Têrêsa, từ đêm tối vắng sao đến màn đêm sao sáng
TGPSG / Aleteia -- Rất khác với cơn mưa hoa hồng, đoạn cuối đời của Têrêsa Hài Đồng Giêsu bé nhỏ lại là một thử thách đáng kinh hãi, không khi nào sánh bằng. Sau đây là câu chuyện về đêm tối đức tin, đêm chẳng hề có ánh sao nào, mà nữ thánh dòng Cát Minh, đã đơn độc trải qua cho đến cùng, trước khi được gặp Đấng mà trái tim cô không ngơi mến yêu.
Từ nhiều tháng nay, cô bị đau dữ dội, hao mòn vì bệnh lao, là căn bệnh sẽ đưa cô ra khỏi cõi đời vào chiều tối ngày 30-9-1897. Cũng từ nhiều tháng nay, cô biết mình sẽ chết mà không có gì làm thuyên giảm được cơn đau dù chỉ một chút.
Trong đêm thứ Sáu Tuần Thánh năm 1896, quằn quại trong cơn thổ huyết dữ dội, mà cô giấu bề trên vì sợ sẽ được ưu ái quá nhiều, Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan cảm thấy tâm hồn đầy tràn niềm vui bao la, vui vì chắc chắn sẽ sớm rời khỏi cõi đời này để hưởng hạnh phúc ở đời sau. Giống như vị quan thầy của mình - thánh cả Têrêsa Avila đã kêu lên trong giờ lâm tử: "Đấng Kính Yêu của con, cuối cùng cũng đã đến lúc Ngài gặp con rồi!", cô hết lòng khao khát cuộc gặp gỡ vĩnh hằng này.
Thực ra cô còn sống đến hơn 1 năm rưỡi nữa. Giai đoạn ấy, cô sẽ sống không phải trong niềm hội ngộ tròn đầy, nhưng trong đêm tối của tâm hồn, gần như chưa từng có trong lịch sử thần bí, và đôi khi đi vào tăm tối tuyệt vọng.
Những tăm tối này, chính cô đã muốn
Lỗi của mình, cô biết thế: những tăm tối này, chính cô đã từng mong muốn và đòi hỏi. Cô đã đạt được. Chúa đã đáp lời cô. Nhưng liệu cô gái trẻ 23 tuổi này có biết rõ điều mà cô cả gan đòi cho được là gì không? Một số hình ảnh đạo đức về Têrêsa đã khiến cho chúng ta có một cái nhìn sai lệch, ngây ngô, hạn chế - cái nhìn về một nữ tu dòng Cát Minh tươi cười, bụ bẫm đang làm mưa hoa hồng... "Tôi sẽ dành thời gian nơi thiên đường để làm điều thiện trên thế gian" cô từng nói; nhưng cái giá cô phải trả thì không thể tưởng tượng được. "Đập vỡ bức tượng đi!" nhà văn công giáo Gilbert Cesbron, cách đây 70 năm, đã thốt lên. Ông có lý. Têrêsa trái ngược hẳn với những giai thoại ngọt ngào và những ảnh tượng trong các cửa hàng ở gần Nhà thờ Sulpice, Paris.
Có lẽ trong truyện các thánh, chỉ có mình cô, với tính cách chiến binh - chẳng thế mà cô đã yêu kính nữ thánh Jeanne d'Arc - mới dám cầu xin Chúa điều mà chẳng có ai đủ rồ dại để cầu xin, khi cô vô cùng khao khát cứu vớt các linh hồn và không muốn để phí hoài dù chỉ một giọt máu quý giá nhỏ nhất của Đấng chịu đóng đinh. "Con sẽ lấy hết", cô đã nói vậy hồi còn nhỏ xíu. Quả vậy, cô đã lấy hết và trước hết là lấy những gì mà người khác không muốn.
Nếu suốt cả đời ước mơ truyền giáo, cô đã cầu nguyện cho các "người anh linh mục và chủng sinh" của mình, thì một sứ mạng khác của cô chính là cứu vớt những người đang đắm chìm trong tội lỗi, những người không có niềm tin, những người không biết yêu thương, không còn hy vọng.
Người ta còn nhớ, cô đã bắt đầu nỗ lực cầu nguyện và hy sinh từ rất sớm khi, vào năm 1887, cô đã giúp cho tên sát nhân Pranzini sám hối vào giờ chót trên đoạn đầu đài - Pranzini vì muốn cướp vài món nữ trang mà đã giết một góa phụ giàu có, giết cô con gái 12 tuổi ngoài giá thú của bà và giết cả bà giúp việc! Cô gọi Pranzini là "con đầu lòng" của mình. Hôm đó, Têrêsa đã thấu hiểu cả lòng Chúa thương xót vô biên, sự thông hiệp của các thánh và cả cái giá phải trả khi lôi kéo được tội nhân khỏi vực thẳm.
Nếu suốt cả đời ước mơ truyền giáo, cô đã cầu nguyện cho các "người anh linh mục và chủng sinh" của mình, thì một sứ mạng khác của cô chính là cứu vớt những người đang đắm chìm trong tội lỗi, những người không có niềm tin, những người không biết yêu thương, không còn hy vọng. Mà những người này thì vô số kể...
Một mình chịu đựng đến cùng
Trong một lần tràn đầy niềm nhiệt thành thẳm sâu như thế, cô đã thốt lên: "Lạy Chúa con, xin hãy để con ngồi cùng bàn với những kẻ tội lỗi!" Tất nhiên là không phải để cùng phạm tội với họ, nhưng là để gánh tội, đền tội cho họ và làm cho những tăm tối của họ chuyển đổi thành ánh sáng. Khi cầu xin điều điên rồ đó, liệu cô có hình dung được chiếc bàn đen tối - nơi các linh hồn quằn quại trong cô độc hãi hùng và tuyệt vọng, như “dấu chỉ của hỏa ngục" - là như thế nào không?
Dù sao thì, ngay từ thứ Bảy Tuần Thánh 1896 và cho đến giây phút cuối đời, Têrêsa cũng đã ngồi vào cái bàn tăm tối đó, đúng thế, không rời khỏi đó nữa, và tất cả cơn giận dữ của quỷ dữ đã ập xuống trên cô vì cô dám giành giật với chúng những con người đã hư mất theo con mắt người trần.
Ngày 16-8-1897, cô hổn hển tâm sự với em gái Céline: "Ma quỷ đang vây quanh chị, chị không nhìn thấy nhưng cảm thấy chúng. Chúng quấy rối chị, chúng nắm giữ chị bằng bàn tay sắt, chúng làm tăng cơn đau của chị hầu làm cho chị thất vọng. Và chị không cầu nguyện được nữa! Chị chỉ có thể nhìn thấy Đức Mẹ và nói: "Lạy Chúa Giêsu, con đau đớn vì Chúa mà ma qủy thì không muốn điều đó!" Còn vài giờ nữa thôi mà cô thậm chí không thể rước lễ được nữa, những cơn nôn ra máu liên tục không cho phép cô nuốt nổi dù một mảnh nhỏ của Bánh thánh...
Cô đơn độc cho đến cùng, bị trói chặt vào cái bàn của những kẻ tội lỗi, giống như đang bị xét xử trước tòa công lý thần thánh mà cô đã chẳng hề sợ, vì xác tín rằng người ta sẽ nhận được từ Thiên Chúa những gì mà người ta chờ đợi. "Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ con?" Cơn hấp hối của Têrêsa đã rất giống cơn hấp hối của Chúa Kitô.
Đêm của hư không
Cô nói với những nữ tu chăm sóc cô phải để thuốc xa khỏi tầm tay của cô vì cô sợ cơn cám dỗ ngày càng tăng sẽ thúc bách cô chụp lấy thuốc và uống một liều gây tử vong.
"Nếu không có đức tin, tôi không thể chịu nổi những cơn đau dồn dập thế này. Hẳn là những người vô thần sẽ đau đớn hơn nhiều khi tự tìm lấy cái chết."
Đức tin ư ? cô vẫn có đấy chứ, tất nhiên rồi, nhưng cô không cảm nhận được nó nữa... Cái bàn của kẻ tội lỗi là nơi vắng bóng Chúa. Vậy mà cô đã muốn ngồi vào đó. Khi đó, cô cư xử cứ như là nhìn thấy ánh sáng ở nơi không hề có ánh sáng. Cũng giống như lời khuyên nhủ kinh điển của cha giải tội với những người cho rằng mình "đã mất đức tin": "Hãy cứ làm như con vẫn còn đức tin!" Điều này có vẻ vô nghĩa, nhưng thật ra không phải. Thông thường, chẳng chóng thì chầy, thử thách sẽ chấm dứt.
Vậy mà điều này lại không đúng với Têrêsa, bị nhốt trong thinh lặng và cô độc, một mình chiến đấu với những lực lượng của bóng tối, không thể biết được Đấng Cứu Độ mình có ở bên cạnh mình trong cuộc chiến này hay không. Còn Ác thần thì luôn có mặt và thổi vào đầu cô những ý nghĩ tẩm độc. "Cứ tiến tới, tiến tới mà thưởng thức cái chết đang mang đến cho ngươi không phải điều mà ngươi hy vọng đâu, mà là một đêm tối sâu thẳm hơn nữa, đêm của hư không.”
Têrêsa từng thú nhận: “Tôi không muốn viết thêm về điều này nữa, sợ sẽ phạm thánh. Tôi sợ đã nói quá về điều này". Têrêsa nghiêng ngả bên bờ vực, cô đã liên kết mình với đám đông tội lỗi khốn khổ, với những người không có đức tin bị choáng váng trước sự trống rỗng, hư vô, vực thẳm của cái chết, với đám người đông đảo của những thế hệ sắp tới, tức là thời của chúng ta nữa, mà cô đã hiến thân mình để đền tội thay cho họ.
Cuối cùng cũng có những ánh sao!
"Tôi sợ sẽ phạm thánh..." Mẹ Agnès, bề trên của cô, cũng là chị cả của cô, cảm thấy điều gì đó từ cuộc chiến đấu kinh khủng mà em gái bà, bất động trên giường bệnh, đang tham gia, nhưng vì bà không ý thức được hết tầm vóc anh hùng của Têrêsa nên sợ cô sẽ lìa trần với lời phạm thánh trên môi.
Bà cầu nguyện và nhờ mọi người cầu nguyện để mong tránh được điều bất hạnh đáng xấu hổ có thể xảy ra đó. Mọi người có thể hình dung được không? Một trong những nữ thánh vĩ đại nhất lịch sử của Giáo Hội đang cần tới người khác, những người chưa sánh được với cô, đang nâng đỡ cô trên tay vào những giây phút cuối đời! Đây là cơn thử thách bị bỏ rơi đến tận cùng, gắn liền với mầu nhiệm các thánh cùng thông công.
Gió, một cơn duy nhất, quét tan mây mù, làm lộ rõ một nền trời rực rỡ phía trên tu viện Cát Minh ở Lisieux và ngay tiền cảnh là chòm sao mà Têrêsa yêu thích, vì nó vẽ nên chữ cái viết hoa của tên cô.
Têrêsa trút linh hồn, tay níu chặt lấy thánh giá, miệng lập đi lập lại đến hơi thở cuối cùng: "Giêsu, Giêsu..." – đây cũng là những lời cuối cùng của nữ thánh Jeanne d'Arc. Bóng tối địa ngục đã không cướp được cô. Điều này thì các chị em cô chưa biết.
Mẹ Agnès, đau đớn rã rời như người ta vẫn thế khi vừa chứng kiến cái chết của người mình yêu thương và cứ mãi hy vọng đến cùng vào một phép lạ nào đó; bà rời căn phòng trong bệnh xá nơi Têrêsa vừa trút hơi thở cuối cùng. Bà khóc sướt mướt, giờ thì bà đã có thể làm như vậy khi em gái nhỏ của bà không còn nhìn thấy nữa.
Đứng dựa vào tường hành lang tu viện, bà ngước mắt nhìn lên bầu trời mùa Thu ở vùng Normandie, ướt át mưa gió, mờ mịt, tối đen, vô vọng như nỗi chết và than thở: "Ước gì có những vì sao..." Ngay lúc đó, gió, chỉ một cơn quét tan mây mù, làm lộ rõ một nền trời rực rỡ phía trên tu viện Cát Minh ở Lisieux và ngay tiền cảnh là một chòm sao mà Têrêsa yêu thích, vì nó vẽ nên chữ cái viết hoa của tên cô. Đó chính là phép lạ đầu tiên mà Têrêsa làm, ngay lúc vào thiên quốc, để an ủi chị cả của mình.
bài liên quan mới nhất
- Ba Tỷ Người Trên Toàn Cầu Bị Ảnh Hưởng Bởi Tình Trạng Suy Thoái Đất
-
Sứ vụ của Sơ Luke Boiarsk: xây dựng cộng đồng, biến đổi cuộc sống tha nhân -
Sơ Pia và sứ vụ mang lại ánh sáng cho trẻ em khiếm thị ở Rwanda -
Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la -
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại