Thứ Bảy tuần 10 Thường niên năm I (Mt 5,33-37)
“Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, có thì nói có, không thì nói không”. (Mt 5,34.37)
BÀI ĐỌC I: (Năm I) 2Cor 5, 14-21
“Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta”.
Bài trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lòng mến Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Ðức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho mình.
Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa.
Ai ở trong Ðức Kitô là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi: này mọi sự đã được đổi mới.
Và mọi sự đều do Thiên Chúa là Ðấng giải hòa chúng ta với Người nhờ Ðức Kitô, và đã trao chức vụ giải hòa cho chúng tôi.
Chính Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hòa thế gian với Người, không còn qui trách tội lỗi cho họ nữa và đã đặt lời giải hòa trên môi miệng chúng tôi.
Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy.
Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.
Ðấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Ðức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2, 3-4, 9-10, 11-12
Ðáp: Chúa là Ðấng thương xót và nhân ái
Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá bao giờ quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.
Xướng: Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, và ân sủng. – Ðáp.
Xướng: Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Ðáp.
Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, Lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Ðáp.
Tin mừng: Mt 5, 33-37
33 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: ‘Đừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa’.
34 Phần Thầy, Thầy bảo các con: Đừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa;
35 đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; 36 cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được.
37 Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”.
- Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thiên Chúa là Đấng chân thật. Con cái Chúa cũng phải chân thật. Môi miệng chân thật là môi miệng con cái Chúa. Môi miệng dối gian là môi miệng Xa-tan.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay Chúa dạy con: đừng thề chi cả. Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là do ác quỷ mà ra. Nhưng trong thực tế, chúng con rất hay thề, không thề thì không ai tin. Tuy nhiên, con thấy những người có uy tín trong xã hội không cần thề mà người ta vẫn tin lời họ nói. Chúa đang dạy con sống uy tín, thẳng thắn, thật thà, xứng danh con cái Chúa. Chính cách sống ngay thẳng của con là bằng chứng cho môi miệng con chân thực.
Lạy Chúa, Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Chúa đã sống thật, nói thật, cho dù sự thật đó dẫn Chúa đến thập giá. Chúa đả kích sự giả dối, Chúa vạch trần những thái độ giả hình, Chúa không thỏa hiệp với cách sống lươn lẹo của trần gian. Chúa nêu gương và dạy con phải chân thật.
Lạy Chúa, con hay bị cám dỗ sống gian dối. Gian dối có thể đưa đến cho con một mối lợi, gian dối có thể tránh cho con một hiểm họa, gian dối có thể làm cho người khác nể sợ con hơn. Nhưng khi sống gian dối, là một cách nào đó con đang bán mình cho Xa-tan, không còn là con cái Chúa nữa.
Xin giúp con luôn xác tín rằng: làm con cái Chúa là một mối lợi vĩnh cửu; làm con cái Chúa giúp con tránh được cái họa đời đời; và Chúa chỉ coi trọng con khi con biết sống chân thực. Amen.
Ghi nhớ : “Thầy bảo các con: đừng thề chi cả”.
- Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Tiếp tục giải thích về sự công chính mới, hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự trung thực trong lời nói:
Điều cốt yếu của lời nói là sự trung trực “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”. Một khi đã trung thực trong lời nói thì không cần thề nữa.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Thời nay, “nói” thay vì để thông đạt sự thật, đã trở thành phương tiện giúp đạt được điều người ta mong muốn: nói sao cũng được miễn đạt được mục đích thôi. Trong làm ăn, trong chính trị đã thế, mà buồn thay trong những cộng đoàn huynh đệ của Giáo Hội nhiều khi cũng thế.
“Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” vì trẻ con rất trung thực. Phải chăng người thời nay đã già cỗi quá rồi, đã đánh mất sự trung thực hồn nhiên của tuổi thơ ? Bởi đó Chúa Giêsu nói “Ai không trở nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước trời”.
2. “Lỗi về sự trung thực không phải chỉ là nói dối, vu khống mà còn là nói lệch đi một chút (xuyên tạc), hứa mà không làm, hẹn mà không giữ đúng…
3. Trung thực: người cha có hai con gái ở tuổi thanh xuân. Một cô rất đẹp và một cô kia có dáng vẻ bình thường. Ngày nọ, khi cả hai đang chuẩn bị tới trường, cô bé đẹp hơn nhìn vào gương, rồi phàn nàn với cha rằng gương này không phản chiếu hình ảnh trung thực của cô.
Thay vì giận dữ, ông bố khuyên con: “Ba muốn cả hai con nhìn vào gương đó mỗi ngày. Các con có được vẻ đẹp tự nhiên, phải tự nhắc mình đừng bao giờ làm mất đi vẻ đẹp của gương mặt bằng những hành động xấu. Và con là người không đẹp, con có thể che dấu sự thiếu vẻ đẹp đó bằng sự duyên dáng nơi những đức tính và các cư xử đẹp của con”. (Góp nhặt)
4. “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Mỗi lần tôi xa nhà, mẹ tôi đều căn dặn: con phải sống thật thà với Chúa, với mọi người xung quanh và với chính mình. Mẹ ước mong cho tôi nên người có giá trị, luôn có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác. Để được như thế tôi không nên nghi ngờ, dối gian, mà phải sống trung thực đặc biệt trong lời nói. Chúa cũng dạy tôi như vậy “Có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Lời dặn của mẹ là lời dạy của Chúa còn đó. Nhưng tôi đã không đủ cam đảm để thực thi, để rồi lời dạy ấy như gió thoảng, chợt đến rồi vội đi.
Lạy Chúa, xin cho con biết làm chủ suy nghĩ và làm chủ miệng lưỡi con, vì thật thà là dấu chỉ của con cái Chúa, quanh co gian lận là sản phẩm của sa tan. (Hosanna)
- Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chân thật trong lời nói (Mt 5,33-37)
- Chúa Giêsu đến kiện toàn Lề luật và lời các tiên tri nên Ngài dạy các môn đệ: Luật xưa cấm bội thề (lỗi lời thề), nghĩa là luật xưa cho phép thề nhưng một khi đã thề thì không được bỏ lời thề, mà phải làm đúng theo lời đã thề hứa. Còn Thầy, Thầy không cho thề thốt chi hết, mà phải luôn luôn thành thật: bụng nghĩ sao, miệng nói vậy, luôn luôn phải nói đúng sự thật, mọi lời giả dối, phỉnh gạt là do “ác quỷ” bầy vẽ bịa đặt, làm cớ cho người ta lỗi phạm lề luật và mất uy tín, không tin cậy nhau.
- Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự lương thiện và chân thật trong lời nói cũng như những hành động của con người. Ngài cho chúng ta hiểu rằng Ngài chính là cội nguồn của chân lý và chân lý của Ngài giải thoát chúng ta khỏi các ảo tưởng và sự giả dối. Chính vì thế, Chúa Giêsu lên án những kẻ làm chứng dối và luôn cả những kẻ lấy danh Thiên Chúa mà thề nguyền. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn đệ rằng: lời nói của các ông phải bắt rễ từ cội nguồn sự thật là Thiên Chúa, mà không cần tới một nghi thức, hay thủ tục rườm rà hay giả tạo nào của xã hội loài người đặt ra để bảo đảm cho lời chứng của mình.
- Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả là vàng.
Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi!
Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ mà ra”. Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời nói và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của mình đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào (Mỗi ngày một tin vui).
- “Có thì nói là có, không thì nói là không” (Mt 5,37)
Về vấn đề này, thánh tiến sĩ Tôma Aquinô đã ghi lại trong sổ tay một đoạn văn ngắn sau đây: “Thiên Chúa chính là một bậc thầy tuyệt hảo, Ngài đã để lại cho chúng ta 2 tác phẩm siêu việt, để chúng ta có thể được học hỏi một cách chu đáo. Đó chính là pho sách Tạo vật và pho sách Kinh thánh. Riêng với pho sách Tạo vật, thì có bao nhiêu tạo vật trong vũ trụ thì có bấy nhiêu chương sách tuyệt mỹ trong tác phẩm ấy. Cuốn sách khổng lồ này đã dạy cho chúng ta sự thật mà không pha trộn vào đó một chút giả dối nào cả. Vì thế, khi có người đến hỏi nhà hiền triết Aristote rằng: ông ta đã học được ở đâu mà có được những cơ sở lý luận, những tư tưởng trung thực và cao cả đẹp như vậy, thì ông ta đã trả lời: “Tôi đã học được từ chính các tạo vật quanh tôi, bởi vì các tạo vật thì không bao giờ biết nói dối”.
- Thiên Chúa rất ghét sự gian trá, Ngài đã phạt thật nặng những người lừa đảo, thiếu thành thực. Sách Công vụ Tông đồ có thuật lại: Hồi ấy, có hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, lấy tiền dâng các tông đồ, nhưng lại lừa đảo thánh Phêrô, giữ lại một phần. Người chồng là Anania đưa tiền để dưới chân thánh Phêrô, và vì thiếu thành thực, nên thánh Phêrô đã nặng lời lên án hành vi giả trá của anh. Lập tức anh ngã lăn ra chết.
Ba giờ sau người vợ là Saphira đến gặp thánh nhân và khi thánh nhân hỏi: Tiền bán ruộng chỉ có bấy nhiêu sao? Saphira lừa dối thánh nhân trả lời là: “Chỉ có ngần ấy”, và Saphira cũng ngã lăn ra chết (x. Cv 5,1-11).
- Truyện: Nhà hiền triết Xénophon với cái lưỡi
Nhiều người trong chúng ta thuộc lòng câu chuyện “Cái lưỡi” của Xénophon, sống vào thế kỷ thứ 6: Xénophon bị bắt làm nô lệ trong một nước láng giềng. Biết ông là người tài giỏi, vua trao cho ông nhiều việc. Một trong những việc quan trọng là thiết tiệc. Vua sai ông chọn một món ăn ngon nhất để đãi khách. Ông liền ra chợ mua toàn là lưỡi về nấu. Thực khách ăn và khen ngon.
Nhưng một lần, hai lần, ba lần, lần nào người đầu bếp cũng chỉ đãi toàn lưỡi. Ngạc nhiên, nhà vua cho tìm ông đến hỏi lý do. Người nổi tiếng là khôn ngoan mới giải thích: Còn gì quý hoá cho bằng lưỡi: lưỡi là máy khôn ngoan, nhờ lưỡi ta học biết điều khôn ngoan, nhờ lưỡi con người biết ca tụng lẫn nhau, nhờ lưỡi con người giao ước với nhau và dâng lời cảm tạ Thượng Đế, không gì cao quý cho bằng lưỡi.
Nhà vua lấy làm ưng ý về sự giải thích đó, và để thử lòng nhà hiền triết, vua sai ông nấu một món ăn dở nhất. Lại một lần nữa, Xénophon nấu toàn là lưỡi. Khi được vua chất vấn, ông giải thích: Tâu bệ hạ, còn gì xấu xa cho bằng cái lưỡi, dưới ánh mặt trời này còn gì xấu xa mà lưỡi không can dự vào: phản bội, bất công, gian dối, lừa đảo, trộm cắp, giết người, chiến tranh, tất cả đều do cái lưỡi: nó có thể làm sụp đổ cả Đế quốc, có thể huỷ hoại cả một dân tộc, đạp đổ cả một gia đình, còn gì xấu xa cho bằng cái lưỡi.
Ai trong chúng ta cũng hơn một lần hối tiếc vì những lời do miệng lưỡi chúng ta thốt ra. Và một lời lẽ xúc phạm đến người khác cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa. Một lời dối trá cũng là một lừa đảo người khác, đồng thời xúc phạm đến bản thân bởi vì đánh đổ hình ảnh của Thiên Chúa – Đấng chân thật.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh (Ga 3,22-30)
-
Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh (Lc 5,12-16) -
Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (Lc 4,14-22a) -
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,45-52) -
Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh (Mc 6,34-44) -
Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh (Mt 4,12-17.23-25) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 04/01 - Tìm gặp Chúa (Ga 1,35-42) -
Ngày 03/01 - Hy sinh vì tha nhân (Ga 1,29-34) -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (Ga 1,19-28)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)