Cửa Nước Trời hẹp nhưng mở cho tất cả - Chúa nhật 21 Thường niên năm C

Cửa Nước Trời hẹp nhưng mở cho tất cả - Chúa nhật 21 Thường niên năm C

Cửa Nước Trời hẹp nhưng mở cho tất cả - Chúa nhật 21 Thường niên năm C

Trưa Chúa nhật 21/08/2022, từ cửa sổ Dinh Tông tòa, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin cùng với các tín hữu và khách hành hương đang hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha diễn giải Tin Mừng theo Thánh Luca được công bố trong Thánh lễ Chúa nhật XXI thường niên năm C.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài suy niệm bằng lời chào: Anh chị em thân mến, chúc Chúa nhật bình an!

Cửa Nước Trời hẹp nhưng mở cho tất cả

Trong đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca của phụng vụ Chúa nhật tuần này, có người hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”. Và Chúa trả lời: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24). Cửa hẹp là một hình ảnh có thể khiến chúng ta sợ hãi, như thể ơn cứu độ chỉ dành cho một số ít người được chọn hoặc những người hoàn hảo. Nhưng điều này mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu đã dạy trong nhiều trường hợp; và thực tế, trong phần tiếp theo của Tin Mừng hôm nay Chúa khẳng định: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (câu 29). Như thế, cửa này tuy hẹp, nhưng rộng mở cho tất cả mọi người! Không được quên điều này: dành cho tất cả mọi người! Cửa mở cho tất cả mọi người!

Nhưng để hiểu rõ hơn, chúng ta cần phải tự hỏi cửa hẹp này là gì. Chúa Giêsu đang sử dụng hình ảnh từ cuộc sống thời đó và có lẽ ám chỉ đến thực tế là, khi trời tối, các cửa thành được đóng lại và chỉ còn một cửa nhỏ và hẹp nhất mở. Để trở về nhà, người ta chỉ có thể đi ngang qua đó.

Chúa Giêsu là cửa Nước Trời

Chúng ta hãy suy nghĩ điều Chúa Giêsu nói: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10, 9). Chúa muốn nói với chúng ta rằng để bước vào sự sống của Thiên Chúa, là ơn cứu độ, chúng ta phải đi qua Chúa, đón nhận Người và Lời Người. Cũng như để vào thành, người ta phải “đo” bằng cửa hẹp duy nhất còn mở, vì vậy, cửa của Kitô hữu là sự sống với “kích thước của Chúa Kitô”, được thiết lập và theo kiểu mẫu của Người. Điều này có nghĩa là quy tắc để đo là Chúa Giêsu và Tin Mừng Người - không phải những gì chúng ta nghĩ, nhưng là những gì Chúa nói với chúng ta. Và cửa hẹp không phải vì nó dành cho một số ít người, nhưng vì thuộc về Chúa Giêsu, có nghĩa là đi theo Người, dấn thân cuộc đời trong tình yêu, phục vụ và trao ban chính mình như Chúa đã làm, đi qua cửa hẹp của thập giá. Bước vào dự án cuộc đời mà Chúa đề nghị cho chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải hạn chế không gian ích kỷ, giảm bớt sự tự phụ, hạ thấp đỉnh cao của kiêu ngạo, vượt thắng tính lười biếng để vượt qua sự liều lĩnh của tình yêu, ngay cả khi phải vác thập giá.

Cử chỉ yêu thương hàng ngày là chọn cửa hẹp

Chúng ta hãy suy nghĩ cách cụ thể về những cử chỉ yêu thương hàng ngày mà chúng ta phải cố gắng thực hiện. Đó là những hành động của: cha mẹ hy sinh cho con cái, từ bỏ thời gian cho riêng mình; những người quan tâm đến người khác và không chỉ lợi ích của riêng họ; những người phục vụ người già, những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất; những người tiếp tục làm việc với sự dấn thân, chịu đựng gian khổ và có lẽ cả những hiểu lầm; những người đau khổ vì đức tin, nhưng vẫn tiếp tục cầu nguyện và yêu thương; những người thay vì làm theo bản năng, đã đáp lại cái ác bằng điều tốt, tìm thấy sức mạnh để tha thứ và can đảm để bắt đầu lại. Đây chỉ là một vài ví dụ về những người không chọn cửa rộng thoải mái cho riêng mình, nhưng chọn cửa hẹp của Chúa Giêsu, của một cuộc sống yêu thương. Chúa phán hôm nay rằng những người này sẽ được Chúa Cha nhìn nhận hơn nhiều so với những người tin rằng mình đã được cứu rồi, nhưng trong thực tế cuộc sống, họ là “những quân làm điều bất chính” (Lc 13,27).

Anh chị em thân mến, chúng ta muốn đứng về phía nào? Chúng ta thích con đường dễ dãi chỉ nghĩ đến bản thân hay cửa hẹp Tin Mừng, điều này thách thức lòng ích kỷ của chúng ta nhưng lại giúp chúng ta đón nhận sự sống đích thực đến từ Thiên Chúa? Chúng ta đang đứng về phía nào? Xin Đức Mẹ, Đấng đã theo Chúa Giêsu đến tận thập giá, giúp chúng ta đo cuộc sống chúng ta bằng thước đo của Người, để đi vào cuộc sống tràn đầy và vĩnh cửu.

Nguồn: vaticannews.va

Top