ArtPrize có một không hai
Có thể nói trong thế giới nghệ thuật chưa từng diễn ra một sự kiện nào tương tự như cuộc thi ArtPrize được tổ chức tại Grand Rapids (bang Michigan, Mỹ), cho dù các hội chợ nghệ thuật ở nhiều quốc gia luôn là nơi các nghệ sĩ bốn phương mặc sức thể hiện những sáng tạo của họ.
Ngày 23-9 vừa qua đã thật sự trở thành một ngày hội nghệ thuật lớn tại thành phố Grand Rapids, khi mà cuộc thi ArtPrize được mở màn và sẽ kéo dài suốt ba tuần.
Có tới 1.262 nghệ sĩ tạo hình đến từ 16 nước giới thiệu hàng ngàn tác phẩm của họ tại 160 điểm trưng bày, từ các bảo tàng và trung tâm nghệ thuật đến các công viên, các gallery và xưởng thiết kế, các nhà kho, nhà hàng lớn, trên các đường phố chính và trên cả những cây cầu ở khu trung tâm của Grand Rapids. Họ biến khu vực rộng tới 160 hécta trở thành một sân khấu của nghệ thuật tạo hình lạ thường, độc đáo bậc nhất.
Muôn màu muôn vẻ ở Grand Rapids
Tác phẩm dự thi thì phong phú về thể loại, kích cỡ, đề tài, chất liệu… còn các tác giả thì có người đầy tham vọng, người lại rất mực khiêm tốn, có người dự thi một cách nghiêm túc và nhắm tới các giải thưởng cao, người lại chỉ nhằm mua vui. Điều quan trọng là ArtPrize dung hòa được cả cái cao siêu lẫn bình dân, kết hợp được những người tâm niệm sống chết với nghệ thuật cùng những kẻ đến với nghệ thuật chỉ để giải trí vào cuối tuần, giữa nghệ thuật của cái tôi nội tâm và nghệ thuật thỏa mãn đám đông tương tự như cuộc thi “American Idol”.
Brett Colley - giáo sư về nghệ thuật tạo hình và thiết kế của Đại học Grand Valley ở Grand Rapids nhận định: “Có dân chuyên nghiệp, có người nghiệp dư và tất nhiên có các hình thái khác ở giữa họ. Rõ ràng, tất cả số người này có các định chuẩn khác nhau về nghệ thuật, thế nào là nghệ thuật đích thực và vai trò của nghệ thuật quan trọng ra sao trong cuộc sống. Chúng ta sẽ chứng kiến tất cả các thị hiếu và sở thích nghệ thuật mà sự kiện này mang lại”. Bản thân ông Brett Colley cũng tham dự ArtPrize với tư cách một họa sĩ chuyên vẽ tranh theo đề tài chính trị - xã hội.
Hôm khai mạc cuộc thi, hàng ngàn khách bộ hành dạo bước bên bờ sông Grand chảy ngang trung tâm thành phố hoặc trên cây cầu Blue bắc qua sông đã không khỏi kinh ngạc trước một khối khổng lồ màu gỗ được thả nổi trên sông: đó chính là hình ảnh Nessie, con thủy quái huyền thoại Loch Ness. Tác phẩm điêu khắc này được bốn nghệ sĩ địa phương thực hiện từ một loại bọt công nghiệp, gồm ba phần ráp lại, có chiều dài hơn 200m, ngang 85m, cao 56m và nặng 2.400kg.
Nhằm có khoản kinh phí 17.000 USD để thể hiện quái vật Nessie, nhóm tác giả đã tổ chức hẳn một dự án quyên góp tài chính. Thomas Birks, một trong các tác giả của Nessie, cho biết: “Chúng tôi muốn trở thành một phần của ArtPrize và muốn để lại gì đó cho thành phố Grand Rapids”. Hoành tráng không kém là Telos, tác phẩm điêu khắc nhôm của Ray Katz, được dựng trong công viên trung tâm thành phố.
Nessie được thả trên sông Grand
Ngay trên mặt cầu Blue còn có một số tác phẩm cỡ lớn khác, chẳng hạn Chú bé đi bộ của Terrence Karpowicz hay một khối chuyển động bằng plastic bơm căng của Jimmy Kuehnle…
Tòa nhà Old Federal, một thời từng là Bảo tàng Mỹ thuật Grand Rapids, nay trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ. Matthew Paul Isaccson, 29 tuổi, giáo sư chuyên ngành gốm ở Đại học Columbus, đã chất đống những mảnh gốm công nghiệp trên một cái bàn thép dài gần 50m nhằm thể hiện một phong cảnh đô thị tương lai theo khuynh hướng hậu cực thiểu (post-minimalism).
Trong khi đó, tại một cao ốc khác, nghệ sĩ người New York là Jason Hackenwerth, 39 tuổi, tự tin nhắm tới giải thưởng cao nhất bằng một tác phẩm thể hiện những con côn trùng khổng lồ làm bằng những chiếc bong bóng nhiều màu sắc. Các tác phẩm sắp đặt bằng bong bóng của Jason Hackenwerth đã được trưng bày trên nhiều đường phố khu Manhattan cũng như tại các gallery và bảo tàng ở New York.
Người ta còn thấy những bức tranh tường, những nhóm tranh chân dung được treo trên tường các cao ốc… Muốn xem hết được các tác phẩm, chắc chắn phải mất nhiều ngày.
Công chúng là giám khảo
Một tác phẩm trình diễn trên đường phố
ArtPrize là sáng kiến của Rick DeVos, 27 tuổi, con trai một gia đình giàu có bậc nhất ở bang Michigan, đồng thời là người điều hành một trang web.
Là giải thưởng có giá trị cao nhất thế giới về hiện kim (toàn bộ các giải thưởng là 449.000 USD, riêng giải thưởng lớn lên đến 250.000 USD), ArtPrize cũng là giải thưởng được chấm một cách dân chủ nhất. Không có ban giám khảo cuộc thi nên các nghệ sĩ sẽ tranh tài với nhau… trên Internet!
Công chúng ở khắp nơi, những người không có mặt tại Grand Rapids vào thời điểm trưng bày tác phẩm sẽ theo dõi cuộc thi trên các trang web và chính họ sẽ bỏ phiếu bình chọn các giải thưởng thông qua email, tin nhắn điện thoại di động. Các mạng Facebook, Twitter và các trang blog cá nhân cũng tham gia cuộc bình chọn này qua các trao đổi, thảo luận, lý giải… về các tác phẩm được cư dân trên mạng quan tâm nhất.
Vấn đề chính mà cuộc thi này gây băn khoăn là liệu những tác phẩm gây được sự chú ý lớn và tức thời của số đông người, nhưng chỉ mang tính trình diễn như Nessie sẽ giành chiến thắng, hay phần thưởng sẽ thuộc về các tác phẩm có chủ đề sâu sắc nhưng không gây ồn ào như bức tranh tường Nhận thịt của Brett Colley - một tác phẩm phê phán ngành công nghiệp sản xuất thịt gia cầm, gia súc gây những tác hại về môi trường?
Bản thân tác giả Nhận thịt cũng cho rằng những tác phẩm quá phô trương trong cuộc thi có thể ảnh hưởng tới sự bầu chọn, song ông không quan tâm nhiều đến khả năng giành giải thưởng của mình, mà lo rằng nếu các tác phẩm “bình dân” nhất thống trị các giải thưởng năm nay thì nhiều nghệ sĩ sẽ rút lui khỏi ArtPrize các năm kế tiếp.
Tuy nhiên, các nhà tổ chức cuộc thi cũng lường trước các hậu quả có thể xảy ra nên một nhóm khoảng mười curator (người giám định chất lượng và tuyển chọn tác phẩm dự thi) đã được mời làm công việc chọn lựa. Họ đã loại 469 tác giả, chỉ chọn 1.262 người vào vòng thi chính thức, sau đó quyết định các tác phẩm sẽ được trưng bày tại đâu để chúng không bị tác động tiêu cực của nhau, chẳng hạn tranh hiện thực sẽ có chỗ riêng chứ không treo cạnh các tác phẩm sắp đặt trừu tượng.
Dù giá trị giải thưởng ArtPrize rất cao, nhưng không có mấy các ngôi sao trong lĩnh vực tạo hình tham dự. Một trong những tên tuổi được nhiều người biết đến là nhà điêu khắc nữ Chakaia Booker ở New York. Bà mang đến Grand Rapids một tác phẩm khổ lớn làm bằng vỏ xe cao su tái chế, chất liệu sở trường của nghệ sĩ da màu này.
Với tất cả những gì có thể còn khiếm khuyết, ArtPrize vẫn là một sự kiện nghệ thuật tích cực chỉ có ở thời đại Internet.
Tranh đề tài chính trị của Brett Colley
Tranh sơn dầu của Luke Allsbrook, đến từ bang Georgia
Tác phẩm dự thi của Jimmy Kuehnle
Telos - tác phẩm điêu khắc nhôm của Ray Katz
(Theo Y CHIÊU - Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
Lê Hiếu sưu tầm
bài liên quan mới nhất
- Chúa hiển dung dưới mắt của danh họa Raphael
-
Bức tranh "Cuộc dạo chơi của Chúa Hài đồng Giêsu" của Zurbaran -
Bức tranh ‘Dưới chân Chúa’ của họa sĩ Tôn Thất Văn -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng -
Triển lãm Mỹ Thuật “Máng Cỏ Nhân Sinh” 2014 -
Cảm mến tình yêu nghệ thuật “Về Nguồn” -
Triển lãm Tranh Lê Hiếu & Giới thiệu Thơ Lãng Đãng -
Triển lãm Tranh, Tượng mỹ thuật với chủ đề: Lời ngỏ tình yêu
bài liên quan đọc nhiều
- Người ta nghĩ Da Vinci sai, nhưng khoa học chứng minh là ông đúng
-
Lịch sử hội hoạ Hiện Đại và Hậu Hiện Đại tại Việt Nam -
Chuyện lạ từ Bích họa Bữa Tiệc Ly và Danh họa Leonardo Da Vinci -
Nhà điêu khắc, kiến trúc sư, hoạ sĩ Michelangelo (1475-1564) -
Đại lễ 'Lòng Chúa Thương Xót' và bức tranh 'Tôma cứng lòng' -
Sự thật về nguồn gốc bức hình “Đức Mẹ Việt Nam” của cố họa sĩ Nam Phong (1917 - 1994) -
Năm Dần nói chuyện cọp trong nghệ thuật -
“Hành trình Emmaus” trong hội họa -
17 thế kỷ hội hoạ kitô giáo -
Họa sĩ Lê Văn Đệ: người đầu tiên khám phá tranh lụa truyền thống Việt Nam