Thứ Tư tuần 24 Thường niên năm I (Lc 7,31-35)
“Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho” (Lc 7,35).
BÀI ĐỌC I (năm I): 1 Tm 3, 14-16
“Thật lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha viết cho con những điều này, cha hy vọng ngày gần đây sẽ đến gặp con. Nhưng nếu cha còn trì hoãn, thì thư này giúp cho con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên Chúa, là Hội thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý. Rõ thực lớn lao thay mầu nhiệm của tình thương, là mầu nhiệm đã được tỏ hiện trong xác thịt, minh chính trong Thánh Thần tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân Ngoại, kính tin trong thế gian, siêu thăng trong vinh hiển.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).
Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi!
Xướng: Công cuộc của Chúa là sự hùng vĩ oai nghiêm, và đức công minh của Người muôn đời tồn tại. Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thực là Ðấng nhân hậu từ bi.
Xướng: Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân.
Tin mừng: Lc 7, 31-35
31 “Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai ? Họ giống ai ? 32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.”
33 Thật vậy, ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám. 34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chỉ vì ngoan cố và vì thiếu thiện cảm mà người ta đã xuyên tạc cuộc sống và việc làm của Chúa Giêsu. Nhưng dù vậy, chân lý về Ngài vẫn rực sáng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay cho con thấy đã có lần những lời kêu mời của Chúa không được người đời đáp trả. Con người đã tỏ ra dửng dưng với Tin Mừng, không nhận ra Tin Mừng được loan báo cho họ. Người đời đã hiểu sai cách sống của Chúa và của Thánh Gioan Tẩy giả. Cuộc sống khắc khổ nhiệm nhặt bị coi là lập dị lạ đời. Nhưng tiếp xúc, gặp gỡ kẻ khác thì lại bị xem là xu thời nông nổi.
Lạy Chúa, con là người Kitô hữu, là người tin vào Chúa. Thế nhưng đôi khi cuộc sống con đã có những lần làm cho Chúa buồn và thất vọng.
Tuy rằng con không là kẻ đối kháng lại Chúa, nhưng con vẫn không đủ dứt khoát để dấn bước theo Chúa, con chưa đủ xác tín vào Lời Chúa. Con chưa đủ sức bước theo Chúa với cây thập giá trên vai. Con không dám thực hiện các mối phúc mà Chúa đã công bố… Nói chung, cuộc sống con vẫn còn những vướng mắc, ngăn cản con đón nhận sứ điệp cứu độ.
Hôm nay, xin Chúa giúp con xác định thái độ đón nhận Lời Chúa. Con không đủ can đảm để mạnh dạn bước theo Chúa, chỉ biết trông nhờ ơn Chúa. Xin tình yêu của Chúa thấm nhập vào cuộc sống con, để Chúa trở nên sức mạnh lôi kéo con đến với Chúa. Ước gì khi con cảm nhận được những việc kỳ diệu Chúa thực hiện nơi cuộc đời con, con càng vững tin vào Chúa hơn – Lạy Chúa, con tin, xin đón nhận con. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng tôi đã thổi sáo mà các anh không nhảy múa, chúng tôi đã hát những điệu bi ai mà các anh không khóc”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Trên đường phố xứ Do Thái, thỉnh thoảng người ta gặp bọn trẻ con chơi trò đám cưới hoặc đám tang. Đám cưới thì có một nhóm thổi sáo, một nhóm múa nhảy. Đám tang thì có một nhóm than vãn và một nhóm khóc lóc. Đôi khi, giữa lúc chơi, có những đứa muốn chơi trò đám cưới và bắt những đứa khác phải theo ý chúng, nghĩa là khi chúng thổi sáo, những đứa kia phải nhảy múa, chứ không được chơi trò đám tang. Đó là những đứa trẻ khó tính, chỉ muốn mọi đứa trẻ khác phải theo ý chúng.
Chúa Giêsu lấy lại sự việc trẻ con chơi đùa này để áp dụng cho biệt phái và luật sĩ, những đối thủ của Ngài. Họ là những kẻ khó tính như những đứa trẻ khó tính. Họ luôn chỉ biết lấy ý mình và bản thân mình làm trung tâm và bắt mọi người khác phải theo họ. Ai làm sai ý họ thì lập tức bị chỉ trích và lên án. Nhưng vì họ độc tôn, nên họa hoằn người khác mới làm họ hài lòng được. Chính vì thế, Gioan tẩy giả cũng bị chê bai, Chúa Giêsu đến cũng bị lên án, tuy rằng hai vị có hai lối sống hoàn toàn khác nhau về bề ngoài.
Nếu không ý tứ, chính ta cũng có thể giống như bọn trẻ khó tính và những người Do thái khó tính ấy, nghĩa là chúng ta cũng dễ coi mình là trung tâm, là thước đo, là tiêu chuẩn cho mọi sự:
+ Khi sống với kẻ khác, ta sẽ luôn luôn khó chịu vì không thấy ai làm đúng theo ý mình.
+ Khi làm việc, ta dễ quan trọng hóa công việc của mình, cho là việc mình có đầy hiệu quả tông đồ hay hiệu quả truyền giáo, trong khi chỉ có lòng đầy ơn Chúa mới thực sự có sức mạnh tông đồ, còn mọi việc người ta làm vì mình đều chẳng đáng kể gì hết.
+ Thậm chí, đối với cả các đường lối sống đạo và nên thánh, ta cũng không thích đi theo con đường nào cả hoặc không muốn chấp nhận gương sống của một ai cả.
Do đó, Lời Chúa hôm nay mời ta đừng bao giờ đặt mình làm trung tâm. Có như thế, liên hệ giữa ta với mọi người mới luôn an hòa: đời sống ta mới có hiệu quả tông đồ.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu phê phán về thế hệ của Người (Lc 7,31-35)
- Đức Giêsu phê phán sự cứng lòng và kiêu ngạo của người Do thái, đặc biệt các luật sĩ và biệt phái. Họ luôn tìm cách biện minh cho mình và trốn tránh sự thật. Ông Gioan Tẩy giả sống khắc khổ, họ bảo là quỷ ám. Còn Đức Giêsu sống giản dị, gần gũi, hòa đồng với dân, họ lại cho là một tay ăn nhậu, bê tha. Thế nhưng, sự hiện diện và yêu thương của Đức Giêsu càng chứng tỏ cho thấy họ thật ngoan cố và ác tâm. Nếu chúng ta cứng lòng không tin vào Đức Giêsu chúng ta cũng sẽ không nhận ra Người.
- Đức Giêsu trách dân chúng thời đó, nhất là các biệt phái và luật sĩ thờ ơ lãnh đạm với Gioan Tẩy giả và đối với Ngài. Vì thế, Đức Giêsu dùng dụ ngôn lũ trẻ chơi ngoài đường phố để nói lên điều ấy. Cũng giống như ở Việt Nam, trẻ em Do thái thường có những cuộc hát đối hơi khác Việt Nam một chút. Các trẻ em thường chia làm hai phe: một bên xướng tiểu khúc hoặc vui hoặc buồn, còn bên kia hoạ lại điệu vui hay buồn với câu điệp khúc của những bài ca dao có sẵn. Nhưng nhiều khi gặp những kẻ nghịch ngợm, không cứ theo lệ quen, bên xướng, ca hát vui vẻ thì chúng lại phá đám bằng giọng bi ai, than khóc, hoặc ngược lại. Đôi khi có những đứa ương ngạnh đứng đấy mà không chịu làm theo. Thật là trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
- Đức Giêsu mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài đường phố, để nói lên thái độ trái nghịch của người Do thái. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Đức Giêsu cũng có phản ứng đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài đường phố này. Họ mong chờ Đấng Cứu Thế, Gioan Tẩy giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỷ ám; Đức Giêsu khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại cho rằng Ngài là tên ăn nhậu, hoà nhập với phường thu thuế tội lỗi (Mỗi ngày một tin vui).
- Thói thường, con người ta dễ lấy mình làm trung tâm và muốn áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác. Vì thế mà qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta đừng áp đặt người khác phải theo tư tưởng của mình.
Giống như bọn trẻ thổi sáo giả bộ đám cưới đòi người khác hát, ca bài đưa đám giả bộ buồn bắt người khác khóc theo... với một hoàn cảnh không thực tế. Trong ý thức hệ của người Do thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giàu sang, chứ không khắc khổ kiểu Gioan Tẩy giả và làm bạn với bậc đế vương, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ, kể cả Đức Giêsu (Hiền Lâm).
- Lối sống của Gioan Tẩy giả và của Đức Giêsu thật khác nhau. Gioan nhiệm nhặt, còn Đức Giêsu thông thoáng cởi mở. Buồn cười là cả hai đều bị người Do thái chỉ trích, do chính lối sống của mỗi vị. Vạch ra cái “buồn cười” ấy ở đây, Đức Giêsu không chỉ nhằm xác nhận một kinh nghiệm về nhân tình thế thái: Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê. Phải chăng Ngài còn hàm ý rằng: không có một lối sống duy nhất tốt, mà có nhiều: mỗi người, theo ơn gọi của mình, sẽ đảm nhận một lối sống phù hợp với ơn gọi đó? Điều cốt yếu là cái động lực, cái hồn của lối sống mà mình đảm nhận (5 phút Lời Chúa).
- Khi trò chơi Flappy Bird và tác giả của nó trở nên nổi tiếng, được giới truyền thông thế giới quan tâm, thì có hàng loạt ý kiến trái ngược như “ăn may chứ có gì hay” hoặc “game ngớ ngẩn thế mà sao lắm kẻ thích”.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy những người Do thái đã có thái độ ghen tị với Đức Giêsu. Họ không những từ chối sứ điệp Tin mừng của Đức Giêsu, mà còn có những lời chê bai, nhận xét xấu xa về Ngài. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng dễ xét đoán và đánh giá người khác theo cái nhìn chủ quan của mình. Tệ hơn nữa, lắm khi vì đố kỵ trước những thành công của người khác mà chúng ta tìm mọi cách để bôi nhọ và làm suy giảm danh tiếng của họ.
- Truyện: Chủ quan, phiến diện
Lúc 11 tuổi, đứa bé thường bảo rằng: “Cha mẹ của tôi rất vĩ đại. Không có gì mà cha mẹ tôi không biết. Không có gì mà họ không làm được”. Lên 16 tuổi nó nói: “Cha mẹ tôi không vĩ đại như tôi tưởng, không phải cái gì họ cũng biết hoặc cũng có thể làm”. Ba năm sau, nghĩa là khi lên 19 tuổi, học Đại học, nó phát biểu: “Cha mẹ tôi thường cho rằng họ đúng, kỳ thực, kiến thức của họ so với kiến thức của tôi thì thua kém xa”. Sau khi lập gia đình, nó được 24 tuổi, tốt nghiệp Đại học, nó phát biểu: “Cha mẹ tôi không hiểu tuổi trẻ; thanh niên thì tiến bộ, còn họ lại bảo thủ”.
Năm 30 tuổi, có con cái, nó khám phá ra chân lý sau: “Ở nhiều sự việc, cha mẹ thường có lý”. Đến lúc nó được 50 tuổi, khi cha mẹ nó đều đã qua đời, nó không cầm được lòng và tuyên bố: “Cha mẹ tôi đúng là những nhân vật tuyệt vời! Họ có đầu óc rất minh mẫn, xử sự rất hợp lý, hợp thời. Cha mẹ ơi, cha mẹ là các vị thần!”
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Gioan Tẩy giả sống rất thánh thiện đến nỗi dân chúng cho ngài là chính Đấng Mêssia tức là Đấng Cứu Thế đang đến. Ngay cả những người biệt phái, luật sĩ, tư tế cũng ngạc nhiên, sai người đến hỏi ông có phải là Đấng Cứu Thế không.
Mặc dầu người ta kính nể, Gioan Tẩy giả vẫn luôn khiêm nhượng, mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng, tự xưng mình chỉ là tiếng kêu trên rừng, là người đầy tớ hèn mọn nhất của Đấng Cứu Thế.
Mặc dù bị người biệt phái, luật sĩ, tư tế từ chối không tin, Gioan Tẩy giả vẫn nêu cao con đường ngay chính của Chúa và nói cho họ biết cơn giận của Chúa sẽ đến tiêu diệt những hạng người cố chấp và kiêu ngạo….
Suy niệm
Gioan, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế rao giảng sám hối cho dân chúng, sống rất giản đơn: “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da” (Mc 1,6), khác hẳn với cách ăn mặc của các kinh sư cùng là những người rao giảng lời Chúa: “Đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5) hay “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng” (Mc 12,38). Gioan khó nghèo, thanh đạm: “Ăn châu chấu và mật ong rừng”, còn các kinh sư thì giàu sang nhờ “nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mt 23,14). Nhưng người biệt phái cho Gioan là: “Người bị quỷ ám!”.
Đức Giêsu hoà mình với mọi người để chia sẻ, kể cả đồng bàn với những người thu thuế, tội lỗi... thì họ lại nói: “Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Cùng đồng bàn với người thu thuế nghĩa là Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia kêu gọi trở về chính lộ. Người biệt phái lại cho là: “Người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi”.
Ðức Giêsu so sánh họ với bọn trẻ ngoài chợ không hiểu biết gì về sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa. Họ chỉ biết chú trọng đến bản thân, nên không mở tâm hồn đón nhận lời rao giảng của Gioan, không đón nhận lời rao giảng, giáo huấn tình thương của Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Họ cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta bướng bỉnh, kiêu căng, không muốn đón nhận Chúa và anh em, luôn chỉ trích phê bình dựa trên suy nghĩ và cảm xúc bản thân.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn sẵn sàng mở ra Lời Chúa mạc khải và tiếp nhận, mở ra với mọi người anh em trong tinh thần sẻ chia…
Ý lực sống
“Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18,23).
bài liên quan mới nhất
- Thứ Sáu tuần 23 Thường niên năm II (Lc 6,39-42)
-
Thứ Năm tuần 23 Thường niên năm II - Yêu thương không tính toán (Lc 6,27-38) -
Thứ Tư tuần 23 Thường niên năm II (Lc 6,20-26) -
Thứ Ba tuần 23 Thường niên năm II (Lc 6,12-19) -
Thứ Hai tuần 23 Thường niên năm II - Vui với người vui (Lc 6, 6-11) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Chúa nhật 23 Thường niên năm B (Mc 7,31-37) -
Thứ Bảy tuần 22 Thường niên năm II (Lc 6,1-5) -
Thứ Sáu tuần 22 Thường niên năm II (Lc 5,33-39) -
Thứ Năm tuần 22 Thường niên năm II (Lc 5,1-11)
bài liên quan đọc nhiều
- Mùng 2 Tết: Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ (Mt 15,1-6)
-
Thứ Năm Tuần Thánh (Ga 13,1-15) -
Thứ Sáu Tuần Thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42) -
Thứ Tư Lễ Tro - Giữ chay và kiêng thịt (Mt 6,1-6.16-18) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 2 Phục sinh - Bình an cho anh em (Ga 20,19-31) -
Mùng 1 Tết: Cầu bình an trong năm mới (Mt 6,25-34) -
Thứ Ba tuần 5 Phục sinh - Bình an Chúa ban (Ga 14,27-31a) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27)