Chúa nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa năm C (Lc 9,11b-17)
Mọi người đều ăn, và được no nê.
Bài đọc 1: St 14, 18-20
Ông Men-ki-xê-đê dâng bánh và rượu.
Bài trích sách Sáng thế.
18 Khi ông Áp-ram thắng trận trở về, có ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. 19 Ông chúc phúc cho ông Áp-ram và nói:
“Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất,
chúc phúc cho Áp-ram !
20Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao,
Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông !”
Rồi ông Áp-ram biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.
Đáp ca: Tv 109, 1.2.3.4 (Đ. c.4b)
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
1Sấm ngôn của Đức Chúa
ngỏ cùng Chúa Thượng tôi:
“Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.”
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
2Từ Xi-on, Đức Chúa sẽ mở rộng
quyền vương đế của Ngài:
Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ.
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
3Đức Chúa phán bảo rằng:
“Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,
vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.
Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,
tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con.”
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
4Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời,
rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.”
Đ.Muôn thuở, Con là Thượng Tế
theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.
Bài đọc 2: 1 Cr 11, 23-26
Mỗi lần anh em ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
23 Thưa anh em, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 25 Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
Tin mừng: Lc 9, 11b-17
11b Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
12 Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.”
13 Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.”
14 Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.”
15 Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống.
16 Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.
17 Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ðức Giêsu yêu thương Ngài không chỉ ban cơm bánh, tiện nghi, sức khỏe... Một cuộc sống mau qua đời này cho chúng ta: mà còn dành cho chúng ta một nguồn ân sủng vô tận đặc biệt nhất, chính là Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi linh hồn ta. Ngài đã yêu và yêu đến cùng. Người Do thái không hiểu Ngài, cũng không hiểu được Lời Ngài vì thế đưa đến mâu thuẫn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con siêng năng chạy đến với Chúa qua thánh lễ qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa đã tự hiến vì chúng con. Ðể từ đó chúng con biết múc tình yêu của Chúa trao ban cho tha nhân. Amen.
Ghi nhớ: “Tất cả đều ăn no nê”.
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
CÁC CON HÃY CHO HỌ ĂN
+++
A. DẪN NHẬP
Trong ngày thứ năm Tuần thánh, chúng ta đã cử hành Thánh lễ Tiệc ly, để kỷ niệm việc Đức Giêsu lập phép Thánh Thể và chức Linh mục. Nhưng trong dịp này, chúng ta không thể suy niệm riêng về phép Thánh Thể, mà còn phải suy niệm về những mầu nhiệm khác như việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại. Hôm nay Giáo hội muốn dành riêng một ngày, để có nhiều thời giờ suy niệm về phép Thánh Thể, hầu khuyến khích mọi người hãy tỏ lòng tôn sùng, yêu mến phép Thánh Thể, siêng năng rước lễ, năng đến viếng thăm Chúa ngự trong nhà tạm…
Bí tích Thánh Thể không phải tình cờ mà có, nhưng đã được tiên báo bằng những hình ảnh trong Thánh kinh như manna trong sa mạc (Xh 16), việc hoá bánh ra nhiều (Lc 9, 11b-17)… Sau cùng, trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã chính thức thiết lập Bí tích Thánh Thể, để làm của ăn của uống nuôi linh hồn loài người, để con người được tham dự vào đời sống thần linh của Chúa và được sống đời đời.
Nhân dịp này chúng ta hãy suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể dưới một số khía cạnh như Thánh Thể có liên quan tới bữa ăn, sự giao hoà, hiệp nhất, phục vụ và tạ ơn. Đồng thời chúng ta hãy cộng tác với Chúa trong việc cử hành Thánh lễ, để Chúa được hiện diện với loài người cho đến tận thế; ngoài ra, chúng ta cũng cần cộng tác với Chúa, để đưa “bánh của Thiên Chúa” hướng tới anh chị em mình tức là “bánh của con người”, biết chia sẻ với người khác bằng chính những cái mà Chúa đã ban cho mình, như tiền bạc, của cải, sức khoẻ, thời giờ, viếng thăm… trong cuộc sống hằng ngày.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: St 14, 18-20
Ông Abraham vừa chiến thắng trở về, ông Melkisêđê vừa là vua vừa là tư tế thành Salem, đã đem bánh và rượu đến chúc mừng ông Abraham, đồng thời cũng nhân danh Thiên Chúa tới chúc lành cho ông Abraham.
Truyền thống đã coi ông Melkisêđê là hình ảnh của Đức Giêsu Thượng Tế, và bánh rượu xem như là hình ảnh báo trước Thánh Thể.
+ Bài đọc 2: 1Cr 11, 23-26
Thánh Phaolô dạy giáo lý cho tín hữu Côrintô về Bí tích Thánh Thể. Ngài trích dẫn một bản văn Phụng vụ về việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Theo đó, khi chúng ta cử hành Thánh lễ, chúng ta không chỉ làm cho Đức Kitô hiện diện, mà còn làm tái hiện cái chết mà Ngài đã dùng để cứu chuộc chúng ta.
Vì thế, phải cử hành cho xứng đáng trong sự kết hợp với Chúa và trong sự chia sẻ rộng rãi với anh em mình.
+ Bài Tin mừng: Lc 9, 11-17
Thánh Luca thuật lại cho chúng ta phép lạ Đức Giêsu biến bánh ra nhiều, để cho 5000 người đàn ông ăn no nê và thu lại được 12 thúng đầy miếng bánh vụn. Qua phép lạ này, thánh Luca có ngụ ý nói với chúng ta:
- Phép lạ này tái diễn phép lạ manna trong sa mạc ngày xưa và còn trổi vượt hơn phép lạ ngày xưa nữa.
- Phép lạ này ám chỉ Bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu sẽ thiết lập sau này.
Như vậy phép lạ hóa bánh ra nhiều nhắc lại phép lạ manna ngày xưa và là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể
I. ĐỨC GIÊSU LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ
1. Những hình ảnh tiên báo
Trong Kinh thánh có nhiều hình ảnh báo trước Bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu sẽ lập ra sau nay, ví dụ manna được ban cho người dân Israel trong sa mạc (Xh 16), lời tiên báo của tiên tri Isaia (Is 25, 6), phép lạ của tiên tri Elisê (2V 4, 43-44), tiệc cưới tại Cana (Ga 2, 1-11) và phép lạ hóa bánh ra nhiều trong bài Tin mừng hôm nay.
Tác giả các sách Tin mừng đều đề cập đến phép lạ này (Mt 14, 18; Mc 8, 1t; Ga 6, 5t; Lc 9, 11b-17). Phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng là một trong những phép lạ quen thuộc của Tin mừng. Phụng vụ Thánh lễ đã trích đoản văn Lc 9, 11b-17 dùng cho lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay.
Thánh Luca cho biết: trời đã về chiều, các Tông đồ muốn Đức Giêsu giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn vì đây là nơi hoang địa. Bất ngờ Đức Giêsu bảo các ông hãy cho họ ăn. Các ông hoàn toàn bó tay vì làm sao kiếm đủ số bánh cho 5000 người đàn ông ăn no được, các ông chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Nhưng Đức Giêsu bảo các ông cứ cho họ ngồi xuống từng nhóm 50 người một. Ngài cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông phân phát cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê và còn thu lại được 12 thúng đầy miếng bánh vụn.
Đây chỉ là phép lạ Đức Giêsu làm để thỏa mãn cơn đói khát phần xác của dân chúng. Qua phép lạ này, Ngài còn hướng dân chúng thèm khát của ăn khác còn cao trọng hơn mà Ngài sẽ ban cho họ sau này, đó là Bí tích Thánh Thể.
2. Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể
Cả bốn sách Tin mừng đều thuật lại việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly.
Đến chiều ngày thứ năm, Đức Giêsu cùng đoàn Tông đồ tới dự tiệc mừng lễ Vượt qua, gồm những tuần rượu, những món ăn cổ truyền, xen lẫn với việc đọc các Thánh vịnh. Sau khi nhắn nhủ các môn đệ nhiều điều xoay quanh vấn đề chính là hãy yêu thương nhau, Đức Giêsu cầm lấy bánh và nói trước mặt các môn đệ rằng: “Tất cả các con cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy”. Chúa trao cho các môn đệ cùng ăn. Rồi Chúa cầm lấy chén rượu và nói: “Tất cả các con cầm lấy mà uống: này là chén máu Thầy”. Chúa trao cho các môn đệ cùng uống. Với những lời nói và những cử chỉ trịnh trọng đó, Đức Giêsu đã lập Phép Thánh Thể.
Chúa còn truyền cho các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, tức là Chúa ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quý này để tưởng niệm đến Ngài. Như thế, trong bữa tiệc lịch sử này và cũng là Thánh lễ đầu tiên do Đức Giêsu cử hành, Chúa đã lập Bt. Thánh Thể và thiết lập chức linh mục cho các Tông đồ.
Sau này, để củng cố đức tin của chúng ta vào bí tích kỳ diệu và cực thánh này, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ tỏ tường trước mặt nhiều người.
Truyện: Phép lạ ở nhà thờ thánh Christiana
Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ kính thánh Christiana, thì lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy Mình thánh hình bánh đã biến thành Thân xác Đức Giêsu tử nạn. Trên thân mình Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua 25 lần vải khăn. Vừa cảm động lại vừa sợ hãi đến nỗi vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết thánh lễ được.
Sau đó, vị linh mục đến xin yết kiến Đức Giáo hoàng Urbanô và tường trình sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một vị Giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định là phép lạ, vị Giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa về Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời giáo dân đến chầu Mình Thánh liên tục. Sau đó, vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbanô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu và truyền mừng lễ trong toàn thể Hội thánh.
II. SUY TƯ VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
1. Thánh Thể và bữa tiệc
Ai trong chúng ta cũng có dịp mời bạn bè đến tham dự một bữa tiệc, để chia tay ra đi vĩnh viễn hay một thời gian… Trong bữa tiệc này nếu chúng ta có điều gì tâm huyết giữ kín từ lâu, thì đây là lúc thuận lợi nhất để nói ra cho mọi người trước khi giã biệt. Hơn thế nữa, một người mẹ hiền hay một người cha trong gia đình trước khi từ giã cõi đời muốn trăn trối với con cháu những điều thật quan trọng, những điều thiết yếu nhất và các con cháu họ cũng thề hứa không bao giờ dám quên những điều tâm huyết ấy.
Đức Giêsu đã dùng bữa Tiệc ly để nhắn nhủ các môn đệ hãy thương yêu nhau, đồng thời nhắc nhở các ông: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đức Giêsu muốn các môn đệ luôn tổ chức các bữa tiệc như vậy, để nhớ đến Ngài, tức là dâng Thánh lễ để biến bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô, để Ngài hiện diện ở trần gian này cho đến tận thế. Thánh Lễ chính là bữa tiệc mà Chúa mời gọi mọi người đến dự trong dụ ngôn ông chủ dọn tiệc và sai các đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc hoàn toàn miễn phí (x. Lc 14, 17t)
2. Thánh Thể và giao hoà
Trong bài đọc 1, Kinh thánh kể lại việc ông Maisen làm nghi lễ giao hoà bằng cách lấy máu bò tơ tưới lên bàn thờ. Người xưa coi máu là sự sống, cấm đổ máu người ta là cấm hại mạng sống người ta, vì mạng sống thuộc quyền của Chúa; người xưa lấy máu để tỏ tình đoàn kết giao hoà. Hai bộ lạc để tỏ tình đoàn kết thì cho hai vị thủ lĩnh gặp nhau, lấy dao rạch máu ở tay và đôi bên uống máu nhau. Bằng nghi thức ấy, họ cho rằng hai bên đã uống nguồn sống của nhau và đã trở nên anh em, đã giao hoà mãi mãi với nhau. Maisen đã làm nghi lễ ấy khi lấy máu bò tơ, đại diện cho toàn dân, để tưới lên bàn thờ Thiên Chúa: giữa Thiên Chúa và dân đã có một cuộc giao hoà vĩnh viễn.
Khi lập nên phép Thánh Thể, Đức Giêsu đã hoàn tất việc giao hoà ấy giữa ta với Thiên Chúa. Máu thánh của Ngài chảy trong huyết quản của ta, làm cho ta giao hoà với Thiên Chúa, Ngài ở trong ta như ta ở trong Ngài. “Này là chén máu Ta, máu tân ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. “Nếu các con không ăn thịt và uống máu Ta, các con không có sự sống đời đời” (Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa, năm C, tr 82)
3. Thánh Thể và hiệp nhất
Đức Giêsu truyền cho các môn đệ tổ chức dân thành từng nhóm 50 người (giống như dân Israel trong sa mạc (Xh 18, 21-25; Ds 31, 14; Đnl 1, 15). Phân tích chữ từng nhóm: “từng nhóm” ở đây ngoài ý nghĩa trật tự giúp cho việc phục vụ bẻ bánh được dễ dàng, còn mang ý nghĩa tình huynh đệ hiệp nhất của cộng đoàn trong bữa ăn, thay vì phân tán từng cá nhân thì qu tụ thành cộng đoàn để ăn tiệc.
Bí tích Thánh Thể là một dấu chỉ: “Dấu chỉ của sự hiệp thông”. Hiệp thông có nghĩa là nên một. Nói cách khác: bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của sự nên một, như Hội thánh luôn tuyên xưng và cầu nguyện rằng: “Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một, khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn II). Hay: “Và khi chúng con được Mình Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Tạ Ơn III). Chính Đức Giêsu đã từng nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông.
Trong bí tích Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa mà thôi, nhưng còn với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là chính thân mình Chúa Kitô, tất cả mọi người sẽ nên những chi thể của Ngài. Thánh Phaolô đã từng nói: “Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Kitô là chính Thánh Thần của Chúa Kitô mà Người ban cho ta”.
4. Thánh Thể và phục vụ
Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông. Với bí tích Thánh Thể Đức Giêsu đã trao ban trọn vẹn và hoàn toàn con người của Ngài cho chúng ta, để nhờ Ngài chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, và được sống đời đời như lời Ngài quả quyết: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời, Và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6, 54). Ngài yêu chúng ta bằng một tình yêu hoàn toàn vị tha. Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài đã tự huỷ mình để trở nên tấm bánh, và ao ước được chúng ta ăn, để chúng ta được nên một với Ngài. Vì thế, trong một đoạn Tin mừng ngắn hôm nay, động từ “ăn” đã được lặp lại tới 9 lần.
Không chỉ khi hiến thân trên thập giá, trong suốt cuộc đời trần thế của mình, Đức Giêsu đã liên tục chấp nhận trở nên “tấm bánh bẻ ra” cho nhiều người. Ngài chấp nhận “tấm bánh bị ăn”, Ngài tự nguyện trở thành của ăn cho nhiều người chúng ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi, để cho chúng ta nhờ đó mà được sống. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn là vì chúng ta, Ngài không kể gì đến bản thân mình, đến nỗi có lần người nhà của Ngài đã muốn đến bắt Ngài về, vì nghĩ là Ngài bị mất trí (x. Mc 3, 20-21).
5. Thánh Thể và tạ ơn
Theo nguyên ngữ, Eucharistia, Thánh lễ là một lễ Tạ ơn. Trong bài 2, thánh Phaolô kể lại cho tín hữu Côrintô biết khi lập phép Thánh Thể “Đức Giêsu cầm lấy bánh “dâng lời tạ ơn”, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì các con”.
Và trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại khi Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, hình ảnh tiên báo bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầm lấy, ngước mắt lên trời và chúc tụng”. Chúng ta có thể cho việc chúc tụng cũng là một hành vi tạ ơn.
Nếu Thánh lễ là một hành vi tạ ơn, tại sao chúng ta không biết đi dự Thánh lễ, để tạ ơn Chúa vì bao nhiêu hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc sống, những ơn phần hồn cũng như phần xác. Và nhiều khi đi dự Thánh lễ, chúng ta chỉ biết xin ơn mà lại quên tạ ơn.
III. BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CHÚNG TA
1. Thánh Thể là bí tích Chúa lập ra
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội thánh, không do bất cứ ai bịa ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá, để tiếp tục chuyển ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.
Và Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chính Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6, 54-55). Ngay cả khi Ngài biết rõ ràng rằng: Khi Ngài nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi. Ngài vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Đức Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.
Ước mong rằng việc rước Mình và Máu thánh Chúa vào lòng sẽ làm cho chúng ta trở nên giống Chúa, để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không con phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta hãy dâng lời nguyện xin Chúa:
“Lạy Cha, con muốn ‘ăn thịt và uống máu’ Đức Giêsu bằng cách mỗi ngày nhìn vào đời sống của Ngài để biến một phần rất nhỏ ‘chất tôi’ trong con thành ‘chất Giêsu’. Nếu mỗi ngày con chỉ biến 1%o (một phần ngàn) ‘chất tôi’ thành ‘chất Giêsu’ một cách thật nghiêm túc và thành công, thì trên nguyên tắc chỉ cần 1.000 ngày sau – tức khoảng 3 năm – con đã được biến đổi hoàn toàn nên giống Đức Giêsu. Đó là tính theo kiểu toán học, thực tế không đơn sơ, dễ dàng và thành công như vậy. Xin cho con biết ‘ăn thịt và uống máu Ngài’ theo kiểu ấy, để nhờ đó con có sự sống đời đời” (JKN).
2. Hãy cử hành Thánh Thể mà nhớ đến Ngài
Đức Giêsu lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Ngài không còn hiện diện như khi còn ở với các môn đệ nữa, Ngài muốn chúng ta “cách mặt nhưng gần lòng”, Ngài muốn chúng ta luôn nhớ đến Ngài. Vì thế trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã ngồi xuống cùng ăn với các môn đệ, rồi cầm lấy bánh và nói: “Này là Mình Thầy được ban cho các con”. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu và nói: “Này là chén máu Thầy… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Dĩ nhiên, Chúa muốn các môn đệ nhớ đến Ngài, không phải chỉ vì ích lợi cho Ngài mà vì ích lợi cho chính họ. Họ cũng cần nhớ đến Ngài nữa. Vì yêu thương họ nên Ngài đã để lại một cách đặc biệt để nhớ đến Ngài, đó là bí tích Thánh Thể.
Nhớ là một khả năng quý giá. Nó nối kết chúng ta lại với những người và những sự việc không còn nữa. Khi chúng ta nhớ đến những người thân yêu thì họ trở thành hiện diện đối với chúng ta. Họ không chỉ là một ký ức mà là một sự hiện diện thực sự. Khi nhớ tới họ là chúng ta tiếp tục gặt hái những hoa trái mà họ đã gieo khi còn sống với chúng ta.
Huống chi là khi chúng ta nhớ đến Đức Giêsu, hoa trái của chúng ta gặt hái còn nhiều hơn đến mức nào nữa. Nhất là nhớ đến Ngài bằng cách thức Ngài chỉ dạy, đó là cử hành bí tích Thánh Thể (Theo McCarthy).
3. Chúa cần chúng ta cộng tác
Trong việc làm phép lạ cho bánh hoá nhiều, chúng ta thấy Đức Giêsu không làm một mình. Ngài muốn cho môn đệ cộng tác vào, tuy chỉ là công việc nhỏ và dễ dàng. Thực ra, những công việc làm ở đây mang một ý nghĩa biểu trưng. Chúng ta thử phân tích mấy động tác:
- Đức Giêsu cho các môn đệ cộng tác cụ thể với sự nghiệp của Ngài: “Các con hãy cho họ ăn”.
- Chia công tác cho các ông, truyền cho các ông tổ chức dân chúng: “Các con hãy bảo họ ngồi xuống từng nhóm 50 người”.
- Phân phát bánh đã hoá nhiều cách rộng rãi: “Đức Giêsu đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho mọi người”.
Theo đó, Francois Bovon kết luận: “Nhìn theo quan điểm Giáo hội học, Đức Giêsu mời gọi sự cộng tác của các môn đệ, dù rằng, trước phục sinh, các ông chưa hoàn toàn hiểu được điều đang xảy ra. Việc làm trung gian mà Ngài trao cho nhóm Mười Hai báo trước tác vụ và trách nhiệm tương lai của các ông sau phục sinh. Như vậy đã rõ, đức tin thiết lập tác vụ như một sự phục vụ, chứ không phải như một sự thống trị. Căn nguyên của tác vụ này và những thiện ích phát sinh từ đó ra, không hệ tại bản thân thừa tác viên, nhưng hệ tại Thiên Chúa, Đấng tuyển chọn và bổ nhiệm…”
4. Từ bàn tiệc Thánh Thể đến bàn tiệc ngoài đời
Có lẽ chúng ta cần nhận ra rằng: “Bánh của Thiên Chúa” đòi ta phải hướng tới anh em mình, tới “bánh của con người”… hoa quả và ruộng đất công lao của con người.
Chia sẻ Mình Máu Chúa Kitô và chia sẻ lương thực với nhau trong tình huynh đệ, là ý nghĩa đầy đủ của bàn tiệc Thánh Thể. Qua bàn tiệc Thánh Thể con người kết hợp với Thiên Chúa và liên kết với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người (Sacrosanctum Concilium đoạn 48). Vì thế, việc cử hành bàn tiệc Thánh Thể là một dấu chỉ của sự loan báo Vương quốc Tình yêu, Bữa tiệc Thiên quốc (Lc 22, 16; GLCG số 1344).
Nếu Đức Giêsu đã sinh ra một lần nơi trần thế, Ngài sẽ còn sinh ra mãi. Nếu Đức Giêsu đã một lần hoá bánh ra nhiều, Ngài sẽ còn tiếp tục hoá bánh ra nhiều mãi. Phép lạ đã xảy ra ngày xưa, vẫn tiếp tục xảy ra hôm nay cho những ai tin cậy nơi Ngài. Đã có lần nào trong chúng ta cảm nghiệm, chính chúng ta làm phép lạ hóa bánh ra nhiều chưa. - Truyện: Ta đã dựng nên ngươi
Tại góc đường của một thành phố lớn, có một người đàn bà quần áo rách tả tơi đứng xa ăn xin với đứa con trai nhỏ gầy ốm xanh xao của bà. Trong số những người đi qua đường phố, có một người đàn ông triệu phú bước qua, nhìn họ không nói tiếng nào, cũng chẳng giúp đỡ gì. Nhưng khi trở về biệt thự sang trọng của mình rồi, nhìn vào bàn ăn với đủ mọi thứ cao lương mỹ vị, ông liên tưởng đến thằng bé còm kĩnh và người mẹ khốn khổ của nó. Càng nghĩ về họ ông càng tức giận Thiên Chúa. Rồi ông nắm tay lại đưa quả đấm lên trời la to với Thiên Chúa: “Làm sao Ngài lại có thể để cho sự khốn khổ như thế này xảy ra cho được? Tại sao Ngài lại không làm gì để giúp đỡ những con người bất hạnh đó?” Và từ một nơi nào đó, rất sâu tự bên trong tâm hồn của ông, có tiếng Thiên Chúa trả lời: “Ta đã làm. Ta đã dựng nên ngươi” (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 216).
Ta đã tạo nên con để con giúp đỡ họ, để con làm phép lạ hóa bánh ra nhiều! Thế nào cũng đã có lần chúng ta chứng kiến và cảm nghiệm sự bác ái yêu thương của những người con cái Chúa. Mỗi lần như thế là mỗi lần bánh tình yêu được biến hoá ra nhiều.
Khi chúng ta rước Mình Máu thánh Chúa, chúng ta cũng cử hành mầu nhiệm làm gia tăng đức bác ái thương người, hoá bánh ra nhiều (Cv 2, 42-46; 1Ga 3, 17-18). Đức Giêsu dùng chính những lễ vật chúng ta dâng hiến: tiền bạc, của cải vật chất, tài năng, công sức, lòng quảng đại, lời cầu nguyện, sự hy sinh đóng góp, để mưu ích cho toàn thể dân Chúa.
Mừng lễ Mình Máu Chúa Kitô là dịp chúng ta tạ ơn Thiên Chúa, vì hồng ân cao trọng Ngài ban tặng cho loài người, vốn mỏng dòn yếu đuối và bất xứng. Hồng ân đó, Thiên Chúa vẫn hằng ngày ban tặng cho chúng ta trong bất cứ giờ cử hành Thánh lễ nào diễn ra trên toàn thế giới.
Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta đến kín múc lương thực Thần linh qua việc lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô để chúng ta được kết hợp mật thiết với Ngài, đồng thời giúp chúng ta thông phần vào đời sống vĩnh hằng của Thiên Chúa ngay tại thế này.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
NGƯỜI TIẾP ĐÓN HỌ
Thiên Chúa dựng nên con người là hồn và xác,
nên hơn ai hết, Ngài biết con người cần gì.
Sự sống đời đời là cùng đích tối hậu cho linh hồn,
nhưng không vì thế mà Ngài coi thường sự sống thân xác.
Thiên Chúa quan tâm đến chuyện đói no của con người.
Ngài như Mục tử dẫn chiên đến đồng cỏ và suối nước.
Nơi hoang địa, Thiên Chúa nuôi dân bằng manna từ trời,
và cho dân uống nước từ tảng đá (Xh 16, 1 – 17, 8).
Đức Giêsu cũng quan tâm đến chuyện đói no của con người.
Khi Ngài và các tông đồ tìm được chỗ riêng tư để rút lui,
thì đám đông lại biết và đi theo đến tận nơi (Lc 9, 10-11).
Đức Giêsu đã niềm nở tiếp đón họ,
nói về Nước Thiên Chúa và chữa bệnh cho họ (Lc 9, 11).
Nhưng như thế đối với Ngài vẫn chưa đủ.
Khi Nhóm Mười Hai muốn giải tán để họ đi mua đồ ăn,
thì Đức Giêsu lại muốn đãi họ ăn miễn phí.
Đãi bữa chiều cho năm ngàn người ăn, ở một nơi vắng vẻ,
chuyện này khó lòng có trong trí của các tông đồ.
Nhưng Đức Giêsu làm được với sự đóng góp của các ông.
Năm ổ bánh của họ được trao qua tay Ngài.
Năm ổ bánh được chúc phúc, được bẻ ra,
được trao lại cho các ông, để các ông trao cho dân chúng.
Không ai biết phép lạ đã diễn ra như thế nào.
Chỉ biết mọi người được ăn no nê và còn dư mười hai giỏ.
Sau khi làm phép lạ bánh hóa nhiều cho đám đông,
danh tiếng của Đức Giêsu được thêm lừng lẫy.
Tuy nhiên, phép lạ này chắc đã làm Ngài phải suy nghĩ.
Dân chúng được no nê, nhưng cái no đó không kéo dài.
Ngài biết chẳng mấy chốc họ sẽ đói lại.
Hơn nữa, đó chỉ là cái no tạm thời cho thân xác.
Lấy gì để làm cho linh hồn được no thỏa?
Phép lạ bánh hóa nhiều giải quyết được một nhu cầu,
nhưng không thể làm phép lạ này mãi được.
Phải tìm ra thứ lương thực thường tồn nuôi linh hồn,
có khả năng đem đến sự sống vĩnh cửu (x. Ga 6, 27).
Đức Giêsu vẫn trăn trở tìm kiếm thứ lương thực ấy.
Những gì Ngài làm trong Bữa Tiệc Ly
không phải là chuyện đột xuất hay do hứng khởi bất ngờ,
nhưng là hoa trái của một quá trình tìm kiếm và sáng tạo.
Khi biết mình sắp bị nộp và đổ máu cho con người,
Đức Giêsu đã cầm lấy tấm bánh và chén rượu mà nói:
“Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” (Lc 22, 19).
“Đây là Máu Thầy, đổ ra vì muôn người” (Mc 14, 24).
Như thế Ngài đã biến đổi tấm bánh thành Mình Ngài,
biến đổi rượu nho trong chén thành Máu Ngài.
Rồi Ngài trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu ấy.
Khi ăn Bánh và uống Rượu,
họ được hiệp thông với cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài,
và được Ngài nuôi bằng chính Thịt Máu.
Với bí tích Thánh Thể, ước mơ của Đức Giêsu được thành tựu.
Nhưng bữa tiệc Thánh Thể vẫn là một mầu nhiệm đức tin.
Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh rượu,
dù con mắt của giác quan chẳng thấy gì.
Chúng ta tin Chúa đến gặp gỡ và nuôi sống chúng ta
khi chúng ta đưa tay đón nhận tấm bánh thánh đơn sơ.
Bữa tiệc Thánh Thể chuẩn bị cho Bữa tiệc cánh chung,
nơi “anh em sẽ đồng bàn ăn uống với Thầy ” (Lc 22, 30),
nơi không còn cần đức tin nữa.
Sống ở đời, ta sẽ dự nhiều bữa tiệc: tiệc đời, tiệc thánh.
Làm sao để mọi bữa tiệc đưa ta về với bữa tiệc cuối cùng,
bữa tiệc hạnh phúc với Chúa, mãi mãi, diện đối diện.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,
sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.
Chúa cũng từng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.
Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,
và đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,
nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,
Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều
vì sợ người ta xỉu dọc đường,
Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.
Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,
và Chúa chẳng bao giờ coi thường
những nhu cầu chính đáng của nó.
Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng
con người không chỉ sống nhờ cơm bánh,
mà còn nhờ Lời Chúa,
không chỉ đói khát thức ăn vật chất
mà còn khao khát những giá trị tinh thần.
Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng
như ông nhà giàu xây thêm kho,
nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng.
Xin cho chúng con hiểu
giá trị của một ly nước được trao đi,
của tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn.
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đói khát nên vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày
mà chúng con không hay.
Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng
dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ.
Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa
và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.
4. Suy niệm (song ngữ)
Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa
Bài Đọc I: Sáng Thế 14,18-20
II: 1 Côrintô 11,23-26
Corpus Christi Sunday
Reading I: Genesis 14:18-20
II: 1Cor 11:23-26
Gospel 11b When the crowds learned it, they followed him; and he welcomed them and spoke to them of the kingdom of God, and cured those who had need of healing. 12 Now the day began to wear away; and the twelve came and said to him, “Send the crowd away, to go into the villages and country round about, to lodge and get provisions; for we are here in a lonely place.” 13 But he said to them, “You give them something to eat.” They said, “We have no more than five loaves and two fish--unless we are to go and buy food for all these people.” 14 For there were about five thousand men. And he said to his disciples, “Make them sit down in companies, about fifty each.” 15 And they did so, and made them all sit down. 16 And taking the five loaves and the two fish he looked up to heaven, and blessed and broke them, and gave them to the disciples to set before the crowd. 17 And all ate and were satisfied. And they took up what was left over, twelve baskets of broken pieces. |
Phúc Âm 11b Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. 12 Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa”. 13 Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. 14 Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. 15 Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. 16 Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. 17 Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại. |
Interesting Details
|
Chi Tiết Hay
|
One Main Point Becoming one in Christ. Our participation in the Eucharistic Banquet signifies not only our oneness with Jesus Christ, but also our oneness with the guests at that banquet, our fellow parishioners, brothers and sisters, spiritual families. |
Một Điểm Chính Trở nên một trong Chúa Kitô. Dự phần vào bí tích Thánh Thể là trở nên một với Chúa Kitô, và cũng là trở nên một với những người đồng bàn với ta, có thể là các tín hữu trong một nhà thờ, anh em trong nhà, hay là các bạn đồng hành trong Chúa. |
Reflections
|
Suy Niệm
|
bài liên quan mới nhất
- Thứ Ba tuần 31 Thường niên năm II - Thức tỉnh (Lc 14,15-24)
-
Thứ Hai tuần 31 Thường niên năm II - Bác ái vô vị lợi (Lc 14,12-14) -
Chúa nhật 31 Thường niên năm B - Giới răn đứng đầu (Mc 12,28b-34) -
Ngày 02/11: Cầu cho các tín hữu đã qua đời - Hãy tin vào Chúa (Ga 6, 37-40) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Thứ Năm tuần 30 Thường niên năm II (Lc 13,31-35) -
Thứ Tư tuần 30 Thường niên năm II - Hãy qua cửa hẹp (Lc 13,22-30) -
Thứ Ba tuần 30 Thường niên năm II - Nước Thiên Chúa (Lc 13,18-21) -
Ngày 28/10: Thánh Simon và thánh Giuđa, Tông đồ - Tuyển chọn (Lc 6,12-19) -
Chúa nhật 30 Thường niên năm B - Khánh nhật Truyền giáo (Mc 16,15-20)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm Tuần Thánh (Ga 13,1-15)
-
Thứ Sáu Tuần Thánh - Thương khó (Ga 18,1-19,42) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32) -
Chúa nhật 2 Phục sinh - Bình an cho anh em (Ga 20,19-31) -
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Thứ Ba tuần 5 Phục sinh - Bình an Chúa ban (Ga 14,27-31a) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26)