngoại bang, chứ không phải của người nô lệ Do-thái.
Trước khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su “rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng” (Ga 13,4). Hành vi cởi áo ngoài, thắt lưng và rửa chân cho thấy trang phục và nhiệm vụ đặc trưng của người nô lệ (x. 1 Sm 25,41). Chính hành vi của một người nô lệ gợi cho chúng ta hiểu ra ý nghĩa đích thực của việc rửa chân, đó là Đức Giê-su đang thể hiện vai trò Người Tôi Trung của Đức Chúa, “như con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông” (Is 53,7). Hành vi rửa chân nói lên rằng Đức Giê-su đang thực hiện kế hoạch cứu độ đã được định cho Người Tôi Trung của Đức Chúa. Người sẽ chết làm chiên lễ Vượt Qua. Việc Đức Giê-su hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ tượng trưng cho cuộc Thương Khó, cái chết và sống lại của Người như tác giả Gio-an đã trình thuật : “Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau […] Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,3-5.12-15).
Đối chiếu trình thuật việc rửa chân với trình thuật cuộc Thương Khó của Đức Giê-su, chúng ta thấy những điểm tương ứng sau :
– Cởi áo (c. 4) : Đức Giê-su sẽ bị lột áo (x. Mc 14,27), ám chỉ cái chết của Người.
– Đổ nước… rửa chân cho các môn đệ (c.5) : Trong cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đã đổ máu mình ra mà tẩy rửa tội lỗi nhân loại, như thánh Gio-an viết : “Máu Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga 1,7).
– Mặc áo vào và lại ngồi vào chỗ (c. 12) : ám chỉ cuộc phục sinh của Đức Ki-tô (x. Mc 15,20 ; Lc 15,22).
4. Chung phần với Thầy
Trong trình thuật rửa chân, Đức Giê-su nói với ông Phê-rô : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,8). Kiểu nói “chẳng được chung phần với” là một đặc ngữ Sê-mít có nghĩa là không được liên kết hoặc chia sẻ với ; tức là đoạn tuyệt. Ở đây, chung phần là chia sẻ thân phận của Đức Giê-su, cùng với Người trải qua đau khổ mới đạt đến vinh quang.
Mục đích Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ là để các ông trở nên giống như Người khi Người nêu gương cho các ông (c. 15) : khiêm nhường hạ mình, phục vụ như người tôi tớ và bằng tất cả tình yêu.
Trong đoạn văn này, Gio-an muốn nhấn mạnh đến tình yêu cứu độ của Đức Giê-su. Người muốn các môn đệ hiểu rằng các ông phải biết chấp nhận cái chết vì yêu thương của Người thì các ông mới được tham dự vào vinh quang phục sinh của Người, phải cởi áo ra, đổ nước mà rửa, rồi mặc áo vào, thì các ông mới thật sự được thông phần vào đời sống mới của Người.
Bây giờ các ông chưa hiểu (c. 7) ý nghĩa của hành vi rửa chân. Khi Đức Giê-su phục sinh “thổi hơi, ban” Thánh Thần, bấy giờ các ông mới hiểu ý nghĩa đích thực của việc Người cởi áo, thắt lưng, rửa chân cho các ông, rồi Người mặc áo lại, trở về bàn ăn, tức là thực hiện cuộc Vượt Qua thật sự của Người.
Như vậy, các môn đệ sẽ làm những gì Đức Giê-su đã nêu gương trong bữa ăn cuối cùng. Các ông nhận được bài học “hiến mạng sống mình vì yêu” của Đức Giê-su. Các ông sẽ áp dụng bài học ấy trong sứ vụ của mình như lời Đức Giê-su đã nhắn nhủ sau khi rửa chân cho các ông : “Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em !” (Ga 13,16-17).
Cầu nguyện
Ngày trọng đại, nào reo vui phấn khởi,
Tự đáy lòng, hãy trổi khúc tri ân,
Con người cũ nhường ngôi cho người mới,
Mới cả suy tư, lời nói, việc làm.
Ta nhắc nhở bữa Tiệc Ly đêm ấy,
Chúa đồng bàn cùng toàn thể anh em,
Và theo đúng luật cha ông truyền lại,
Ăn thịt chiên cùng với bánh không men.
Họ suy nhược: Chúa nuôi bằng Thịt Chúa,
Họ buồn lo: cho uống rượu Máu Người:
"Chén bửu huyết tay Thầy trao cho đó,
Thầy xin mời tất cả nhắp trên môi."
Thế là Chúa đã lập ra Thánh Lễ,
Trao quyền cho hàng tư tế cử hành,
Cho chính họ được nuôi bằng Thánh Thể,
Và mỗi ngày cùng nuôi dưỡng sinh linh.
Bánh thiên sứ, nay phàm nhân hưởng thụ,
Bánh bởi trời đã thay thế man-na.
Ôi nhiệm lạ, kẻ nghèo hèn tôi tớ
Ðược nuôi bằng Thịt Máu Chúa thiên tòa!
Cùng thờ lạy Ba Ngôi một Thiên Chúa,
Xin rủ thương thăm viếng kẻ phàm trần,
Và đưa dẫn về trời, nơi Chúa ngự
Giữa muôn vàn ánh sáng, chốn bình an.
(Thánh thi Kinh Sách, lễ Mình Máu Thán
bài liên quan mới nhất

- Bài 119: Sao Chúa Phục Sinh hiện ra trước tiên với các phụ nữ? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 117 : Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu theo Thánh Luca -
Bài 116 : Người lấy ngón tay viết trên đất -
Bài 115 : Người con hoang đàng hay người cha nhân hậu ? -
Bài 114 : Nếu các ông không sám hối -
Bài 113 : Sao chỉ có ba môn đệ chứng kiến Đức Giê-su hiển dung ? -
Bài 112 : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa / Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 111: Khi làm Việc Lành Phúc Đức | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 110: Mở miệng ra, tôi sẽ kể Dụ Ngôn | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 109: Từ “Mắt đền Mắt, Răng đền Răng” đến “Yêu Thương Kẻ Thù” | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều

- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa