Tham luận của Giám mục Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, GP. Buôn Mê Thuột
SỨ VỤ: GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Như được sự phân công của HĐGMVN, cho phép tôi được đọc lại chương III của Tài Liệu Làm Việc Đại Hội Dân Chúa Việt Nam theo cách vừa làm sáng tỏ, vừa phân tích những chi tiết cần thiết, để chúng ta hiểu rõ hơn cách diễn đạt của bản văn, rồi từ đó nêu ra những câu hỏi gợi ý cho đại hội thảo luận, đóng góp những ý kiến cần thiết cho Sứ Vụ của Giáo hội Việt Nam trong hiện tại, cũng như trong thời gian tới.
Trước hết, trong tiêu đề của chương III: "SỨ VỤ: GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG", có hai điều cần để ý:
a/ Nói đến « Giáo Hội Việt Nam », nghĩa là Giáo Hội đang hiện diện tại Việt Nam, trong một môi trường cụ thể và cá biệt. Một Giáo Hội địa phương không phải là một phần của Giáo Hội phổ quát, nhưng là Giáo Hội phổ quát hiện diện trong một hoàn cảnh cụ thể, với những con người, tập tục và nếp nghĩ riêng biệt. Vì thế, khi nói đến « Giáo Hội Việt Nam » trong sứ vụ của mình, TLLV nhấn mạnh đến sự ý thức về vai trò của Giáo Hội phổ quát hội nhập vào hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam.
b/ Sứ mạng Loan Báo Tin Mừng là bổn phận nằm trong bản chất của Giáo Hội, không có biệt lệ cho bất cứ Giáo Hội nào. Tuy nhiên, một Giáo Hội cụ thể thi hành một sứ mệnh chung cho toàn thể Giáo Hội, thì phải đi theo đường hướng chung của cả Giáo Hội, dẫu cho theo cách thế diễn đạt riêng của mình. Để làm được điều này, Giáo Hội cần phải có một phương pháp làm việc cụ thể dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, trong tình hiệp thông với Giáo Hội phổ quát và toàn thể Giáo Hội địa phương.
Số 18 : Trong phần dẫn nhập vào chương III, TLLV nhấn mạnh đến những công tác đa dạng của việc loan báo Tin Mừng : « không chỉ đơn thuần là loan báo Tin mừng cho những người chưa biết Chúa, nhưng còn đòi hỏi cả việc phúc âm hóa chính bản thân người tín hữu cũng như môi trường xã hội, văn hóa họ đang sống[1]. » Ở đây, chúng ta thấy TLLV dựa vào Tông huấn Loan Báo Tin Mừng để trình bày với toàn thể dân Chúa về tầm quan trọng của việc Tin Mừng hóa bản thân người kitô hữu, để rồi anh chị em kitô hữu, như là những công dân sống Tin Mừng, làm cho môi trường và văn hóa mình đang sống được thấm nhiễm tinh thần của Tin Mừng. Đây là điều mà dụ ngôn « men trong bột » (Lc 13, 21) muốn diễn tả. Từ « Tin Mừng » ở đây không chỉ được hiểu như là Lời Chúa được viết thành văn bản (Kinh Thánh), hay là lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh (kérygma), nhưng còn là sự gặp gỡ giữa con người và Lời, giữa người rao giảng và người nghe, và chắc chắn là còn với những kết quả tích cực của sự hoán cải (1 Tx 1, 9-10). Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy rằng Loan Báo Tin Mừng không phải là quảng cáo về một mặt hàng, nhưng là chia sẻ niềm vui mà mình đã có được khi nhận biết Đức Giê-su Kitô và hoán cải theo lời Ngài mời gọi. Trong khi loan báo Tin Mừng, người kitô hữu tiếp tục viết lên chính cuộc sống thường ngày của mình bằng hoa trái của Tin Mừng.
Số 19 : Trong mục 1 của chương III : « Thi hành Sứ Mạng Yêu Thương và Phục Vụ của Chúa Kitô trên Quê Hương Việt Nam Ngày Nay », TLLV cụ thể hóa « Sứ mạng loan báo Tin Mừng » thành « Sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô ». Vấn đề đặt ra là « đời sống yêu thương phục vụ » có phải là toàn bộ nội dung của công việc loan báo Tin Mừng không ? Và trong hoàn cảnh hiện nay, đó có còn là « công tác đặc thù của những người môn đệ Chúa Kitô » nữa không ? Chúng ta có thể nói được rằng « đời sống yêu thương phục vụ » là một dấu hiệu tích cực của một tôn giáo biết quan tâm đến con người và có tổ chức ; và ngày nay, điều này đã được hầu hết các tôn giáo lớn quan tâm thực hiện[2]. Xét bề ngoài, hành vi yêu thương của mọi đoàn thể đều có ý hướng chung là tạo nên tình liên đới và xoa dịu nỗi đau thương của đồng loại. Tuy nhiên, trong đức ái kitô giáo, hành vi yêu thương phục vụ vượt lên trên ý nghĩa của việc xoa dịu nỗi đau của đồng loại ; đó còn là sự chia sẻ những ân huệ mình đã lãnh nhận. Cụm từ « của Chúa Kitô » nói lên sắc thái độc đáo trong việc yêu thương và phục vụ của người kitô hữu : Chúa Kitô là suối nguồn, là mẫu mực của yêu thương và phục vụ. Vì thế, hành vi yêu thương phục vụ này không chỉ hàm nghĩa luân lý (moral), mà còn mang nghĩa tinh thần (spirituel) và thần bí (mystique). Ý thức được rằng mọi điều tôi có trong cuộc đời là do hồng ân Chúa ban tặng, và Chúa ban cho tôi một tài năng nào đó, là để tôi thăng hoa chính đời sống của mình và giúp cho anh chị em đồng loại có điều kiện sống xứng đáng ơn gọi làm người. Điểm làm cho « đời sống yêu thương phục vụ » của người kitô hữu trở nên độc đáo và có ý nghĩa là họ tập yêu thương như Thầy đã yêu thương. Hình ảnh của Người Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ là mẫu gương yêu thương phục vụ cho các môn đệ qua mọi thế hệ (Ga 13, 15). Mầu nhiệm Nhập Thể cho chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su không chỉ sống để chia sẻ với con người thân phận sống trên trần thế, nhưng là còn mời gọi con người sống đúng với phẩm giá làm con cái Chúa và tìm được niềm hạnh phúc được sống trong Ngài.
Hành vi yêu thương phục vụ thực sự không bị lệ thuộc vào màu cờ sắc áo. Nó có khả năng vượt qua mọi định kiến, mọi ranh giới phe nhóm, để phục vụ con người. Vì thế, TLLV nhấn mạnh « ..không bao giờ có một tình trạng mà trong đó người ta lại không cần tới bác ái của mỗi kitô hữu »[3].
Ngay từ khi hiện diện trên đất nước Việt Nam, Giáo Hội đã không ngừng chọn con đường yêu thương và phục vụ con người. Dẫu cho trong các thời kỳ khó khăn, thời kỳ mà người kitô hữu bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội, Giáo Hội vẫn luôn trung thành với lựa chọn căn bản của mình. Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta đã thực sự sống tinh thần yêu thương phục vụ như thế, tại sao lại bị loại trừ ? Có thể là do bị hiểu lầm ? Có thể là người kitô hữu đã bị dùng như là những « con vật tế thần » của những người có thế lực ? Tuy nhiên, sự kiện là ngay cả những người lương dân hiền lành, đôi lúc cũng có những thành kiến không hay với người công giáo trong quá khứ, cũng làm cho chúng ta phải xét lại về cung cách sống yêu thương phục vụ của chúng ta. Có thể là do cuộc sống của người kitô hữu chưa được thấm nhiễm tinh thần của Tin Mừng ; cũng có thể là do cách thế chúng ta hiểu về nhóm từ « yêu thương, phục vụ » khá chủ quan chăng !
Quyết tâm của Giáo Hội tại Việt Nam, một lựa chọn có tính cách định hướng trong lúc này và trong tương lai, muốn cụ thể hóa việc « yêu thương phục vụ » của mình trong việc « cần quan tâm hơn nữa đến việc phục vụ sự sống và sự phát triển con người toàn diện »[4].
Trong câu này, chúng ta thấy 3 điểm cần giải thích rõ hơn :
a/ Phục vụ sự sống không chỉ giới hạn vào con người như là đối tượng duy nhất, nhưng còn bao gồm luôn cả những điều kiện môi truờng trong đó con người sinh sống. Như vậy, việc phải quan tâm đến thiên nhiên, môi trường, những yếu tố có liên quan đến sự sống của con người, không thể là một lựa chọn nhiệm ý, nhưng có tính cách bắt buộc.
b/ Sự sống của con người phải được hiểu như là sự sống của một tạo vật được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Vì thế, sự sống con người cần phải được tôn trọng từ khi hình thành trong lòng mẹ, cho đến khi từ giã cõi đời một cách tự nhiên. Đồng thời sự sống con người bao hàm nhiều chiều kích : thể lý, tâm lý, tinh thần, thiêng liêng. Nguy cơ của con người thời nay là chỉ quan tâm đến chiều kích thể lý và tri thức mà thôi.
c/ Sự phát triển của con người toàn diện nhắm đến việc giúp con người được sống một cách triển nở và hạnh phúc trong ơn gọi làm người của mình, không phân biệt hệ tư tưởng hoặc tôn giáo. Cùng với sự phát triển con người toàn diện là sự phát triển của mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, chính trị ...
Quyết tâm phục vụ « con người toàn diện » được TLLV cụ thể hóa qua 4 điểm sau đây :
1/ « Tổ chức và tham gia những công tác bác ái từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khổ, thiếu thốn, đặc biệt những ai đang gặp thiên tai hoạn nạn ».
2/ « Những người có trách nhiệm cũng phải đặc biệt quan tâm tìm cách nâng cao đời sống của dân chúng nhờ những chương trình giáo dục tri thức và đạo đức, nhằm cổ võ lối sống liên đới, nhân ái, ngay thẳng, có trách nhiệm, biết hy sinh và cần mẫn thay cho bạo lực, ích kỷ, hận thù, gian dối, hưởng thụ và phóng túng ».
3/ « Giáo Hội cũng cũng cần hổ trợ nhiều hơn nữa cho những chương trình giáo dục nhân bản, tạo thêm điều kiện cho những giao lưu sinh hoạt lành mạnh, xây dựng nhóm bạn bè tốt, vận dụng các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao cho nhiều thành phần dân chúng trong xã hội ».
4/ « Giáo Hội cũng mời gọi mọi thành phần dân Chúa « dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng »[5].
Chúng ta có thể nhận định quyết tâm này qua mấy điểm sau đây :
Những điều được nói đến trong điểm 1/ là những hoạt động bác ái trong cộng đoàn kitô hữu, được thực hành ngay từ thời gian đầu của Giáo Hội Tiên Khởi (Cv 4, 34). Dần dần tình liên đới trong cộng đoàn khép kín của những người Do-thái được mở rộng ra với những anh chị em kitô hữu đến từ những nhóm người khác nhau (Cv 6, 1). Quan tâm đến mọi người đau khổ, không phân biệt phe nhóm, tư tưởng, là một tiến bộ của sự gặp gỡ giữa Tin Mừng và suy tư của con người. Ngày hôm nay, sự tương thân tương trợ trong cộng đồng nhân loại đã vượt ra khỏi ranh giới cộng đoàn, trở thành sự biểu lộ của đời sống nhân bản. Đây là điều đáng vui mừng cho người kitô hữu, vì những điều được thực hành trong cuộc sống của người kitô hữu dưới ánh sáng Tin Mừng, dần dần đã có ảnh hưởng cụ thể trong cách suy nghĩ của con người. Vì thế, người kitô hữu cần phải tích cực tham gia vào những hoạt động từ thiện này.
« Những người có trách nhiệm » được đề cập đến ở điểm 2/, chắc chắn không phải là những người đứng đầu Giáo Hội tại Việt Nam, nhưng là những người có trách nhiệm trong xã hội dân sự. « Những chương trình giáo dục tri thức và đạo đức » phải là những hoặch định có tầm cỡ quốc gia, và cộng đồng kitô hữu là những cộng tác viên tích cực. Đây không phải chỉ là những điều ao ước hoặc lời nhắn gởi, nhưng đòi hỏi Giáo Hội phải có ý kiến, cũng như những đóng góp cụ thể, vì tương lai của cả dân tộc.
Điểm 3/ nói đến sự đóng góp về mặt đạo đức của Giáo Hội cho xã hội. Giáo Hội Công giáo Việt Nam là một trong những tổ chức tôn giáo trên đất nước này, vì thế, chúng ta cần phải tạo điều kiện để những giá trị kitô giáo có thể giúp cho xã hội và con người được phát triển. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, Giáo Hội có thể bắt đầu sự đóng góp tích cực của mình qua việc giáo dục người kitô hữu trong môi trường giáo xứ và các đoàn thể.
Điều được đề cập đến trong điểm 4/ mới đích thực là lời của Mẹ Giáo Hội nhắn nhủ đến những người con yêu dấu của mình. Ở đây, TLLV lấy lại lời Đức Thánh Cha Bê-nê-dic-tô XVI ngỏ với các giám mục Việt Nam trong chuyến ad limina 2009. Ngài nhấn mạnh đến « sự hợp tác lành mạnh » giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị. Tuy nhiên, có một vài điểm cần làm sáng tỏ trong câu nói này : « Giáo Hội mời gọi các phần tử của mình dấn thân một cách lương thiện để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế các nhà trách nhiệm của Chính Phủ, nhưng chỉ mong rằng Giáo Hội có thể, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia, vào việc phục vụ tất cả người dân[6] ». Từ lời nhắn nhủ này, một vài câu hỏi được nêu lên :
« Các phần tử của mình » là những ai ? Có phải là mọi thành phần dân Chúa ? Và như thế, lời mời gọi này có miễn trừ cho hàng giáo sĩ không ? Thông điệp « Thiên Chúa là Tình Yêu » cho chúng ta một hướng dẫn : « Hội Thánh trong vấn đề này chỉ có trách nhiệm gián tiếp thuộc về mình là việc thanh luyện lý trí và gợi lên những động lực đạo đức mà không can dự vào việc xây dựng những cơ cấu công bằng và lo cho các cơ cấu này hoạt động lâu dài. Trái lại, trách nhiệm trực tiếp để hoạt động cho một trật tự công bằng trong xã hội, là điều đặc thù của người giáo dân[7].»
« Dấn thân một cách lương thiện » là dấn thân như thế nào ? Hành vi chính trị có phải là một hành vi lương thiện không ? Thông điệp TCLTY cho chúng ta biết : « Công bằng là mục đích và từ đó cũng là tiêu chuẩn nội tại của mọi thứ chính trị. Chính trị không phải chỉ là kỹ thuật cho việc thiết lập các trật tự công cộng : nguồn gốc và mục đích của chính trị là sự công bằng và công bằng thuộc bản chất đạo đức »[8].
« Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế các nhà trách nhiệm của Chính Phủ » có nghĩa là gì ? Đồng ý là Giáo Hội không tham gia tích cực vào đời sống chính trị, không làm thay Chính Phủ, nhưng Giáo Hội vẫn có những phương thức để giúp người tín hữu chọn lựa đúng đắn nhất những vị lãnh đạo đất nước của mình chứ ? Để xây dựng một « xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng » thì sự góp ý mà thôi có đủ chưa ? Ý thức về vai trò của người kitô hữu trong xã hội hiện nay, có lẽ Giáo Hội Việt Nam cần phải có những dấn thân tích cực hơn.
Để có thể xây dựng một « xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng », thiết nghĩ rằng Giáo Hội phải giúp cho anh chị em kitô hữu ý thức về quyền của một người công dân sống trong một xã hội được xây dựng trên pháp luật. Luật pháp được ban hành để bảo vệ quyền lợi của người dân. Và không chỉ những người dân mới phải tuân giữ luật pháp, nhưng ngay cả những người thi hành luật pháp cũng phải biêt tôn trọng pháp luật. Người kitô hữu sống trên đất nước Việt Nam là người công dân Việt Nam. Đạo Công giáo là một tôn giáo đã hiện diện lâu năm ở Việt Nam, và đã được Nhà Nước Việt Nam công nhận là một tổ chức tôn giáo hợp pháp. Vì thế, ngay cả những người kitô hữu di dân, sống tại những vùng kinh tế mới nghèo nàn, vẫn phải được hưởng quyền tự do tôn giáo như những công dân Việt Nam sống trong các thành phố lớn. Đây là điều mà Giáo Hội cần phải bảo vệ. Giáo Hội cần phải nói thay những con người không có tiếng nói. Vì thế, trong Giáo Hội cần phải có những chuyên viên về luật pháp để giúp cho đồng bào công giáo sống trên mọi miền đất nước hiểu được quyền lợi và bổn phận của mình, chứ không chỉ hoàn toàn nghe theo những giải thích tùy tiện của những cá nhân làm công tác tôn giáo tại các địa phương.
Số 20 : Mục 2 của chương III trình bày việc « Thi hành Sứ vụ trong tinh thần đối thoại và cộng tác ». Sự đối thoại nhắm đến 3 đối tượng để qua đó, Tin Mừng được thực sự có ảnh hưởng và bám rễ sâu trong môi trường xã hội Việt Nam.
Sự đối thoại với các « tôn giáo bạn » vừa giúp cho xã hội đa tôn giáo được sống hài hòa, vừa là dịp để giới thiệu với các tôn giáo bạn chiều kích mạc khải nơi Đức Giê-su Kitô, Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến.
Số 22 : Sự kiện người công giáo Việt Nam phải ưu tiên « đối thoại và cộng tác » với nền văn hóa dân tộc làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Nếu tôi là người công giáo Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam, thì đương nhiên là tôi đang sống trong dòng chảy của truyền thống dân Việt. Tôi đang hít thở nền văn hóa của dân tộc tôi, tại sao tôi phải ưu tiên đối thoại với « nền văn hóa dân tộc » ? Câu hỏi đưa chúng ta tiếp cận với 3 vấn đề :
a/ Hoặc là trong thời gian qua, trong cách trình bày và sống Tin Mừng của người Công giáo Việt Nam có bị ảnh hưởng nhiều do cách suy nghĩ và cách thực hành của người phương tây ; hậu quả là chúng ta cảm thấy cách loan báo Tin Mừng của chúng ta chưa diễn tả và phát huy hết được những nét đẹp của nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, do đó chưa thực sự đụng chạm được tâm hồn của người Việt. Vì thế, để có thể hội nhập hơn nữa trong cộng đồng dân Việt, chúng ta phải trở về với truyền thống văn hóa của dân tộc, để có thể rao giảng cho đồng bào của mình một cách hiệu quả hơn. Nếu như vậy, thì lời mời gọi này hình như muốn nhấn mạnh đến tính cách kỹ thuật trong việc loan báo Tin Mừng.
b/ Điểm quan trọng hơn nữa, là trong khi đồng hành cùng nền văn hóa của dân tộc, người công giáo Việt Nam hiểu được điều gì giúp cho mình sống Tin Mừng cách tích cực hơn, hoặc điều gì làm ngăn cản bước tiến của Tin Mừng. Đối thoại với nền văn hóa, nghĩa là quan sát, lắng nghe, phân tích và tổng hợp những yếu tố của nền văn hóa đó, với những con người sống trong xã hội đó. Tin Mừng của Chúa Giê-su Kitô sẽ giúp thanh luyện nền văn hóa để giúp phát triển đúng hướng. Hơn nữa, trong thời đại thông tin toàn cầu phát triển, Giáo Hội cũng phải góp phần quan trọng để hướng dẫn dư luận trong việc sử dụng thông tin và các phương tiện một cách đúng đắn và có trách nhiệm. Có lẽ đây là điểm mà TLLV muốn nhắm đến.
c/ Trong khi cố gắng đối thoại với nền văn hóa, Giáo Hội cũng phải can đảm đối thoại với những tác nhân có ảnh hưởng quan trọng tới nền văn hóa, đó là những người đang được trao cho trách nhiệm lãnh đạo xã hội dân sự. Nếu các vị này đưa ra những đường hướng hoặc để xảy ra những tình trạng đi ngược lại với những điều thuộc về truyền thống tốt đẹp của dân tộc[9], thì Giáo Hội cần phải lên tiếng nói. Ở đây, Giáo Hội lên tiếng nói không chỉ để bảo vệ những giá trị của đạo Công giáo, nhưng là để nói lên « tiếng nói của những người không có tiếng nói hoặc chưa được lên tiếng »[10]. Vai trò tiên tri được thể hiện trong tiếng nói chân thật và đầy trách nhiệm.
Số 23 : Trong khi phục vụ anh chị em sống trong hoàn cảnh nghèo khó, Giáo Hội không chỉ xoa dịu những nỗi đau khổ của con người, nhưng còn phải đối thoại với con người để hiểu được những nguyên nhân đưa con người vào hoàn cảnh nghèo khổ. Nhờ hiểu được con người và những nguyên nhân gây ra nghèo khổ, Giáo Hội có thể phục vụ con người tốt hơn và cũng thanh tẩy mình một cách có hiệu quả hơn.
Số 24 : Để có thể thi hành công việc phục vụ của mình, Giáo Hội cần quan tâm đến nhiều lãnh vực có liên quan như : truyền giáo, đào tạo nhân sự, giáo dục, truyền thông xã hội và môi sinh. Tuy nhiên, các lãnh vực trên đều tập trung vào mối ưu tư quan trọng hơn cả là loan báo Tin Mừng : « Giáo Hội cũng cần đặt việc loan báo Tin Mừng thành trọng tâm của mọi nỗ lực trong việc đào tạo cũng như trong các sinh hoạt mục vụ, tu đức, bác ái... và mong muốn huy động thêm nhiều nhân lực và tài lực hơn nữa cho công cuộc loan báo Tin Mừng »[11].
Dựa trên lời khuyên của thánh Phaolô và tông huấn Loan Báo Tin Mừng của ĐGH Phaolô VI, TLLV nhấn mạnh : « Loan báo Tin Mừng là loan báo chính Chúa Giê-su và Tin Mừng của Ngài ». Đối tượng của lời loan báo là « chính Chúa Giê-su và Tin Mừng của Ngài », và mục đích của lời loan báo là giúp người nghe có tâm tình thống hối và tin vào Tin Mừng để được ơn tha tội (Cv 3, 19). Như vậy, trong công việc loan báo Tin Mừng, sự tiếp cận giữa người nghe và Lời Chúa đóng một phần quan trọng để có thể đưa đến hành vi đức tin. Tuy nhiên, như lời thánh Phaolô nói « Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? » (Rm 10, 14-15), chúng ta thấy vai trò của người rao giảng rất quan trọng. Vì thế, TLLV nhấn mạnh đến việc đào tạo nhân sự, và đặc biệt, trước hết, nhắm đến việc đào tạo anh chị em giáo dân, « giúp họ sống đạo với một trình độ nâng cao về giáo lý, kinh thánh và mục vụ, kể cả về nghiệp vụ chuyên môn trong các lãnh vực xã hội, để khuôn mặt Chúa Kitô phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội tại quê hương này được thêm sinh động hấp dẫn »[12]. Vai trò của người giáo dân được đề cao, vì họ có thể hiện diện trong mọi nơi và trong mọi lãnh vực. Vì thế, sự cộng tác của họ hổ trợ rất nhiều cho công việc mục vụ của hàng giáo sĩ.
Số 25 : Tiếp đến, TLLV nhấn mạnh về việc đào tạo linh mục và tu sĩ. Là những người dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa và Giáo Hội, các linh mục và tu sĩ cần được huấn luyện để « có trái tim mục tử với lòng yêu mến sâu xa đối với Chúa Kitô, được bộc lộ ra bằng nhiệt tình phục vụ Giáo Hội, một đam mê dành cho việc cứu rỗi các linh hồn, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, kết hợp với lương tâm trong sáng và đời sống tu đức vươn đến trọn hảo »[13]. Thật là tốt đẹp nếu các linh mục và tu sĩ biết hết lòng tận tụy phục vụ đàn chiên theo gương Thầy Chí Thánh. Tuy nhiên, mẫu « người mục tử theo lòng Chúa mong ước » không chỉ là điều ao ước hoặc khuyến khích với các linh mục, nhưng còn phải là một mệnh lệnh. Hoàn cảnh của xã hội hôm nay và sự ý thức về quyền được chăm sóc mục vụ của dân Chúa, đòi hỏi Giáo Hội phải có những định hướng và những biện pháp cụ thể giúp cho các linh mục sống đúng với bổn phận của mình.
Vấn đề đặt ra là nếu người giáo dân không dấn thân trực tiếp vào công việc truyền giáo, họ có thể giữ đạo một cách thụ động, và điều này không gây cản trở nhiều lắm cho công việc loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, khi một linh mục thiếu nhiệt tình tông đồ và tâm hồn mục tử, thậm chí đôi khi có những tính khí và cách sống đi ngược với những giá trị của Tin Mừng, chúng ta phải làm thế nào ? Bởi vì đây là một trong những điều làm cản trở ánh sáng của Tin Mừng. Có lẽ công tác đồng hành với các bạn trẻ được chuẩn bị trước khi vào chủng viện, học viện cần phải được các vị có trách nhiệm quan tâm nhiều hơn nữa, để giúp các bạn trẻ khám phá ra được ơn gọi đích thực của mình.
Kinh nghiệm truyền giáo của Giáo Hội cho thấy đời sống cầu nguyện, chiêm niệm đóng một phần quan trọng trong việc truyền giáo. Nói một cách đơn giản, một người trình bày về Chúa Giê-su mà thiếu sự liên kết với Ngài, thì chỉ là những chiếc thùng rỗng, kêu to nhưng không có sức thuyết phục (1 Co 13, 1).
Một kinh nghiệm nữa của việc truyền giáo cũng là một lời nhắc nhở không kém phần quan trọng, đó là « xây dựng sự hiệp nhất và hòa giải, cổ võ tình liên đới và tinh thần đối thoại, loại bỏ những thành kiến và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau, tất cả đều là những yếu tố quan trọng trong việc thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng »[14]. Giáo Hội ý thức rằng trong khi loan báo Tin Mừng mình đang đi trên con đường của tinh thần hòa bình. Làm thế nào để trong khi rao giảng cũng như khi đón nhận, người trình bày và người nghe, trong khi đặt Tin Mừng làm điểm tham chiếu, có thể giải quyết được những xung đột, mâu thuẫn trong nội tâm cũng như trong cộng đoàn (gia đình, nhóm người cũ), để có thể đi đến chỗ thống nhất đời sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Để có thể làm được điều này, con đường khiêm hạ, biết mở lòng lắng nghe, hoàn toàn tựa nương vào Chúa là con đường chúng ta phải đi theo.
Kính thưa toàn thể đại hội,
Sứ vụ của Giáo Hội Việt Nam là « loan báo chính Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người ». Để lời loan báo trở nên khả tín và được đón nhận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, thiết nghĩ Giáo Hội Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong vai trò chứng nhân của mình. Một Giáo Hội thánh thiện, hiệp nhất, yêu thương, sẵn sàng phục vụ cộng đồng nhân loại theo gương Thầy Chí Thánh, là một điều mà tất cả mọi người con cái Chúa tại Việt Nam đều mơ ước. Thế nhưng làm sao có thể đạt được điều đó ? TLLV đã gợi lên cho chúng ta những hướng đi tích cực, phát từ lòng yêu mến Giáo Hội và thao thức trước sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, vẫn còn có những thiếu sót và góc nhìn phiến diện. Chúng ta cần có nhiều ý kiến đóng góp từ những góc nhìn khác nhau của mọi thành phần dân Chúa. Hy vọng Giáo Hội tại Việt Nam sẽ có dịp sống lại kinh nghiệm của ngày lễ Ngũ Tuần, để có thể bước vào một giai đoạn mới giữa lòng quê hương Việt Nam.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
+ Vinhsơn Nguyễn Văn Bản
Giám mục Giáo phận Buôn Mê Thuột
-------------------------------------------------------------
[1]Tài liệu làm việc tr. 29.
[2]Những tổ chức từ thiện, cứu trợ của anh chị em Phật giáo và Hồi giáo được nhiều người biết đến bên cạnh những tổ chức bác ái Công giáo.
[3]Tài liệu làm việc tr. 30.
[4]TLLV, tr. 32.
[5]Ibidem,tr. 32.
[6]Huấn từ của ĐTC Bê-nê-dic-tô XVI trong chuyến ad limina 2009, tr. 3. Bản dịch của ĐÔ. P. B. Trần Văn Khả.
[7]Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, tr. 44
[8]Thông điệp TCLTY, tr. 41.
[9]“Văn hóa dân tộc vốn coi trọng nghĩa đồng bào, đạo hiếu trung, đồng thời cũng đề cao lòng hiếu khách, đức hy sinh vị tha, tình nhân ái hài hòa, và đặc biệt luôn quí trọng đời sống tâm linh”. TLLV, tr. 34.
[10]Tài liệu làm việc, tr. 35.
[11]Ibidem, tr. 36.
[12]Tài liệu làm việc, tr. 37.
[13]Ibidem, tr. 38.
[14]Ibidem, tr. 36.
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 3 (1): Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Tài liệu học hỏi Năm Thánh: bài 6(1): Vai trò của Kitô hữu giáo dân trong Giáo Hội -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh 2010: Việt Nam Hình Thành, Phát Triển và Trưởng Thành (phần mở 2) -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (2): Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam