Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
I. Lễ Ban Đêm
“Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế,
đã giáng sinh...” (Lc 2,11)
BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6)
“Chúa ban Con của Người cho chúng ta”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui ? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 11-12. 13
Đáp: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta, Người là Đức Kitô, Chúa chúng ta (Lc 2, 11).
- Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. - Đáp.
- Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Đáp.
- Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. - Đáp.
- Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Tt 2, 11-14
“Ân sủng của Chúa đã đến với mọi người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.
Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Lc 2,1-14
Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.
Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.
Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ.
Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.
Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Giáo lý cho bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh
WHĐ (21.12.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 456-460, 466: Tại sao Ngôi Lời làm người?
456. Cùng với Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli, chúng ta tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”[1].
457. Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). “Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14). “Chúa Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi” (1 Ga 3,5):
“Bản tính chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất việc thông phần vào sự thiện, nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng ta bị vây hãm trong bóng tối, nên cần đến ánh sáng. Chúng ta bị tù đầy nên mong người cứu chuộc; bị thua trận, nen cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng. Đó lại là những lý do nhỏ bé và không xứng đáng để làm cho Thiên Chúa động lòng hay sao? Những lý do ấy không đủ để Thiên Chúa xuống viếng thăm bản tính nhân loại, trong lúc nhân loại đang ở trong tình trạng khốn cùng và bất hạnh hay sao?”[2]
458. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống” (l Ga 4,9). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,l6).
459. Ngôi Lời đã làm người để trở thành gương mẫu thánh thiện cho chúng ta. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi…” (Mt 11,29). “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga l4,6). Và trên núi Hiển Dung, Chúa Cha đã truyền: “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7)[3]. Người đúng là gương mẫu của các mối phúc thật và là chuẩn mực của Luật mới: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga l5,l2). Tình yêu này đòi hỏi người ta thật sự hiến thân để đi theo Người[4].
460. Ngôi Lời đã làm người để làm cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr l,4). “Chính vì điều này mà Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, Đấng là Con Thiên Chúa trở nên Con Người, đó là để cho loài người, khi kết hợp với Ngôi Lời của Thiên Chúa và nhận quyền làm nghĩa tử, thì được trở nên con cái Thiên Chúa”[5]. “Chính Người đã làm người, để chúng ta được trở thành những vị thần”[6]. “Con Một Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được tham dự vào thần tính của Người, nên đã mang lấy bản tính của chúng ta, để Đấng đã làm người, làm cho người ta trở thành những vị thần”[7].
466. Lạc thuyết cua Nestôriô cho rằng trong Đức Kitô ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc thuyết này, Thánh Cyrillô Alêxanđria và Công đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 tuyên xưng rằng: “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị”[8]. Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Chính vì vậy, Công đồng chung Êphêsô vào năm 431 công bố rằng Đức Maria, nhờ sự tượng thai nhân loại của Con Thiên Chúa trong lòng bà, bà đã rất thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa: “[Đức Maria là] Mẹ Thiên Chúa…, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm”[9].
Số 461-463, 470-478: Nhập Thể
461. Lấy lại cách nói của thánh Gioan (“Ngôi Lời đã trở thành nhục thể”: Ga 1,14), Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi sự kiện Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính nhân loại, để thực hiện việc cứu độ chúng ta trong bản tính ấy. Trong một thánh thi do thánh Phaolô ghi lại, Hội Thánh hát mừng mầu nhiệm Nhập Thể như sau:
“Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu: Chúa Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,5-8)[10].
462. Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nói về mầu nhiệm ấy như sau:
“Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7, trích Tv 40,7-9, bản LXX).
463. Tin vào việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo. “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần Khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến, và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa” (l Ga 4,2). Đó cũng là niềm xác tín hân hoan của Hội Thánh ngay từ buổi đầu, khi hát mừng “mầu nhiệm cao cả của đạo thánh”: “Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm” (1 Tm 3,16).
Con Thiên Chúa làm người như thế nào?
470. Trong sự kết hợp kỳ diệu của mầu nhiệm Nhập Thể, “bản tính nhân loại được đảm nhận, chứ không bị hoà tan”[11], nên qua các thế kỷ, Hội Thánh hằng tuyên xưng Chúa Kitô có một linh hồn nhân loại thật với các hoạt động của trí tuệ và ý chí, và một thân xác nhân loại thật. Nhưng đồng thời Hội Thánh đã phải luôn nhắc lại rằng bản tính nhân loại của Đức Kitô thuộc hẳn về Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã đảm nhận nó. Tất cả những gì Đức Kitô là và tất cả những gì Người làm trong bản tính nhân loại, đều xuất phát từ “một Đấng trong Ba Ngôi Thiên Chúa”. Vì vậy, Con Thiên Chúa truyền thông cho nhân tính của Người cách thức hiện hữu riêng của Ngôi Vị mình trong Ba Ngôi. Như vậy, trong linh hồn cũng như trong thân xác của Người, Đức Kitô diễn tả theo cách thế nhân loại cung cách hành xử của Thiên Chúa Ba Ngôi[12]:
“Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sư, ngoại trừ tội lỗi”[13].
Linh hồn và tri thức nhân loại của Đức Kitô
471. Apôlinariô Laođicensê cho rằng trong Đức Kitô, Ngôi Lời đã thay thế linh hồn hay tinh thần. Để chống lại điều sai lạc này, Hội Thánh tuyên xưng: Ngôi Con hằng hữu cũng đã đảm nhận một linh hồn nhân loại có lý trí[14].
472. Linh hồn nhân loại này, mà Con Thiên Chúa đã đảm nhận, đã được phú bẩm một tri thức nhân loại thật sự. Tri thức này, theo đúng nghĩa, tự nó không thể có tính chất vô hạn: nó được hình thành trong các điều kiện lịch sử của cuộc sống trong không gian và thời gian. Do đó, Con Thiên Chúa khi làm người, đã có thể chấp nhận “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa” (Lc 2,52) và thậm chí Người còn phải tìm hiểu về những điều mà trong điều kiện nhân loại, phải được học hỏi qua kinh nghiệm[15]. Điều này phù hợp với việc Người tự nguyện hạ mình “mặc lấy thân nô lệ”[16].
473. Nhưng, đồng thời, tri thức nhân loại thật sự này của Con Thiên Chúa cũng diễn tả sự sống thần linh của Ngôi Vị của Người[17]. “Con Thiên Chúa biết hết mọi sự; và con người mà Người tiếp nhận cũng biết như thế, không phải do bản tính, nhưng do kết hợp với Ngôi Lời. Nhân tính, được kết hợp với Ngôi Lời, biết hết mọi sự và biểu hiện những đặc tính thần linh xứng với uy quyền nơi mình”[18]. Trước hết, đó là trường hợp Con Thiên Chúa làm người có một sự hiểu biết thâm sâu và trực tiếp về Cha của Người[19]. Trong tri thức nhân loại của mình, Chúa Con cũng cho thấy Người có khả năng thần linh nhìn thấu những tư tưởng thầm kín trong lòng dạ người ta[20].
474. Tri thức nhân loại của Đức Kitô, vì được kết hợp với Đức Khôn Ngoan thần linh trong Ngôi Lời nhập thể, hiểu biết đầy đủ các kế hoạch vĩnh cửu mà Người đến để mạc khải[21]. Điều Người nói là Người không biết trong lãnh vực này[22], thì ở chỗ khác Người tuyên bố là Người không có sứ vụ mạc khải điều ấy[23].
Ý muốn nhân loại của Đức Kitô
475. Một cách tương tự, trong Công đồng chung thứ VI, Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Đức Kitô có hai ý muốn và hai hoạt động theo hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại, không đối kháng nhưng hợp tác với nhau, cho nên Ngôi Lời làm người, trong sự phục tùng theo nhân tính đối với Chúa Cha, đã muốn điều mà Người đã quyết định, theo thần tính, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, về ơn cứu độ chúng ta[24]. Hội Thánh nhận biết rằng “ý muốn nhân loại của Người luôn theo ý muốn thần linh, không miễn cưỡng, không đối kháng, và hơn nữa, ý muốn nhân loại của Người đã phục tùng ý muốn thần linh và toàn năng của Người”[25].
Thân xác thật của Đức Kitô
476. Bởi vì Ngôi Lời đã làm người khi đảm nhận một nhân tính thật, nên thân xác của Đức Kitô có những nét xác định rõ ràng[26]. Do đó, dung nhan nhân loại của Chúa Giêsu có thể được “hoạ lại”[27] Trong Công đồng chung thứ VII[28], Hội Thánh công nhận việc Người được trình bày qua các ảnh tượng thánh là hợp pháp.
477. Đồng thời, Hội Thánh cũng luôn luôn công nhận: trong thân xác của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa vốn là Đấng vô hình, đã xuất hiện hữu hình cho chúng ta”[29]. Thật vậy, các đặc điểm cá nhân của thân xác Đức Kitô diễn tả Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhận làm của mình những nét nhân dạng của thân xác Người, cho nên khi được hoạ lại nơi một ảnh tượng thánh nào đó, những nét này có thể được tôn kính, bởi vì khi tín hữu tôn kính ảnh tượng thánh, là họ “tôn thờ chính Đấng mà ảnh tượng thánh ấy diễn tả”[30].
Trái tim của Ngôi Lời nhập thể
478. Trong cuộc đời của Người, trong lúc Người hấp hối và trong lúc Người chịu khổ nạn, Chúa Giêsu biết và yêu thương mọi người và từng người chúng ta, và Người đã tự hiến mạng vì mỗi người chúng ta. Con Thiên Chúa “đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Người đã yêu mến tất cả chúng ta bằng một trái tim nhân loại. Do đó Trái Tim cực thánh của Chúa Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta[31], “được coi là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu, qua đó Đấng Cứu Chuộc thần linh hằng liên lỉ yêu mến Chúa Cha vĩnh cửu và yêu mến tất cả mọi người”[32].
Số 437, 525-526: Mầu nhiệm Giáng Sinh
437. Thiên thần đã loan báo cho các mục đồng việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu, với tính cách là việc ra đời của Đấng Messia đã được hứa ban cho Israel: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavid, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11). Ngay từ đầu, Chúa Giêsu là “Đấng Chúa Cha đã hiến thánh và sai đến thế gian” (Ga l0,36), với tư cách là “Đấng Thánh” (Lc 1,35) được cưu mang trong lòng dạ trinh khiết của Đức Maria[33]. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi đón bà Maria vợ ông về, “vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), để Chúa Giêsu, “cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16), được sinh ra do vợ ông Giuse trong dòng tộc thiên sai (in generatione messianica) của vua Đavid.[34]
525. Chúa Giêsu đã ra đời trong cảnh bần hàn của chuồng bò lừa, trong một gia đình nghèo[35]; các mục đồng chất phác là những chứng nhân đầu tiên của biến cố. Chính trong cảnh nghèo hèn này mà vinh quang thiên quốc được tỏ lộ[36]. Hội Thánh không ngừng hoan hỉ hát mừng vinh quang đêm ấy:
“Hôm nay Đức Trinh Nữ sinh hạ Đấng Hằng Hữu, và thế gian dâng tặng hang đá cho Đấng Chí Tôn. Các Thiên thần cùng với các mục đồng tôn vinh Người, các đạo sĩ tiến bước theo ánh sao: bởi vì một Hài Nhi bé nhỏ, là Thiên Chúa vĩnh cửu, đã được sinh ra cho chúng ta!”[37]
526. “Trở nên trẻ nhỏ” trong tương quan với Thiên Chúa là điều kiện để vào Nước Trời[38]; để được vậy, cần phải tự hạ[39], phải trở nên bé mọn; hơn nữa, còn phải “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,7), được sinh ra từ Thiên Chúa[40] để trở nên con cái Thiên Chúa[41]. Mầu nhiệm Giáng Sinh được thực hiện nơi chúng ta khi Đức Kitô “được thành hình” nơi chúng ta[42]. Việc Giáng Sinh của Chúa Giêsu là mầu nhiệm của “việc trao đổi kỳ diệu” này:
“Cuộc trao đổi sao mà kỳ diệu! Đấng Tạo Hoá của nhân loại, nhận lấy một thân xác có linh hồn, khấng hạ sinh bởi một Trinh Nữ; khi làm người mà chẳng cần mầm giống nam nhân, Người đã rộng ban cho chúng ta thần tính của Người”[43].
Số 439, 496, 559, 2616: Chúa Giêsu là Con vua Đavid
439. Nhiều người Do Thái, và cả một số người ngoại cùng chia sẻ niềm hy vọng của Israel, đã nhận ra nơi Chúa Giêsu những nét cơ bản của “Con vua Đavid”, Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Israel[44]. Chúa Giêsu đã chấp nhận danh hiệu Messia, Người có quyền làm như vậy[45], nhưng Người chấp nhận một cách dè dặt, bởi vì danh hiệu này bị một số người đương thời với Người hiểu theo một quan niệm quá phàm trần[46], đặc biệt mang tính chất chính trị.[47]
496. Ngay trong các công thức đức tin đầu tiên[48], Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria là chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, và Hội Thánh cũng khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này: Chúa Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh Thần, không có mầm giống nam nhân”[49]. Các Giáo Phụ nhận ra việc thụ thai đồng trinh là dấu chỉ của việc Con Thiên Chúa thật sự đã đến trong bản tính nhân loại như chúng ta.
Thánh Ignatiô Antiôchia (đầu thế kỷ II) dạy: “Tôi đã nhận thấy anh em… xác tín rằng Chúa chúng ta, thật sự xuất thân từ dòng dõi vua Đavid theo xác phàm[50], là Con Thiên Chúa theo ý định và quyền năng Thiên Chúa[51], Người đã thật sự được sinh ra bởi một trinh nữ;… Người đã thật sự chịu đóng đinh trong thân xác vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô…. Người đã thật sự chịu khổ hình cũng như đã thật sự sống lại”[52].
559. Giêrusalem sẽ đón nhận Đấng Messia của mình như thế nào? Chúa Giêsu, Đấng luôn trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua[53], đã chọn thời điểm và chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến vào Giêrusalem, thành của “Đavid, tổ tiên Người” (Lc l,32) với tư cách là Đấng Messia[54]. Người được dân chúng hoan hô như con vua Đavid, như Đấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ!”). Nhưng “Đức Vua vinh hiển” (Tv 24,7-l0) lại “ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9,9) tiến vào thành: Người không chinh phục Thiếu nữ Sion, hình ảnh của Hội Thánh Người, bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm tốn, là bằng chứng của sự that[55]. Vì vậy, ngày hôm đó, thần dân của Nước Người là các trẻ em[56] và “những người nghèo của Thiên Chúa”, họ tung hô Người giống như các Thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng[57]. Lời tung hô của họ: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118,26) được Hội Thánh dùng lại trong kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” để mở đầu phụng vụ Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa.
2616. Lúc Người còn đang thi hành tác vụ, lời cầu nguyện với Chúa Giêsu đã được chính Người nhận lời, qua các dấu lạ, những dấu lạ này tiền dự vào sức mạnh của sự chết và sự sống lại của Người. Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện của đức tin, được diễn tả bằng lời nói (của người bệnh phong[58], của ông Giairô[59], của người phụ nữ Canaan[60], của người trộm lành[61]), hay trong thinh lặng (của những kẻ khiêng người bất toại[62], của người đàn bà bị bệnh loạn huyết đụng chạm vào áo Người[63], nước mắt và dầu thơm của người phụ nữ tội lỗi[64]). Lời nài xin tha thiết của những người mù: “Lạy Con Vua Đavid, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27) hay “Lạy Ông Giêsu, Con Vua Đavid, xin rủ lòng thương tôi” (Mc 10,48) được sử dụng lại trong truyền thống Khẩn nguyện Chúa Giêsu (Oratio ad Iesum): “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chúa Giêsu luôn đáp lại lời cầu xin Người với đức tin, bằng cách chữa lành bệnh tật hoặc thứ tha tội lỗi: “Cứ về bình an, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
Thánh Augustinô đã khéo léo tóm tắt ba chiều kích của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Người cầu nguyện cho chúng ta, vì Người là vị Tư Tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta vì Người là Đầu của chúng ta; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người là Thiên Chúa của chúng ta. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng nói của chúng ta trong Người, lẫn tiếng nói của Người trong chúng ta”[65].
Số 65, 102: Thiên Chúa đã phán dạy mọi sự trong Ngôi Lời của Ngài
65. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông ta qua các tiên tri ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, là Lời duy nhất, hoàn hảo và cao cả nhất của Chúa Cha. Nơi Người, Thiên Chúa đã nói tất cả, và sẽ không có lời nào khác ngoài Lời đó. Sau bao vị khác, thánh Gioan Thánh giá đã diễn tả điều này một cách rõ ràng, khi chú giải câu Dt 1,1-2:
“Từ khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Ngài, Đấng là Lời duy nhất và dứt khoát của Ngài, Thiên Chúa đã nói với chúng ta một lần duy nhất trong Lời này và Ngài không còn gì để nói thêm nữa. Những gì trước kia Ngài chỉ nói từng phần qua các tiên tri, thì nay Ngài đã nói hết trong Đấng mà Ngài đã trao ban trọn vẹn cho chúng ta, tức là Con của Ngài. Do đó, bây giờ mà có ai còn muốn hỏi Thiên Chúa điều gì hoặc nài xin Ngài một thị kiến hay mạc khải nào nữa, thì người ấy chẳng những làm một chuyện điên rồ, mà xem ra còn xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi không chăm chú nhìn vào Đức Kitô mà lại tìm kiếm một cái gì khác hoặc một điều mới lạ ngoài Đức Kitô”[66].
102. Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài[67]:
“Anh em hãy nhớ rằng một Lời duy nhất của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Thánh Kinh, một Lời duy nhất vang trên môi miệng của các Thánh. Lời này lúc khởi đầu là Thiên Chúa hướng về Thiên Chúa, lúc ấy Lời không có các âm vận, bởi vì Ngài không lệ thuộc thời gian”[68].
Số 333: Ngôi Lời nhập thể được tôn thờ bởi các Thiên thần
333. Từ cuộc Nhập Thể cho tới cuộc Thăng Thiên, cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể được hầu cận bằng sự tôn thờ và phục vụ của các Thiên thần. “Khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa nói: ‘Mọi Thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người’” (Dt 1,6). Ca khúc ngợi khen của các Thiên thần khi Đức Kitô giáng sinh không ngừng vang vọng trong lời ca tụng của Hội Thánh: “Vinh danh Thiên Chúa…” (Lc 2,14). Các Thiên thần bảo vệ Chúa Giêsu khi Người còn thơ ấu[69], phục vụ Người trong hoang địa[70], an ủi Người trong cơn hấp hối[71], khi Người đã có thể được các vị cứu khỏi tay kẻ thù[72], như dân Israel xưa[73]. Các Thiên thần cũng rao giảng Tin Mừng ”[74] khi loan báo Tin Mừng về việc Nhập Thể[75] và về việc Phục Sinh của Đức Kitô[76]. Các ngài loan báo việc Đức Kitô lại đến[77], và khi Người đến, các ngài sẽ có mặt để phục vụ việc xét xử của Người[78].
Số 1159-1162, 2131, 2502: Việc Nhập Thể và các ảnh tượng của Đức Kitô
1159. Ảnh tượng thánh, ảnh tượng phụng vụ, chủ yếu trình bày Đức Kitô. Ảnh tượng không thể trình bày Thiên Chúa vô hình và khôn tả; việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã mở đầu một “nhiệm cục” mới của các ảnh tượng:
“Xưa kia Thiên Chúa, Đấng không có thân xác và diện mạo, không bao giờ được trình bày bằng ảnh tượng. Nhưng nay, sau khi Người đã tự trở nên hữu hình trong xác phàm và sống giữa loài người, tôi có thể họa một hình ảnh về điều tôi thấy nơi Thiên Chúa…. Vậy sau khi dung nhan được mạc khải, chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Chúa”[79].
1160. Nghệ thuật ảnh tượng Kitô giáo dùng hình ảnh để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng, sứ điệp mà Sách Thánh lưu truyền bằng lời. Hình ảnh và lời nói làm sáng tỏ lẫn nhau:
“Chúng tôi tuyên bố cách vắn tắt rằng, chúng tôi gìn giữ nguyên vẹn mọi truyền thống hoặc thành văn, hoặc bất thành văn của Hội Thánh, đã được ký thác cho chúng tôi. Một trong những truyền thống này là việc sử dụng ảnh tượng, vốn phù hợp với việc rao giảng lịch sử Tin Mừng. Việc sử dụng ảnh tượng góp phần nói lên sự chắc chắn xác thực, chứ không phải chỉ là dáng vẻ, của việc Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, và góp phần mang lại lợi ích cho chúng tôi. Những gì soi sáng cho nhau, thì chắc chắn có những ý nghĩa hỗ tương”[80].
1161. Tất cả các dấu chỉ của việc cử hành phụng vụ đều quy hướng về Đức Kitô: kể cả các ảnh tượng của Mẹ Thiên Chúa và của các thánh. Thật vậy, các ảnh tượng này nói về Đức Kitô, Đấng được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tượng này cho thấy “ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12,1), các ngài đang tiếp tục tham dự vào công trình cứu độ trần gian và chúng ta được liên kết với các ngài, nhất là khi cử hành các bí tích. Qua ảnh tượng của các ngài, điều được mạc khải cho đức tin của chúng ta là, con người, được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, cuối cùng được biến hình nên “giống như Thiên Chúa”[81], và cả các Thiên thần, là những vị đã được quy tụ lại trong Đức Kitô:
“Theo giáo huấn của các Thánh Giáo phụ được Thiên Chúa linh hứng, và theo truyền thống của Hội Thánh Công giáo (mà chúng ta biết rằng đó là truyền thống của Chúa Thánh Thần, Đấng chắc chắn đang ngự trong Hội Thánh), chung tôi ấn định với tất cả sự chắc chắn và chính đáng rằng, cũng như hình tượng cây Thánh Giá quý trọng và ban sự sống, các ảnh tượng đáng kính và thánh thiện, hoặc được vẽ và lắp ghép, hoặc bằng những chất liệu thích hợp khác, phải được đặt trong các thánh đường của Thiên Chúa, trên các bình thánh và y phục thánh, trên các bức tường và các bức hoạ, trong nhà và trên các đường phố: đó là ảnh tượng của Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, cũng như ảnh tượng của Đức Bà tinh tuyền, là Mẹ thánh của Thiên Chúa, ảnh tượng của các Thiên thần đáng kính, của tất cả các Thánh và những người công chính”[82].
1162. “Vẻ đẹp và màu sắc của các ảnh tượng kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một bữa tiệc làm no thoả mắt tôi, cũng như quang cảnh đồng quê kích thích trái tim tôi ca tụng Thiên Chúa”[83]. Việc chiêm ngắm các ảnh tượng thánh, cùng với việc suy niệm Lời Chúa và việc ca hát các thánh thi phụng vụ, sẽ tạo nên một sự hoà hợp các dấu chỉ trong cuộc cử hành, làm cho mầu nhiệm được cử hành in sâu vào tâm khảm các tín hữu, rồi được biểu lộ ra trong đời sống mới của họ.
2131. Công đồng chung thứ bảy, ở Nicêa (năm 787), dựa vào mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, đã biện minh cho việc sùng kính ảnh tượng thánh, như ảnh tượng Đức Kitô, và cả ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa, các Thiên thần và tất cả các Thánh, chống lại những người bài ảnh tượng. Nhờ cuộc Nhập thể của mình, Con Thiên Chúa đã khai mở một “nhiệm cục” về các ảnh tượng.
2502. Nghệ thuật thánh sẽ thật và đẹp, khi nhờ hình thức thích hợp, nó đáp ứng với ơn gọi riêng của nó: trong đức tin và trong sự tôn thờ, nghệ thuật thánh gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, vẻ đẹp siêu phàm vô hình của chân lý và của tình yêu, đã xuất hiện nơi Đức Kitô, Đấng “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3), “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9), Người là vẻ đẹp thiêng liêng đang toả chiếu nơi Đức Trinh Nữ rất thánh Mẹ Thiên Chúa, nơi các Thiên thần và các Thánh. Nghệ thuật thánh đích thực đưa con người đến việc tôn thờ, việc cầu nguyện và việc yêu mến Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, Đấng Thánh Thiện và Thánh Hóa.
Các bài giảng của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ đêm Giáng Sinh:
Đức Phanxicô:
2022 – Máng cỏ muốn nói với chúng ta điều gì?
2021 – Thiên Chúa muốn hạ mình, còn chúng ta lại muốn trèo cao
2020 – Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con cái Thiên Chúa
2019 – Tình yêu Thiên Chúa là ân sủng nhưng không
2018 – Bêlem có nghĩa là ngôi nhà bánh
2017 – Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!
2016 – Mầu nhiệm Giáng Sinh chất vấn và khuấy đảo chúng ta
2015 – Hài nhi Giêsu mang đến niềm an ủi đích thực
1. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Đức Giêsu sinh ra một cách rất khiêm tốn: mặc dù là Con Thiên Chúa và thuộc hoàng tộc Đavít,
- Ngài phải vâng lệnh hoàng đế Augustô để thực hiện một cuộc hành trình xa xôi và cực nhọc.
- Ngài phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn ở hang súc vật.
- Những người láng giềng lúc đó tới thăm Ngài cũng là những người chăn chiên nghèo nàn, quê mùa.
Nhưng với cái nhìn đức tin, Thánh Luca đã thấy được đứa bé yếu ớt và nghèo nàn ấy là Đấng Cứu Tinh rất cao sang: các thiên thần báo tin Ngài sinh ra, gọi Ngài là Đấng cứu độ và là Đức Chúa. Việc Ngài sinh ra thực sự là vinh quang cho Thiên Chúa trên trời và bình an cho loài người dưới thế.
B. Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Chuyện xảy ra chưa lâu: Một giáo sư tâm lí làm một cuộc trắc nghiệm nơi 40 sinh viên của ông. Ông đưa cho mỗi người một miếng giấy, bảo viết chữ NOEL, rồi hãy viết thêm một chữ diễn tả ý nghĩ đầu tiên đến trong trí họ. Khi mở giấy, người ta thấy các chữ: cây thông, rất thánh, quà tặng, bữa tiệc, ngày nghỉ, thánh ca... nhưng tuyệt không ai viết: sinh nhật Chúa Giêsu (Góp nhặt).
2. Nhiều người cho rằng vâng phục là mất nhân phẩm, là nhục nhã. Nhưng ta hãy xem Vua Trời Giêsu đã không ngại vâng phục vua trần gian Augustô.
3. Nhiều người cũng coi nghèo là xấu hổ. Nhưng ta hãy xem Đức Giêsu đã tự ý sinh ra nghèo và kết bạn với những mục tử nghèo. Gương mặt đầu tiên Ngài tỏ cho loài người biết về Ngài là gương mặt của một người nghèo. Và còn có thể nói: nghèo là đức tính căn bản nhất của Ngài.
4. Ta hãy tự coi mình là một người nghèo như các mục tử Bêlem, đến với Đức Giêsu sinh ra trong cảnh nghèo và hãy nói chuyện với Ngài như những người nghèo tâm sự với nhau.
5. Nhà vua bị bệnh nặng. Quan ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bịnh khi nào được mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất.
Quan quân đổ xô đi khắp nước để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc thực sự. Nhưng khổ thay, người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo! (Góp nhặt)
2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
ĐÊM GIÁNG SINH 24/12: LỄ CỦA TÌNH THƯƠNG
Chúng ta có thể gọi Giáng sinh là lễ của Tình thương. Sở dĩ chúng ta có thể nói được như vậy là vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Thiên Chúa là Chúa Cả muôn loài lại hạ mình xuống mặc lấy thân xác yếu hèn của con người, bởi vì Nhập thể là một trong ba mầu nhiệm lớn nhất trong đạo. Chúng ta có thể đưa ra nhiều lý do, nhưng không có lý do nào thuyết phục hơn là Thiên Chúa yêu thương con người. Thánh Gioan Tông đồ đã nói lên lý do ấy: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Như vậy, vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho nhân loại như một quà tặng. Tặng quà là một nghĩa cử cao đẹp của người tặng cho người được trao tặng, nói lên tình yêu của người trao tặng đối với người được trao tặng. Đức Giêsu là quà tặng vô cùng quý giá nói lên tình Chúa thương yêu nhân loại đến mức nào! Chúng ta hãy tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa trong dịp Giáng sinh này, vì Ngài đã không tiếc gì đối với thế gian, đến nỗi đã hy sinh Con Một của Ngài để cứu chuộc nhân loại.
Đáp lại tình yêu bao la của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải trở nên quà tặng cho tha nhân, vì “đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không” (Mt 10,8). Cuộc sống sẽ luôn thi vị nếu còn mãi những nghĩa cử tặng quà. Không ai nghèo nàn đến nỗi không có gì để trao ban, trái lại, ai cũng có gì để trao tặng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần. Lễ Giáng sinh là dịp để chúng ta thể hiện tinh thần hy sinh và dâng hiến: “Mình vì mọi người”.
II. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 9,1-6
Dân Do thái đã bị quân Assyri đến xâm chiếm và đặt ách thống trị bạo tàn trên họ. Với tư thế là một dân tộc bị trị, dân chúng chỉ còn biết rên siết dưới gông cùm của ngọai bang: “Dân tộc bước đi trong u tối”.
Nhưng giữa đau khổ, hãi hùng và thất vọng của dân chúng, Isaia tiên báo một thời tươi sáng sẽ tới. Hãy tin tưởng vì Chúa sẽ đến đập tan gông cùm của kẻ thù, sẽ giải thoát cho dân: “Bởi vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi và một người con sẽ được ban tặng cho chúng tôi” (x. Lc 2,11).
Lời tiên báo đầy phấn khởi ấy đã được ứng nghiệm khi Israel được thoát khỏi ách thống trị của Assyria. Nhưng ơn cứu độ mà Isaia loan báo đó không phải chỉ hạn hẹp trong dân tộc Israel, mà nó còn có một chiều kích rộng rãi hơn, nghĩa là ơn cứu thoát ấy chỉ được thực hiện một cách trọn vẹn với Đấng Messia.
+ Bài đọc 2: Tt 2,11-14
Thánh Phaolô nói cho Titô và cho chúng ta biết: Đức Giêsu là ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ và ban cho ta trong ngày giáng sinh, và ân sủng ấy vẫn còn khi Đức Giêsu lại xuất hiện trong vinh quang ngày Ngài trở lại trần gian. Chúng ta hãy sống xứng đáng với ân sủng bằng cách: “Từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức”.
+ Bài Tin mừng: Lc 2,1-14
Sau bao ngàn năm trông đợi, giây phút quan trọng đã đến. Thánh Luca đã giới thiệu cho chúng ta: Đấng Cứu Thế đã đến trong thân phận một bé thơ nơi hang đá Be lem. Bà Maria đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa nên đã sinh ra con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Tuy Chúa Cứu Thế sinh ra trong cảnh cô đơn lạnh lẽo ấy, không ai biết tới nhưng trên không trung các thiên thần vẫn ca hát:
Vinh danh Chúa Cả trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Các thiên thần cho biết đây là Tin mừng cho cả nhân lọai, nhưng Tin mừng này trước tiên được loan báo cho những người chăn chiên nghèo khổ. Chính những người nghèo khổ này đã được hân hạnh thay cho loài người đến triều bái Chúa Hài Nhi.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Giáng sinh, Lễ của Tình thương
Lễ Giáng sinh với cái tên phổ biến là Noel, ngày nay đã trở thành một ngày lễ của nhân loại, vì hầu như mọi người: tín hữu hay không, bằng cách này hay cách khác, đều có thể mừng lễ Noel, nhưng có một điều quan trọng rất cần được chú ý, đó là không phải bất cứ ai mừng lễ Noel đều đạt được mục đích chân chính của nó là gặp được Chúa Kitô, “Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11).
Nhìn lại lịch sử đã hơn 2000 năm từ ngày Chúa giáng sinh có biết bao người đã từng mừng lễ Noel, nhưng họ đã không một lần gặp được Chúa Hài Đồng, dường như họ coi lễ Noel là dịp để được nghỉ ngơi, vui chơi, mua sắm… còn mầu nhiệm Giáng sinh không liên quan gì đến họ cả. Hôm nay chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm Chúa Hài Đồng và tìm ra ý nghĩa của ngày lễ: Giáng sinh là lễ của Tình thương, Chúa giáng trần không có lý do nào khác ngoài việc Chúa thương yêu nhân loại.
I. NGÔI HAI GIÁNG TRẦN VÌ YÊU THƯƠNG
1. Tội nguyên tổ và lời hứa
Nhìn ngược dòng lịch sử của con người, chúng ta được biết, Thiên Chúa đã dựng nên hai con người đầu tiên là Adong và Evà. Thiên Chúa đã ban cho ông bà được làm con Thiên Chúa, sống trong vườn địa đàng, được hưởng một hạnh phúc tràn đầy cả hồn lẫn xác. Tuy con người được Chúa thương như thế, nhưng cũng phải chịu thử thách để biết lòng trung thành.
Thiên Chúa cho ông bà được thoải mái hưởng dùng tất cả những gì Ngài đã dựng nên, chỉ trừ quả cây biết lành biết dữ, nếu ăn vào sẽ phải chết. Nhưng ông bà đã nghe theo lời khuyên nhủ đường mật của con rắn là ma quỷ đã cố tình ăn quả cấm đó. Ông bà đã bị phạt: mất quyền làm con Chúa, mất mọi đặc ân và sau cùng phải chết.
Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã tuyên án ông bà phải chết trong tội, nhưng đồng thời Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến để cứu họ, khi lên án Satan: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).
Trước Thiên Chúa Giáng sinh 700 năm, tiên tri Isaia đã loan báo Tin mừng: “Nghe đây hỡi nhà Đavít: các người làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu lạ, này đây, người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,13-14). Lời hứa của Thiên Chúa được lặp đi lặp lại và sau mỗi lần lặp lại lời hứa, hình ảnh Đấng Cứu Thế lại rõ nét hơn.
Trong lời hứa với vua Đavít, khi vua muốn xây đền thờ cho Chúa, Chúa cho biết Đấng Cứu Thế thuộc dòng họ Đavít: “Khi ngày đời ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta nó sẽ là con” (2Sm 7,12-14).
Và trong lời hứa với vua Akhaz, Chúa đã cho biết Đấng Cứu Thế, con vua Đavít được gọi là Emmanuel, nghĩa là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thật vậy, vào năm 735 trước công nguyên, khi thấy đất nước Giuđa bị lân bang đe dọa, vua Akhaz đã cầu viện đế quốc Assyri chứ không tin vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh này, Thiên Chúa vẫn tỏ ra là Đấng trung tín, luôn giữ lời hứa, khi cho vua Akhaz một dấu chỉ: “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
2. Thiên Chúa thực hiện lời hứa
Sau 4000 năm dân Do thái sống trong đau khổ, trong khóc lóc than van, kêu xin Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Ngài: “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa đấng cứu đời”. Dân chúng vẫn sống trong hy vọng và chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa.
Dấu chỉ Thiên Chúa ban cho vua Akhaz vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên được thực hiện khi thời gian tới hồi viên mãn. Hy vọng mấy ngàn năm của người Do thái đã trở thành hiện thực qua sắc lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô: theo sắc lệnh ấy, toàn dân phải về quê mình khai hộ khẩu. Ông Giuse và bà Maria đang mang thai vội vàng về Be lem thi hành sắc lệnh. Vì về muộn lại không có tiền, nên hai ông bà phải qua đêm ngoài thành trong một hang chứa súc vật, và tại nơi đây “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7).
Như vậy, Hài nhi bé bỏng do Đức trinh nữ Maria sinh hạ, được cuốn tã, đặt nằm trong máng cỏ, được gọi là Emmanuel (Mt 1,23), là Con Thiên Chúa (Gl 1,4) mà hôm nay chúng ta tôn thờ, chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã có từ đời đời, luôn ở với Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành và ở giữa chúng ta, để làm cho ta nên con Thiên Chúa.
Như thế, Đức Giêsu không phải là tiên tri nhân danh Thiên Chúa mà đến với chúng ta, nhưng chính là Thiên Chúa đích thân nói và cứu độ chúng ta. Nhìn vào cuộc đời Đức Giêsu, chúng nhận thấy Thiên Chúa ở rất gần con người để gặp gỡ, thiết lập quan hệ ngay tại nơi con người đang sinh sống. Thiên Chúa tạo quan hệ để con người có thể trao đổi với Người. Thiên Chúa tự liên đới với con người, tự ràng buộc vào số phận con người, nhờ đó Thiên Chúa cứu được con người.
3. Lý do việc Thiên Chúa giáng trần: Tình thương
Chúng ta thắc mắc đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại giáng trần trong hoàn cảnh bi đát như vậy? Chắc chúng ta cũng kiếm ra được một số lý do, nhưng lý do có sức thuyết phục nhất là vì Chúa yêu thương nhân loại.
Công đồng Vatican II, trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã cho chúng ta biết: “Thiên Chúa nhập thể và nhập thế là vì Ngài muốn sống cuộc sống nhân loại, để hành động với bàn tay nhân loại, để suy tư với một trí óc nhân loại, để yêu thương với một trái tim nhân loại” (Gaudium et Spes, số 22). Như vậy, Chúa nhập thể và nhập thế chỉ vì Chúa yêu thương con người.
Nói đến tình yêu là nói đến gặp gỡ và chia sẻ. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã xuống thế để gặp gỡ con người hầu cho đất trời gặp nhau, để Thiên Chúa làm người và con người trở nên Thiên Chúa! Ngài đến để cùng chia sẻ kiếp sống với con người, để Ngài cùng vui cùng buồn, cùng sướng cùng khổ với chúng ta để đem lại cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa.
Chúng ta hãy nghe thánh Augustinô nói về mầu nhiệm tình yêu này: “Vì các bạn mà Thiên Chúa đã làm người. Các bạn sẽ phải chết muôn đời, nếu Ngài đã không sinh ra trong thời gian. Các bạn sẽ chẳng bao giờ được giải thoát khỏi xác thịt tội lỗi, nếu Ngài không chấp nhận mang xác thịt tội lỗi của các bạn. Các bạn sẽ chẳng tìm được sự sống, nếu Ngài đã chẳng chết như các bạn. Các bạn sẽ phải tiêu vong, nếu như Ngài không đến”.
Nói tóm lại, Thiên Chúa yêu thương con người nên đã làm người. Đấng làm người ấy mang tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã đến để gặp gỡ, để chung sống, để đồng hành, để chia sẻ cuộc đời với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành anh em với nhân loại, không những để cùng suy tư, hành động với con người, nhưng còn để hướng dẫn những suy tư và hành động của con người tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa.
II. ĐỨC GIÊSU, QUÀ TẶNG CHO NHÂN LOẠI
Lễ Giáng sinh là ngày mừng biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Nhưng Giáng sinh cũng là ngày lễ của quà tặng. Đây là dịp cuối năm người ta thường tặng cho nhau những cánh thiệp, những món quà. Kèm theo những món quà người ta còn gửi đến cho nhau những thông điệp chúc mừng. Quà tặng chuyển tải tấm lòng yêu thương của người tặng. Có những món quà đơn sơ nhỏ bé. Có những món quà mà người ta phải tốn một số tiền lớn để mua nó. Một quà tặng được chuyển đi là dấu hiệu người ta còn nhớ đến nhau. Bạn bè tặng quà cho nhau, những người yêu tặng quà cho nhau, cha mẹ tặng quà cho con cái, món quà sẽ vô nghĩa nếu không có người tặng.
Trong lễ Giáng sinh hôm nay, chúng ta nói đến một món quà tặng khác giá trị hơn, đó là “Quà tặng” của Thiên Chúa trao ban cho con người. Thật vậy, Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Ngài đem đến cho chúng ta một thông điệp vàng từ Thiên Chúa, là Thiên Chúa mãi trung thành yêu thương con người, cho dù con người có từ khước Ngài.
Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa đến cho mọi người để Ngài trở nên Emmanuel, để Ngài luôn hiện diện mà chia sẻ thân phận con người với chúng ta. Từ ngữ Present tiếng Anh có nghĩa là “quà tặng”, lại có nghĩa là “sự hiện diện”. Mỗi người bằng sự có mặt của mình ở nơi cần đến, đã là món quà giản dị dành tặng cho nhau.
Nhân vật trung tâm của lễ Giáng sinh hôm nay là một trẻ thơ vừa mới sinh. Một trẻ thơ như bao trẻ thơ khác trên trần thế. Một trẻ thơ bình thường sinh trong một gia đình êm ấm hạnh phúc, có cha mẹ, bà con gia tộc và quê hương đất nước. Phần lớn trong số họ chỉ là những người nghèo nhất trong xã hội. Thế mà họ được đón nhận một Tin mừng lớn lao của toàn thể nhân loại. Họ vinh dự đón nhận quà tặng của Thiên Chúa: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (Lc 2,11).
Nhân loại hãy nhìn vào Tình yêu trong mầu nhiệm Nhập thể để học lấy cho mình bài học quý giá: Thiên Chúa đã phó mình cho trần gian. Vì nơi Thiên Chúa, yêu là tự hiến, là huỷ mình. Có hiểu hết sự tự hiến và huỷ mình vì yêu thương trong mầu nhiệm Nhập thể, chúng ta mới có thể hiểu được làm sao một vì Thiên Chúa cao sang là thế, uy quyền là thế, mạnh mẽ và lớn lao khôn cùng, lại có thể hoá nên một con người bé nhỏ, yếu ớt, mong manh như vậy. Có hiểu được một tình yêu tự hiến đến mức hủy mình, ta mới hiểu được làm sao Thiên Chúa lại trở nên trần trụi và nghèo nàn đến thế. Và Hài nhi Giêsu này sẽ tiếp tục hy sinh trên thập giá để cứu rỗi nhân loại.
Truyện: Xin vì đứa trẻ vô tội nay
Lịch sử truyền giáo Viễn đông có kể rằng: Khi đề đốc Magellan dẫn một đạo thuyền đi về Viễn đông thì gặp nạn. Một trận cuồng phong đánh chìm tất cả đạo thuyền, chỉ còn lại con thuyền của đề đốc đang bồng bềnh chống chọi với ba đào sóng gió. Trên thuyền mọi người thuỷ thủ và hành khách đã họp lại tất cả trên cầu tầu để chờ chết.
Đứng giữa đoàn người thất vọng, đề đốc Magellan như có một ơn soi sáng, ông nhìn thấy bên cạnh có một bà mẹ ẵm một đứa con thơ ấp ủ trên lòng. Đề đốc xin bà mẹ cho mình đứa con. Rồi ông cầm đứa bé trong tay giơ lên, mắt ngước về trời và nói: “Lạy Chúa, con và đoàn người đây đều là kẻ tội lỗi đang chết chìm trong vực thẳm này. Nhưng xin Chúa vì đứa trẻ vô tội này mà tha thứ cho chúng con”. Lịch sử kể lại rằng, khi cầu nguyện xong câu đó thì gió yên và biển lặng.
III. CHÚNG TA LÀ QUÀ TẶNG CHO THA NHÂN
Mầu nhiệm nhập thể chỉ có thể hiểu được qua Tình yêu. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã làm người. Ngài thấu hiểu nỗi khao khát một Đấng Cứu thế của dân tộc Israel. Bao nhiêu năm trời mong đợi, hôm nay Đấng Cứu thế đã giáng sinh. Đức Giêsu là quà tặng vô giá của tình yêu Thiên Chúa gửi đến cho con người. Quà tặng mang tên Giêsu trải qua hơn 2000 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đức Giêsu đang đến với con người hằng ngày từng giây từng phút của đời sống vượt qua không gian và thời gian.
Đón nhận quà tặng vô giá là chính Chúa Giêsu, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đích thực của quà tặng. Theo gương Chúa Giêsu chúng ta cũng phải là quà tặng cho anh em mình.
Trong dịp lễ Giáng sinh chúng ta thường mua những món quà đắt tiền để tặng nhau, tuy nhiên giá trị của quà tặng lại tuỳ thuộc vào tấm lòng của người tặng quà. Người ta thường nói: “Vật khinh nhưng hình trọng” hoặc “Của một đồng công một nén” (Tục ngữ). Thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.
Trong kho tàng văn chương Việt Nam, người ta đã nói lên ý tưởng trao ban trong câu ca dao:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
Tình yêu không phải là một cuộc trao đổi có tính toán sòng phẳng, sao cho đôi bên cùng có lợi, mà là một sự chia sẻ vô vị lợi; hay nói đúng hơn, là một sự trao tặng, một sự dâng hiến.
Ông Lézard nói: “Yêu… Bạn có biết từ ấy có nghĩa gì không? Có bao nhiêu cách yêu, nhưng duy chỉ có một là tốt. Đó là trao ban, và trao mãi, mà không lấy lại gì, không chờ đợi gì, không xin xỏ gì. Đó là cách phải yêu”. Ông Roger Godel cũng nói: “Tình yêu đích thực sở dĩ nhận được là nhờ nơi dấu hiệu không bao giờ sai lầm này: nó dâng tặng mà không hề mong nhận lại được cái gì cả”.
Cuộc sống sẽ luôn thi vị nếu còn mãi những nghĩa cử tặng quà. Cũng như cuộc sống không thể vắng bóng tinh thần trao ban. Đó có thể là chúng ta biết dành thời giờ để thăm hỏi, gặp gỡ bà con thân thuộc, người cùng khu xóm và bạn bè. Khi chúng ta biết rộng lòng giúp đỡ vật chất cho những người nghèo, những nạn nhân của thiên tai lũ lụt. Khi chúng ta biết tặng cho những người mình yêu như cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu những món quà bất ngờ thắm thiết tình người.
Truyện: Món quà Giáng sinh
Một đôi vợ chồng trẻ, Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng giầu tình thương đối với nhau.
Giáng sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng, nhưng nàng không có đủ tiền để mua. Vì thế nàng nảy sinh một sáng kiến. Nàng có một bộ tóc dài rất đẹp, nàng rất quý nó và rất hãnh diện về nó. Nàng quyết định cắt ngắn bộ tóc và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.
Hôm áp lễ Giáng sinh, từ phố về nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp đựng sợi dây đồng hồ mạ vàng, mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quý bộ tóc dài của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn, vì nàng cắt và bán nó đi không?
Về tới nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp đựng món quà chàng mới mua cho nàng. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tĩnh, chàng trao tặng nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém.
Chính lúc đó, Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quý nhất của anh, để mua lược chải tóc cho nàng. Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau những gì quý giá nhất, họ đã hy sinh tất cả cho nhau (Wahrheit, Món quà Giáng sinh, tr 9-10).
Chúng ta có thể nói: Giáng sinh là lễ của tình thương. Thánh Alphonsô cũng nói như vậy: “Lễ Giáng sinh là lễ của Tình thương”. Và thánh nhân cả tuần ngồi ăn cơm dưới đất. Còn thánh Phanxicô khó khăn thì trong một lễ Giáng sinh đã quỳ trước hang đá cầu nguyện. Ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập tình yêu mến. Không chịu được, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên: “Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng”.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng! Đêm nay Chúa sinh ra làm người là một tin mừng trọng đại cho toàn nhân loại. Đứng trước Mầu nhiệm Nhập thể chúng con chỉ biết cảm tạ ngợi khen và chúc tụng Chúa. Vì tình Chúa yêu thương nhân loại là vô bờ bến, thì làm sao chúng con có thể diễn tả bằng lời. Xin Chúa dạy chúng con biết trao ban cuộc sống cho tha nhân theo gương Chúa, để suốt cuộc đời chúng con biết sống mình vì mọi người và vì ích chung, ngõ hầu xứng đáng là những người được Chúa cứu chuộc. Amen.
3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI
Một người Do-thái sẽ rất khó nhận ra Đấng Mêsia
khi đứng trước hang bò lừa ở Bê-lem đêm hôm ấy.
Một đôi vợ chồng trẻ, lúng túng vì không tìm ra chỗ.
vất vả với đứa con trai đầu lòng mới chào đời.
Em bé được quấn tã, đặt nằm trong máng cỏ.
Nghĩ đến Đấng Mêsia, người ta nghĩ ngay đến một vị vua,
với hoàng cung cao sang và ngai vàng quyền lực.
Khó lòng tin em bé tầm thường này là Đấng Mêsia,
Đấng được sai đến để giải phóng Israel.
Một người Do-thái theo độc thần lại càng khó tin
em bé này là Thiên Chúa trở nên người phàm.
Giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách vô tận,
Thiên Chúa có những phẩm tính siêu việt vô biên.
Ngài là Đấng quyền năng, cai quản trên trời dưới đất.
Ngài là Đấng vô hình nên không ai tô vẽ được.
Ngài là Đấng tạo dựng muôn loài, Đấng ba lần thánh,
Đấng tỏ mình long trời lở đất ở núi Sinai.
Chẳng ai thấy Ngài mà còn sống.
Một Thiên Chúa như thế làm sao thành người được?
Điều con người không dám mơ, thì Thiên Chúa dám làm,
vì Tình yêu làm được mọi sự.
Thiên Chúa đã làm vượt quá những gì Ngài đã hứa.
Ngài không chỉ ban một Mêsia hay một ngôn sứ như Môsê,
Ngài còn ban chính Ngôi Lời là Thiên Chúa Con Một,
đã trở nên người phàm, đã sống trên trái đất,
và đã đảm nhận toàn bộ phận người của chúng ta.
Kitô hữu là người dám tin vào mầu nhiệm lạ lùng này.
Nơi Hài Nhi Giêsu, chúng ta gặp gỡ một Thiên Chúa
chẳng những nghe được, mà còn thấy được và chạm được.
Một Thiên Chúa hữu hình, gần gũi, yếu đuối, mong manh.
Thiên Chúa ấy được cưu mang trong lòng một phụ nữ,
được sinh ra, biết khóc, biết cười,
sống nhờ sữa mẹ, ấm áp nhờ được quấn tã.
Thiên Chúa ấy phải vâng theo lệnh của hoàng đế Rôma,
nên chào đời xa nhà, thiếu thốn đủ điều,
chỗ nằm là máng ăn của súc vật.
Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giêsu không làm ai sợ hãi.
Không thấy quyền lực uy nghi, chỉ thấy tình yêu dịu dàng.
Thiên Chúa thu hút con người bằng sự buông bỏ thẳm sâu.
Hài Nhi dang hai tay để đón lấy cả nhân loại.
Không thấy Maria và Giuse nói gì trong đêm ở Bê-lem.
Cả hai có nhiều điều cần làm và cần suy nghĩ.
Khi Mẹ Maria sinh con trong sự thiếu thốn tư bề,
Mẹ nghĩ đến lời thiên sứ Gabriel xưa báo về Hài Nhi.
Con của Mẹ sẽ thừa kế ngai vàng của vua Đa-vít,
sẽ trị vì một vương quốc đến muôn đời muôn thuở.
Vậy mà bây giờ Con của Mẹ không có chỗ để nằm.
Khi các người chăn chiên huyên thuyên kể chuyện
về việc thiên sứ hiện ra, loan tin Đấng mới chào đời,
kể chuyện đạo binh thiên quốc tưng bừng hát xướng,
Maria đã chăm chú lắng nghe và kinh ngạc.
Mẹ nghĩ đến bầu khí yên tĩnh ở Bê-lem đêm nay,
có ít ánh sáng và tiếng ca, có nhiều bận tâm và lo lắng.
Không phải biến cố nào cũng dễ hiểu đối với Maria.
Maria có thói quen giữ kỹ mọi chuyện (Lc 2,19.51),
và nghiền ngẫm mọi chuyện trong trái tim của mình.
Maria chấp nhận mình không hiểu ngay mọi biến cố,
nên lúc nào cũng cần hồi tâm để đọc ra ý Chúa.
Như các mục đồng, chúng ta cũng được mời đến Bê-lem.
Dấu hiệu để nhận ra Chúa đang đến hôm nay
vẫn rất đơn sơ và làm chúng ta ngỡ ngàng.
Thiên Chúa đến dưới dạng những người nghèo khổ,
không cơm ăn áo mặc, không có chỗ để nằm.
Nơi những phụ nữ không được đi học ở Afghanistan,
những trẻ sơ sinh bị phá thai mỗi ngày trên thế giới,
những gia đình tan nát vì chiến tranh.
Hãy vội vã đi Bê-lem với tất cả lòng tin đơn sơ,
vui sướng vì gặp được dấu chỉ như lời sứ thần báo.
Hãy làm một điều gì đó cho Chúa Giêsu hôm nay.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Hài Nhi Giêsu,
Chúa đến đem bình an cho nhân loại,
nhưng chúng con thích xung đột và chiến tranh,
Chúa đến để bày tỏ tình thương của Chúa Cha,
nhưng chúng con thích chiếm đoạt hơn chia sẻ,
thích chinh phục hơn trao hiến.
Bởi đó thế giới này còn mang nhiều vết thương.
Xin cho chúng con đừng trách Chúa,
dù Chúa đã đến làm người từ hai ngàn năm qua.
Chúa đã gõ cửa, những chúng con không mở.
Chúa đã đến nhà mình, nhưng chẳng ai ra đón.
Xin cho chúng con nhận ra Chúa
nơi khuôn mặt của kẻ thù,
và nhận ra kẻ thù cũng là anh em cần được yêu thương.
Nhờ đó chúng con được hưởng bình an của Chúa:
“Bình an cho người thiện tâm.” Amen.
4. Suy niệm (song ngữ)
Gospel
Luke 2:1-14
1 In those days a decree went out from Caesar Augustus that all the world should be enrolled.
2 This was the first enrollment, when Quirin'i-us was governor of Syria.
3 And all went to be enrolled, each to his own city.
4 And Joseph also went up from Galilee, from the city of Nazareth, to Judea, to the city of David, which is called Bethlehem, because he was of the house and lineage of David,
5 to be enrolled with Mary, his betrothed, who was with child.
6 And while they were there, the time came for her to be delivered.
7 And she gave birth to her first-born son and wrapped him in swaddling cloths, and laid him in a manger, because there was no place for them in the inn.
8 And in that region there were shepherds out in the field, keeping watch over their flock by night.
9 And an angel of the Lord appeared to them, and the glory of the Lord shone around them, and they were filled with fear.
10 And the angel said to them, "Be not afraid; for behold, I bring you good news of a great joy which will come to all the people;
11 for to you is born this day in the city of David a Savior, who is Christ the Lord.
12 And this will be a sign for you: you will find a babe wrapped in swaddling cloths and lying in a manger."
13 And suddenly there was with the angel a multitude of the heavenly host praising God and saying,
14 “Glory to God in the highest, and on earth peace among men with whom he is pleased!”
Phúc Âm
Luca 2:1-14
1 Thời ấy, hoàng đế Auguttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.
2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria.
3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.
4 Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành vua Đavít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đavít.
5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai.
6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.
7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.
9 Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.
10 Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:
11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.
12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ".
13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
14 Vinh danh Thiên Chúa trên trời. bình an dưới thế cho loài người
Interesting Details
- (v.2) Quirinius: The governor of Syria in A.D. 6-7. It is difficult to identify the exact year of Jesus' birth, because the census mentioned in this passage took place after A.D. 6, while Luke 1:5 situated Jesus' birth during the reign of Herod the Great, who ruled before Quirinius, from 37-4 B.C.
- (v.3) Nazareth is a village in Galilee fifteen miles southwest of the Sea of Galilee. Bethlehem means "house of bread" and is the ancestral home of the line of David.
- (v.7) "First-born son" is a legal designation for the one who has special privileges and position under Mosaic law (Deut. 21:15-17). Christian faith understands Jesus to be the "first-born of many brothers" in a spiritual sense (Rom 8:29).
- The swaddling clothes and manger are symbols of poverty and humility; "No room for them in the inn" and "laid him in a manger" are two factors that indicate their staying in a shelter for farm animals.
- A manger is a place to hold food. Jesus lying in the manger is food for the world. [JEROME]
- (vv.13-14) The angels' sing of glory as the highest praise to Jesus despite his humble birth.
- The shepherds were poor, uneducated, commonly regarded as thieves, and classed along with tax collectors and prostitutes [FULLER]. The young David was also a shepherd. Thus, the presence of the shepherds has two meanings: Jesus came to the poor, and Jesus is closely associated with the Kingship of David.
Chi Tiết Hay
- (c. 2) Quirinius: Thống đốc của Syria trong các năm 6 và 7. Khó có thể xác định một cách chính xác năm sanh của Đức Giêsu vì cuộc kiểm tra nhắc đến trong đoạn Phúc Âm này xảy ra sau năm 6, trong khi Phúc Âm Thánh Luca (1:5) kể lại sự Giáng Sinh của Đức Giêsu xảy ra dưới thời Vua Hêrôđê, người đã trị vì từ năm 37 cho đến năm thứ 4 trước Công Nguyên và đã mất trước khi Quirinius lên cai trị Syria.
- (c. 3) Nazarét là một làng trong xứ Galilê, cách biển hồ Galilê 15 dặm về phía tây nam. Bethlehem có nghĩa là "nhà chứa bánh" và là đất tổ của dòng dõi vua Đavít.
- (c. 7) Con đầu lòng được coi như là một ngôi thứ đặc biệt trong luật Môisen. Người KiTô hữu hiểu rằng Đức Giêsu là "trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rom 8:29) theo ý nghĩa thiêng liêng.
- Tã lót và máng cỏ là biểu hiệu của sự nghèo khó. Không có chỗ trú trong quán trọ và phải dùng máng cỏ là hai sự kiện cho thấy Thánh Giuse và Mẹ Maria đã nghỉ đêm ở nơi chuồng súc vật.
- Máng cỏ là nơi để đồ ăn. Chúa nằm trong máng cỏ là thức ăn nuôi sống muôn dân. [JEROME]
- (cc.13-14) Các thiên thần hát khen với những lời vinh danh cao cả nhất dành cho Chúa Hài Đồng, dù Người đã đến thật khiêm tốn.
- Giới chăn chiên là hạng người nghèo, vô học, thường bị tình nghi ăn cắp, và được xếp hạng thấp nhất trong xã hội chung với kẻ thu thuế cho quân địch và chung vơí bọn đĩ điếm [FULLER]. Vua David khi còn nhỏ, trước khi được chọn làm vua, cũng đi chăn chiên. Vậy sự hiện diện của các mục đồng có hai ý nghĩa: Chúa đến với người nghèo, và Chúa giống vua David.
One Main Point
This passage describes the humble birth of Jesus the Savior of humanity. Jesus was born in a very lowly setting and was welcomed into the world by the lowliest and poorest people, yet His birth was announced by the angels as 'good news of a great joy which will come to all people'.
Một Điểm Chính
Đoạn Phúc Âm này kể lại sự ra đời một cách khiếm tốn của Đức Giêsu, Đấng Cứu Tinh của nhân loại. Người được sinh ra trong cảnh cơ hàn và được đón mừng bởi những kẻ nghèo hèn nhất. Tuy nhiên, sự Giáng Sinh của Người lại được các thiên thần loan báo là "Tin Mừng đến với mọi dân tộc".
Reflections
- How do I receive the good news of the coming of Jesus Christ as the Savior of humanity, and as my personal Savior ?
- As I am determined to follow Jesus, how do I reach out to those who are lowly or 'poor' in different aspects of life, and those who are suffering physically or emotionally ? How do I bring the 'good news of a great joy' to them ?
- What am I willing to give up, like Jesus gives up His throne in heaven, to reach out to the poorest and lowliest ? My material life ? My time ? My comfort zones ?
Suy Niệm
- Tôi đã đón nhận Tin Mừng về Đấng Cứu Tinh của nhân loại và của chính cá nhân tôi như thế nào ?
- Khi đã quyết tâm theo Đức Kitô, tôi làm thế nào để đến với những người thấp hèn hay "nghèo khó" trong mọi khía cạnh của đời sống, và những người đang đau khổ về thể xác hoặc tinh thần ? Tôi sẽ đem "Tin Mừng" đến với họ bằng cách nào ?
- Tôi có sẵn sàng bỏ đi những gì tôi đang có, như Đức Kitô đã từ bỏ ngai vị của Người trên Trời, để đến với những người thấp hèn và nghèo khó nhất ? Bỏ dời sống vật chất của tôi ? Bỏ thời giờ của tôi ? Bỏ sự thoải mái dễ chịu của cá nhân tôi ?
________________________________
II. Lễ Rạng Đông
Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a,
ông Giu-se và Hài Nhi.
Bài đọc 1: Is 62, 11-12
Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
11Đây là lời Đức Chúa loan truyền cho khắp cùng cõi đất:
Hãy nói với thiếu nữ Xi-on: Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới.
Kìa phần thưởng của Người theo sát một bên,
và thành tích đi ngay trước mặt.
12Chúng sẽ được gọi là “dân thánh”,
là “những người được Đức Chúa cứu chuộc”.
Còn ngươi sẽ được gọi là “Cô gái đắt chồng”,
là “Thành không bị bỏ”.
Đáp ca: Tv 96, 1 và 6.11-12
Đ.Hôm nay chúng ta được ánh sáng bừng lên chiếu rọi
vì Chúa đã giáng trần cứu độ chúng ta.
1Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!6Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
Đ.Hôm nay chúng ta được ánh sáng bừng lên chiếu rọi
vì Chúa đã giáng trần cứu độ chúng ta.
11Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính,
niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay.12Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng
tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ.
Đ.Hôm nay chúng ta được ánh sáng bừng lên chiếu rọi
vì Chúa đã giáng trần cứu độ chúng ta.
Bài đọc 2: Tt 3, 4-7
Vì thương xót, Thiên Chúa đã cứu chúng ta.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.
4 Anh thân mến, khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, 5 Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. 6 Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. 7 Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng.
Tin mừng: Lc 2, 15-20
15 Khi các thiên sứ rời những người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”
16 Họ liền hối hả ra đi và gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.
17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này.
18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết.
19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống thế làm người tại một chuồng bò lạnh lẽo hôi tanh. Nơi gia đình thánh Giuse và Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã sinh sống. Với người nghèo khổ đơn sơ, Ngôi Lời đã tỏ mình ra.
Cầu nguyện: Ôi lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, vinh dự thay cho các mục đồng đến chiêm ngắm thờ lạy Chúa nơi hang Be-lem như lời các thiên thần đã báo. Hồng phúc thay! Biết bao người đã ngóng trông Đấng Cứu Tinh mà không được. Biết bao người đã sống cạnh Đấng Cứu Thế mà không nhận ra Ngài. Có những người chức quyền như Phi-la-tô, Hê-rô-đê, đã không được diễm phúc như các mục đồng. Có những người tài giỏi như các tiến sĩ cũng chẳng nhận ra Đấng Cứu Thế. Lại cũng có những người mang trách nhiệm trong đạo như các Biệt phái, Thượng tế, đã không nhận ra Chúa. Thật các mục đồng hạnh phúc quá.
Còn con, con không ngớt cảm tạ Chúa. Con được diễm phúc Chúa tỏ mình cho con. Con đã được làm con Thiên Chúa, gia đình con cũng được Chúa ngự trị. Linh hồn thân xác con mỗi ngày đều được Chúa sinh hạ. Chúa không chê gia đình con. Chúa không chê thân xác linh hồn con. Mỗi lần con mời Chúa ngự trị, con đều được Chúa viếng thăm.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Mẹ Maria đã chiêm ngắm và hằng ghi nhớ những kỷ niệm này. Xin Chúa giúp cho con hằng ghi nhớ hồng ân Chúa dành cho con. Mỗi ngày xin Chúa giúp con thích thú đến với Chúa cách mau mắn và ngây ngất như các mục đồng. Xin cho con mỗi ngày mỗi sống thân tình với Chúa hơn. Amen.
Ghi nhớ: “Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi”.
2. Suy niệm (Lm. Đaminh Trần Đình Nhi)
Thánh lễ Nửa Đêm cho ta chiêm ngưỡng khung cảnh Thiên Chúa đến với con người trong lịch sử nhân loại và ý nghĩa cứu độ của biến cố ấy. Còn bài Tin mừng của Thánh lễ Rạng Đông mang tính cách suy niệm, trình bày những người đầu tiên được chứng kiến Thiên Chúa làm người và phản ứng của họ trước tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ Maria, thánh Giuse và các người chăn chiên đại diện cho lớp người nghèo khó của nhân loại đã có những tâm tình nào khi đứng trước Tình Yêu nhập thể của Thiên Chúa ? Những việc làm của họ không những phản ảnh những tâm tình cá nhân, mà còn trở nên những mẫu gương giúp ta biết phải làm sao đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
1) Hành trình đức tin tới Bêlem
Từ cánh đồng chăn chiên tới Bêlem khoảng cách không bao xa, chỉ vài ba cây số. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là hành trình ấy dễ dàng. Làm sao dám bỏ cả đàn chiên lại một mình ? Hơn nữa giữa đêm đông lạnh lẽo và tối tăm, đi lại thật ngại ngùng. Những người chăn chiên ở Do Thái ngày xưa không được liệt vào số những người tốt. Họ thường bị khinh dể vì nghề nghiệp, bị nghi oan là hay cái thói trộm cắp. Do đó, đối với họ “sang Bêlem để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho biết” không phải là việc đơn giản. Điều sứ thần báo cho họ là một điều khó tin được. Đấng Cứu Độ là Đấng Kitô, là Đức Chúa mà lại là một trẻ sơ sinh bọc tã và nằm trong máng cỏ! Nhưng đó là dấu hiệu sứ thần đã nói cho họ biết. Dấu hiệu là cái giúp ta nhận ra một thực tại khác, thí dụ vương miện là dấu hiệu của hoàng đế. Nhưng ở đây, một trẻ sơ sinh nghèo nàn nằm trong máng cỏ bò lừa thì làm sao có thể là dấu hiệu của Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô, Đức Chúa được!
Đức tin luôn đòi hỏi một thái độ liều lĩnh trong sự khiêm tốn chấp nhận thế giá của người khác. Điều các thiên sứ loan báo không thể tin được. Nhưng họ có đủ sự khiêm tốn để nhìn nhận quyền năng và tình thương của Chúa, nên họ xác tín điều sứ thần loan báo là điều chính “Chúa đã tỏ cho họ biết.” Như thế, từ lúc các thiên sứ nói với họ cho tới lúc rời họ, họ đã có một “bước nhảy vọt của đức tin,” liều lĩnh đi tới quyết định: “Nào ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”
Tiếp theo quyết định là thái độ vội vã của họ. “Họ liền hối hả ra đi.” Chắc ta còn nhớ thái độ ấy của Mẹ Maria sau khi sứ thần truyền tin cho Mẹ đã được thánh sử Luca ghi lại: “Bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi” (Lc 1,39). Động lực của vội vã hối hả đều do lòng tin, hay nói khác đi, lòng tin đã khiến cho Mẹ Maria và các người chăn chiên nhận thấy không thể trì hoãn, nhưng cần phải mau chóng đáp trả.
Cuối cùng họ đã đến Bêlem và gặp được những gì sứ thần đã báo tin. Thánh Luca không ghi lại chút nào về cuộc gặp gỡ ấy. Có lẽ ngài muốn tôn trọng những riêng tư của mỗi nhân vật đang chăm chú hướng nhìn vào “Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.”
2) “Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”
Tột đỉnh hành trình đức tin của những người chăn chiên là ở đây. Ta thắc mắc không biết Bà Maria và ông Giuse đang chăm sóc cho Hài Nhi hay đang đắm mình trong suy tư và chiêm ngưỡng Hài Nhi ? Chắc là các ngài đang chiêm ngưỡng Hài Nhi, vì Hài Nhi đã được đặt nằm trong máng cỏ rồi. Tuy nhiên điều ấy không quan trọng. Ta nên hiểu dụng ý của thánh Luca khi ngài lập lại hai lần “hài nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12 và 16). Hình ảnh trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ chiên bò không phải là một hình ảnh lý tưởng. Nhưng thánh sử muốn ghi lại một biểu tượng vô cùng ý nghĩa. Máng cỏ là chỗ chứa đựng nguồn sống và lẽ sống của chiên bò thế nào, thì cũng là nơi đặt nằm Chúa Giêsu Hài Đồng, nguồn sống mới của nhân loại như vậy. Hiểu được ý nghĩa biểu tượng ấy, ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu qua bài diễn từ của Người về bánh trường sinh trong hội đường Caphácnaum: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).
Trong những giờ phút chiêm niệm này, cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse, các người chăn chiên đang nhớ lại từng lời của sứ thần: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin mừng Trọng Đại, cũng là Tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bao nhiêu câu hỏi có thể đặt ra, nhưng giờ phút này không phải là lúc trả lời bằng trí óc, mà bằng những đầu gối quỳ phục bên Hài Nhi, để họ hoàn toàn sống sự hiện diện của Đấng Cứu Thế và sự hiện diện của chính họ.
3) “Họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này”
Từ chiêm niệm đi tới hành động, đó là con đường của đức tin. Đức tin được biểu lộ qua hành động. Các người chăn chiên hành động bằng cách kể lại câu truyện Hài Nhi Giêsu cho những người họ gặp tại miền đất Do Thái. Cũng như ngày nay ta nói trong Đại Hội Truyền giáo tại châu Á: chúng ta kể lại câu truyện Chúa Giêsu cho người dân châu Á. Đó là cách rao giảng Tin mừng, ngày xưa hay hôm nay thì cũng theo cùng một phương thức kể truyện. Dĩ nhiên không chỉ kể bằng lời, nhưng quan trọng hơn bằng cuộc sống hằng ngày.
Các người chăn chiên tiếp tục hành trình đức tin của họ. Họ “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa.” Những nẻo đường họ đi qua, dù chỉ là nẻo đường quen thuộc trở về với bổn phận coi sóc đàn chiên, cũng sẽ là những nẻo đường để họ sống và biểu lộ lòng tin vào ơn cứu độ Thiên Chúa đã ban cho họ.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Nhìn ngắm hang đá được trang hoàng tại nhà thờ hay tại nhà, tôi có chú tâm vào “Hài Nhi nằm trong máng cỏ” hay chỉ thấy hoa đèn rực rỡ ? Tôi có được dăm ba phút để suy niệm về những danh hiệu của Hài Nhi và ý nghĩa biểu tượng của máng cỏ không ?
Tôi sẽ kể câu truyện Chúa Giêsu cho những người tôi gặp, trong gia đình, nơi sở làm... như thế nào ?
________________________________
III. Lễ Ban Ngày (Ga 1, 1-5. 9-14): Biểu lộ lòng tin vào ơn Cứu độ
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Bài đọc 1: Is 52, 7-10
Người bốn bể sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
7Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”
8Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi
cùng cất tiếng reo hò vang dậy;
họ sẽ được tận mắt thấy Đức Chúa đang trở về Xi-on.
9Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
10Trước mặt muôn dân,
Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người:
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy.
Đáp ca: Tv 97, 1.2-3ab.3cd-4.5-6 (Đ. c.3cd)
Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
1Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người.
Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
2Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân;3abNgười đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa
dành cho nhà Ít-ra-en.
Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
3cdToàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.4Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
5Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.6Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương!
Đ.Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Bài đọc 2: Hr 1, 1-6
Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.
Khởi đầu thư gửi tín hữu Híp-ri.
1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. 3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. 4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.
5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’, hoặc là: ‘Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta’. 6 Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.
Tin mừng: Ga 1, 1-18
1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:
“Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
1. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Các chuyên viên Thánh Kinh đã gọi đoạn này là quyển Tin Mừng Thứ Tư tóm lược vì chứa đựng dưới dạng súc tích tất cả những chủ đề chính của tác phẩm như: Chúa Giêsu là Lời, Sự Sống, Sự Sáng, Làm chứng, Sự thật...
1. Đức Giêsu là “Lời” của Thiên Chúa, tiền hữu và hằng hữu (cc 1-2)
2. Ngài là Đấng Tạo hóa (c 3a)
3. Ngài là sự sống và sự sáng (cc 3b-5)
4. Gioan Tiền hô là người làm chứng cho Chúa Giêsu (cc 6-8)
5. Chúa Giêsu là sự thật (c 9)
6. Ngài đến ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Ngài mà có. Nhưng thế gian đã không nhận Ngài (c 10-18)
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. “Lời đã trở thành nhục thể”. Trong những thế kỷ đầu, có những lạc thuyết không chấp nhận việc Thiên Chúa nhập thể vì cho rằng thể xác là xấu xa không đáng cho Thiên Chúa nhập vào. Nhưng Con Thiên Chúa đã thực sự nhập thể, chứng tỏ thân xác chúng ta không xấu xa, chứng tỏ lòng Ngài quá thương chúng ta, và còn cho biết từ nay Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta qua thực tại nhân tính với tất cả những yếu đuối hèn hạ của nó. Hệ luận của mầu nhiệm nhập thể này là từ nay ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa khi gặp gỡ con người, ta có thể yêu mến Thiên Chúa khi yêu mến con người...
2. “Ánh sáng chiếu trong bóng tối và bóng tối đã không tiêu diệt được ánh sáng": Nói một cách triết lý, Tối chỉ là thiếu Sáng, cho nên khi nào Sáng đến thì Tối phải tan. Chỉ một ngọn nến nhỏ được đưa vào một gian phòng mênh mông cũng đủ đuổi bóng tối ra khỏi gian phòng. Suy rộng ra, Ác chỉ là thiếu Thiện, cho nên Ác không thể nào thắng Thiện, ngược lại Thiện thắng Ác là điều tất yếu. Ngôi Hai đã nhập thế và nhập thể, ai đón nhận Ngài vào lòng mình thì chắc chắn sẽ đẩy lùi bóng tối và sự ác khỏi lòng mình. Bởi thế, trong quyển sách “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Gioan Phaolô II luôn lặp đi lặp lại lời kêu gọi đầy lạc quan: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.
3. Một đêm kia, trên một đường phố vắng vẻ, Bóng Tối ngồi co ro, buồn bã. Từ một xó nọ loé lên một Tia Sáng, rất nhỏ và rất yếu, nhưng là một tia sáng, phát ra từ một cây nến nhỏ mà ai đó đã cắm ở đấy. Một người khách đi qua nhìn thấy cây nến nhỏ và nói:
- Sao mi lại chiếu sáng trong cái xó kẹt này ? Thiếu gì chỗ khác, mi đến đó mà chiếu sáng thì sẽ hữu ích hơn nhiều.
- Tại sao hả, cây nến trả lời. Tôi chiếu sáng bởi vì tôi là cây nến. Tôi có chiếu sáng thì tôi mới là cây nến. Vả lại tôi chiếu sáng đâu phải chỉ để cho người ta thấy mà còn để cho tôi vui, vui vì được làm Tia sáng, vui vì được chiếu sáng.
Bóng Tối nghe thế rất bực bội. Nó nhào tới phủ lên Tia sáng mong làm cho Tia sáng bị tắt. Nhưng chẳng những Tia sáng không tắt, trái lại Bóng Tối còn bị rách nát ra. (Willi Hoffsuemmer).
2. Suy niệm (Lm. Damien OFM)
Các mục đồng đi tìm Chúa Hài Nhi theo lời các thiên thần bảo: “Một em bé sơ sinh bọc tã,nằm trong máng cỏ.”
“Noel xưa:“cứ dấu nầy”
Luca viết câu chuyện một cách hết sức đơn sơ, không nhiều tình tiết. Có gì đơn sơ bằng một em bé sơ sinh, bọc tã, đang nằm ngủ. Nhưng cũng không có gì đẹp bằng khuôn mặt trong trắng ngây thơ của một em bé sơ sinh đang nằm ngủ một giấc ngủ thiên thần; nhẹ nhàng thanh thoát làm sao.
Người ta thường đi tìm những vẻ đẹp khác, cái đẹp của nghệ thuật hay vẻ đẹp lộng lẫy của cung điện, cái đẹp của những đường nét, màu sắc bên ngoài. Người ta đi du lịch khắp nơi để tìm cái vẻ đẹp bề ngoài ấy, nơi các thành phố tối tân hay cổ kính, nơi những cảnh thiên nhiên của hang động, núi rừng hay biển cả. Nhưng ít ai biết đi tìm cái vẻ đẹp đơn sơ trong trắng của đời thường. Bởi lẽ, muốn thấy được cái vẻ đẹp nầy thì phải biết chiêm ngắm trong thinh lặng và suy tư, phải biết đưa tâm hồn lên cao, phải biết sống với nội tâm, chiêm ngắm với cả tâm hồn. Cũng như tâm hồn nhà nghệ sĩ rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên mà người khác chẳng cảm thấy gì cả; con mắt đức tin, một tâm hồn có niềm tin nhạy bén cũng nhìn được những vẻ đẹp làm rung động tâm hồn mà người khác không thấy gì.
Noel nầy:cứ dấu nào đây ?
Noel nầy, cứ dấu nào mà tìm ra Chúa đây ?
Trong bầu khí Noel, các nhà thờ đầy ắp ánh sáng; các hang đá được trưng bày lỗng lẫy, đèn nến sáng trưng; các buổi biểu diễn thánh ca trên sân khấu thật thu hút, hấp dẫn. Người ta đổ xô về những nơi ấy; người ta được thiệp mời đến tham dự những buổi biểu diễn thánh ca; người ta đua nhau đi xem các nhà thờ và hang đá. Nhưng có mấy ai biết rút lui vào thinh lặng của cõi lòng mình như vào nơi hoang vắng của cánh đồng Bêlem để tìm ra Chúa Hài Nhi đang nằm trong đó, như đang nằm trong hang đá, một hang đá ngổn ngang, hôi tanh mùi tội lỗi của cuộc đời. Mấy ai biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi như tiếng thiên thần mời gọi các mục đồng xưa: hãy trở về với cõi lòng con, một cõi lòng đầy tội lỗi, cho dù đã xưng tội rồi, cũng chẳng thơm tho gì hơn chuồng bò hôi tanh ngày xưa, thế mà Chúa Hài Đồng vẫn ngự xuống. Người ta tưởng mình có quyền rước Chúa đêm Noel một cách vui vẻ vì đã xưng tội rồi!
Không, tôi phải có thái độ tâm hồn của những mục đồng, những con người biết mình hèn mọn, tội lỗi, bất xứng. Những mục đồng ấy là những người bạn, những người khách đầu tiên đến thăm Chúa Hài Nhi; họ đến trước cả Ba vua. Họ biết thông cảm với cảnh nghèo hèn của Hài Nhi sinh trong hang đá, Ngài liên đới với họ cũng đồng số phận với họ.
Phải, đêm Noel, người ta đến nhà thờ đầy tiếng nhạc du dương và đèn nến sáng trưng; rồi sau đó vui vẻ ra về, ngồi bên bàn tiệc đầy ắp thức ăn thơm ngon; chứ đêm Noel, ai lại đến thăm một người ăn mày đang run lên vì đói rét, ngồi bó gối xo ro bên vỉa hè.
Đêm Noel người ta vui vẻ nghe đàn ca xướng hát bên bàn tiệc, chứ ai lại đi nghe tiếng rên rỉ của một bệnh nhân nghèo, cô đơn!
Vì thế, nếu Chúa sinh ra hôm nay, thì cũng phải sinh ra trong chuồng bò hay bên vỉa hè vắng lặng của đêm khuya mà thôi. Vì Chúa không có có chỗ trong cõi lòng con người, thì làm gì có chỗ trong gian nhà ấm cúng, trong thành phố tráng lệ, kể cả trong nhà thờ đèn nến sáng trưng.
Noel nầy, được mấy người nghĩ đến người nghèo, chia sẻ với người nghèo ? Bò lừa xưa đã biết đến chia sẻ hơi ấm với Chúa Hài Nhi, còn tôi, Noel nầy tôi đã chia sẻ gì cho Chúa, cho người nghèo đây ?
Máng cỏ của tôi
Một bé sơ sinh, một sự sống thật mong manh. Một máng cỏ, một hang bò lừa, một sự nghèo khó tận cùng của sự nghèo khó; chẳng lấy gì lấy làm sạch sẽ và thơm tho, ấm cúng cho lắm. Đó phải chăng là tình trạng của lòng con đêm nay. Chúa đến với con, một tâm hồn chẳng mấy đẹp đẽ thơm tho, thế mà con vẫn rước Chúa và Chúa vẫn đến với con.
Con cám ơn Chúa đã chấp nhận sinh ra trong chuồng bò hôi tanh, nếu không thì mấy ai dám đến rước Chúa đêm nay.
Con cám ơn Chúa đã bằng lòng sinh ra trong nghèo khó, nên những người nghèo khổ cảm thấy được thông cảm và an ủi .
Cám ơn Chúa đã bằng lòng sinh ra trong đêm đông lạnh giá, để những cõi lòng băng giá của những người nghèo, người cô đơn được ấm lên khi được rước Chúa vào lòng.
Xưa nay người giàu thì ít, ít về số lượng và nhất là ít về lòng nhân ái, ít khoan dung và ít chia sẻ; còn đại đa số là người nghèo. Trong sứ điệp đêm Noel 1999, ĐGH Gioan Phaolô đã nhắc đến một tỷ tư người nghèo đói trên hành tinh khi thiên hạ đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba .
Còn người nghèo khổ, thì Chúa còn phải đến trong lòng những con người ấy để đồng hành với họ. Nơi nào còn tội lỗi thì sứ mạng Chúa lại phải bắt đầu. Sự nghèo đói và tội lỗi trở nên dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Giêsu, vì chính những con người ấy mới cần đến Ngài cứu vớt.
Nếu thế thì xin Chúa hãy đến vì trong con và xung quanh con, đói nghèo và tội lỗi vẫn còn ngự trị. Và xin Chúa cũng cho con biết làm như chú lừa trong hang đá, dù chỉ là một chú lừa, biết đem hơi ấm của lòng mình, sưởi ấm những tâm hồn cô đơn lạnh giá chung quanh con.
Với cảnh nghèo Bêlem, con hiểu rằng, cái nghèo đói và tội lỗi nơi người khác là dấu chỉ đã mời gọi Chúa đến và cũng đang mời con đến đó: con phải biết chia sẻ, không được xa lánh họ, dù con cũng nghèo hèn như những chú mục đồng hay như những chú lừa kia mà thôi.
Dâng cả tội cho Chúa
Đêm Giáng sinh, bé Giêsu hiện ra với một vị ẩn tu: thánh Giêrôme. Chúa hỏi:
- Giêrôme, con lấy gì mà mừng Ta khi Ta giáng sinh ?
- Con xin dâng lòng con.
- Được, nhưng còn gì nữa không ?
- Con xin dâng mọi kinh nguyện và mọi tâm tình của con.
- Còn gì nữa không ?
- Con xin dâng tất cả con đây.
- Còn gì nữa ?
- Con dâng hết rồi, lạy Chúa con chẳng còn gì để dâng cho Chúa nữa!
- Còn một cái, đối với Ta đó mới là cái quan trọng mà con quên dâng cho Ta, đó là tội của con. Con hãy cho Ta tất cả tội của con để Ta tha thứ, đó là điều Ta mong ước nhất nơi con người khi Ta đến trần gian.
- Ôi lạy Chúa! Chuá làm con phát khóc lên được!
3. Suy niệm (Lm. Raymond Châu Diên, CMC)
Chúa đã tặng Người Con để cứu ta
Trong cuộc họp thượng đỉnh ngoài khơi đảo Malta vào mùa Giáng Sinh 1989, Tổng Thống Bush của Hoa Kỳ đã tặng chủ tịch Gorbachov của Liên Xô một viên gạch lấy từ bức tường ô nhục Bá Linh. Dù chỉ là một viên gạch, nó gói gém tất cả thiện chí và ước muốn hòa bình của toàn thể thế giới.
Trước đó vài ngày, trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô, Chủ Tịch Gorbachov đã tặng ngài một tập Sách Kinh in vào thế kỷ 14. Qua đó ông muốn khẳng định những giá trị đạo đức của tôn giáo rất cần thiết cho việc xây dựng xã hội.
Đáp lại, Đức Thánh Cha đã tặng nhà lãnh đạo Liên Xô một quyển Tân Ước có ghi hàng chữ: "Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống." Đó là tất cả những gì Đức Thánh Cha và toàn thể thế giới Công Giáo có thể trao tặng cho một xã hội từ lâu gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống (Lẽ Sống 1991). Đó là những quà tặng thật ý nghĩa và giá trị.
Từ 2000 năm nay Thiên Chúa hằng ban tặng một món quà vô cùng quý giá là Người Con rất yêu dấu của Ngài cho vũ trụ, cho xã hội, cho mỗi gia đình và mỗi cá nhân chúng ta.
Đối với vũ trụ, tiên tri Isaia và thánh Phaolô nói: Người Con đó là ánh sáng chiếu soi cho vũ trụ tăm tối này. Vũ trụ sẽ được bừng sáng lên trong ngày Đức Giêsu Kitô ngự đến. Người là Thiên Chúa vĩ đại và là Cứu Chúa vinh hiển. Người đến biến đổi trời cũ, đất cũ nên trời mới đất mới.
Đối với xã hội, đoàn dân đang lần bước trong lầm than, bao nhiêu ách đè lên cổ dân, bao nhiêu gậy đập xuống vai họ, bao nhiêu ngọn roi của kẻ hà hiếp, Thiên Chúa đều bẻ gẫy trong ngày Con Ngài chào đời. Người Con đó đã bao phủ vinh quang Thiên Chúa trên những mục đồng đang vất vả thức thâu đêm canh giữ đàn chiên và tất cả lớp dân lao động sống lầm than trong bóng tối. Người là thủ lãnh của họ và Người sẽ kiến tạo cho họ một xã hội hòa bình trên nền tảng chính trực, công minh, tồn tại từ đời này đến đời kia.
Đối với gia đình, đơn nghèo như Giuse và Maria vẫn lên đường về cố hương để khai sổ kiểm tra dân số theo lệnh nhà cầm quyền. Đơn nghèo đến nỗi cố hương Belem không còn bà con thân thích nào đón nhận, đành sống thân phận như kẻ ăn xin, ra đồng tìm nương thân nơi hang bò máng cỏ. Con Thiên Chúa đã xuống thế làm con những gia đình ấy, vui sống hy sinh trong cuộc sống như Maria và Giuse, để chia sẻ thân phận nghèo hèn của họ và đưa bình an Thiên Chúa đến cho họ.
Đối với cá nhân, Người là cố vấn kỳ diệu, dạy chúng ta từ bỏ lối sống trần tục, thoát khỏi mọi điều bất chính, thanh luyện chúng ta sống tiết độ, công bình và nhân ái ở đời này, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện. Người là Cha muôn thuở của chúng ta. Người đã tự hiến thân chịu chết để cứu chuộc chúng ta, ban cho chúng ta chan chứa niềm hoan hỷ. Chúng ta sẽ vui mừng trước thánh nhan Người, như thiên hạ vui mừng trong mùa gặt phong phú.
Vì yêu thương nồng nàn, Thiên Chúa càn khôn trao ban những quà tặng ấy cho vũ trụ, cho xã hội, cho gia đình và cho mọi cá nhân chúng ta. Vì thế, lễ Giáng sinh là lễ tặng quà. Cả một rừng thiệp Giáng Sinh, những bức họa đủ mọi cảnh sắc tuyệt đẹp để người ta trao tặng cho nhau. Cả một rừng cây thông mọc khắp nơi trên điạ cầu để tô điểm cho mùa Giáng Sinh thêm xanh tươi xinh đẹp. Hàng triệu quà bánh Giáng Sinh làm no lòng thỏa dạ con người và hàng ngàn bài ca du dương vang lên khắp năm châu làm êm ái lòng người để vui hưởng cảnh Giáng Sinh thanh bình.
Vũ trụ trao tặng những cây thông xanh tốt cho con người chiêm ngưỡng vẻ thanh tao, cao quý của Thiên Chúa, và xã hội đua nhau trưng bày hàng Giáng Sinh cho con người thấy được nguồn giàu sang phong phú Thiên Chúa ban cho mình. Gia đình cũng dọn những bữa ăn thơm ngon cho ông bà cha mẹ, con cháu được quây quần xum họp bên nhau thân mật đậm đà yêu thương, để vun đắp tình nghĩa gia đình được bền chắc khăng khít. Người người tặng cho nhau những tấm thiệp tuyệt đẹp để chúc mừng nhau được hưởng hồng ân hạnh phúc bởi trời.
Lạy Chúa, còn con, con lấy gì tặng quà cho Chúa và mọi người đây ? Xin cho con lấy chính tình yêu của Con Chúa mà đến chia sẻ nỗi thống khổ của những người nghèo khó, của những người ngày đêm thổn thức vì lao động vất vả, của những gia đình tê tái giá lạnh giữa cảnh phân ly. Xin cho ánh sáng huy hoàng Giáng Sinh của Chúa làm cho con tim chúng con bừng cháy trong bình an và hạnh phúc muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Năm tuần 2 Thường niên năm I (Mc 3,7-12)
-
Thứ Tư tuần 2 Thường niên năm I - Ngày Sa-bát (Mc 3,1-6) -
Thứ Ba tuần 2 Thường niên năm I - Lề luật (Mc 2,23-28) -
Thứ Hai tuần 2 Thường niên năm I - Ăn chay (Mc 2,18-22) -
Chúa nhật 2 Thường niên năm C (Ga 2,1-12) -
Thứ Bảy tuần 1 Thường niên năm I - Đồng cảm (Mc 2,13-17) -
Thứ Sáu tuần 1 Thường niên năm I - Phó thác (Mc 2,1-12) -
Thứ Năm tuần 1 Thường niên năm I - Đấng Messiah (Mc 1,40-45) -
Thứ Tư tuần 1 Thường niên năm I - Chữa lành (Mc 1,29-39) -
Thứ Ba tuần 1 Thường niên năm I - Thẩm quyền (Mc 1,21-28)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23)
-
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18)