Tài liệu học hỏi Năm Thánh: Bài 10 (1): Đối thoại với người nghèo

Tài liệu học hỏi Năm Thánh: Bài 10 (1): Đối thoại với người nghèo

 

10.1 Đối thoại với người nghèo
 
A. Phần trình bày
 
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, nhận thấy “châu Á là một lục địa có tài nguyên phong phú và có những nền văn minh lớn, nhưng lại là địa bàn của một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới, và là nơi có hơn một nửa dân số phải chịu thiếu thốn, nghèo đói và bị bóc lột. Những người nghèo tại Châu Á cũng như những người nghèo trên thế giới sẽ luôn luôn tìm được lý do vững chắc để hy vọng trong chính mệnh lệnh Tin Mừng dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Giáo Hội tại Châu Á cũng không thể làm gì khác hơn là ra sức thi hành mệnh lệnh ấy đối với người nghèo, trong lời nói cũng như trong hành động. Sự liên đới với người nghèo sẽ trở nên đáng tin hơn, nếu bản thân các Kitô hữu cũng sống giản dị theo gương Đức Giêsu. Sống giản dị, tin sâu xa và yêu chân thành mọi người, nhất là những người nghèo và những người bị bỏ rơi, là những dấu hiệu sáng ngời cho thấy Tin Mừng đang được thi hành... Trong khi yêu thương người nghèo tại Châu Á, Giáo Hội quan tâm cách riêng tới những người di cư, những dân tộc bản địa và bộ tộc, phụ nữ và trẻ em, vì họ thường là nạn nhân của những hình thức bóc lột tồi tệ nhất. Ngoài ra vô số người đang bị kỳ thị vì văn hoá, màu da, chủng tộc, giai cấp, tình trạng kinh tế, hay vì cách suy nghĩ của mình. Trong số đó có cả những người bị biến thành nạn nhân chỉ vì đã gia nhập Kitô giáo” (GHCA 34).
 
Sống giản dị, tin sâu xa và yêu chân thành mọi người, nhất là những người nghèo và những người bị bỏ rơi, cũng là chọn lựa của Giáo Hội Việt Nam hôm nay: “Đa số người dân Việt còn nghèo, vì thế Giáo Hội tại Việt Nam không thể bày ra trước quê hương còn chậm phát triển này hình ảnh, dù là bên ngoài, của một Giáo Hội trưởng giả, khó tiếp xúc. Chỉ bằng cách đối thoại với người nghèo, lắng nghe và đón nhận những nguyện vọng chính đáng của họ như là của chính mình, các môn đệ của Đức Kitô mới có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những con người đau khổ, để có thể đồng hành và liên đới với những người nghèo trong khát vọng hướng tới cuộc sống bình an và hạnh phúc hơn, để thấy được chính mình đang được Tin Mừng hoá khi tiếp xúc với những người bé nhỏ nghèo hèn, và nhận ra được những giá trị Tin Mừng đang có nơi những anh chị em nghèo khó của mình (Đề Cương 31).
 
B. Phần hỏi -đáp
 
1- H. Theo Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, người nghèo là những ai?
 
T. Theo Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, người nghèo là những người đói khát, túng thiếu, vô gia cư, không được chăm sóc về y tế, không hy vọng có một tương lai tốt đẹp.
 
2.H. Trong khi yêu thương những người nghèo, Giáo Hội đặc biệt quan tâm tới những ai?
 
T. Giáo Hội đặc biệt quan tâm tới những người di cư, những dân tộc bản địa và bộ tộc, phụ nữ và trẻ em, vì họ thường là nạn nhân của những hình thức bóc lột tồi tệ nhất. Thêm vào đó là vô số những người đang bị kỳ thị hay phân biệt đối xử vì văn hoá, màu da, chủng tộc, giai cấp, tình trạng kinh tế, cách suy nghĩ và niềm tin của mình.
 
3- H. Để sự liên đới với người nghèo trở nên đáng tin hơn, bản thân các Kitô hữu phải sống thế nào?
 
T. Để sự liên đới với người nghèo trở nên đáng tin hơn, bản thân các Kitô hữu phải sống giản dị theo gương Đức Giêsu, tin sâu xa và yêu chân thành mọi người, nhất là những người nghèo và những người bị bỏ rơi.
 
4- H. Trong cuộc đối thoại với người nghèo, Giáo Hội Việt Nam phải làm gì?
 
T. Giáo Hội Việt Nam phải lắng nghe và đón nhận những nguyện vọng chính đáng của người nghèo, đồng hành và liên đới với họ trong khát vọng hướng tới cuộc sống bình an và hạnh phúc hơn.
 
5- H. Khi đối thoại với người nghèo, các Kitô hữu nhận ra điều gì?
 
T. Khi đồng hành với người nghèo, các Kitô hữu nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi người ấy, những giá trị Tin Mừng họ đang có, và chính bản thân đang được Tin Mừng biến đổi.
 
C. Phần gợi ý trao đổi
 
1. Liệu những người nghèo có tìm được lý do để tin tưởng và hy vọng nơi cộng đoàn giáo xứ của bạn không? Tại sao?
 
2. Cộng đoàn giáo xứ của bạn có lâm vào tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” chăng? Cần làm gì để giáo xứ thoát khỏi tình trạng này?
 
3. Sự liên đới với người nghèo sẽ trở nên đáng tin hơn, nếu bản thân các Kitô hữu cũng sống giản dị theo gương Đức Giêsu. Bạn và giáo xứ của bạn có kinh nghiệm nào trong vấn đề này?

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top