Những đề nghị của Công nghị Giáo phận (20-26/11/2011)
Công Nghị Giáo Phận 2011 với chủ đề “Đổi mới để Hiệp thông và chu toàn Sứ vụ” diễn ra từ ngày 20 đến 26 tháng 11 năm 2011 đã thảo luận ba đề tài chính: xây đắp Giáo Hội mầu nhiệm, xây đắp Giáo Hội hiệp thông và xây đắp Giáo Hội sứ vụ. Những ý kiến đóng góp đã được ban thư ký gom lại trong 60 khoản để các đại biểu thẩm định theo ba tiêu chuẩn: quan trọng và cấp bách, quan trọng nhưng chưa cấp bách, không quan trọng và không cấp bách. Kết quả được ghi nhận theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số đại biểu. Những ý kiến được các đại biểu thẩm định là quan trọng và cấp bách có thể tóm lược trong 33 đề nghị liên quan đến việc đổi mới trong ba chiều kích hiệp thông với Chúa, với nhau cũng như với mọi người và đổi mới trên ba phạm vi gia đình, giáo xứ và giáo phận.
1. Ngày thứ nhất: xây đắp Giáo Hội mầu nhiệm hay xây mới mối hiệp thông hiếu thảo với Thiên Chúa
a/ Gia đình:
- Đề nghị 1: Trong việc củng cố đời sống nội tâm, Lời Chúa giữ vai trò quan trọng và chiếm vị trí hàng đầu. Lời Chúa phải được đề cao trong cầu nguyện và giáo lý cũng như trong gia đình, giáo xứ và nhóm nhỏ (97%).
- Đề nghị 2: Mỗi gia đình cần có một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp (59%), nên đưa Lời Chúa vào giờ kinh tối trong gia đình (73%). Cha mẹ phải học hỏi Lời Chúa và giáo lý (72%) để có thể giúp con cái đọc, hiểu và chia sẻ Lời Chúa cũng như học thuộc lòng những câu quan trọng (60%). Cha mẹ còn phải làm gương cho con cái trong việc sống Lời Chúa và cầu nguyện (89%).
- Đề nghị 3: Cha mẹ là người đầu tiên có trách nhiệm thông truyền niềm tin cho con cái trong gia đình (72%), kế đến đưa con cái đến nhà thờ để được học hỏi thêm về giáo lý và tham dự các bí tích (78%). Tuy nhiên, cha mẹ không được khoán trắng việc giáo dục đức tin cho con cái cho giáo xứ (69%).
b/ Giáo xứ:
- Đề nghị 4: Cần phát triển việc đọc Lời Chúa, cách riêng đọc Lời Chúa với tâm thế cầu nguyện (lectio divina), học hỏi và chia sẻ Lời Chúa trong giáo xứ, trong các đoàn thể cũng như trong các nhóm nhỏ (73%). Giáo xứ cũng nên phổ biến câu Lời Chúa dùng làm ý lực sống trong tuần bằng panô và các phương tiện truyền thông (45%).
- Đề nghị 5: Cần có thánh lễ dành cho các giới, đặc biệt cho giới trẻ và thiếu nhi (70%), cần huấn luyện về phụng vụ thánh lễ và bí tích cho giáo dân để họ có thể hiểu và tham gia tích cực hơn (56%), cần đào tạo những người giúp việc bàn thờ như những người đọc sách thánh, lễ sinh, ca trưởng và ca viên về mặt thiêng liêng cũng như chuyên môn để họ có thể phục vụ đúng tinh thần phụng vụ (65%).
- Đề nghị 6: Cần giúp giáo dân hiểu lòng thương xót của Chúa, rèn luyện lương tâm (81%) và năng lãnh nhận bí tích Hòa giải (75%), cũng nên tập cho thiếu nhi lãnh nhận bí tích Hòa giải hàng tháng (72%).
- Đề nghị 7: Nên khuyến khích các việc đạo đức bình dân như lần hạt, đàng thánh giá (49%), chầu Thánh Thể (62%), đọc kinh liên gia (31%).
- Đề nghị 8: Linh mục phải làm gương trong việc đọc Lời Chúa, cử hành thánh lễ và các bí tích (91%), chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài giảng trong thánh lễ (90%), siêng năng ngồi tòa giải tội (81%) và có mặt với cộng đoàn trong các việc đạo đức (46%). Linh mục cần hướng dẫn học hỏi Lời Chúa và phát triển các nhóm chia sẻ Lời Chúa (76%), đào tạo nhân sự để hướng dẫn học hỏi và chia sẻ Lời Chúa (58%).
c/ Giáo phận:
- Đề nghị 9: Huấn luyện giáo dân về Kinh Thánh và phụng vụ (77%), chủng sinh và tu sĩ về mục vụ giáo lý cho dự tòng và các đôi hôn phối, trẻ em và người lớn (73%), đào tạo giáo lý viên và tác viên mục vụ gia đình (70%), dạy giáo lý cho cha mẹ và người trưởng thành (55%).
- Đề nghị 10: Canh tân phương pháp và phương tiện dạy giáo lý (51%), thống nhất chương trình giáo lý và đào tạo giáo lý viên trong giáo phận (89%), thống nhất thủ tục và giáo lý hôn phối (88%), quy định chung về việc đồng tế (60%).
2. Ngày thứ hai: xây đắp Giáo Hội hiệp thông hay xây mới mối hiệp thông huynh đệ với nhau
a/ Gia đình:
- Đề nghị 11: Để xây đắp hiệp thông trong gia đình, vợ chồng nên sinh hoạt và học hỏi chung với nhau, nhờ đó hợp nhất với nhau trong việc giáo dục con cái (42%), cũng nên quan tâm đến vai trò của người mẹ (45%), đến bữa ăn chung trong gia đình (43%).
b/ Giáo xứ:
- Đề nghị 12: Linh mục là người nối kết mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ với nhau (80%) và là người chịu trách nhiệm về sự hiệp thông của cộng đoàn (77%). Linh mục nên dành thời gian để gặp gỡ giáo dân và tạo điều kiện cho các đoàn thể gặp gỡ, học hỏi và làm việc với nhau (74%), quan tâm chăm sóc và nâng đỡ giáo lý viên, ca viên, thiếu nhi (66%).
- Đề nghị 13: Linh mục cần thay đổi não trạng và lối nhìn về giáo dân, đặc biệt là người trẻ và phụ nữ, coi họ như những cộng sự viên chứ không phải những người giúp việc (85%), tin tưởng và trao trách nhiệm cho giáo dân (79%), khuyến khích và tạo điều kiện cho họ tham gia vào đời sống của giáo xứ (72%). Để mọi người có thể đóng góp ý kiến và tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, linh mục cần phải có kế hoạch và chương trình mục vụ phù hợp với kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo phận (77%), đồng thời thông báo cho cộng đoàn được biết một cách sớm sủa và đầy đủ (68%).
- Đề nghị 14: Linh mục cần có kế hoạch làm việc chung với hội đồng mục vụ giáo xứ, thông tin đầy đủ, phân chia công việc và tôn trọng cộng sự viên (77%). Đối với các nữ tu phục vụ tại giáo xứ, linh mục cần có sự hiểu biết, đối thoại và hợp tác trong sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng ơn gọi và sứ mạng của các hội dòng (65%).
- Đề nghị 15: Cha sở và cha phó trong giáo xứ cần hiệp thông, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau để làm gương sáng cho giáo dân (91%). Cha sở cần tín nhiệm và chia sẻ về tinh thần cũng như vật chất cho cha phó (69%).
c/ Giáo phận:
- Đề nghị 16: Giám mục nối kết mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận qua gặp gỡ và trao đổi, hướng dẫn và khích lệ (80%), đề ra phương hướng và kế hoạch mục vụ chung trong từng năm (87%), xác định vai trò và nhiệm vụ của các ban mục vụ, phối hợp và lượng giá hoạt động của các ban, cấp ngân sách hoạt động cho các ban (75%). Cần có kim chỉ nam về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các ban mục vụ (75%). Tòa giám mục cần giảm bớt cơ chế và thủ tục hành chánh để các linh mục có thể gặp gỡ và trao đổi với giám mục như những người trong cùng một gia đình (68%)
- Đề nghị 17: Vị đại diện giám mục phụ trách tu sĩ là cầu nối giữa giám mục và các hội dòng, giúp giám mục hiểu rõ hoàn cảnh và nhu cầu của các hội dòng (56%), cảm thông và nâng đỡ (64%), tạo điều kiện gặp gỡ và làm việc chung giữa tu sĩ với nhau (52%).
- Đề nghị 18: Để xây đắp hiệp thông huynh đệ trong Giáo Hội, cần huấn luyện chủng sinh và tu sĩ biết sống mầu nhiệm tự hạ, hy sinh và từ bỏ, hiền lành và khiêm nhượng như Chúa Giêsu (94%), biết sống và làm việc với mọi thành phần Dân Chúa (73%), đồng thời xây dựng hàng giáo dân trưởng thành, được huấn luyện đầy đủ về mặt đức tin, được học hỏi về Kinh Thánh, phụng vụ, giáo lý (77%) và giáo huấn xã hội của Giáo Hội để biết nhận định đúng đắn các vấn đề và sự kiện xã hội (53%).
- Đề nghị 19: Giáo phận cần huấn luyện các thành viên của hội đồng mục vụ giáo xứ biết rõ vai trò và nhiệm vụ của mình, biết sống hài hòa với các linh mục và mọi thành phần Dân Chúa (78%).
- Đề nghị 20: Các đoàn thể và hiệp hội tông đồ trong giáo phận nên có những cuộc gặp gỡ và trao đổi, học hỏi và làm việc chung với nhau (52%), tránh tinh thần cục bộ, cạnh tranh và loại trừ nhau (70%). Anh chị em di dân và nhập cư cần được tiếp đón và giúp đỡ (73%), hòa nhập và tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ (58%); vì lợi ích của của anh chị em di dân, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến (67%).
3. Ngày thứ ba và thứ tư: xây đắp Giáo Hội sứ vụ hay xây mới mối hiệp thông đồng cảm với xã hội
a/ Gia đình:
- Đề nghị 21: Gia đình cần ý thức sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình (71%),biết đối thoại liên tôn trong trường hợp có thành viên mới là tân tòng hay khác đạo (47%), sống thân thiện với hàng xóm láng giềng (62%), làm quen với một gia đình lương (38%). Cha mẹ có bổn phận động viên và giúp đỡ con cái, nhưng không áp lực cho chúng trong việc theo đuổi ơn gọi riêng (48%).
- Đề nghị 22: Gia đình cần học hỏi giáo huấn xã hội của Giáo Hội (46%), am hiểu các vấn đề xã hội và môi sinh (38%), để biết nhận định dưới ánh sáng đức tin (34%).
b/ Giáo xứ:
- Đề nghị 23: Linh mục cộng tác với các ban mục vụ bằng cách giúp giáo dân hiểu biết và tích cực tham gia, giới thiệu nhân sự tham dự các khóa huấn luyện (65%).
- Đề nghị 24: Về truyền giáo, linh mục cần gây ý thức cho giáo dân (45%), đặc biệt là giới trẻ (59%), quan tâm đến khía cạnh truyền giáo trong các dịp ma chay và cưới hỏi (40%), kết nghĩa với các giáo xứ hay giáo điểm vùng xa (26%), đóng góp nhân vật lực cho công cuộc truyền giáo (42%).
- Đề nghị 25: Về truyền thông, linh mục nên vận dụng các phương tiện truyền thông để huấn luyện, học hỏi, truyền giáo (66%), phát triển thông tin hai chiều (55%), gởi tin tức cho trang web của giáo phận (42%), lập ban truyền thông (40%).
- Đề nghị 26: Về đối thoại liên tôn, linh mục cần tạo điều kiện cho giáo dân tìm hiểu và gặp gỡ các tôn giáo bạn, cộng tác trong lãnh vực bác ái, từ thiện (34%), lập ban đối thoại liên tôn (40%).
- Đề nghị 27: Về công lý và hòa bình, linh mục cần quan tâm đến các vấn đề xã hội, nắm vững giáo huấn xã hội của Giáo Hội để nhận định và giúp giáo dân nhận định đúng đắn về các vấn đề ấy (62%), quan tâm đến người nghèo và giúp đỡ họ không phân biệt tôn giáo (66%).
c/ Giáo phận:
- Đề nghị 28: Loan báo Tin Mừng là mục đích chung của mọi hoạt động mục vụ của giáo phận (79%). Cần có một kế hoạch mục vụ chung (70%) hàng năm (68%) được thông báo đầy đủ và sớm sủa để các giáo xứ có thể đưa vào kế hoạch mục vụ của mình (73%). Cần huy động mọi nguồn lực: chủ lực là Chúa Thánh Thần, trợ lực là những người hướng dẫn và đồng hành, nội lực là cố gắng và hy sinh của từng người (82%), huy động mọi thành phần, mọi hoạt động và cơ sở cho công cuộc truyền giáo (74%), giới thiệu và giải đáp thắc mắc về Kitô giáo trên mạng (56%).
- Đề nghị 29: Chủng viện và Học viện cần đưa vào chương trình học các giảng khóa mục vụ chuyên biệt cũng như về các dòng tu (60%), cần đầu tư nhân sự và ngân sách cho việc đào tạo chuyên môn (58%).
- Đề nghị 30: Về mục vụ hôn nhân và gia đình, mục vụ hôn nhân và gia đình phải được ưu tiên cũng như nhận được sự cộng tác của các ban mục vụ khác (67%). Giáo phận cần quan tâm đến gia đình trẻ sau hôn phối, các gia đình chuẩn khác đạo và tân tòng (74%).
- Đề nghị 31: Về mục vụ giới trẻ, cần xây dựng “sân chơi” cho giới trẻ (63%), xây dựng lưu xá cho nam sinh viên, giúp đỡ các thiếu nữ lầm lỡ (46%), phát triển quỹ học bổng (44%).
- Đề nghị 32: Về văn hóa và y tế, đề nghị với chính quyền chấp thuận cho Giáo Hội mở trường và bệnh viện (52%), khuyến khích các tín hữu sáng tác trong lãnh vực văn hóa và nghệ thuật (27%), cần lập ban chuyên trách hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở mới trong giáo phận/giáo xứ (34%).
- Đề nghị 33: Về mục vụ công lý và hòa bình, cần giúp đỡ giáo dân nhận định đúng đắn về các biến cố và các vấn đề xã hội đang gây bức xúc đồng thời có thái độ và ứng xử phù hợp đúng với ánh sáng chân lý và tình thương của Tin Mừng (65%), cần phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo Hội đến mọi thành phần Dân Chúa (56%), và quan tâm đến môi sinh, môi trường (23%).
Trong phần phát biểu cảm tưởng của ngày thứ năm, nhiều đại biểu nghĩ rằng những “lo âu” trước Công Nhị nay thực sự đã trở thành “niềm vui”, một số khác cảm thấy hài lòng vì Công Nghị đã diễn ra trong bầu khí thẳng thắn và chân thành. Tuy nhiên, một số đông vẫn nghi ngại những ý kiến đóng góp cho Công Nghị sẽ không được thực hiện thành thử muốn có ngay những quyết định cụ thể mà quên rằng Công Nghị chỉ tham vấn, còn quyết định thuộc thẩm quyền của giám mục. Biết được tâm tư và nguyện vọng của các đại biểu, Đức Hồng Y trong phần tổng kết đã bày tỏ quyết tâm phát huy thành quả của Công Nghị bằng đề nghị thiết lập hai bộ phận: một để thực hiện và một để lượng giá việc thực thi những ý kiến đóng góp trong Công Nghị. Các đại biểu đồng thuận việc hình thành hai bộ phận nhưng chưa đồng ý về thành phần đảm trách hai bộ phận này.
Nhìn chung, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Công Nghị đã diễn ra trong sự thẳng thắn, thân thiện và thánh thiện. Các đại biểu đã hiện diện đầy đủ trong suốt thời gian Công Nghị, tích cực tham gia trong tinh thần đồng trách nhiệm. Những đề nghị chắc hẳn không mới nhưng phản ánh thao thức và bận tâm mục vụ chung của cộng đoàn Dân Chúa trong giáo phận; chẳng hạn tầm quan trọng của Lời Chúa trong việc củng cố đời sống nội tâm, của tinh thần gia đình trong việc xây đắp hiệp thông huynh đệ, và của kế hoạch mục vụ chung trong việc huy động sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa và phối hợp hoạt động giữa các ban mục vụ trong giáo xứ cũng như trong giáo phận.
Quyết tâm biến các đề nghị của Công Nghị thành hiện thực của các vị mục tử trong giáo phận có thể thấy qua những cuộc họp ngay sau khi Công Nghị bế mạc. Trước hết là cuộc họp hằng tháng của Hội đồng Mục vụ Giáo phận ngày 29/11. Trong cuộc họp này, Đức hồng Y đã hình thành ba bộ phận: một kế hoạch (gồm ban tư vấn và thư ký), một thực hiện (gồm các hạt trưởng và các ban mục vụ) và một lượng giá (gồm đại diện các thành phần tham dự Công Nghị). Thay vì tập chú vào việc soạn thảo quyết nghị hậu Công Nghị như mọi người mong đợi, Đức Hồng Y mời gọi hội đồng mục vụ và các thành phần Dân Chúa tiếp tục suy nghĩ và tham gia vào việc hình thành các chỉ dẫn mục vụ theo tinh thần Công Nghị. Kế đến là cuộc họp của bộ phận kế hoạch gồm ban tư vấn và thư ký Công Nghị vào ngày 2/12 với nhất trí chung: ngoài đường hướng và nguyên tắc tổng quát, cần có kế hoạch và chương trình mục vụ chi tiết và cụ thể cho toàn giáo phận. Đức Cha Phụ tá và nhóm chuyên viên sẽ thảo kế hoạch đệ trình Đức Hồng Y. Cuối cùng là buổi thường huấn dành cho linh mục giáo phận về Công Nghị đã diễn ra vào sáng 14/12, để tất cả các linh mục – người nắm giữ vai trò chủ động trong công cuộc đổi mới – nắm bắt được tinh thần của Công Nghị và đưa tinh thần này vào đời sống và sứ vụ của giáo xứ cũng như của giáo phận.
Trong ý hướng ấy, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng rằng nhờ sự trợ giúp của Chúa và sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa trong giào phận, thành quả bước đầu của Công Nghị sẽ được triển nở và hoàn thành tốt đẹp như lòng Chúa mong ước và lòng mong đợi của mọi người.
Trung tâm Mục vụ Giáo phận, ngày 14.12.2011
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Thư ký Công nghị
bài liên quan mới nhất
- Thường huấn linh mục TGP.TPHCM 14.12.2011
-
Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011 -
Cảm nhận sau năm ngày tham dự Công nghị Giáo phận -
Giáo điểm Tin Mừng với hậu Công Nghị Giáo Phận -
Nhật ký Công nghị 26.11.2011 -
Công nghị Giáo phận TPHCM: Bản tin 6 -
Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (2) -
Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (1) -
Công nghị Giáo phận TP.HCM ngày 25.11.2011: Bản tin 6 -
Ngôi nhà Chung - tâm tình của người con
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo điểm Tin Mừng với hậu Công Nghị Giáo Phận
-
Tam nhật cầu nguyện cho Công nghị Giáo phận -
Những câu hỏi giúp suy nghĩ và góp ý cho Công nghị Giáo phận -
Công nghị Giáo phận trong truyền thống Giáo luật -
Kinh, Bài hát và Logo Công nghị Giáo phận TPHCM -
Tổ chức Công nghị giáo phận TGP.TPHCM -
Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011 -
Công nghị Giáo phận TPHCM: Bản tin 6 -
Thường huấn linh mục TGP.TPHCM 14.12.2011 -
Công nghị Giáo phận TP.HCM ngày 25.11.2011: Bản tin 6