Ba điều khiến người Công giáo đã yêu mến Đức Lêô XIV

Ba điều khiến người Công giáo đã yêu mến Đức Lêô XIV

Ba điều khiến người Công giáo đã yêu mến Đức Lêô XIV

TGPSG/ Fr.Aleteia --- Cảm xúc của ngài, khát vọng hòa bình, lòng sùng kính Đức Maria… Bài diễn từ của Đức Lêô XIV tại ban công đền thờ Thánh Phêrô vào tối ngày ngài được bầu, 8 tháng Năm, chỉ kéo dài chưa đầy tám phút. Nhưng những cử chỉ và lời nói thấm đẫm sự khiêm nhường và đức tin của ngài đã chạm đến trái tim của rất nhiều tín hữu.

Kể từ ngày 8-5-2025, Giáo hội Công giáo đã có Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV, nguyên là Hồng y người Mỹ-Pêru Robert Francis Prevost, 69 tuổi, đã từng truyền giáo tại Peru và là nguyên Bộ trưởng Bộ Giám mục. Nếu như Hồng y Prevost sớm nhận được đa số phiếu bầu của các hồng y, thì xem ra Đức Giáo hoàng Lêô XIV còn chinh phục lòng người tín hữu nhanh hơn nữa.

Ngay từ khi xuất hiện tại ban công Đền thờ Thánh Phêrô khoảng 19g20, với vẻ xúc động rõ rệt, ngài đã ngỏ lời với đám đông hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô và với toàn thể Giáo hội bằng chính lời Chúa Kitô: “Bình an cho anh em!”

Sứ điệp hòa bình đầu tiên khai mở triều đại giáo hoàng của ngài đã được đám đông hân hoan đón nhận, và vỗ tay vang dội từ phía người dân Rôma tụ hội đông đảo để tung hô vị giáo hoàng mới.

Một vị giáo hoàng ít được công chúng biết đến, nhưng những cử chỉ và lời nói của ngài ngay lập tức đã khơi dậy niềm vui, sự trìu mến và lòng tín thác nơi tâm hồn người tín hữu.

1. Cảm xúc rõ rệt biểu lộ sự khiêm nhường sâu xa

Có lẽ trước hết chính cảm xúc rõ ràng của ngài đã làm xúc động không ít tín hữu.

“Cảm xúc của ngài đã chạm đến tôi,” Albane, một phụ nữ Paris, chia sẻ khi theo dõi buổi truyền hình trực tiếp từ nhà bếp nơi chị đang chuẩn bị bữa tối cho các con.

“Một cảm xúc rõ ràng, có lẽ do niềm vui và gánh nặng của sứ mạng, ánh mắt đầy nhân ái, lòng nhân hậu lớn lao, tất cả điều đó khiến tôi xúc động,” Sixtine, một bạn trẻ người Lyon, tiếp lời.

Phải nói rằng, nhờ công nghệ truyền hình hiện đại phát trực tiếp hình ảnh rất rõ nét về lần xuất hiện đầu tiên của Đức Lêô XIV, cả thế giới đã thấy được cảm xúc dâng trào nơi vị giáo hoàng và cảm nhận tinh thần khiêm nhường mà ngài có vẻ hiện thân.

Thông điệp hòa bình của ngài, trong thời điểm đầy xáo trộn này, cũng đã để lại dấu ấn nơi nhiều tín hữu.

Chị Marie-Angèle là một trong số đó, người đã chứng kiến lần xuất hiện đầu tiên của Đấng kế vị Thánh Phêrô trên tiền sảnh đền thờ ở Argenteuil cùng với hàng trăm tín hữu.

“Tôi vô cùng xúc động khi nghe những lời đầu tiên ấy: ‘Bình an cho anh em’, đó là những lời chạm đến tâm hồn tôi,” chị chia sẻ.

“Đó là lời chào đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, vị Mục tử nhân lành đã hiến mạng sống vì đoàn chiên của Thiên Chúa. Tôi cũng mong lời chào bình an ấy đi vào tâm hồn chúng ta, đến với gia đình anh chị em,” Đức Giáo hoàng Lêô XIV nói.

Sau khi lắng nghe bài diễn từ của Đức Lêô XIV, Đức cha Benoît Bertrand, Giám mục giáo phận Pontoise, nói với Aleteia: “Điểm nhấn mà ngài đặt vào việc phục vụ hòa bình, đối thoại và gặp gỡ chắc chắn sẽ là một hướng đi nền tảng trong triều đại giáo hoàng của ngài.”

2. Lời hứa từ tông hiệu Lêô

Việc chọn theo bước vị tiền nhiệm là Đức Giáo hoàng Lêô XIII, người được coi là giáo hoàng của những người lao động, đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ.

“Tôi đón nhận tông hiệu Lêô XIV của ngài, cùng với chiều kích xã hội của danh xưng này. Đức Lêô XIII là một vị giáo hoàng vĩ đại về mặt xã hội,” Đức cha Benoît Bertrand phân tích.

Tòa Thánh đã xác nhận điều này trong một buổi họp báo vào tối ngày 8 tháng Năm: khi chọn tên Lêô XIV, vị giáo hoàng mới muốn đặc biệt nhắc đến những người lao động.

Đức Lêô XIII chính là tác giả của tông huấn xã hội đầu tiên Rerum Novarum (1891), một văn kiện sáng tạo đánh dấu sự khởi đầu của Học thuyết xã hội của Giáo hội.

Đối với Anne-Lydie, người cũng có mặt tại Argenteuil, tên Lêô còn mang theo sự bảo đảm về cuộc chiến chống lại ma quỷ, điều mà Đức Lêô XIII đã khuyến khích.

“Một cuộc chiến cần thiết trong một thế giới đang mất phương hướng,” cô nhấn mạnh.

Hồ sơ đặc biệt của Đức Lêô XIV, đặc biệt là với kinh nghiệm lâu dài làm nhà truyền giáo tại Mỹ Latinh, vừa gây ngạc nhiên vừa mang đến sự an tâm.

Mười một năm của ngài tại Peru, nơi ngài thực hiện rất nhiều nhiệm vụ trong Tổng giáo phận Trujillo, đã biến ngài thành một người thực tế và gần gũi với các "vùng ngoại vi", điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô luôn trân trọng.

Cũng chính là phẩm chất quốc tế của ngài, là một "con người của thế giới", thông thạo nhiều ngôn ngữ, điều này khiến Albane thích thú: "Gia đình ngài đến từ khắp nơi, ngài là người Mỹ, đã từng đến Peru, làm việc tại Rôma... Ngài có kinh nghiệm ở các quốc gia đang phát triển cũng như các quốc gia giàu có."

3. Gắn bó với truyền thống của Giáo hội

Sự gắn bó với các giáo phụ vĩ đại của Giáo hội cũng chính là yếu tố xây dựng nên các tín hữu.

Như lời ngài nói, Đức Lêô XIV, với tư cách là một tu sĩ dòng Augustinô, đã tự coi mình là "con của Thánh Augustinô", và khi đặt mình dưới sự bảo trợ của Đức Lêô XIII, ngài chắc chắn cũng chia sẻ sự ngưỡng mộ của ngài đối với Thánh Tôma Aquinô.

Hai nhân vật này làm nổi bật sự gắn bó của vị Tân Giáo hoàng với giáo lý của Giáo hội.

Cuối cùng, sau bài diễn từ, việc mời gọi các tín hữu cầu nguyện với Đức Mẹ đã thể hiện rõ rệt lòng sùng kính sâu sắc của ngài đối với Đức Maria.

Vào ngày mà Giáo hội thường đọc lời cầu nguyện truyền thống với Đức Mẹ Pompeii, Đức Lêô XIV đã kêu gọi các tín hữu cùng ngài cầu nguyện với Đức Mẹ "cho sứ vụ mới này, cho toàn thể Giáo hội, và cho hòa bình trên thế giới."

Vào cuối bài giảng đầu tiên của ngài với tư cách là Giáo hoàng trong thánh lễ bế mạc mật nghị vào ngày 9-5-2025, Đức Lêô XIV đã nài xin sự trợ giúp và tình thương của Đức Maria: "Xin Chúa ban cho tôi ơn này, hôm nay và mãi mãi, với sự trợ giúp của lời chuyển cầu đầy yêu thương của Đức Maria, Mẹ của Giáo hội."

Ngài không bao giờ quên trao phó mình vào đôi tay dịu dàng và che chở của Đức Mẹ!

Tác giả: Mathilde de Robien

Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Fr.Aleteia

 

 

Top