“Tôi” tìm lại “Tôi” trong mùa đại dịch

“Tôi” tìm lại “Tôi” trong mùa đại dịch

“Tôi” tìm lại “Tôi” trong mùa đại dịch

WHĐ -- “Lo âu, sợ hãi rồi vững tin”, đó là tâm trạng của tôi trong những ngày qua, khi cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, ảnh hưởng đến cả Giáo hội hoàn vũ nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng. Các giáo phận lần lượt ra những thông báo về việc ngưng các Thánh lễ và các sinh hoạt cộng đoàn… khiến nhiều người Công giáo, trong đó có tôi, không khỏi hoang mang, sợ hãi; đặc biệt thời điểm xảy ra ngay trong những ngày cuối mùa Chay 2020 này. Thế rồi, qua những sinh hoạt tôn giáo trong mấy ngày qua, đặc biệt qua sự theo dõi buổi cầu nguyện và ban Phép Lành “Urbi et Orbi” của Đức Thánh Cha (ĐTC) lúc 18 giờ thứ Sáu, ngày 27.03.2020 (giờ Roma), để chúc lành đặc biệt cho các tín hữu và toàn thế giới giữa cơn đại dịch, tâm hồn tôi đã lắng đọng để suy nghĩ và tìm ý Thiên Chúa muốn giáo huấn tôi:

Vượt qua sa mạc

Khi theo dõi buổi cầu nguyện và ban Phép Lành “Urbi et Orbi” của ĐTC, tôi đã chạnh lòng và rơi nước mắt! Trước mắt tôi là hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là người luôn được mọi người yêu mến và chào đón mỗi khi ngài xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, lại đứng đơn độc trong cơn mưa giữa quảng trường có sức chứa trên 30 ngàn người, nhưng nay trống trải không một bóng người, để cầu nguyện cho thế giới qua cơn dịch bệnh Covid-19. Giữa khung cảnh này, ta thấy xuất hiện cây Thánh giá linh thiêng và linh ảnh Đức Maria - Phần rỗi dân thành Rôma. Đây chính là 2 điểm tựa vững chắc để chúng ta cùng hiệp ý với ĐTC, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ giải thoát thế giới khỏi cơn đại nạn này.

Hình ảnh trên khiến tôi liên tưởng đến hành trình mà ông Môsê dẫn đưa dân Israel qua sa mạc 40 năm. Tại Rơphiđim, dân Israel phải đương đầu với người Amalếch tới đánh họ. Trong khi ông Giosuê và một số người Israel giao tranh với người Amalếch, ông Môsê đứng trên núi dang tay cầu nguyện cho dân Israel. Khi ông giơ tay lên thì người Israel thắng thế, khi ông hạ tay xuống thì quân Amalếch thắng thế. Nhưng ông Môsê mỏi tay, vì thế người ta lấy một hòn đá để ông ngồi, còn ông Aharon và ông Khua thì đỡ tay ông mỗi người một bên. Nhờ vậy, ông Môsê cứ giơ tay được mãi cho tới khi mặt trời lặn và dân Israel chiến thắng người Amalếch (Xh 17,8-13). Đây là một trong những hình ảnh rất đẹp và ý nghĩa của ông Môsê, vị lãnh đạo cầu nguyện cho dân trong cuộc chiến năm xưa.

Như vậy, chính sự tĩnh lặng trong thời điểm 40 ngày mùa Chay Thánh đang diễn ra, đã giúp tôi nghe được lời ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa muốn tôi đến gặp gỡ Ngài, như Ngài đã mời gọi: “Ta sẽ dẫn chúng vào sa mạc, lòng kề lòng, Ta thổ lộ tâm can” (Hs 2,16). Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm Thiên Chúa đang thử thách niềm tin, tình yêu và sự trung tín của tôi đối với Ngài, để tôi khám phá ra sự thật của chính mình trong sự huyền nhiệm của Thiên Chúa.

Để tin và phó thác

Sau khi lắng nghe ĐTC diễn giảng bài Tin Mừng theo Thánh Marco (Mc 4,35-41) thuật lại sự kiện các môn đệ đang ở trên thuyền, khi Chúa Giêsu đang ngủ, thì giông bão nổi lên. Các môn đệ hoảng sợ, đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giêsu đã truyền cho sóng im biển lặng và ngài bảo họ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Tôi cảm thấy não lòng khi dõi theo từng bước chân khập khiễng và chậm rãi của ĐTC vượt qua cơn mưa để đến cầu nguyện trước linh ảnh Đức Maria và cây Thánh giá linh thiêng - đã từng cứu dân thành Roma thoát khỏi đại dịch hạch đen vào thế kỷ XVI. Trong giây phút lắng đọng này, tôi cảm thấy vững tin và phó thác như lời Chúa nói: “Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có niềm tin sao?”.

Nhìn hình ảnh ĐTC cầu nguyện trước linh ảnh Đức Maria, tôi tin chắc rằng ĐTC và chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện của Mẹ với con cái của Mẹ mọi lúc, mọi nơi và mọi thời đại. Mẹ luôn đồng hành, dõi theo và khuyên nhủ đàn con của Mẹ và biết chúng ta đang cần gì. Giây phút này đây, Mẹ vẫn đang thì thầm bên tai chúng ta: “Người bảo gì các con hãy làm theo” (x. Ga 2,5).

Cũng vậy, khi nhìn ĐTC đứng cầu nguyện dưới chân thập giá, tôi nhớ lại bài giảng của ĐTC: “Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa, chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài, chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa”.

Với những suy nghĩ trên, tâm hồn tôi không còn dao động nhưng vững tin, vì hiểu rằng nếu không có Chúa và Mẹ Maria, chắc chắn tôi sẽ bị đắm chìm trong tội lỗi và sự dữ! Vì thế, tôi tin tưởng phó thác cho Chúa và Mẹ Maria những lo sợ của mình, để các Ngài mang sự bình an và ơn giải thoát cho tôi và cho mọi người.

Sám hối và cầu nguyện

Nhìn lên Chúa Giêsu trên cây Thánh giá, nhìn vào thân thể bầm dập của Chúa với những giọt máu, trong khi những giọt nước mưa đang rỉ rả rơi trên thân thể Chúa Giêsu, ĐTC đã lặng lẽ cúi xuống hôn bàn chân Chúa, trước khi ngài tiến vào Đền thờ Thánh Phêrô. Thật xúc động! Tôi đã nhận ra rằng, chính bản thân tôi cũng là một tội nhân gây nên cái chết của Chúa!

Tham dự nửa giờ chầu Thánh Thể với ĐTC, ai chẳng cảm thấy hụt hẫng với hình ảnh một vị Giáo hoàng đơn côi đang ngồi cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Rồi tôi chợt liên tưởng đến 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa để bắt đầu cho sứ vụ công khai của Ngài. Nơi đây, Chúa Giêsu phải chiến đấu để vượt qua cơn cám dỗ của ba thù: ma quỷ, thế gian, xác thịt. Trong niềm tín thác vào Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đáp lại ma quỷ: “Ngươi chớ có thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.

Cũng vậy, trong vườn Cây Dầu, tâm hồn Chúa Giêsu trở nên xao xuyến, vì trong bóng tối của sự dữ, Ngài đã phải chiến đấu với chính mình - một cuộc chiến nội tâm đã xâu xé làm cho tâm hồn Ngài tan nát, đến độ Người đã đổ ra những giọt mồ hôi máu… đến độ Ngài phải thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này…”. Tuy nhiên, sau khi cầu nguyện, Ngài đã tìm lại được sự bình an nội tâm và bước ra khỏi vườn Câu Dầu trong ánh sáng, sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống, thì con xin vâng ý Cha”.

Chính vì thế, trong khung cảnh cô quạnh này, tôi đã nghe được tiếng nói thánh thiêng trong tâm hồn mình. Tôi hiểu rằng Chúa muốn mời gọi tôi đi vào sa mạc nội tâm, để cùng được sống những kinh nghiệm “sa mạc” với Ngài. Trong sự thinh lặng của cõi lòng, tôi sẽ cầu nguyện để cảm nhận được tình yêu vô biên của Chúa đã dành cho tôi và mọi người. Cũng chỉ vì yêu chúng ta, Ngài đã hy sinh chính thân mình, chịu chết trên thập giá và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế trong Bí tích Thánh Thể. Đây chính là thời gian ân sủng để “Tôi” tìm lại “Tôi” khi nhận ra con người thật của chính mình với đầy những yếu đuối và thiếu sót, để sám hối, ăn năn và trở về với Chúa. Chính vì thế, đối với tôi, mùa Chay Thánh 2020 này thật kỳ diệu chưa từng có, vì ngay khi lâm vào hoàn cảnh bi đát, đau thương hay thất vọng, tôi cần phải ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa hầu được Ngài chữa lành, và giải thoát thế giới khỏi cơn đại dịch này.

Trong buổi cầu nguyện này, có thể thấy, từ Tòa Thánh đến khắp nơi trên khắp thế giới, mọi người đều hiệp nhất nguyện xin Thiên Chúa ban sức mạnh thể xác và ơn an ủi cho mọi người, mọi tâm hồn và nhân loại đang bị nạn Covid-19 hoành hành.

Đón nhận hồng ân

Cuối cùng, giây phút linh thiêng đã đến, tâm hồn tôi thật thanh thản, bình an khi cúi đầu lãnh nhận hồng ân, là Phép Lành Urbi et Orbi, Phép Lành cho Kinh Thành Rôma và cho toàn thế giới.

Vâng, phải chăng Chúa đang nói với chúng ta lúc này? Chính khoảng thời gian này, giữa lúc mọi người phải chịu cách ly, phong tỏa, chúng ta mới có dịp trở về để nhận ra rằng Thánh Giá Chúa là mầu nhiệm trung tâm của cuộc đời. Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô mới chính là câu trả lời cho chúng ta, những người đang mải mê tìm kiếm thế sự phù vân mà lãng quên cùng đích của đời mình (x. Bài Giảng của ĐTC).

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN

Top