Tâm tình bước vào thứ Năm Tuần Thánh 2012
WGPSG -- Chúa nhật ngày 01.4.2012 được gọi là Chúa nhật Lễ Lá. Hôm nay, phụng vụ Giáo hội long trọng cử hành việc Đức Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem. Sau Chúa nhật này, chúng ta bước vào Tuần Thánh 2012, tuần lễ tưởng niệm mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Cao điểm của việc tưởng niệm này đó là Tam Nhật Vượt Qua, với biến cố đỉnh cao là đêm thứ Bảy vọng Phục sinh. Theo chu kỳ năm phụng vụ, phải chăng chúng ta bước vào Tuần Thánh hằng năm chỉ với những rập khuôn, lặp đi lặp lại trong việc cử hành những nghi thức? Chúng ta chỉ dừng lại ở những hình thức cử chỉ bên ngoài chứ chưa thật sự đi vào chiều sâu mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô? Vậy thì, chúng ta cần bước vào Tuần Thánh 2012 với những tâm tình nào, đặc biệt là trong ngày thứ Năm Tiệc Ly, ngày khởi đầu của Tam Nhật Vượt Qua?
Thứ Năm Tuần Thánh: Bữa Tiệc Ly và Cầu nguyện tại vườn Giếtsêmani. Điều này gợi lên trong chúng ta những tâm tình nào?
Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày khởi đầu của Tam Nhật Vượt Qua. Chúng ta tưởng niệm ngày này với hai sự kiện: Bữa Tiệc Ly (Ga 13,1-14) và Chúa Giêsu cầu nguyện tại vườn Cây Dầu (Mt 26,36-46). Hai sự kiện ấy diễn ra cách chúng ta đã hơn 2000 năm qua. Thế nhưng, chúng ta tưởng niệm chiều thứ Năm Tiệc Ly không chỉ dừng lại ở những sự kiện trong quá khứ, mà những sự kiện ấy vẫn sống động trong hiện tại. Chiều hôm nay, chúng ta tham dự Thánh lễ Tiệc Ly. Vị linh mục chủ tế sẽ rửa chân cho 12 người giáo dân. Điều này để tưởng nhớ lại việc Chúa Giêsu đã rửa chân cho 12 thánh tông đồ năm xưa. Sự kiện này muốn nói gì với mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay?
Trước hết, chúng ta cần khởi đi từ câu nói của Đức Giêsu: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14) Thật vậy, Chúa Giêsu đã cúi xuống để rửa chân cho chúng ta. Ngài yêu thương từng người trong chúng ta. Ngài cần đến chúng ta dù chúng ta không xứng đáng như thánh Phêrô đã nói với Chúa: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13,6) Vâng, tất cả là tình yêu, một tình yêu tự hạ và đi bước trước của Thiên Chúa. Nếu thật sự cảm nhận được tình yêu sâu thẳm này nơi Đức Giêsu thì chúng ta sẽ dễ dàng dấn thân yêu thương và phục vụ những người đang rơi vào tận cùng của sự nghèo khổ và cô đơn.
Tiếp đến, tối thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta sẽ có những phiên Chầu Thánh Thể. Chúng ta cùng sống lại những giờ phút cô đơn và sợ hãi của Chúa Giêsu nơi vườn Giếtsêmani năm xưa: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mt 26,38) Vậy, khi chiêm ngắm Thánh Thể tối nay, chúng ta có thật sự cảm nhận được nỗi cô đơn trong tâm hồn của Chúa Giêsu? Chúa cô đơn vì sự dửng dưng của con người. Chúa cô đơn vì chẳng mấy ai hiểu được tình yêu thẳm sâu mà Ngài đã dành cho nhân loại. Bên cạnh đó, khi chiêm ngắm Thánh Thể tối thứ Năm Tiệc Ly, chúng ta có nhận ra những nỗi cô đơn và nghèo nàn trong tâm hồn? Nhiều lúc chúng ta cô đơn vì bị nghi ngờ và đố kỵ, bị chống đối và loại trừ. Cô đơn vì không tìm được một sự đồng cảm và nâng đỡ từ tha nhân như lời của một tác giả đã cảm nhận như sau: “Cô đơn là cho mà không có ai nhận và muốn nhận mà chẳng có ai cho.” Nhiều lúc chúng ta nghèo nàn về những cảm thức đức tin, nghèo nàn về tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân. Vâng, Chúa Giêsu đã chấp nhận trở nên nghèo khó để chúng ta trở nên những người giàu có: giàu về tình thương, giàu về đức tin và giàu về sự dấn thân phục vụ.
Từ những cảm thức đức tin đến những cảm nghiệm dấn thân phục vụ giữa đời thường
Bạn thân mến, có lẽ ai trong chúng ta cũng ít nhiều cảm nhận dung mạo của Chúa Giêsu vào chiều thứ Năm Tiệc Ly. Chúa không nghĩ đến bản thân nhưng luôn nghĩ đến chúng ta. Tất cả cũng chỉ vì Chúa quá yêu thương chúng ta. Vì yêu nên Chúa dễ dàng khiêm tốn. Vì yêu nên Chúa dễ dàng phục vụ. Còn chúng ta thì sao? Khuynh hướng tự nhiên của con người: ai cũng nghĩ đến bản thân mình trước. Vậy phải chăng, chúng ta ngại dấn thân phục vụ vì chỉ biết nghĩ đến bản thân mình? Vì vậy, một nữ tu đã cảm nghiệm thấm thía như sau:“Nếu bạn đã yêu, đã chia sẻ, đã muốn có hạnh phúc cho người khác thì những hành vi yêu thương này sẽ không bao giờ chết cả... Ngược lại, nếu bạn đè bẹp người khác để đem lợi về cho mình, bạn chỉ có cuộc sống của một con vật, chính bạn mở cánh cửa địa ngục cho bạn. Không, địa ngục, không phải là người khác. Địa ngục là con người tự khép mình lại.”
Lâu lắm rồi, có lần tôi được nghe một bài hát: “Chỗ này là thảm hoa nhưng Ngài không bước vào. Ngài lại đứng nơi kia bên những người nghèo khó… Người ở với người nông dân đang cày bừa. Người ở với người công nhân đang đập đá…” Bài hát này giúp tôi cảm nhận nơi Chúa Giêsu, một Thiên Chúa luôn gần gũi và cảm thông với những nỗi thống khổ của con người. Chỗ tôi đang học, công trình đang tu sửa lại. Hằng ngày, có rất nhiều công nhân tới đây vất vả làm việc. Có những người phải làm việc giữa cái nắng chang chang với “đầu trần chân đất”. Có những người là phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng lại làm những công việc đòi hỏi rất nhiều sức khỏe và sự dẻo dai. Họ trộn hồ. Họ đẩy xe cát, xe gạch v.v… Đa số họ là những người ở tỉnh lên thành phố “tha phương cầu thực”. Họ phải chắt chiu tiết kiệm trong từng bữa ăn, trong từng chi tiêu mua sắm, để có tiền trả tiền phòng, tiền điện nước, để có tiền gửi về cho gia đình, người thân. Vâng, tôi cảm nhận nơi những công nhân thầm lặng ấy một giá trị cao quý của sự hy sinh tận tụy lao động. Tôi cảm nhận nơi họ một nét đẹp yêu thương và ý nghĩa cho cuộc đời.
Cuối cùng, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể, bí tích của Tình Yêu vào chiều thứ Năm Tiệc Ly. Vì vậy, trong giờ Chầu Thánh Thể thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta cùng cầu nguyện cho những người bất hạnh, túng thiếu và cô đơn trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những gia đình đã bị cơn bão số 1 tàn phá vừa qua. Hơn thế nữa, trước Thánh Thể, có lẽ mỗi người chúng ta cũng giống như Giuđa phản bội, như những tông đồ còn lại bỏ chạy thác loạn khi Chúa Giêsu đang cô đơn và sợ hãi. Chúa chỉ còn lại một mình. Lạy Chúa Giêsu, xin thương tha thứ và chữa lành những vết thương tội lỗi vì sự phản bội tình thương của Chúa nơi mỗi người chúng con!
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19