Tập tổng lược Lời Chủ Chăn chuẩn bị Công nghị Giáo phận

Tập tổng lược Lời Chủ Chăn chuẩn bị Công nghị Giáo phận

LỜI MỜI GỌI ĐỔI MỚI

LỜI MỞ

Mục đích của tập tổng lược Lời Chủ Chăn trong thời gian chuẩn bị Công Nghị Giáo Phận, là tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người ý thức đáp lại lời Thiên Chúa là Cha yêu thương mời gọi gia đình nhân loại đổi mới, và tiến bước trên đường dẫn đến nguồn sống mới, nguồn sống dồi dào trong yêu thương và bình an.

Ở chiều sâu, là đổi mới con tim, là nỗ lực đưa lòng trí mình thoát khỏi sự kiềm toả của lòng tham sân si cùng tính đối kháng cố hữu, để nội tâm được tự do sống “đạo yêu thương”, sống tình huynh đệ tương thân tương trợ, và cùng nhau phục vụ cho công ích cùng sự sống và sự phát triển của gia đình nhân loại.

Ở chiều rộng, là đổi mới hiện trạng đời sống gia đình và cộng đoàn, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội : nỗ lực giúp nhau thoát ra khỏi những căng thẳng và bất ổn, để xây dựng một cộng đoàn yêu thương, hiệp thông, hiệp nhất, tạo thuận lợi cho việc hoàn thành sứ vụ loan Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương cho mọi người.

Nói cách khác, đổi mới là nỗ lực cởi bỏ lối sống văn hoá sự chết, và chung sức vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho xã hội đất nước và thế giới hôm nay.

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

--------------------------------

NỘI DUNG

Trang

I. Luật yêu thương trong lòng người . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . .04

II. Đạo làm người Công giáo . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . .. . . . 08

III. Vượt khó trên đường đổi mới. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . .12

IV. Đổi mới hiện trạng đời sống dân Chúa. . . . . . . . . . . . . . . . . . . 17

V. Đổi mới hiện trạng nếp sống văn hoá của dân Chúa. . . . . . . . . 21

VI. Xây mới ba trụ cột của đời sống đạo. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  26

VII. Đổi mới cách cầu nguyện . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 27

VIII. Cùng chia sẻ quà tặng: Sự Sống Mới” của Chúa Phục Sinh. . 29

IX. Chung sức kiến tạo nền hoà bình chân chính và vững bền . . ..33

X. Cầu nguyện cho hoà bình. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .36

XI. Hướng đến một hệ thống luật lệ vị nhân sinh . . . . . . . . . . . . .  38

XII. Hướng đến một nền giáo dục nhân bản toàn diện . . . . . . . . . 40

 

------------------------------

I. LUẬT YÊU THƯƠNG TRONG LÒNG NGƯỜI

1. Nguồn gốc tình yêu. Thiên Chúa tạo thành con người theo hình ảnh của Ngài là Tình Yêu. Từ khi trao tặng quà "sự sống" cho nhân loại, Đấng Tạo Hoá đã đặt để tình yêu như hạt lúa giống nơi thửa đất lòng người. Và từ đó, như người đi gieo giống, Thiên Chúa không ngừng chăm sóc cho mầm tình yêu phát triển và trổ bông kết trái, vì sự sống và hạnh phúc của gia đình nhân loại.

2. Thiên Chúa ban hành luật yêu thương. Khi ban hành luật yêu thương, Thiên Chúa dạy cho dân Người biết cách mến Chúa yêu người. Mến Chúa trước hết và trên hết là năng gặp gỡ Chúa, lắng nghe Lời Chúa, thi hành ý Chúa trong cuộc đời. Mến Chúa còn là theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, bước theo Chúa Giêsu trên đường tình yêu cứu độ, và cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, dẫn dắt họ bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Thiên Chúa.

Chúa dạy cách yêu người, trước hết, là tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, trân trọng tình yêu chung thuỷ trong hôn nhân và gia đình, tôn trọng tài sản vật chất và tinh thần của tha nhân, trân trọng tính trung thực, chân thành, vị tha, trong cuộc sống làm người. Yêu người còn là theo gương Con Chúa làm người dấn thân phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển con người, đặc biệt người lâm cảnh khó khăn.

Như thế, luật Chúa soi sáng cho lòng người, - lòng đạo, lòng nhân, cũng như lòng tin -, mở rộng cả hai van tim. Một mở ra đón nhận ánh sáng và năng lượng tình yêu từ Thiên Chúa. Một mở ra phản chiếu ánh sáng, chia sẻ năng lượng tình yêu cho nhau, trong đời sống hôn nhân và gia đình, giáo hội và xã hội.

3. Thiên Chúa chăm sóc tình yêu trong lòng người. Thiên Chúa đã sai Người Con Một là Đức Giêsu, đến hoà nhập vào đời sống nhân loại, soi đường dẫn lối cho tình yêu trong lòng người thoát khỏi sức ép của tính đối kháng bẩm sinh ; thoát khỏi vòng kiềm toả của lòng tham sân si, ganh ghét hận thù, với hành vi tự vệ và đóng kín, hoặc kết tội và loại trừ nhau. Với hai van tim của lòng người rộng mở, mầm mến Chúa yêu người có điều kiện phát triển và trổ sinh hoa trái, trong đời sống gia đình và xã hội. Thiên Chúa còn dùng Lời Chúa cùng ơn Thánh Thần vun tưới cho tình mến Chúa yêu người khởi sắc trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Lịch sử và thực tế cuộc sống, cùng thiên nhiên vạn vật, để lại nhiều hình ảnh minh hoạ tình yêu nở hoa muôn sắc tô thắm cho đời sống nhân loại, và mang lại bình an hạnh phúc cho người người.

4. Tình yêu quảng đại và hy sinh. Chiều chiều, ông chủ nhà thích thả bộ trong vườn tre sau nhà. Bóng mát màu xanh, tiếng xào xạc của lá tre, tiếng kẽo kẹt của thân tre, làm cho ông cảm thấy giãn xả và thư thái. Một buổi chiều, ông ra vườn với một con dao, định đốn tre. Đứng trước những bụi tre, ông cảm thấy tiếc xót. Sau giây phút tư lự, ông tự trả lời rằng ông có ý định đốn tre để chế biến cây tre thành nhiều dụng cụ phục vụ cho sự sống con người. Tre làm đũa ăn, làm thúng rổ, làm bàn ghế, làm giường ngủ, làm nhà ở, làm cầu qua sông rạch, làm hệ thống dẫn nước dưới suối lên tưới thửa ruộng trên triền đồi, làm những nhạc cụ, tranh trang trí nhà cửa. Sau đó, ông cảm thấy an lòng và hứng khởi làm một việc cần làm nhằm phục vụ cho sự sống của nhiều người.

Cây tre là hình ảnh tình yêu quảng đại chấp nhận hy sinh để trở nên hữu ích cho đời. Hình ảnh đó, trước hết, là hình ảnh Đức Giêsu yêu thương tới cùng trên thập giá. Sau giây phút cầu nguyện xin ơn vâng theo ý Chúa Cha, Ngài đã tự nguyện đón nhận khổ đau tủi nhục và chết chóc của phận người, để bày tỏ một tình yêu không còn tình yêu nào lớn hơn, một tình yêu đồng cảm, bao dung, quảng đại, vô biên.

Đó cũng là hình ảnh cha Px. Trương Bửu Diệp, tự nguyện ở lại giữa đoàn chiên trong cơn nguy biến, chấp nhận hy sinh mạng sống vì sự sống của đoàn chiên. Đó còn là hình ảnh những người cha người mẹ lao nhọc mỏi mòn vì gia đình, nhưng tình yêu trong lòng ngày càng cao lên như núi Thái Sơn, mở rộng như biển Thái Bình. Đó còn là hình ảnh những vị tu hành đã tự nguyện khiêm tốn và hy sinh nhận làm thùng rác đón lấy những gì người khác thải vào đó, lời than thở, phiền trách, sự bực tức, uất hận, những sai lầm... Trút bỏ những gì đè nặng lương tâm, họ cảm thấy được thanh thoả và an lòng.
5. Tình yêu linh hoạt và trung thành. Trong một cuộc gặp gỡ giao lưu với những vị khách từ châu Á, các bạn trẻ Saigon có đặt ra một câu hỏi : hàng năm, dân tộc Philippin phải hứng chịu hậu quả của nhiều trăm cơn bão, bí quyết nào giúp họ tồn tại ? Đức Hồng Y Rosales, Tổng Giám mục Manila, trả lời bí quyết đó là làm thân cây tre : khi phong ba bão táp đến, cây tre nằm rạp xuống, sau cơn giông tố, cây tre lại đứng thẳng lên.
Ở đây, cây tre là hình ảnh một tình yêu uyển chuyển và linh hoạt, chung thuỷ và trung thành. Cho dù phải trải qua bao nhiêu sóng gió gian truân trong gia đình, qua bao nhiêu cơn bão trong cuộc đời, - cơn bão cải tạo xã hội chủ nghĩa để lại nhiều xáo trộn và mất mát, cơn bão của lối sống hưởng thụ ích kỷ và sa đoạ, cơn bão của dịch nghiện ngập và dịch HIV để lại nhiều cái chết trắng..., - tình yêu trong lòng người vẫn tồn tại và phát triển.

6. Tình yêu từ bi và nhân hậu. Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh "tình yêu bao dung", gần đây, nơi thái độ khoan dung, nhân hậu của Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđitô XVI, đối xử với những kẻ hãm hại các ngài, với những nhóm chống đối, kết tội các ngài. Tình yêu khoan dung nhân hậu đó đã thể hiện khả năng cải tạo lòng người và đổi mới đời người.

Nhờ sức mạnh của tình yêu bao dung, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, cùng nhiều thành viên trong gia đình Giáo Hội, đã biến những khó khăn thử thách, những thua thiệt và mất mát, những lời phê phán và kết tội, thành cơ hội canh tân đời sống và đổi mới lối sống của nhiều người trong Giáo Hội cũng như xã hội.

7. Tình yêu sáng tạo. Chúng ta có thể tìm gặp hình ảnh tình yêu sáng tạo tại nhiều nơi trong gia đình giáo phận hôm nay, chẳng hạn những nhóm có sáng kiến tổ chức hoạt động tương thân tương trợ :
- tổ chức những bữa ăn từ thiện cho người lâm cảnh túng ngặt,
- tổ chức tiếng hát vì người nghèo, tổ chức tiếp sức cho mùa thi, tổ chức quỹ học bổng,
- tổ chức thu nhặt ve chai, gây quỹ trợ giúp những người trẻ gặp khó khăn,
- tổ chức những buổi học giáo lý phối hợp với những sinh hoạt giải trí lành mạnh, giúp các bạn trẻ vượt qua những đam mê bệnh hoạn của thời đại,
- tổ chức đưa xe lăn đến người bại liệt, giúp họ bước đi trên đường đời,
- biến những hoạt động từ thiện bác ái cũng như những lễ hội thành cơ hội xây đắp tình huynh đệ đồng cảm và hiệp thông, để loan Tin Mừng Bình An, Tin Mừng Tình Thương cho xã hội hôm nay.

8. Tình yêu làm nở hoa tình yêu. Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh "tình yêu nở hoa" nơi những nhóm tình nguyện chung sức phục vụ những người trẻ sống với căn bệnh thời đại ở những trung tâm xa xôi, hẻo lánh, phục vụ những người kém may mắn ở những mái ấm tình thương, những người bệnh tật ở những cơ sở y tế, từ thiện nhân đạo. Hoặc nơi những người chuyên cần chăm lo, ủi an, và cầu nguyện cho những người lâm cảnh bất hạnh, tật nguyền...

Tình yêu vị tha phục vụ đó đã tạo điều kiện cho bản thân những người được phục vụ, thoát ra khỏi vòng kiềm toả của tâm trạng đóng kín, mặc cảm, hay hận đời. Nhờ đó, hai van tim rộng mở, tình yêu trong lòng họ được toả sáng, soi đường dẫn lối cho họ đi đến một chân trời mới. Nơi đó họ tìm gặp lại lẽ sống cho đời mình trong sự bình an thanh thản.

9. Thay lời kết. Xã hội hôm nay mang dấu vết những tranh chấp và bất ổn, cùng những vấn đề nghiêm trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, chính trị. Điều cao quý nhất, người người khát mong, là hai van tim của lòng người ngày càng mở rộng, và tình yêu ngày càng toả sáng. Khi hoa tình yêu nở rộ khắp nơi, tình yêu đồng cảm và khoan dung, hy sinh và quảng đại phục vụ, tình nghĩa đồng đạo, đồng bào, đồng loại, sẽ tô thắm cho nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên đất nước và thế giới hôm nay. Ánh sáng văn hoá sự sống và sức mạnh của văn minh tình thương sẽ giúp cho gia đình nhân loại vượt qua những vấn đề nghiêm trọng. Nhờ đó, nhiều người có cơ hội thoát khỏi những khó khăn, và cùng nhau tiến bước đi đến một cảnh đời ngày càng tươi sáng và thanh bình.

II. ĐẠO LÀM NGƯỜI CÔNG GIÁO
(X. Lời Chủ Chăn tháng 11.2011)

1. Người công giáo là ai ? Người công giáo là người theo đạo yêu thương nhau, là người đi nhà thờ, là người của Thiên Chúa giáo...Đó là những định nghĩa từ ngoài về người công giáo. Những định nghĩa theo chiều dài lịch sử được hình thành từ việc đồng bào Việt Nam quan sát lối sống cùng những sinh hoạt đặc thù của người công giáo Việt Nam. Dầu vậy, liên kết ba định nghĩa đó cũng có thể cho thấy ba nhân tố chính yếu - Thiên Chúa, tình thương và Giáo Hội công giáo -, làm nên nền tảng cho đời sống của người công giáo.

2. Định nghĩa mới. Căn cứ vào những trải nghiệm ở chiều sâu đời sống đạo, người công giáo còn được định nghĩa là người cảm nhận mình được Chúa thương, đồng thời ý thức ân huệ đó đã trở thành luật căn bản cho cuộc sống làm người. Nói cách khác trọng tâm của đạo làm người là yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu thương. Vì thế, trong quan hệ với Thiên Chúa, cũng như trong quan hệ với đồng đạo, đồng bào, đồng loại, người công giáo chân chính là người chu toàn bổn phận hàng đầu là lấy tình thương đáp trả tình thương.

3. Niềm tin của người công giáo. Người công giáo là người ý thức tình thương của Thiên Chúa đã trở thành định luật cho cuộc sống làm người. Ý thức đó phát xuất từ niềm tin vào những gì Ba Ngôi Thiên Chúa đã và đang làm cho gia đình nhân loại. Người công giáo là người tin vững vàng rằng :

- Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài là Tình Yêu. Nói cách khác, người công giáo tin rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, là gốc rễ sự sống, là cội nguồn tình yêu. Lịch sử xác minh con người đã nhiều lần xa rời nguồn gốc của mình, đã đi lạc đường, do đó đã phạm nhiều sai lầm, đã tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cuộc sống nhân loại. Vì thế Thiên Chúa đã có ý định đưa gia đình nhân loại trở về đường ngay nẻo chính, để đi đến sự sống mới, sự sống dồi dào trong ánh sáng chân lý và tình yêu, trong sự hợp nhất và an bình.

- Là Người Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, khoan dung, Thiên Chúa Cha đã sai Người Con Một, là Đức Giêsu, đến trong thế giới loài người, hoà nhập vào đời sống gia đình nhân loại, chia sẻ phận người trong thiên hạ, không phải để kết án hay trừng phạt, song để thể hiện Tình Thương vô biên đối với loài người. Theo ý định của Chúa Cha, Đức Giêsu đã mở ra con đường cứu độ, đưa các dân tộc thuộc mọi chế độ xã hội thoát ra khỏi mọi sự dữ cùng những sai lầm và thiếu sót. Và cho đến tận cùng thời gian, Đức Giêsu cùng Hội Thánh của Ngài vẫn đồng hành với gia đình nhân loại, trên đường yêu thương cứu độ, hướng đến nguồn sống mới.

- Qua lời cầu khẩn của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Chúa Cha đã sai Thánh Thần là Ngôi ba Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại, hiện diện trong cuộc đời của mọi người thành tâm thiện chí, soi dẫn cho họ ý thức và quyết tâm đổi mới con tim và canh tân đời sống. Nhờ đó con người có điều kiện thuận lợi đón nhận quà tặng "sự sống mới", sự sống dồi dào, từ Chúa Giêsu Phục Sinh.

4. Sống luật yêu thương là lấy tình thương đáp trả tình thương. Trong mối quan hệ với Ba Ngôi Thiên Chúa, bổn phận lấy tình thương đáp trả tình thương đề ra cho người công giáo việc cần làm hàng đầu, là năng gặp gỡ Chúa, lắng nghe Lời Ngài và mang ra thi hành trong cuộc sống làm người.

Điều cần lưu ý là Lời Chúa không những được ghi lại trong Sách Thánh, song còn là Lời nhập thể làm người ở giữa chúng ta, ở trong bí tích Thánh Thể, Lời được triển khai trong đời sống và giáo huấn của Giáo Hội, Lời như hạt giống đã được gieo trên thửa đất nền văn hoá các dân tộc. Và Lời Chúa là Lời ban ánh sáng chân lý và bình an, Lời ban sức sống mới, Lời yêu thương, soi dẫn cho con người đi đến sự sống dồi dào.

Vì thế, người công giáo chính thực còn là người chuyên cần cầu nguyện, cầu nguyện trong gia đình, trong cộng đoàn, trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc đời. Đồng thời là người chú tâm tìm hiểu, học hỏi, suy gẫm Lời Chúa trong Sách Thánh, cũng như Lời Chúa hiện diện trong cuộc sống nhân loại, và mang ra thực hành trong đời sống gia đình và xã hội.

5. Đáp trả tình thương của Thiên Chúa còn có nghĩa là đồng hành với Chúa Giêsu. Đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường yêu thương phục vụ mà Ngài đã mở ra cho mọi người đi đến nguồn sống dồi dào. Lộ trình yêu thương và phục vụ đề ra cho người công giáo hai việc cần làm như sau: - một là hoà nhập vào đời sống văn hoá xã hội của gia đình nhân loại, nhưng không để bị nhiễm thói hư tật xấu và những tệ nạn xã hội, biết đồng cảm với phận người trong nhân loại, nhưng không gây phân hoá chia rẽ cho đời sống cộng đồng; - hai là dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người.

Công việc phục vụ cho Tin Mừng trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm nay đề ra cho người công giáo hai việc cần làm như sau : - một là cùng nhau vun tưới cho những hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng đất văn hoá của các dân tộc, được phát triển và đơm bông kết trái thơm lành cho mọi người; - hai là chung sức với mọi người thiện tâm xây đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình nhân loại trong thế giới hôm nay.

Trong công việc phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của gia đình nhân loại, người công giáo cần lưu ý hai điều này : - bước theo Chúa không phải là đứng về cánh hữu hay phe tả, hay chạy theo một thế lực trần thế, - theo Chúa để yêu thương và phục vụ, chớ không phải để chống đối, kết án và loại trừ nhau.

6. Đáp trả tình thương của Thiên Chúa còn có nghĩa là cộng tác với Chúa Thánh Thần. Cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, soi dẫn người người tiến bước trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Chúa cứu độ, để đi đến nguốn sống mới của Chúa Phục Sinh, là sự sống dồi dào trong sự hợp nhất và an bình.

Sự cộng tác này đòi hỏi mỗi người công giáo quan tâm làm mới cách nghĩ, cách nói. cách hành động, cách ứng xử, cách tu thân, cách tề gia, cách trị quốc của mình, sao cho thuận ý trời, hợp với bối cảnh văn hoá xã hội, và hoà với lòng dân. Nhằm làm cho cách tu thân, cách tề gia, trị quốc, mang lại bình an và niềm vui, yêu thương và hợp nhất cho gia đình nhân loại.

7. Chỗ đứng và vai trò người công giáo trong cộng đồng chính trị. Sứ mạng đồng hành với Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ, đòi hỏi mỗi người công giáo ý thức chỗ đứng và vai trò của mình trong cộng đồng chính trị. Theo giáo huấn của Giáo Hội, vai trò đó đề ra cho người công giáo những nghĩa vụ công dân như sau :

(1) trước hết là đối thoại trong ánh sáng chân lý và tình yêu, và chung sức với mọi người thành tâm phục vụ cho công ích, cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người ;

(2) chung sức với mọi người xây mới trật tự xã hội, một trật tự xã hội không phải chỉ có luật và lệnh, song ngày càng mang tính nhân văn, làm nền tảng cho sự phát triển vững bền của con người cùng đất nước;

(3) góp công xây mới nền giáo dục, một nền giáo dục không phải chỉ mang tính thực dụng, song ngày càng mang tính nhân bản và toàn diện, khai mở cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau lộ trình sống đạo làm người trong thiên hạ, và trở nên người tốt và hữu ích cho gia đình nhân loại;

(4) nói chung là cùng với mọi người thiện chí trong gia đình nhân loại xây mới ngôi nhà chung trên nền đá vững chắc là Lời Chúa, với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình yêu, công lý và hoà bình.

8. Xây mới sự hiệp thông. Nhiệm vụ lấy tình thương đáp trả tình thương đòi hỏi người công giáo tiến bước trên con đường xây đắp tình hiếu thảo trung thành với Ba Ngôi Thiên Chúa, củng cố tình huynh đệ tương thân tương trợ trong Giáo Hội, mở rộng tình huynh đệ đồng cảm và bao dung đối với đồng bào và đồng loại.

Trên con đường xây mới mối hiệp thông ba chiều đó, người công giáo cần biết vận dụng những dị biệt trong cuộc sống nhân loại như cơ sở bổ túc và phong phú hoá lẫn nhau, đồng thời biết tránh biến những khác biệt thành cơ sở kết án và loại trừ nhau. Điều này đòi hỏi người công giáo, trong đối xử với mọi người cũng như trong cách giải quyết mọi vấn đề, biết vượt qua sức ép của lòng tham sân si cùng tính đối kháng cố hữu, để cho ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa Giêsu soi dẫn suy nghĩ, lời nói, hành vi, phong cách ứng xử, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

9. Vượt khó. Kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống cho thấy cái khó nhất trong các việc cần làm nêu trên là tu thân. Nói cách khác, việc mỗi người phải thoát ra khỏi sự khống chế của lòng tham sân si và tính đối kháng cố hữu nơi bản thân, việc làm mới quan điểm và phong cách của mình sao cho phù hợp với thiên thời, địa lợi, nhân hoà, đó là điều khó nhất trong cuộc sống làm người.

Vì thế, để có thể vượt khó, người công giáo cần chú tâm kiên trì phát huy và liên kết ba lực chính sẵn có như tiềm năng trong cuộc sống nhân loại: - một là nội lực từ ý thức và ý chí nơi bản thân; - hai là trợ lực từ nghĩa gia đình, từ tình bằng hữu, tình đồng đội, đồng đạo, đồng bào; - ba là chủ lực từ các ân ban của Thiên Chúa là cội nguồn mọi điều thiện hảo.

Phát huy và liên kết ba tiềm năng đó làm thành động lực cho công việc tu thân, tề gia, trị quốc, con người mới có thể bình thiên hạ. Bình thiên hạ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, trong bối cảnh một thế giới vừa đang trong tiến trình toàn cầu hoá, vừa chứa chất nhiều dị biệt và xáo trộn, nhiều mâu thuẫn và tranh chấp.

Phát huy và liên kết ba lực đó qua con đường chuyên cần cầu nguyện, kiên trì củng cố tình hiệp thông huynh đệ, và nhẫn nại thực hành việc đối thoại cùng hợp tác phục vụ cho sự sống và sự phát triển gia đình nhân loại.

III. VƯỢT KHÓ TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI
(X. Lời Chủ Chăn tháng 10.2011)

1. Nhận diện những khó khăn. Lời Chủ Chăn tháng 10.2011 mong gợi ý cho mọi người suy nghĩ, nhận diện những khó khăn trên đường đổi mới, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, tìm lối thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn với những ngõ cụt, để mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội và xã hội. Mục đích là nhằm đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong đời sống gia đình và xã hội, kinh tế và chính trị hôm nay. Đó là cách tham gia vào sứ vụ Tân Phúc Âm hoá hôm nay, và đồng hành với Chúa Giêsu phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của gia đình nhân loại.

2. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Trong lịch sử thế giới hôm qua cũng như hôm nay, công cuộc đổi mới đời sống nhân loại trên bất kỳ châu lục nào, cũng đều đối diện với nhiều khó khăn. Những khó khăn với những nguyên nhân khách quan và chủ quan bắt nguồn từ sự tương tác giữa thế sự và tâm sự diễn ra nơi chiều sâu của cuộc sống con người. Nguyên nhân khách quan, điển hình như công cuộc cải tạo xã hội mang tính cưỡng bách đã gây ra những chấn động tâm lý, đã tạo ra những xáo trộn và bất ổn cho đời sống nhân loại. Nguyên nhân chủ quan, cụ thể như, đối diện với những chấn động tâm lý tạo ra bất ổn và lo sợ, nhiều người mang tâm trạng bất mãn, thối chí và khép lại trong bản năng tự vệ để sinh tồn, khiến tâm trí con người bị đình bộ, lập trường và thái độ bị đóng băng trong tư thế dễ gây hấn và chống đối.

3. Khó khăn từ sự tương tác giữa thế sự và tâm sự. Những diễn biến lịch sử hôm qua gây xáo trộn và bất ổn ở một vài nơi, hôm nay được lập lại ở nhiều nơi trên thế giới. Trên đất nước Việt Nam, sau biến cố lịch sử 1975, công cuộc cải tạo xã hội làm cho riêng Giáo Hội công giáo miền Nam Việt Nam mất đi hơn 2000 cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo. Về Tổng giáo phận Saigon, ngoài việc mất đi lối 400 cơ sở, gia đình giáo phận mất đi cả cái tên nguồn gốc xã hội của mình cùng nhiều thành viên và sự ổn định. Với những mất mát to lớn về của và người, nhiều người cảm thấy bị loại trừ, bị xoá sổ, bị bách hại, quyền lợi và tự do của họ bị biến thành những của bố thí theo cảm hứng của người đang nắm quyền lực trong tay.

Khó khăn từ tình trạng phân rẽ theo những hướng sống khác nhau. Bị tổn thương nặng nề và mang tâm trạng bất an kéo dài, một số buộc phải rời khỏi quê hương đi tìm một cuộc sống mới nơi xa lạ, theo làn sóng di dân trên khắp thế giới. Một số thì khép lại trong thái độ tự vệ để tồn tại. Một số khác nỗ lực bung ra đồng hành cùng dân tộc để đấu tranh cho sự sống còn. Tình hình đó làm cho đời sống cộng đồng phân rẽ theo nhiều hướng khác nhau. Những hướng sống khác nhau, những quan điểm khác nhau, nói chung là những dị biệt trong đời sống cộng đồng giáo hội hay cộng đồng dân tộc, vừa có thể là một mối lợi khi được sử dụng để bổ túc và phong phú hoá cho nhau qua đối thoại trong chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, vừa có nguy cơ trở thành một thảm kịch khi được sử dụng để chống đối và loại trừ nhau, tạo nên những cuộc xung đột không ngừng.

Khó khăn từ nguy cơ bị biến thành công cụ chính trị. Trong thực tế, trên phương tiện truyền thông, xuất hiện nhiều nhãn hiệu khác nhau, như bảo thủ hay cấp tiến, khuynh hữu hay khuynh tả, chống cộng hay quốc doanh, được phía này phe kia sử dụng để quy kết cho nhau. Dù mang nhãn hiệu nào, những nhóm theo những khuynh hướng sống khác nhau, đều trở nên mối quan tâm hàng đầu của những nhà chính trị ở hiện trường, cũng như của cánh làm chính trị trên mạng truyền thông, hay trong quán cà phê. Quan tâm để thừa cơ hội sử dụng tổ chức này hay loại người kia như một công cụ chính trị, để chống đối và kết án nhau, để đấu tranh cho lập trường và quyền lợi của mình.

Khó khăn khi sự u uất bị biến thành khí thế đấu tranh. Tình trạng đối kháng căng thẳng lo sợ kéo dài, tạo nên những u uất trong lòng nhiều người. Và bước kế tiếp, là mỗi khi xuất hiện một sự kiện trong sinh hoạt xã hội, hay một tin tức trên mạng truyền thông, và khi cánh này cảm thấy quyền lợi mình bị tổn thất, cánh kia quy kết là nguy hại cho quyền lực của mình, thì sự u uất bùng lên thành ngọn lửa đấu tranh. Kinh nghiệm cho thấy, dù mang tính ôn hoà hay bạo lực, một khi ngọn lửa đấu tranh bốc lên thành xung đột, trước mắt ít có tính chữa lành, lại còn làm cho vết thương cũ ngày càng hằn sâu vào đời sống cộng đồng.

4. Cởi bỏ nếp sống cũ, xây đắp nếp sống mới. Thánh Phaolô là người trước kia đã từng xông xáo đi lùng sục, bách hại và loại trừ người kitô hữu, nhưng sau biến cố té ngựa, đã trở thành sứ giả Tin Mừng cho các dân tộc. Theo kinh nghiệm của Ngài, làm mới hiện trạng đời sống bị kiềm toả trong vòng căng thẳng và loại trừ nhau, trước tiên có nghĩa là cởi bỏ nếp sống cũ, tìm lối thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của những xung đột dây chuyền. Và xây nếp sống mới, có nghĩa là nỗ lực sống yêu thương đồng cảm với đồng loại, hợp tác với mọi người kiến tạo một trật tự nhân bản hơn cho mọi chế độ xã hội hôm nay, xây mới ngôi nhà thế giới hôm nay trên nền đá vững chắc, với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, công lý và hoà bình. Nói cách khác, cởi bỏ nếp sống cũ đồng nghĩa với cởi bỏ lối sống văn hoá sự chết, và xây đắp nếp sống mới có nghĩa là nỗ lực cùng nhau vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình nhân loại hôm nay.

Nhân vật lịch sử Phaolô còn truyền lại cho hậu thế kinh nghiệm quý giá này: loài người chỉ có thể làm mới hiện trạng nếp sống nhân loại nhờ sự hợp lực với nhau, đồng thời nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí mọi người, dẫn dắt họ bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Và ý thức mục đích đổi mới là nhằm thực hiện ý định của Thiên Chúa yêu thương cứu độ, đưa gia đình nhân loại ra khỏi vòng kiềm toả của tính đối kháng và lòng tham sân si, để mọi người được tự do cùng nhau tiến bước đi đến tận nguồn sống mới, nguồn sống dồi dào, trong yêu thương và an bình.

5. Theo vết chân sứ giả Tin Mừng trong thế giới đầy mâu thuẫn và xung đột. Nhiệm vụ chăm sóc và dẫn dắt đoàn chiên của Chúa đi đến nguồn sống dồi dào, đòi hỏi linh mục hôm nay có khả năng tạo điều kiện cho cộng đoàn dân Chúa thoát khỏi vòng lẩn quẩn của những bất hoà và xung đột, để tự do tiến bước trong ánh sáng bình an và niềm vui cứu độ của Chúa, tự do cùng nhau mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội cũng như xã hội, mở đường cho công cuộc Phúc Âm hoá, loan Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Từ đó, nhiệm vụ tự đào tạo đòi hỏi linh mục quan tâm rèn luyện khả năng luôn đồng hành với Chúa trong mọi hoàn cảnh đổi thay. Đồng hành với Chúa có nghĩa là luôn ý thức ở trong thế gian để yêu thương và phục vụ như Chúa đã yêu thương và phục vụ cho sự sống của chiên trong đàn và chiên ngoài đàn. Đồng thời ý thức mình ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Không thuộc về thế gian có nghĩa là không buông theo lòng tham sân si, không thống trị theo kiểu thế gian, không chạy theo sự khôn ngoan thế gian với những chủ nghĩa duy tục hoá, duy vật chất, duy hưởng thụ, duy thực dụng... Nói cách khác, linh mục cần ý thức, trong mọi hoàn cảnh, trung thành bước đi trong đường lối khôn ngoan của Chúa. Vì lẽ trời cao hơn đất bao nhiêu thì ý định của Đấng Chí Thánh Chí Tôn cao hơn ý định của người phàm bấy nhiêu, trời rộng hơn đất bao nhiêu thì sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá rộng hơn sự khôn ngoan của loài thọ sinh bấy nhiêu. Vả lại, người xưa có câu "Thiên thời, địa lợi, nhân hoà", nhắc nhở cho linh mục phải có khả năng có những quyết định vừa thuận ý trời, vừa hợp với hoàn cảnh xã hội, vừa hoà với lòng dân.

Nhằm tạo thuận lợi cho linh mục hoàn thành nhiệm vụ mục tử, Giáo Hội quy định linh mục không tham gia cơ chế quyền lực trần thế. Và trách nhiệm cùng chỗ đứng của giáo sĩ trong cộng đồng chính trị là đồng hành với Chúa Giêsu và cộng tác với mọi người thành tâm phục vụ cho công ích, cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người, chứ không phải phục vụ cho một thế lực trần thế hay một phe phái chính trị.

6. Đồng hành với Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Ngài. Vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội hôm nay, đòi hỏi người mục tử, trong mọi sinh hoạt mục vụ, cũng như trong tổ chức và điều hành cộng đoàn dân Chúa, trước hết và trên hết vừa đồng hành với Chúa Kitô, vừa gắn liền với Giáo Hội của Ngài. Vì lẽ Chúa Giêsu luôn hiện diện và đồng hành với Giáo Hội của Ngài trên con đường tình yêu cứu độ của Ngài. Nói cách khác, đồng hành với Chúa Giêsu còn có nghĩa là một lòng một ý với người đứng đầu Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương, đồng thời hiệp thông huynh đệ tương thân tương trợ với các đồng sự và cộng sự, hiệp thông đồng cảm với đối tượng mà Chúa giao phó cho mình phục vụ.

Trên con đường xây đắp và mở rộng tình huynh đệ hiệp thông trong Giáo Hội và xã hội, người dẫn đường cần luôn có trong tâm trí và trong tầm nhìn đường lối Đấng Cứu Độ yêu thương và phục vụ với 4 bước như sau:

(1) hoà nhập vào đời sống văn hoá xã hội nhưng không để bị nhiễm thói đời, biết đồng cảm với phận người trong nhân loại, nhưng không gây phân hoá trong cộng đồng nhân loại ;

(2) dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người, với tư cách là người của Chúa, người của Giáo Hội, người của xã hội, đồng thời không làm người của một thế lực trần thế;

(3) yêu thương đến hiến thân và hiến cả mạng sống, nhằm giúp mọi người cởi bỏ nếp sống cũ, để được tự do đi đến nguồn sống mới trong yêu thương và bình an, không dừng lại ở cuộc sống duy vật chất chỉ lo cơm áo gạo tiền.

(4) cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, để được tự do tiến bước trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Chúa cứu độ, đi đến nguồn sống mới của Chúa Phục Sinh, là sự sống dồi dào trong ánh sáng chân lý và tình yêu, trong sự hiệp nhất và an bình.

7. Bí quyết làm người của Chúa, người của Giáo Hội, và người của xã hội. Gắn bó với Chúa, hiệp thông huynh đệ với mọi thành phần trong Giáo Hội cùng xã hội, để trở nên người của Chúa, người của Giáo Hội, và người của xã hội, tất cả những điều đó chỉ có thể thành hiện thực bằng cách năng gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Lời Ngài:

- Lời nhập thể làm người ở giữa chúng ta,
- Lời hiện diện trong bí tích Thánh Thể,
- Lời được ghi lại trong Sách Thánh,
- Lời được triển khai trong đời sống và giáo huấn của Giáo Hội,
- Lời được ngỏ qua dấu chỉ của thời đại,
- Lời như hạt giống được gieo vào truyền thống đạo lý và văn hoá dân tộc.

Năng gặp gỡ Chúa, và lắng nghe Lời ban ánh sáng chân lý, Lời ban sức sống mới, Lời yêu thương, Lời khôn ngoan của Ngài, người mục tử ngày càng xác tín Chúa là Đầu của Giáo Hội là Nhiệm Thể của Ngài, ngày càng mến tin Chúa và Giáo Hội của Ngài. Càng gắn bó với Chúa, thì càng hiệp thông mật thiết với cộng đồng giáo hội cùng cộng đồng xã hội, vì lẽ cộng đồng dân Chúa cùng cộng đồng nhân loại, đều là đối tượng Chúa yêu thương cứu độ và phục vụ cho sự phát triển toàn diện và vững bền.

IV. ĐỔI MỚI HIỆN TRẠNG ĐỜI SỐNG DÂN CHÚA
(x. Lời Chủ Chăn tháng 8.2011)

Lời mời gọi đổi mới

1. Chính Thiên Chúa mời gọi dân Người đổi mới con tim (x. Ez 36,26...), và đổi mới gia đình, giáo xứ, dòng tu, thành một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất (x. Cv 2, 1...).

Thánh Phaolô mời gọi người tín hữu hãy cởi bỏ nếp sống cũ, để Thánh Thần đổi mới tâm trí (x. Ep 4,22-24), cùng dẫn dắt bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Giêsu, nhờ đó, người tín hữu không ngừng lớn lên, vươn tới Con Người Mới là Đức Giêsu Đấng Cứu Độ (x. Ep 4,15). Đó là lời mời gọi đổi mới nếp sống hiện tại, để trong suy nghĩ và hành động, người tín hữu ngày càng sống trọn tình con thảo đối với Cha trên trời, và vẹn nghĩa anh em đối với mọi người trong thiên hạ, theo gương Con Thiên Chúa làm người đang ở giữa chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI xác định công cuộc đổi mới hiện trạng đời sống Giáo Hội bắt đầu từ việc đổi mới hiện trạng đời sống của mỗi người tín hữu, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân.

Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 lặp lại lời mời gọi đó đối với cộng đồng dân Chúa Việt Nam hôm nay, gồm hơn 6 triệu người công giáo trong 26 giáo phận.

A. Phương hướng đổi mới:
gắn bó với Ba Ngôi Thiên Chúa
hiệp thông với cộng đồng giáo hội cùng xã hội

2. Bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ, người tín hữu thường xuyên ý thức trong hành trình cuộc đời của mình, phải luôn gắn bó và kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vậy, mỗi lần làm dấu Thánh Giá, mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha, mỗi khi đọc kinh cầu nguyện, ngoài việc chỉ làm theo thói quen, cùng bày tỏ tâm tình cảm mến tạ ơn và những ước mong, người tín hữu hãy để tâm chu toàn ba việc đầu mối trọng yếu trong đạo làm người trong trời đất hôm nay.

Một là, trong mọi hoàn cảnh và biến cố của cuộc đời, nhất là khi phải bước đi trong sương mù hay trong phong ba bão táp, trong nghịch cảnh và trái ý, hãy nhớ luôn tìm và thi hành ý Cha trên trời, như lời Chúa Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha, như gương Thánh Gia Thất.

Hai là hãy cùng Thánh Mẫu Maria luôn kiên vững bước đi trên con đường tình yêu cứu độ mà Con Chúa làm người đã mở ra, như lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy. Ngài xác định rõ, tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu mang bốn dấu ấn nổi bật như sau:

- tình yêu mang tính hội nhập và đồng cảm với gia đình nhân loại (5 Sự Vui),
- tình yêu phục vụ cho Tin Mừng cứu độ cùng sự sống mới của mọi người (5 Sự Sáng),
- tình yêu hiến thân vì sự sống mới của gia đình nhân loại (5 Sự Thương),
- tình yêu mang tính đổi mới và mở đường cho người người tiếp cận, đón nhận "sự sống mới" của Chúa Kitô Phục Sinh (5 Sự Mừng).

Ba là, trong mọi tình huống đổi thay, hãy luôn định tâm theo sự soi sáng và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng trí mỗi người, nhờ đó, lời nói, việc làm, cách ứng xử, cách giải quyết vấn đề trong đời sống, mang lại hoa trái của Thánh Thần là sự bình an và niềm vui, yêu thương và hợp nhất, tránh tạo ra sự phân hoá trong gia đình cũng như trong cộng đồng giáo hội cùng xã hội (x.Ga 5, 22…Eph 5, 8…Col 1, 10…)

3. Bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ, người tín hữu không ngừng chung sức xây đắp tình huynh đệ hiệp thông trong gia đình Giáo Hội ở mọi cấp độ: từ mối hiệp thông giữa hàng giáo phẩm với các thành phần giáo hội, đến sự hiệp thông trong mỗi gia đình là giáo hội tại gia. Tất cả chúng ta là con một Cha trên trời, là những chi thể đa dạng đa năng trong cùng một thân thể Chúa Kitô, cùng đồng hành chung một con đường sứ vụ loan báo Tin Mừng, cùng hội nhập vào đời sống văn hoá xã hội của gia đình nhân loại, cùng dấn thân phục vụ cho sự sống làm người, mở đường cho người người đổi mới và đón nhận quà tặng "sự sống mới" của Chúa Kitô Phục Sinh.

4. Bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Kitô, người tín hữu không ngừng xây đắp tình huynh đệ liên đới đối với đồng bào và đồng loại, là anh em một nhà, cùng chung một định mệnh, chung một trách nhiệm cùng mọi người vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, qua con đường đối thoại trong chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, vì sự sống toàn diện và sự phát triển vững bền của gia đình nhân loại, đặc biệt của người lâm cảnh khó khăn, túng thiếu, về mặt thể chất cũng như tinh thần.

B. Phương thế đổi mới:
cộng tác với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần

5. Phương thế đổi mới hiện trạng đời sống Giáo Hội tại Việt Nam hôm nay, trước hết là lòng kiên trì cộng tác với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần, đặc biệt bằng việc thay đổi cách điều hành gia đình, cách lãnh đạo cộng đoàn, hướng đến hiệp thông, đồng cảm, đồng thuận, như chìa khoá của công cuộc tân Phúc Âm hoá ngày nay. Lịch sử cứu độ xác minh : Chúa Thánh Thần là chủ thể thực hiện công trình đổi mới theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha:

- Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động nơi Đức Giêsu trong suốt cuộc sống trần thế của Người để Người thực hiện công trình cứu độ trần gian (x. Mt 4,16…),

- Chúa Thánh Thần đổi mới các ngư phủ miền Galilê thành sứ giả can trường Tin Mừng Chúa Phục Sinh, và những tông đồ nhiệt thành dấn thân phục vụ và yêu thương đến cùng, vì sự sống mới của mọi người (x. Cv 2,1...),

- Ngài cũng đổi mới cộng đoàn tín hữu sơ khai gốc thuộc nhiều dân tộc với nhiều nền văn hoá khác nhau, thành một cộng đoàn yêu thương tương thân tương trợ, một lòng một ý phục vụ cho sự sống và sự phát triển của mọi người (x. Cv 2, 42-46 ; 4, 32...).

Đời sống Giáo Hội để lại cho ta kinh nghiệm quý giá này : Lời Chúa và Chúa Thánh Thần là hai bàn tay Cha trên trời dùng uốn nắn người tín hữu ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa làm người, là Trưởng Tử mọi loài thọ sinh. Đồng thời hai bàn tay đó tạo khả năng cho mỗi người biến những thử thách và gian khổ, những thua thiệt và mất mát, cả những lời phê phán, chỉ trích, kết án, thành cơ hội đổi mới hiện trạng đời sống bản thân theo hình mẫu Đức Giêsu Kitô là Chân Lý, là Sự Sống, là Tình Yêu, và là Đường dẫn đến cội nguồn mọi điều thiện hảo cho mọi người.

6. Vì thế, để đổi mới hiện trạng đời sống giáo hội, các tín hữu cần cộng tác với Chúa Thánh Thần bằng đời sống chuyên cần cầu nguyện, năng gặp gỡ Chúa và lắng nghe Lời Ngài. Lời Chúa nói trong Sách Thánh và trong các bí tích, trong giáo huấn của Giáo Hội và dấu chỉ của thời đại, trong nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương. Đồng thời cùng nhau khám phá Lời Chúa nói trong cuộc sống, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống lời Chúa dạy trong mọi hoàn cảnh đổi thay.

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ cho ta kinh nghiệm quý báu này : - năng gặp gỡ Chúa và lắng nghe Lời Ngài, người tín hữu ngày càng biết Chúa hơn, - càng biết Chúa, người tín hữu càng mến tin Ngài, - càng mến tin Chúa, ngày càng vững vàng tiến bước trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Ngài, và đời sống tín hữu càng trở nên phong phú. Ngài mời gọi người tín hữu đổi mới cách cầu nguyện. Đổi mới từ cách cầu nguyện chỉ theo thói quen lặp lại những công thức kinh nguyện, đến cách có thêm ý thức và chú tâm cùng với Thánh Mẫu Maria chiêm ngắm Chúa Giêsu, mở rộng lòng trí đón nhận tâm tư của Ngài, và quyết tâm bước theo Ngài trên con đường tình yêu cứu độ (x. Tông huấn "Mầu nhiệm Mân côi", 10.2002). Cách cầu nguyện với ý thức và quyết tâm đó sẽ mở đường cho mỗi người tín hữu đổi mới lối cảm nghĩ và lối sống bước theo Chúa Kitô đang hiện diện và đồng hành với mình trên con đường tình yêu đồng cảm, dấn thân phục vụ, hiến thân đổi mới sự sống của gia đình nhân loại.

7. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nay là Chân Phước Gioan Phaolô II, giờ đây Ngài đang tiếp tục cầu khẩn Thiên Chúa chúc phúc cho những ai mang ra thực hành những lời Ngài dạy để đổi mới hiện trạng đời sống Giáo Hội hôm nay theo như lòng Chúa mong muốn và như dân Người mong đợi.

V. ĐỔI MỚI HIỆN TRẠNG NẾP SỐNG VĂN HOÁ
(x. Lời Chủ Chăn tháng 9.2011)

Lời Chủ Chăn tháng 8 vừa qua đã khai mở con đường đổi mới hiện trạng đời sống dân Chúa hôm nay. Lời Chủ Chăn tháng 9 này mong gợi mở cho mọi người suy nghĩ vể con đường đổi mới hiện trạng nếp sống văn hoá trong Giáo Hội cũng như trong xã hội hôm nay.

1. Nếp sống văn hoá là gì? Trong Lời Chủ Chăn này, ý niệm "nếp sống văn hoá" được gói gọn trong nếp suy nghĩ và cách diễn tả, quan điểm và thái độ, phương hướng và cung cách điều hành cùng giải quyết vấn đề trong gia đình, trong cộng đồng giáo hội và xã hội hôm nay.

Đổi mới là gì? Đổi mới trước tiên là đổi mới tầm nhìn, nhìn nếp sống văn hoá, - quan điểm và thái độ, cách điều hành và giải quyết vấn đề, - nhìn dưới ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Đức Giêsu Đấng cứu độ, từ đó tìm cách điều chỉnh những sai lạc, bổ sung những thiếu sót, và đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong nếp sống văn hoá. Đó là con đường Tân Phúc Âm hoá trong xã hội đất nước và thế giới hôm nay.

2. "Tôi chọn Giêsu". Đó là chủ đề Đại hội Giáo Lý Viên trong tháng vừa qua. Cách nói "Tôi chọn Giêsu" đặt ra những chấm hỏi, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho nhiều người suy nghĩ và tìm câu trả lời thích hợp với đời sống kitô hữu trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm nay.

- Tại sao gọi Chúa của mình, Thầy của mình, đơn giản bằng cái tên "Giêsu"?
- Trong lịch sử cứu độ, hành trình trên con đường "Giêsu" xuyên qua những trải nghiệm nào?
- Lập trường "chọn Giêsu" trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm, có ý nghĩa gì?
- Mối tương quan giữa Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo là gì?
- Tin Mừng Đức Giêsu Đấng Cứu Độ có liên quan gì với truyền thống đạo lý và văn hoá của dân tộc?

3. Tại sao gọi Chúa của mình, Thầy của mình, đơn giản bằng tên "Giêsu"?

Nhìn từ góc độ đạo hiếu, người trẻ hôm nay chắc hẳn không có ý xúc phạm đến Chúa của mình, cũng không có ý khinh thường Thầy của mình, song muốn đáp lại lời Thầy Giêsu mời gọi các đồ đệ sống tình bằng hữu tâm giao (x. Ga 15,14-17), gắn bó mật thiết với Ngài, luôn lắng nghe Lời Ngài, và đồng hành trên con đường tình yêu cứu độ của Ngài.

Hành trình trên con đường "Giêsu" gồm có 4 bước:

- hoà nhập và đồng cảm với phận người trong gia đình nhân loại,
- dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và cho sự sống của mọi người trong gia đình nhân loại,
- yêu thương họ đến hiến thân và hiến cả mạng sống, để mở đường cho mọi người đi đến sự sống dồi dào,
- cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, giúp họ bước đi trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Đức Giêsu Đấng Cứu Độ, tiến đến nguồn sống dồi dào, trong yêu thương và an bình.

4. Trong lịch sử cứu độ, hành trình trên con đường "Giêsu" xuyên qua những trải nghiệm nào?

Lớn lên trong môi trường văn hoá xã hội của cộng đồng dân tộc, các đồ đệ đầu tiên, sau 3 năm bước theo Thầy Giêsu và gắn bó với Ngài, vẫn chia sẻ cùng một não trạng và một tầm nhìn với đồng bào mình, vẫn hiểu và mong đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ của ngoại bang là đế quốc Roma. Chính vì mang não trạng và tầm nhìn sai lạc đó, các ông lâm cảnh buồn nản, thất vọng, thối chí, khủng hoảng niềm tin, trước thái độ Thầy Giêsu tự ý chấp nhận khổ đau và chết chóc của phận người.

Chỉ thời gian ngắn sau cái chết của Đức Giêsu, các ông được phúc gặp lại Đức Giêsu Phục Sinh nhiều lần, niềm tin vào Chúa Cứu Độ được phục hồi, và soi sáng cho các ông dần dần ngộ ra rằng:

(1) sứ mạng Đức Giêsu Con Chúa làm người là thực hiện ý định cứu độ của Chúa Cha trên trời, là giải phóng gia đình nhân loại khỏi ách nô lệ mọi sự dữ, mọi sai sót, trong mọi chế độ xã hội, vì lẽ đó là nguyên nhân tạo ra những vấn đề nghiêm trọng đời sống nhân loại theo chiều dài của dòng lịch sử loài người;

(2) Tự ý chấp nhận khổ đau và chết chóc, Thầy Giêsu muốn bày tỏ một tình yêu không còn tình yêu nào lớn hơn, một tình yêu vừa khiêm tốn hoà nhập vào môi sinh ô nhiễm của xã hội loài người, vừa quảng đại dấn thân phục vụ và cho đi tất cả, vừa tự hạ làm con chiên chuộc tội, để nâng cao con người đến tận nguồn sống mới;

(3) Sứ vụ của Giáo Hội mà Đức Giêsu Kitô đã thiết lập trên nền tảng các tông đồ, là tiếp nối con đường yêu thương cứu nhân độ thế của Đức Giêsu Kitô trong dòng lịch sử nhân loại, và mọi thành phần trong Giáo Hội đều chia sẻ một trách nhiệm chung.

Và sau khi đón nhận tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí các ông, các ông đã trở nên sứ giả can trường và không mỏi mệt loan truyền Tin Mừng cứu độ của Chúa Phục Sinh, và phục vụ cho sự sống con người, trong mọi hoàn cảnh văn hoá xã hội, lúc thuận lợi cũng như khi bất lợi.

5. Ý nghĩa lập trường "chọn Giêsu" trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm nay

Đức Giêsu bày tỏ cho gia đình nhân loại biết Ngài là Chân Lý tròn đầy, là Tình Yêu vô biên, là Sự Sống viên mãn, và là Đường dẫn đến cội nguồn mọi điều thiện hảo, đáp lại khao khát và ước mơ của loài người. Chân Lý, Tình Yêu, Sức Sống đó, được thông truyền cho gia đình nhân loại qua Lời Chúa, Lời nhập thể làm người ở giữa chúng ta, Lời hiện diện trong bí tích Thánh Thể, Lời được ghi lại trong Sách Thánh, Lời được triển khai trong đời sống và giáo huấn của Giáo Hội, Lời được ngỏ qua dấu chỉ của thời đại, Lời như hạt giống đã được gieo vào truyền thống đạo lý và văn hoá dân tộc. "Chọn Giêsu" có nghĩa là bày tỏ quyết tâm năng gặp gỡ Ngài, lắng nghe Lời Ngài, bước đi trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Ngài trong mọi hoàn cảnh, tham gia vào sứ vụ loan truyền Tin Mừng cứu độ của Ngài, và phục vụ cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền của cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay.

6. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo hôm nay

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo triển khai Lời Chúa, Tin Mừng của Chúa, nhằm soi đường mở lối cho mọi người tín hữu tham gia vào công cuộc xây đắp một nền nhân bản mới, một trật tự xã hội mới, cho đời sống văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị, của cộng đồng nhân loại hôm nay (x. Thông điệp "Tình Yêu trong Chân Lý', của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI). Nói cách khác, là dẫn dắt người tín hữu tham gia sứ vụ Phúc Âm hoá các thực tại trần thế trong đời sống nhân loại hôm nay.

7. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và truyền thống đạo lý cùng văn hoá của dân tộc

Phúc Âm hoá hôm nay, trước tiên là tìm những hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng đất truyền thống đạo lý và văn hoá lành mạnh của dân tộc, chăm sóc cùng vun tưới cho những hạt giống đó phát triển và sinh hoa trái thơm lành cho đời sống gia đình và xã hội hôm nay.

Những hạt giống Lời Chúa là hạt giống Tin Mừng Sự Sống, hạt giống Tin Mừng Tình Thương. Trong bối cảnh văn hoá xã hội hôm nay, chăm sóc và vun tưới cho những hạt giống Lời Chúa có nghĩa là góp công góp sức vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình và xã hội, vì sự sống và sự phát triển con người cùng đất nước hôm nay.

8. Đồng hành trên đường "Giêsu", giúp trở nên con người mới, con người tốt trong trời đất và đất nước hôm nay

Tham gia sứ vụ Phúc Âm hoá các thực tại trần thế, chung sức xây đắp một trật tự xã hội ngày càng nhân bản hơn, cho mọi lãnh vực văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị, - góp công góp sức vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình và xã hội hôm nay, - tất cả những nỗ lực đó mang ý nghĩa vừa là đồng hành với Đức Giêsu phục vụ cho sự sống toàn diện của đồng bào và đồng loại, vừa là đồng hành cùng cộng đồng dân tộc phục vụ cho sự phát triển vững bền của đất nước. Nói khác đi, đó cũng là cách làm người công giáo tốt và công dân tốt trong xã hội hôm nay, theo như lời Đức Bênêđitô XVI đã dạy.

Vì thế, "chọn Giêsu" và đồng hành với Ngài, đặt ra cho mọi người công giáo hôm nay hai điều kiện:

- một là cởi bỏ nếp sống cũ, nếp sống theo bản năng tự vệ để sinh tồn, một nếp sống khiến lòng trí con người bị đình bộ, hay bị đóng băng trong thái độ đối kháng và loại trừ nhau, như nhân vật Cain trong Kinh Thánh;

- hai là nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn mỗi người tiến bước trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Đức Giêsu, và làm theo lời hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđitô XVI đã dạy : hãy kiên trì đối thoại trong ánh sáng chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích. Vì lẽ đối thoại nhằm hợp tác phục vụ cho công ích, là phương cách mở đường cho mọi người cải thiện và đổi mới hiện trạng đời sống, và là điều kiện cần thiết cho công cuộc Phúc Âm hoá thực tại trần thế trong mọi hoàn cảnh văn hoá xã hội, lúc thuận lợi cũng như khi bất lợi.

9. Bí quyết thành công trên con đường làm mới hiện trạng đời sống giáo hội và xã hội

Bí quyết thành công trên con đường làm mới hiện trạng đời sống giáo hội và xã hội, trước tiên là năng gặp gỡ Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ, lắng nghe Lời Ngài, mở rộng lòng trí đón nhận ân ban Thánh Thần. Vậy trên con đường đổi mới hôm nay, mọi người, mọi gia đình, mọi cộng đoàn tin hữu, hãy làm theo lời Thánh Phaolô cùng Giáo Hội nhắc nhở, là hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện. Hãy năng cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới, ơn soi sáng và ơn sức mạnh, giúp mọi người chung sức làm mới nếp sống văn hoá của gia đình cùng xã hội đất nước hôm nay.
Theo lời nhắn nhủ của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thường xuyên tiếp cận với Chúa, lắng nghe Lời Ngài, còn là điều kiện để nhận được mọi ơn lành của Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, hằng yêu thương chăm lo cho mọi người, đặc biệt người lâm cảnh khó khăn, vật chất cũng như tinh thần.

VI. XÂY MỚI BA TRỤ CỘT CỦA ĐỜI SỐNG ĐẠO
(x. Lời Chủ Chăn tháng 4.2011)

Nhân Mùa Chay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta xây mới ba trụ cột cho đời sống đạo của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn. Theo lời Chúa dạy, ba trụ cột đó là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Đổi mới cách làm ba việc đạo đức nầy là điều kiện cần thiết giúp mỗi người tham dự vào đời sống mới của Chúa Phục Sinh, là đời sống hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng thời hiệp thông với nhau cùng với mọi người là con một Cha trên trời, là anh em một nhà. Hiệp thông để loan Tin Mừng Chúa Phục Sinh.

1. Đổi mới cách ăn chay. Tập tục xưa nay nhắc nhở chúng ta ăn chay là nhịn ăn bớt uống vào thời gian luật định. Theo Lời Chúa dạy, ăn chay còn là cởi bỏ, chế ngự con người cũ với lòng tham sân si, với tính ích kỷ và tự mãn, để cho lòng tin cậy mến đối với Ba Ngôi Thiên Chúa, được lớn lên và mở rộng. Đồng thời còn là khắc phục những thiếu sót, và thoát ra khỏi những thói quen sơ chai, những khung nếp hẹp hòi, để con người mới được tăng trưởng và bước vào cõi sống mới của Chúa Phục Sinh.

2. Đổi mới cách cầu nguyện. Luật lệ xưa nay dạy cho chúng ta lặp lại những công thức kinh kệ sẵn có. Theo lời Chúa dạy, cầu nguyện còn là gặp gỡ Chúa, lắng nghe tiếng Chúa nói trong lịch sử, trong đời sống, qua mọi biến cố, qua những thời điềm, những dấu chỉ, với lòng trí mở rộng đón nhận ánh sáng chân lý và sức mạnh tình yêu của Chúa, để luôn tìm và thi hành ý Chúa, trong mọi tình huống của cuộc đời, vui buồn, lo âu và hy vọng. Theo lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cầu nguyện còn là cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Chúa Giêsu và bước theo Ngài trên con đường hội nhập và dấn thân phục vụ, hiến thân và đổi mới đời người.

3. Đổi mới cách bố thí. Theo thói quen xưa nay, bố thí là chi một số tiền cho người nghèo. Theo gương Chúa Giêsu dạy, bố thí còn là cho đi, là chia sẻ, với một tấm lòng quảng đại và vị tha, bao dung và đồng cảm, với sự trân trọng đối với con người, cả người lâm cảnh sống bên lề xã hội, hay bị xã hội loại trừ. Chúa đã chia sẻ không những ánh sáng và sức sống của Lời Ngài cùng tình yêu nơi Ngài, mà còn cho đi cả sự sống cùng mạng sống mình, vì sự sống mới của gia đình nhân loại. Cho đi như thế là biểu hiệu của một tình yêu không còn tình yêu nào lớn hơn, là yêu thương đến cùng.

4. Cầu xin ơn đổi mới. Chúng ta hãy chung lòng chung ý khẩn xin Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới cách làm những việc đạo đức trong đời sống thường ngày. Đồng thời giúp sức cho chúng ta đáp lại lời Đại Hội Dân Chúa năm 2010 kêu gọi xây mới ngôi nhà Giáo Hội tại gia là gia đình, Giáo Hội tại cộng đoàn là giáo xứ, dòng tu, Giáo Hội tại địa phương là giáo phận.

VII.ĐỔI MỚI CÁCH CẦU NGUYỆN

Trong Tông thư "Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria", 16.10.2002, Đức cố Gioan Phaolô II đã giới thiệu 20 Mầu nhiệm Mân Côi là bản tóm tuyệt vời cuộc đời trần thế và Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Và Ngài mời gọi người tín hữu, khi cầu nguyện với chuỗi Mân Côi, hãy cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Con Chúa làm người yêu thương cứu độ, mang lấy tâm tư của Chúa, cùng bước theo Chúa.

Năm Sự Vui

Chiêm ngắm Chúa Yêu thương hoà nhập
vào đời sống gia đình nhân loại
Ta hãy xin bước theo Chúa Giêsu ...

1. Khiêm tốn chia sẻ và đồng cảm với phận người
(Truyền tin : Lc 1,26-38).
2. Mang lại niềm vui cứu độ cho nhà nhà (Thăm viếng : Lc 1,39-56).
3. Đem lại bình an cho người thiện tâm (Giáng sinh : Lc 2,1-20).
4. Tận hiến cho Chúa Cha để nên ánh sáng cho muôn dân
(Dâng hiến : Lc 2,22-32).
5. Chuyên cần tìm học ý Chúa Cha yêu thương cứu nhân độ thế
(Trong đền thờ : Lc 2,41-52).

Năm Sự Sáng

Chiêm ngắm Chúa yêu thương dấn thân phục vụ
Ta hãy xin bước theo Chúa Giêsu ...

1. Quyết tâm thi hành ý định của Chúa Cha cứu nhân độ thế
(Phép rửa : Mt 3,13-17).
2. Đồng hành với các gia đình trong vui buồn, lo âu và hy vọng
(Dự tiệc cưới : Ga 2,1-11).
3. Loan Tin Mừng và phục vụ cho sự sống của mọi người
(Loan Tin Mừng : Mc 1,14-15. 21-34).
4. Mở rộng con tim đón nhận và toả sáng lòng từ ái bao dung
(Hiển dung : Mt 17,1-18).
5. Tự hạ hiến thân vì sự sống và sự hợp nhất gia đình nhân loại
(Lập phép Thánh Thể : Mc 14,17-25).

Năm Sự Thương

Chiêm ngắm Chúa yêu thương đến cùng
Ta hãy xin bước theo Chúa Giêsu ...

1. Quyết tâm từ bỏ ý riêng để làm theo ý Cha
(Cầu nguyện : Lc 22,39-44).
2. Tự nguyện đón nhận khổ đau để giải thoát nhân trần
(Chịu đánh đòn : Mc 14,43-47).
3. Chấp nhận tủi nhục để phục hồi phẩm giá con người
(Đội mão gai : Mc 15,16-20).
4. Hiến thân và hiến mạng sống để cứu độ nhân sinh
(Vác thập giá : Mc 15,21-22; Lc 23,26-34).
5. Biến cái chết trên thập giá thành tình yêu toàn hiến
(Chịu chết : Mc 15,33-39).

Năm Sự Mừng

Chiêm ngắm Chúa yêu thương đổi mới phận người
Ta hãy xin bước theo Chúa Giêsu ...

1. Đổi mới phận người và đem lại sự sống mới cho mọi người
(Sống lại : Mc 16,1-16).
2. Mở lối đi vào cõi sống mới chan hoà ánh sáng chân lý và tình yêu
(Lên trời : Cv 1,6-11).
3. Chia sẻ ơn Chúa Thánh Thần là nguồn lực đổi mới và hợp nhất nhân loại (Chúa Thánh Thần hiện xuống : Cv 2,1-13).
4. Quy tụ nhân thế trong Nước Chúa chan hoà ánh sáng an bình
(Kh 12,1 : Thánh Mẫu đầu đội triều thiên, mình khoác mặt trời)
5. Mở rộng Nước Chúa cho người người hưởng phúc trường sinh.
(Gđt 15,9-10 : Thánh Mẫu là niềm hân hoan, niềm vinh hạnh của Dân Chúa)

VIII. ĐÓN NHẬN VÀ CHIA SẺ CHO NHAU
QUÀ TẶNG CỦA CHÚA KITÔ PHỤC SINH

(x. Lời Chủ Chăn tháng. 5. 2011)

1. Quà tặng Phục Sinh. Quà tặng của Chúa Kitô Phục Sinh cho nhân loại là sự sống mới, sự sống dồi dào trong Nước Chúa là cõi đất trời chan hoà ánh sáng chân lý và tình yêu, công lý và hoà bình. Điều kiện đón nhận và chia sẻ quà tặng đó là bước theo Chúa Kitô trên con đường hội nhập và dấn thân phục vụ, hiến thân và đổi mới, tiếp nối sứ vụ Phúc Âm hoá của Ngài, và cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần đổi mới đời sống con người cùng gia đình và xã hội. Giáo phận thành lập Ban Mục Vụ Công Lý và Hoà Bình, nhằm tạo điều kiện cho mọi người chúng ta đón nhận và chia sẻ quà tặng đó cho đồng bào và đồng loại. Vậy, anh chị em hãy dành chút thời giờ, tìm hiểu nguồn gốc, mục đích, nhiệm vụ của Ban Mục Vụ này, và nhiệm vụ Phúc Âm hoá của người công giáo trong hoàn cảnh xã hội hôm nay.

2. Nguồn gốc của Tổ Chức Công Lý và Hoà Bình. Dựa vào giáo huấn của Công Đồng Vatican II dạy người môn đệ của Chúa Kitô hội nhập vào đời sống văn hoá xã hội, đồng cảm và chia sẻ "Vui mừng và hy vọng , ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là người lâm cảnh túng thiếu và khổ đau..." (VMHV,số 1), và dựa giáo huấn của Giáo Hội đã xác định về sứ vụ Phúc Âm hoá của người kitô hữu đối với cộng đồng nhân loại : "Không có gì liên quan đến đời sống xã hội trần thế mà lại nằm ngoài công cuộc Phúc Âm hoá ", đồng thời theo đề xuất của Công Đồng Vatican II, năm 1976, Đức Giáo hoàng Phaolô VI hình thành Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình (CLHB). Đến năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cải tổ thành Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý Hoà Bình (HĐGH.CLHB).

3. Mục đích của HĐGH.CLHB. Mục đích là phối hợp với các tổ chức liên hệ, tạo điều kiện cho mọi thành phần dân Chúa tham gia công cuộc Phúc Âm hoá những thực tại trần thế cùng đời sống con người, góp phần cùng cộng đồng nhân loại xác lập một nền nhân bản mới cùng một trật tự xã hội mới cho thế giới toàn cầu hoá hôm nay (x. Thông điệp "Tình Yêu trong Chân Lý" của ĐGH Bênêđitô XVI, Vatican, 29.6.2009). Nói cách khác, tham gia công cuộc Phúc Âm hoá là chung sức với mọi người thiện tâm xây mới ngôi nhà gia đình nhân loại trên nền đá vững chắc là Lời Chúa (x. Mt 7, 24-27; Lc 6, 46-49), với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, công lý và hoà bình (x.TV 85, 11-12).

Đó cũng là mục đích của Uỷ Ban CLHB thuộc HĐGM.VN cùng Ban Mục Vụ CLHB của giáo phận, với chức năng mục vụ là soi đường dẫn lối cho cộng đồng dân Chúa làm chứng và loan truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, cùng tiếp nối sứ vụ Phúc Âm hoá của Ngài, vì sự sống cùng sự phát triển con người và đất nước hôm nay.

4. Nhiệm vụ của Ban Mục Vụ Công Lý và Hoà Bình giáo phận. Nhiệm vụ cụ thể là nghiên cứu, đào sâu, và phố biến Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, đặc biệt nội dung những văn bản sau đây:

- "Hợp tuyển giáo huấn của Giáo Hội về xã hội" trong hai thế kỷ 19 và 20, do HĐGH.CLHB xuất bản năm 2000, với Lời Tựa của ĐHY PX Nguyễn Văn Thuận, đương kim Chủ tịch của HĐGH.CLHB;

- "Tổng lược Học Thuyết xã Hội của Giáo Hội Công Giáo", xuất bản năm 2004, với Lời giới thiệu của ĐHY Sodano, Quốc Vụ Khanh Vatican, và của ĐHY Martino, đương kim Chủ tịch HĐGH.CLHB.

Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội triển khai Lời Chúa là nguồn ánh sáng chân lý về sự sống con người cùng nhân phẩm và nhân quyền, về gia đình và cộng đồng xã hội, về các mối quan hệ xã hội cùng bang giao giữa các dân tộc. Ban Mục Vụ CLHB phổ biến giáo huấn đó nhằm soi đường dẫn lối cho mọi thành phần dân Chúa đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong đời sống văn hoá và xã hội, kinh tế tài chính và chính trị của cộng đồng nhân loại hôm nay (x. Thông điệp "Tình Yêu trong Chân Lý").

Đó là con đường cộng đồng dân Chúa thi hành sứ vụ Phúc Âm hoá những thực tại trần thế, hướng đến xác lập một nền nhân bản mới cùng một trật tự xã hội mới cho trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay,

5. Công cuộc Phúc Âm hoá và nhiệm vụ của người công giáo hôm nay. Công cuộc Phúc Âm hoá với định hướng trên đề ra cho mọi thành phần dân Chúa, - giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, cộng đoàn giáo xứ cùng các tổ chức mục vụ và các tổ chức tông đồ giáo dân, - ba nhiệm vụ chính như sau:
Nhiệm vụ I. Chuyên cần cầu nguyện và mở rộng lòng trí tiếp nhận nguồn ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa Giêsu Đấng cứu độ, tiếp nhận ơn hiểu biết và ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh và ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác là thường xuyên sống hiệp thông mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa để tìm và thi hành ý Cha trên trời.

Nhiệm vụ II. Mở rộng tình huynh đệ hiệp thông và ý thức trách nhiệm liên đới trong Giáo Hội cùng xã hội, nhằm đưa nguồn ánh sáng chân lý và tình yêu cùng những giá trị Tin Mừng vào trong đời sống con người và xã hội, từng bước xoá tan những bóng đen của lối sống văn hoá sự chết, đồng thời vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình cùng xã hội;

Nhiệm vụ III. Cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần đổi mới con người cùng những thực tại trần thế hôm nay. Trong bối cảnh văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị hôm nay, việc cộng tác với Chúa Thánh Thần đòi hỏi các thành phần dân Chúa hội nhập vào đời sống văn hoá xã hội, dấn thân phục vụ cho sự sống con người, và chung sức với mọi người thiện tâm thực hiện ba công việc đổi mới này:

- Đổi mới từ "luật vị luật" hướng đến "luật vị nhân sinh". Đổi mới qua con đường sáng suốt và khôn ngoan khắc phục tính bất cập và bất công trong hệ thống cơ chế luật lệ trong xã hội, vượt qua hiện trạng "luật vị luật", luật mang tính cục bộ và bất bình đẳng, đi đến thực thi "luật vị nhân sinh", luật mang tính tôn trọng sự sống, nhân phẩm và nhân quyền, tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi thành phần và giai cấp xã hội, tôn trọng sự tự do làm người hữu ích cho cộng đồng xã hội, hướng đến một trật tự xã hội nhân bản hơn.

- Đổi mới từ khuynh hướng đối đầu hướng đến đối thoại và hợp tác huynh đệ. Đổi mới qua con đường tình thương thuyết phục con người, rèn luyện thế hệ trẻ ý thức và quyết tâm vượt qua lối sống vô nhân và vô tâm, thiếu tự trọng và trung thực, thừa gian trá và bạo lực trong các mối quan hệ xã hội, hướng đến vun đắp lối sống văn hoá sự sống cùng văn minh tình thương cho gia đình cùng xã hội đất nước.

- Đổi mới từ lối sống tha hoá hướng đến lối sống nhân bản hơn. Đổi mới qua con đường bình tâm và quyết tâm xoá dần những tệ nạn xã hội đã tạo ra những thảm trạng cho đời sống con người, gia đình và xã hội, hướng đến một lối sống mang tính người và tình người hơn, một xã hội lành mạnh và nhân đạo hơn, một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội hôm nay.

6. " Hãy báo cho anh em Ta..., để anh em sẽ gặp lại Thầy..." (x. Mt 28, 10). Trong hoàn cảnh văn hoá xã hội hôm nay, việc đáp lại tiếng Chúa Phục Sinh mời gọi loan báo Chúa Phục Sinh, làm men muối và ánh sáng Tin Mừng cho đời, Phúc Âm hoá thực tại trần thế, đòi hỏi mọi thành phần giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, thực hiện hai công việc này:

- trước tiên là, trong tình hiệp thông huynh đệ, hãy cùng nhau thống nhất chung một đường hướng Phúc Âm hoá các thực tại nhân loại trên quê hương đất nước hôm nay;

- thứ đến, chú tâm chu toàn nhiệm vụ Phúc Âm hoá, chung sức với mọi người vun đắp một nền nhân bản mới và một trật tự xã hội mới cho cộng đồng xã hội hôm nay.

7. Đón nhận và chia sẻ quà tặng của Chúa Phục Sinh

Chúng ta hãy chuyên cần cầu nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, thương ban ơn cho mọi người, mọi gia đình,mọi cộng đoàn, mọi tổ chức trong gia đình giáo phận, ý thức đón nhận quà tặng của Chúa Phục Sinh, và quan tâm chia sẻ quà tặng vô giá đó cho nhau, cho mọi người, vì sự sống dồi dào và sự phát triển toàn diện của con người cùng đất nước hôm nay.

IX. CHUNG SỨC KIẾN TẠO NỀN HOÀ BÌNH CHÂN CHÍNH
(x. Lời Chủ Chăn tháng 7.2011)

1. Nền hoà bình chân chính

Lịch sử loài người xác minh con người ở mọi nơi mọi thời luôn khao khát hoà bình. Thiên Chúa là nguồn sự bình an (x.Tp 6,24), và Ngài yêu thương loài người đến độ gửi Người Con Một là Đức Giêsu Kitô hoà nhập vào đời sống gia đình nhân loại, mang lại quà tặng "bình an" cho mọi người, mọi dân tộc (x. Lc 7, 10-14).

Như thế, nền hoà bình chân chính là nền hoà bình được xây trên nền tảng mối quan hệ thân thiết tin yêu giữa con người với Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, cùng trên nền tảng tình huynh đệ giữa con người với nhau là anh em một nhà. Nói cách khác, nền hoà bình chân chính, không đơn giản chỉ là vắng bóng chiến tranh, song là một cuộc sống chan hoà niềm tin yêu đối với Thiên Chúa, và tình huynh đệ hài hoà, tình tương thân tương trợ, tương kính tương nhượng, giữa con người với nhau, cũng như giữa các dân tộc trên mặt địa cầu hôm nay.

2. Nền hoà bình vững bền

Đối với người tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương, nỗ lực xây dựng hoà bình gắn liền với việc thi hành sứ vụ loan truyền Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Vì lẽ Đức Giêsu Kitô là Sự Thật tròn đầy về Thiên Chúa và con người cùng vũ trụ, là Sự Sống viên mãn cho gia đình nhân loại, là Tình Yêu vô biên đối với loài người, và là Đường dẫn mọi người, mọi dân tộc đi đến nguồn sự thật, nguồn sống mới, nguồn tình yêu.

Vì thế, nền hoà bình vững bền là nền hoà bình được xây trên nền đá vững chắc là Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, là nền hoà bình được xây trên viên đá nền sự thật, sự thật về Thiên Chúa, sự thật về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, đồng thời được xây trên viên đá nền tình yêu, mà văn hoá Việt Nam gọi là tình huynh đệ đại đồng, bốn biển anh em một nhà.

3. Con đường xây dựng hoà bình

Hoà bình bị đe doạ, khi nhân phẩm, nhân quyền của con người bị khinh miệt, khi sự sống và sự phát triển của dân tộc bị bóp nghẹt. Hoà bình còn bị đe doạ và có nguy cơ tan vỡ, khi sử dụng bạo lực và vũ lực để giải quyết những bất đồng và những tranh chấp. Bạo lực, chiến tranh, khủng bố, là những biểu hiện của văn hoá sự chết. Lịch sử loài người xác minh : sử dụng văn hoá sự chết để bắt nạt, trấn áp, và buộc người khác tuân thủ, làm theo ý đồ của mình, chỉ có thể gieo rắc hận thù và bất ổn, đau thương và chết chóc, và cuối cùng chỉ tạo ra một sự câm lặng tạm bợ của một nhà tù hay một nghĩa trang.

Vì thế, Giáo hội Công giáo đề nghị mọi người, mọi dân tộc, kiên trì bước theo con đường đối thoại trong ánh sáng chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, nhằm giải quyết mọi vấn đề, mọi bất đồng, mọi tranh chấp thuộc mọi lãnh vực của đời sống nhân loại hôm nay.

Công lý là lẽ phải đòi hỏi mọi người chung sức xoá bỏ những bất công trong xã hội, những cản trở sự sống và nhân quyền, những chướng ngại cho sự phát triển của đất nước. Như thế, công lý chỉ nhằm loại trừ những mối đe doạ hoà bình. Còn niềm tin và tình huynh đệ mới là động lực và là sức mạnh kiến tạo một nền hoà bình chân chính và vững bền.

4. Động lực và sức mạnh kiến tạo hoà bình

Niềm tin và lòng khoan dung, hỷ xả:

- mở rộng tầm nhìn của con người về thế giới toàn cầu hoá hôm nay như một ngôi làng, như một ngôi nhà chung, nơi đó các dân tộc trở nên láng giềng chung sống với nhau trong tình làng nghĩa xóm;
- mở rộng cách tiếp cận với đồng bào và đồng loại như anh em một nhà;
- đồng thời có sức biến đổi và làm mới cuộc sống con người, gia đình và xã hội, một cuộc sống chan hoà tính người và tình người. Tình huynh đệ khoan hoà liên kết mọi thành phần xã hội, mọi dân tộc, chung lòng chung sức kiến tạo một nền hoà bình chân chính và vững bền cho ngôi nhà chung của mình.

5. Kiến tạo hoà bình là nghĩa vụ của mọi người, mọi dân tộc

Xây dựng một nền hoà bình chân chính và vững bền là nghĩa vụ của hết mọi người, mọi dân tộc. Người công giáo có nhiệm vụ, bước theo con đường đối thoại trong ánh sáng chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, chung sức với mọi người thành tâm thiện chí, kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho đất nước và thế giới hôm nay. Đó là phương cách lấy ánh sáng chân lý và sức mạnh của tình yêu thương xoá dần những bất công trong xã hội, những dấu vết của văn hoá sự chết, những mối đe doạ nền hoà bình trong đời sống gia đình nhân loại hôm nay.

6. Cầu nguyện là một phương thế kiến tạo hoà bình

Một phương thế kiến tạo hoà bình mà mỗi người công giáo, mỗi gia đình và cộng đoàn tín hữu, có sẵn trong tầm tay, là cầu nguyện.

Cầu nguyện giúp chúng ta mở rộng lòng tin, lòng đạo, lòng nhân, và quan tâm:

- tôn trọng nhân quyền và quý trọng nhân phẩm,
- đồng cảm, khoan dung, hỷ xả đối với mọi người anh em đồng bào và đồng loại,
- khiêm tốn phục vụ cho sự sống và sự phát triển của con người cùng đất nước.

Cầu nguyện vừa mở rộng tấm lòng đón nhận nguồn lực yêu thương phục vụ, vừa hướng tâm trí lên đỉnh cao của lòng quý chuộng hoà bình.

7. Các cộng đoàn tín hữu hãy tổ chức cầu nguyện cho hoà bình

Vậy chúng ta hãy không ngừng chung lời cầu nguyện cho nền hoà bình trong tình hình đất nước và thế giới hôm nay, với niềm hy vọng mọi người, mọi dân tộc, biến những thách thức thành cơ hội đón nhận quà tặng "bình an”, cơ hội cùng nhau kiến tạo hoà bình, như lòng Chúa mong muốn, như muôn dân khát mong.

KINH HOÀ BÌNH của Thánh Phanxicô Assisi

Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu
và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con
như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm;
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng;
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con :
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái,
Xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống
Cho những ai lòng đầy thiện chí,
Ơn an bình.

XI. CẦU NGUYỆN CHO HOÀ BÌNH
(Tâm sự trong cuộc gặp gỡ liên tôn, 27.10.2011)

Tâm tình đầu tiên của tôi là vui mừng. Vui mừng vì cuộc gặp gỡ nhau đây là để xây đắp tình huynh đệ, chia sẻ tình người cho nhau, và cho mọi người trong thành phố này. Vui mừng vì thấy ngoài Quý chức sắc đại diện các tôn giáo bạn, còn có rất nhiều người đến đây từ các giáo xứ, các cơ quan từ thiện và các dòng tu trong thành phố. Sự hiện diện của quý vị trong cuộc gặp gỡ hôm nay làm cho tình thương trong lòng tôi được triển nở. Tôi xin có lời chào mừng và chúc sức khỏe quý vị.

Đấng Tạo Hóa khi trao tặng cho chúng ta món quà sự sống, thì đồng thời cũng đặt để trong lòng mỗi người tình thương của Ngài. Bởi vì, Ngài tạo thành con người giống hình ảnh của Ngài là tình thương và từ đó tới nay Đấng Tạo Hóa không ngừng chăm sóc cho mầm tình thương trong lòng mỗi người được đơm bông kết trái, tất nhiên, với sự cộng tác của con người. Cho nên cuộc gặp gỡ này là một cách cộng tác với Đấng Tạo Hóa để làm cho tình thương trong lòng mỗi người được tăng triển.

Lúc nãy, vị chức sắc trước tôi có nêu ra nhiều điển hình về sự hợp tác giữa các tôn giáo để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào trong thành phố này. Đó cũng là một cách cộng tác với Đấng Tạo Hóa chăm sóc sự sống của người khác. Chính việc chăm sóc này làm cho tình thương trong lòng những người phục vụ cũng như những người được chăm sóc, nở ra nhiều bông hoa với những cái tên khác nhau. Ở trong gia đình thì đó là hoa tình yêu hôn nhân, hoa tình gia đình, tình huynh đệ. Bên Phật Giáo gọi là hoa từ bi, bên Hồi Giáo gọi là hoa khoan dung, bên Công giáo gọi đó là hoa bác ái. Tuy mang tên gọi khác nhau, những bông hoa ấy chớm nở từ lòng người, từ một tình yêu mà Đấng Tạo Hóa đã đặt để như mầm mống trong mỗi lòng người.

Cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình ở Assisi, bên Ý, đã được Đức Giáo Hoàng tổ chức nhiều chục lần. Nhân cơ hội đó, chúng ta hiệp ý chung lòng với nhau cầu nguyện cho hoà bình trên thế giới hôm nay. Cầu nguyện là nguồn nước vun tuới cho mầm tình yêu trong lòng người được phát triển và được đơm bông kết trái.

Sáng nay tôi chia sẻ, cảm ơn nhiều dòng tu (…), từ 5-6 năm nay, đã gửi gần 200 lượt người đi đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe cho những người trẻ mang căn bệnh của thời đại – HIV/AIDS. Từ nhiều năm nay, tôi thấy tình yêu nở hoa trong lòng những người tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân cũng như trong cuộc đời những người được phục vụ. Trước đây, tình thương nơi những người này xem ra như bị dập tắt vì cơn dịch AIDS, nhưng nay tỏa sáng lại, giúp họ vượt qua tâm trạng mặc cảm, hận đời, và đi đến một chân trời mới. Nơi đó họ tìm lại lẽ sống cho đời mình trong sự bình an, thanh thản.

Việc hôm nay chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, có nghĩa là gì?

Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá hôm nay đồng thời mang dấu vết của những tranh chấp, bất ổn, xáo trộn, việc cầu nguyện cho hoà bình là hết sức cần thiết, vì lẽ cầu nguyện là cung cấp nguồn nước trong lành vun tưới cho mầm tình thương trong lòng mọi người anh em đồng bào, đồng loại, được phát triển, vì sự sống và hạnh phúc của gia đình nhân loại.

X. HƯỚNG ĐẾN MỘT HỆ THỐNG LUẬT LỆ VỊ NHÂN SINH
(x. Bản góp ý xây dựng dự thảo nghị định mới về tự do tôn giáo, tháng 5. 2011)

1. “Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (Xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI). Khẳng định này đặt con người làm mục đích, làm cứu cánh, làm trọng tâm của mọi hoạt động, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Pháp Luật để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ trên nền tảng Pháp trị ma Đảng và Nhà Nước đang nỗ lực phát triển. Luật phải thực sự “vị nhân sinh” mang tính tôn trọng sự sống, nhân phẩm và nhân quyền, tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi thành phần và giai cấp xã hội, tôn trọng sự tự do làm người hữu ích cho cộng đồng xã hội, hướng đến một trật tự xã hội nhân bản hơn.

2. Từ Hiến Pháp đến Pháp Lệnh về Tín ngưỡng, Tôn giáo đều khẳng định : “ Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”. Nhưng thực tế ngay trong các điều khoản của Pháp Lệnh năm 2004 và nghị định 22/2005/NĐ-CP đã có nhiều bất cập và bất bình đẳng đối với các Tôn giáo và các chức sắc. Đó là Nhà nước công nhận sự hiện diện, tồn tại của các tôn giáo nhưng không công nhận tư cách pháp nhân của các tôn giáo và chức sắc. Điều này khiến cho các tôn giáo và các chức sắc không được hưởng nhận những quyền của công dân như các công dân và các tổ chức xã hội hợp pháp khác theo hiến pháp và pháp luật. Vì thế, pháp luật cần phải xác định rõ ràng tư cách pháp nhân của các tôn giáo và các chức sắc tôn giáo. Cũng là công dân nhưng khi thi hành nghĩa vụ và hưởng quyền lợi của công dân thì các tôn giáo và chức sắc tôn giáo bị hạn chế. Thay vì được hưởng những quyền lợi chính đáng thì phải đi xin những quyền đó như tự do tổ chức lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, đào tạo, phong chức…

3. Pháp lệnh qui định tài sản hợp pháp thuộc các sở tôn giáo được pháp luật bảo hộ thế nhưng trong thực tế không thấy có văn bản pháp qui nao trình bày rõ ràng thế nào là bao hộ và quyền lợi về phía tôn giáo được bảo hộ như thế nào. Từ đó dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở và đất đai của các tôn giáo bị chiếm dụng bất công. Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Vì vậy, cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định : "Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán" (số 17). (Xem Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Về Một Số Vấn Đề Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay công bố ngày 25.09.2008). Các Tôn giáo có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời họ cũng sẽ phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội.

4. Các tôn giáo đều có lý tưởng phục vụ con người và xã hội ngày càng thăng tiến hơn cho nên đều có các hoạt động xã hội tích cực đặc biệt trong lãnh vực y tế và giáo dục. Theo Pháp Lệnh và Nghị định thì các Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật nhưng lại chỉ hạn chế trong một số lãnh vực. Trong khi đó, vơi đường hướng phát triển xã hội hoá ngày nay thì ngay cả công dân, các tổ chức nước ngoài cũng được phép mở bệnh viện, mở trường học tới cấp đại học. Do đó, đề nghị các tôn giáo phải đựơc pháp luật nhìn nhận bình đang với các tổ chức pháp nhân khác ngay tại đất nước mình trong lãnh vực y tế và giáo dục.

5. Nhìn chung Dự thảo Nghị Định thay thế Nghị Định 22/2005 (lần 5) là một sự thụt lùi nặng nề so với Nghị Định 22/2005, Pháp Lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến Pháp. Thực chất những dự định thay đổi của Nghị định dẫn tới tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép. Như thế cơ chế xin-cho vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.

XI. HƯỚNG ĐẾN MỘT NỀN GIÁO DỤC NHÂN BẢN TOÀN DIỆN
(x. bài góp ý 8.8.2011)

Những ý kiến sau đây nhằm mở ra cho mọi người thật tình quan tâm đến tiền đồ và vận mạng dân tộc Việt Nam, cơ hội đối thoại trong ánh sáng chân lý, và cùng nhau tiến bước trên con đường đổi mới con người và đất nước hôm nay.

1. Đâu là nguyên nhân sâu xa của những hạn chế và khiếm khuyết trên đường "ĐỔI MỚI"?

Lịch sử loài người trong nhiều thiên niên kỷ qua xác minh điều này: trong mọi chế độ xã hội tự cổ chí kim, - phong kiến, tư bản, cộng sản...- , tất cả những gì lý trí con người và những nhà khoa học nghĩ ra, làm ra, dựng lên, một mặt giúp cho thế hệ sau có tiến bộ và văn minh hơn thế hệ trước, mặt khác luôn để lại cho gia đình nhân loại những vấn đề nghiêm trọng, những khủng hoảng tai hại. Thử nghĩ đến thành quả cùng hậu quả của phát minh về năng lượng nguyên tử, về công nghệ truyền thông, về hệ thống tiền tệ..., thành quả và hậu quả của những chủ nghĩa cực đoan trong lịch sử loài người. Nguyên nhân sâu xa do đâu ? Và chủ trương, chính sách, đường lối, biện pháp nào để khắc phục và đổi mới?

Nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là vì thiếu sự phát triển toàn diện. Khi xã hội chỉ quan tâm đến sự phát triển kinh tế mà không nhấn mạnh đủ đến sự phát triển những giá trị nhân bản và đạo đức, thì sự phát triển chỉ là khập khiểng và không vững bền.

Do đó, người Việt Nam, thuộc mọi thành phần xã hội, mọi phe phái, mọi tôn giáo, hãy bình tâm thoát ra khỏi bức tường của lòng tự mãn cùng tính đối kháng, và tìm hiểu những kinh nghiệm từ công cuộc phát triển của những dân tộc văn minh tiến bộ. Thông điệp "Tình Yêu trong Chân Lý" của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, đề cập đến một nền nhân bản mới, một trật tự xã hội mới, cho thế giới toàn cầu hoá hôm nay, là thông điệp nên được mọi người quan tâm tìm hiểu.

2. "Phục vụ con người là mục đích tối cao" của mọi tổ chức và hoạt động xã hội

Khẳng định nầy đặt con người làm mục đích, làm cứu cánh, làm trọng tâm, của mọi hoạt động văn hoá và giáo dục trong gia đình cũng như ngoài xã hội, hoạt động kinh tế và tài chính, xã hội và chính trị.

Thế nhưng, bấy lâu nay, giới hữu trách trong các tổ chức và các hoạt động thuộc các lãnh vực đó, khi thi hành nhiệm vụ, có cái nhìn thống nhất về con người toàn diện với nhân phẩm và nhân quyền của họ? Có cái nhìn toàn diện về con người với các phương diện thể chất và lý trí, tinh thần và tâm linh, với các chiều cao, chiều sâu, chiều rộng của nhân bản?

Hay chỉ vô tư hành xử theo lệnh trên? Chỉ hành động theo một khung nếp, một định kiến sẵn có ? Hay chỉ vô tâm coi con người chỉ là một phương tiện để sản xuất. Một đối tượng để xử lý?

3. Hướng đến một nền giáo dục toàn diện hơn, một trật tự xã hội nhân bản hơn

Mục đích giáo dục con người là chỉ tạo cho họ khả năng làm ra tiền, làm một chuyên viên của nền kinh tế thị trường, hay phò một phe nhóm, để sống và hưởng thụ?

Hay mục đích giáo dục là soi sáng và mở đường cho thế hệ trẻ ý thức và chú tâm xây dựng một đời sống nhân bản ngày càng trưởng thành hơn, tinh thần trách nhiệm ngày càng được nâng cao, hướng đến chu toàn sứ mạng làm người là yêu thương và phục vụ cho gia đình, cho đồng bào và đồng loại, dân tộc và đất nước cùng thế giới hôm nay?

Có lần, một nhà ngoại giao báo tin nước họ nay muốn giúp cải tiến, nâng cao nền giáo dục tại Việt Nam. Vấn đề là họ muốn đưa nền giáo dục nào đến Việt Nam. Vì lẽ có những vị lãnh đạo những phong trào khủng bố trên thế giới, trước đã hấp thụ nền giáo dục trong nước của nhà ngoại giao đó.

Kỳ thực, nền giáo dục của họ, có một thời đã giúp giải phóng người da đen khỏi ách nộ lệ của người da trắng, đã giúp cho số người da đen, - sau khi được giải phóng và được tự do, không biết làm gì để sinh sống ngoài việc ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, - trở nên người công dân ý thức trách nhiệm góp phần xây dựng gia đình và đất nước. Dù vậy, nền giáo dục đó chưa xoá bỏ hết những hậu quả tệ hại của nạn kỳ thị chủng tộc, của nạn phân hoá gia đình là tế bào của xã hội.

Lịch sử loài người để lại cho mọi dân tộc bài học này : muốn tồn tại và phát triển, xã hội đất nước nào cũng cần phải luôn cải tiến, đổi mới nền giáo dục ngày càng toàn diện hơn, nhân bản hơn, nhằm giúp cho thế hệ trẻ:

- mở mang trí tuệ với kiến thức nhân văn và khoa học, nâng cao khả năng phán đoán và sáng tạo,
- phát triển sức khoẻ thể xác và tâm thần, tinh thần và tâm linh, hướng đến một đời sống nhân bản lành mạnh hơn,
- mở rộng tình yêu thương cùng tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, đồng bào và đồng loại,
- đắc thủ những kỹ năng thực hành thuộc các lãnh vực đời sống con người, văn hoá và tôn giáo, xã hội và lịch sử, kinh tế và chính trị.

Cả bốn nét chính trên đều hướng đến góp phần vào sự phát triển toàn diện và vững bền con người cùng đất nước.

Giới hữu trách lo việc kiến tạo nền giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau, có thể nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống giáo dục của những dân tộc tiên tiến Âu Á ngày nay, một mặt để học hỏi những thành quả tích cực, mặt khác để tránh những hậu quả tiêu cực.

Một nhà trí thức Việt Nam của thế kỷ trước, có nhận định rằng:

- truyền thống giáo dục Tây phương nặng về cái đầu
(mang lý tính và nghiêng về suy luận),
- truyền thống giáo dục của Mỹ nặng về hai bàn tay
(mang tính thực dụng và nghiêng về thực hành),
- truyền thống giáo dục Đông phương nặng về con tim
(mang cảm tính và nghiêng về tình người).

Do đó, trên con đường đổi mới để tồn tại và phát triẻn, mọi người Việt Nam hôm nay cần để tâm tìm đến sự bổ túc lẫn nhau giữa các dân tộc đã trở nên láng giềng trong ngôi làng thế giới toàn cầu hoá hôm nay, đồng thời có những sáng kiến đáp ứng những nhu cầu mới, góp phần mở đường cho công cuộc kiến tạo một nền giáo dục toàn diện hơn, một hệ thống luật lệ và một trật tự xã hội nhân bản hơn, cho dân tộc cùng đất nước hôm nay, và cho thế hệ mai sau.

4. Thay lời kết. Nền giáo dục nhân bản toàn diện là nền giáo dục có thể tạo cho con người khả năng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, sao cho phù hợp với “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Nói cách khác, đó là nền giáo dục có khả năng mở đường cho con người rèn luyện cái đầu ngày càng sáng suốt, sức khoẻ thể xác và tâm thần ngày càng lành mạnh, hai bàn tay ngày càng lành nghề, và con tim ngày càng mở rộng, để con người ngày càng có khả năng tề gia, trị quốc, vừa thuận ý trời, vừa hợp hoàn cảnh, vừa hoà với lòng dân.

Top