Tình bạn giữa một tu sĩ trẻ dòng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng
TGPSG / Aleteia -- Khi điện thoại reo, Cha Roberto đã không nhận ra số điện thoại đang gọi cho cha.Tuy nhiên ngài vẫn trả lời cú điện thoại đó, và nó đã thay đổi cuộc đời cha mãi mãi.
Cha Roberto O.F.M. là một tu sĩ dòng Phanxicô người Ý 39 tuổi. Khi được thụ phong linh mục vào năm 2010, cha chưa bao giờ tưởng tượng rằng, một ngày nào đó, cha sẽ có một tình bạn cá nhân với Đức Giáo Hoàng, chưa kể đến việc cha lại còn được chọn làm nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám mục. Nhưng Chúa Thánh Thần luôn hoạt động theo những cách kỳ diệu.
Cha Roberto sinh năm 1983 tại một thị trấn đẹp như tranh vẽ bên đồi Caldarola dưới bóng núi Sibylline, dù rằng sau đó cha lại lớn lên ở thành phố Macerata gần đó. Năm 2002, cha gia nhập Dòng Anh Em Hèn Mọn tại Tỉnh Dòng Marches.
Trong khi học ở Roma vào năm 2016, cha Roberto đã tham dự một buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Giáo Hoàng. Ngồi gần hàng rào, cha có dịp chứng kiến Đức Thánh Cha Phanxicô đi ngang qua. Có lẽ bị ấn tượng bởi tuổi trẻ của cha Roberto, Đức Thánh Cha đã dừng lại để chào hỏi cha.
Lúc đó, cha Roberto cảm thấy xúc động nên đã bày tỏ với Đức Thánh Cha vài mối quan tâm về vai trò của cha trong tư cách là giám đốc mục vụ giới trẻ ở tỉnh dòng của cha. Sau khi trả lời cha cách ngắn gọn, Đức Giáo hoàng bảo cha Roberto viết cho ngài một lá thư trình bày chi tiết về các câu hỏi của cha.
Một lá thư quan trọng được viết cho Giáo Hoàng
Lúc đầu, cha Roberto đã không viết lá thư này, vì cha cảm thấy không đáng để làm cho Đức Thánh Cha phải phân tâm.
Tuy nhiên, vào cuối năm đó, tại Đại Hội Giới trẻ Thế giới ở Ba Lan, trong một buổi nói chuyện, Đức Thánh Cha đã nói một điều khiến cha xúc động: “Hãy theo đuổi ước mơ, khao khát của bạn. Hãy chiến đấu vì ước mơ và khát khao của bạn”.
Khi trở về nhà ở Ý, cha Roberto đã viết thư gửi cho vị Quốc vụ khanh Vatican, nhắc đến cuộc đối thoại ngắn của cha với Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến chung này.
Khoảng một tháng sau, điện thoại của cha Roberto đổ chuông. Vì cha đang lái xe và thấy đó là cuộc gọi đến từ một số lạ, cha đã không nghe máy. Ngày hôm sau, cha nhận được một cuộc gọi khác cũng từ một số lạ. Lần này, cha đã trả lời. Và đầu giây bên kia chính là Đức Thánh Cha Phanxicô.
Sau khi cha Roberto vượt qua được cảm giác ngỡ ngàng, cả hai đã nói chuyện một lúc với nhau. Đức Thánh Cha đã nói về quan điểm của ngài về giới trẻ, về sự phân định, và đã mời linh mục dòng trẻ tuổi này đến Vatican để trao đổi thêm.
Một tuần sau, cha Roberto đến cổng Petriano và làm thủ tục nhập cảnh Vatican với lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ. Khi cha gặp Đức Giáo hoàng, Đức Thánh Cha đã nói với cha nhiều hơn về quan điểm của ngài về giới trẻ và mục vụ. Mặc dù điều này khi ấy chưa được công bố, nhưng Đức Thánh Cha đã nói với cha Roberto kế hoạch triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám mục về Giới Trẻ. Vào năm sau, Thượng Hội Đồng Giám mục này đã được chính thức công bố.
Sau cuộc gặp gỡ đó, một tình bạn thiêng liêng đã được hình thành giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cha Roberto. Các ngài đã nói chuyện với nhau qua điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp khoảng hơn chục lần. Đức Giáo Hoàng đã mời cha tham gia vào từng giai đoạn tổ chức và thực hiện Thượng Hội Đồng. Và lạ thay, cha còn được chính Đức Giáo Hoàng mời làm nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám mục.
Thượng Hội Đồng Giám mục này có khoảng 400 tham dự viên, gồm những người được mời, các chuyên gia, và các nghị phụ (hầu như tất cả đều là giám mục, tổng giám mục và hồng y). Hầu hết đã có hàng chục năm kinh nghiệm.
Cho đến thời điểm ấy, Thượng Hội Đồng Giám mục là điều mà cha Roberto mới chỉ học được trong thời gian ở chủng viện, nên cha cảm thấy rụt rè. Nhưng đồng thời, cha cũng lại cảm thấy thanh thản, vì chính Đức Giáo hoàng đã giao cho cha nhiệm vụ hiện diện ở đó.
Mặc dù trong những ngày ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cha Roberto liên lạc với nhau ít thường xuyên hơn, nhưng các ngài vẫn có nói chuyện với nhau. Khi nói với nhau, Đức Giáo Hoàng gọi linh mục này là Roberto, hoặc gọi cách thân mến là Fraile, từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Thầy dòng" (từ này bắt nguồn từ frater, nghĩa là “huynh đệ” trong tiếng Latinh.)
Thật vậy, mối quan hệ “huynh đệ” được hình thành giữa Đức Giáo Hoàng và thầy dòng trẻ tuổi này quả là phù hợp với quan điểm của ngài về tình huynh đệ toàn cầu.
Ước gì đây là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la
-
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá -
Khi đức tin là sự lan toả nhen lại tâm hồn chán nản -
Trung tâm y tế Đức Mẹ Thương Xót ở Sudan -
Tiểu sử 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10/2024
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam