Trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô đó là mục đích cuộc sống của mọi tín hữu kitô trong ngàn năm thứ ba
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 3-3-2010 trong đại thính đường Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một thần học gia và một vị thánh lớn khác thuộc thế kỷ XIII: đó là thánh Bonaventura thành Bagnoreggio, ”một con người tốt lành, dễ thương, đạo đức và từ bi, đầy các nhân đức, được Thiên Chúa và loài người yêu thương” như một nhân viên Tòa Thánh thời đó đã ghi nhận. Duyệt qua tiểu sử của thánh nhân Đức Thánh Cha nói:
Sinh ra chắc hẳn vào năm 1217 và qua đời năm 1274, thánh nhân sống hồi thế kỷ XIII, là một thế kỷ trong đó đức tin Kitô đã ăn sâu vào nền văn hóa và xã hội Âu châu, và gợi hứng cho các tác phẩm bất tử trong lãnh vực văn chương, nghệ thuật, triết lý và thần học. Và trong số những gương mặt Kitô lớn đã góp phần vào việc hài hòa giữa đức tin và văn hóa có thánh Bonaventura, một con người của hành động và chiêm niệm, có lòng đạo đức sâu xa và cẩn trọng trong việc cai quản.
Tên thật của thánh nhân là Giovanni da Fidanza. Khi còn bé bị đau nặng đến độ thân phụ là bác sĩ cũng không làm gì được. Nhưng bà mẹ cầu khấn thánh Phanxicô thành Assisi mới được tôn phong hiển thánh, và chú bé Giovanni được lành bệnh.
Gương mặt của thánh Phanxicô Khó Khăn càng trở thành thân thiết hơn trong thời gian Giovanni theo học tại Paris, đến độ cậu đã say mê kiểu sống triệt để theo tinh thần Phúc Âm của thánh Phanxicô và xin gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn. Nhiều năm sau đó thánh nhân giải thích các lý do sự lựa chọn này: đó là người thấy Chúa Kitô hoạt động nơi thánh Phanxicô và các tu sĩ của dòng. Nó giống lịch sử của Giáo Hội khởi đầu với một nhóm các bác thuyền chài đơn sơ và sau đó trở thành phong phú với các vị tiến sĩ, nhiều người
thông thái và các hiền nhân. Tôn giáo của thánh Phanxicô đã không được thiết lập bởi con người nhưng bởi Chúa Kitô (Epistula de tribus quaestionibus ad magistrum innominatum, in Opere di San Bonaventura. Introduzione generale, Roma 1990, trang 29).
Vào khoảng năm 1243 Giovanni mặc áo dòng Anh Em Hèn Mọn và lấy tên là Bonaventura. Tiếp đến thầy Bonaventura theo học thần học tại đại học Paris và lấy nhiều bằng như việc học thời đó đòi hỏi, đào sâu Kinh Thánh và môn thần học và đọc các tác phẩm của các thần học gia quan trọng nhất cũng như tiếp xúc với các bậc thầy và sinh viên từ khắp Âu châu quy tụ về Paris thời bấy giờ. Hành trang trí thức này sẽ chín mùi và được biến đổi sử dụng trong các tác phẩm và các bài giảng sau này khiến cho thánh nhân trở thành một trong các thần học gia quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha cho biết đề tài mà thánh Bonaventura chọn bảo vệ để lấy bằng dậy thần học thời đó là ”Các câu hỏi liên quan tới việc hiểu biết Chúa Kitô”. Nó chứng minh cho thấy vai trò trung tâm của Chúa Kitô trong cuộc sống và giáo huấn của thánh Bonaventura. Toàn tư tưởng của người đều có chiều kích Kitô học.
Thời đó tại Paris nảy sinh ra cuộc tranh luận giữa các tu sĩ Hèn Mọn của thánh Phanxicô thành Assisi và các Anh Em thuyết giảng của thánh Đaminh liên quan tới quyền dậy tại đại học, và đặt nghi vấn đối với cả căn cước của đời thánh hiến nữa. Các thay đổi và canh tân được các tu sĩ khất thực đưa ra liên quan tới việc hiểu đời sống tu trì, đã không được mọi người thấu hiểu. Thêm vào đó có các yếu đuối nhân loại như sự ghen tương tị hiềm cũng khiến cho cả các tu sĩ đạo đức bị liên lụy.
Thánh Bonaventura cũng bị chống đối khi bắt đầu dậy thần học tại ghế giảng sư của các tu sĩ Phanxicô. Để trả lời cho các tranh luận này người viết tác phẩm tựa đề ”Sự toàn vẹn theo tinh thần Tin Mừng” chứng minh cho thấy khi các Tu Sĩ Khất Thực, đặc biệt các tu sĩ Hèn Mọn Phanxicô, thực thi các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời theo sát các lời khuyên phúc âm như thế nào. Ngoài các tình trạng lịch sử đó ra, giáo huấn của thánh Bonaventura trong tác phẩm này và trong cuộc sống của người luôn luôn còn thời sự. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:
Giáo Hội trở thành sáng láng và xinh đẹp hơn bởi lòng trung thành với ơn gọi của các con cái nam nữ của mình, không ngừng thực thi các luật lệ Tin Mừng, mà nhờ ơn thánh Chúa, họ được mời gọi tuân giữ các lời khuyên và như thế với kiểu sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời họ làm chứng rằng Tin Mừng là suối nguồn của niềm vui và sự hoàn thiện.
Cuộc xung đột nói trên dịu xuống trong một thời gian do sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng Alessandro IV, vào năm 1257 Bonaventura được thừa nhận là tiến sĩ và thầy dậy tại đại học Paris. Nhưng thánh nhân phải từ bỏ chức vụ uy tín này vì được Tổng Tu Nghị bầu làm Bề Trên tổng quyền. Thánh nhân đã chu toàn nhiệm vụ này trong 17 năm trời với sự khôn ngoan và lòng tận tụy.
Người thăm viếng các tỉnh dòng, viết thư cho các tu sĩ và cứng rắn can thiệp để loại trừ các lạm dụng. Khi thánh nhân bắt đầu nhiệm vụ này dòng đã phát triển rất mạnh với 30.000 tu sĩ sống rải rác khắp Tây Phương và các tu sĩ đi truyền giáo bên Bắc Phi, Trung Đông và cả tại Bắc Kinh nữa.
Cần phải củng cố sự hiệp nhất giữa các tu sĩ của dòng vì cũng có nhiều kiểu giải thích sứ điệp có nguy cơ gây rạn nứt nội bộ. Để tránh nguy cơ này Tổng Tu Nghị năm 1260 tại Narbone chấp thuận văn bản đề nghị của thánh Bonaventura thu thập tất cả các điều lệ hướng dẫn cuộc sống thường ngày của các tu sĩ Hèn Mọn. Thánh Bonaventura sốt sắng thu thập các tài liệu liên quan tới thánh Phanxicô và lắng nghe các kỷ niệm của những người đã trực tiếp quen biết thánh nhân. Tài liệu trở thành cuốn tiểu sử của thánh Phanxicô thành Assisi được Tổng Tu Nghị năm 1263 tại Pisa coi là trung thực nhất và trở thành tiểu sử chính của thánh Phanxicô.
Theo tiểu sử đó thánh Phanxicô là Chúa Kitô khác, một người đã say mệ tìm kiếm Chúa Kitô. Tình yêu thương thúc đầy người hoàn toàn trở thành đồng hình dạng với Chúa Kitô. Thánh Bonaventura chỉ cho các tu sĩ lý tưởng sống đó. Nó cũng có giá trị đối với mọi tín hữu Kitô hôm qua, ngày nay và luôn mãi và là chương trình sống mà Đức Gioan Phaolo II đã chỉ cho Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba, khi viết trong Tông Thư Bước vào Ngàn Năm mới rằng: ”Chính nơi Chúa Kitô cần hiểu biết, yêu mến, noi gương để sống nơi Người cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa và cùng Người biến đổi lịch sử cho tới ngày thành toàn trong thành Giêrusalem thiên quốc” (s. 29)
Năm 1273 Đức Giáo Hoàng Gregorio X muốn tấn phong thánh Bonaventura làm Giám Mục và chỉ định người làm Hồng Y và xin người chuẩn bị một biến cố rất quan trọng của Giáo Hội: đó là Công Đồng Chung Lyon nhằm tái lập sự hiệp thông giữa Giáo Hội Latinh và Giáo Hội Hy Lạp. Thánh nhân tận tụy chu toàn nhiệm vụ này nhưng đã không nhìn thấy Công Đồng kết thúc vì người qua đời trong khi Công Đồng còn nhóm họp.
Chúng ta hãy đón nhận gia tài của vị thánh Tiến sĩ Giáo Hội này, là người nhắc cho chúng ta biết ý nghĩa cuộc sống của mình với các lời sau đây: ”Trên trái đất... chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự mênh mông của Thiên Chúa qua lý luận và sự khâm phục, trong quê hương thiên quốc trái lại qua sự nhìn ngắm khi chúng ta trở nên giống Thiên Chúa, và qua qua sự xuất thần... chúng ta sẽ bước vào niềm vui của Chúa” (la conoscenza di Cristo, q. 6, conclúsione, in Opere di San Bonaventura. Opuscoli Teologici/I, Roma 1993, trang 187).
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19