Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay năm B

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay năm B

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B
Ga 2,13-25

"Ðem tất cả những thứ này ra khỏi đây,
 đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."
(Ga 2,16)

Câu chuyện Tin Mừng Gioan vừa thuật lại cho chúng ta xảy ra vào dịp lễ Vượt qua năm 28, vào cuối cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Cũng như những người Do Thái ngoan đạo khác Chúa thường có mặt tại Jerusalem vào dịp lễ đặc biệt này. Đây là ngày lễ lớn của dân tộc.

A. Như đã có nhiều lần tôi nói với anh chị em.

Đời sống tôn giáo của người Do Thái gắn chặt với đền thờ.

Đền thờ là trung tâm của Đạo.

Đền thờ là nơi có Hòm Bia Thánh - nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa.

Lễ Vượt Qua nhằm vào ngày thứ mười lăm tháng Nisan, tức khoảng tháng tư dương lịch, và theo luật pháp Do Thái, mọi người nam Do Thái sống cách Jerusalem trong vòng hai mươi lăm cây số, bắt buộc phải về dự lễ. Không phải chỉ có người Do Thái ở trong xứ Palestine về dự lễ Vượt Qua mà thời bấy giờ dân Do Thái tản lạc khắp thế giới, họ chẳng bao giờ quên tôn giáo và đất nước của tổ tiên họ. Người Do Thái dầu sống ở xứ sở nào, họ vẫn mơ ước và hi vọng được dự lễ Vượt Qua tại Jerusalem ít nhất một lần.

Riêng đối với Chúa Giêsu lần này, thì Chúa có mặt tại đây không phải chỉ với danh nghĩa một người Do Thái mà đây còn là dịp để Chúa chu toàn chức vụ của Ngài. Bởi vậy mà Ngài đã vào đền thờ như một Đấng có uy quyền.

Chúa đã phải đối diện với một đền thờ như thế nào?

Đó là một đền thờ đã bị tục hóa. Đền thờ đã không còn phải là nơi thánh nữa mà nó đã gần như trở thành một “hang trộm cướp”. Chúa không thể chấp nhận được tình trạng này mãi mãi.

Nhìn lại lịch sử ban đầu thì đền thờ là nơi rất thánh thiện. Theo như truyền thống còn ghi lại thì người Do Thái hết lòng quí mến tôn trọng đền thờ: thậm chí họ không dám đi ngang qua chỉ vì lý do tiện đường.

Nhưng bây giờ thì sự tôn kính đối với đền thờ không còn nữa...nhất là vào dịp lễ Vượt qua.

Lý do:

+ Khách hành hương phải dâng một hy lễ theo luật (những người giàu thì một con bò hay một con chiên - còn những người nghèo thì một cặp bồ câu như Đức Mẹ và Thánh Giuse đã làm)

+ Bên cạnh đó mỗi người còn phải nộp một đồng tiền thuế. Đây là loại thuế đặc biệt của đền thờ.

Kết quả thế nào?

+ Hàng quán của các lái buôn chiên bò dựng la liệt ngay trước cả trụ lang đền thờ.

+ Các bàn đổi tiền cũng thế.

Vấn đề đặt ra tại đây là ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này.

Theo luật thì giới tư tế được đặc cử để phụ trách và trông coi đền thờ, thế nhưng những lợi lộc vật chất do chức vụ đem lại đã làm mờ mắt họ, khiến họ đã quên đi nhiệm vụ cao cả và thánh thiện của mình để rồi từ đó không biết bao nhiêu lạm dụng đã xẩy ra, xẩy ra ngay trong những nơi thánh thiện nhất. Người ta đã tìm thấy một câu thật đau lòng được ghi lại do một ký lục đạo đức trong sách Mishna trước khi Giêrusalem bị tàn phá như sau: “Họ là tư tế - Con cháu họ là thu ngân - Rể họ là thanh tra đền thờ - Và gia nhân của họ cầm dùi để rình đánh chúng ta”.

Đứng trước tình trạng như thế Chúa không thể không có thái độ.

Với tư cách là Con của Thiên Chúa Ngài phải hành động để trả lại cho “Nhà Cha Ta” cái địa vị cao cả của nó.

B. Trước hành động của Chúa người ta đã phản ứng lại như thế nào?

Đối với các môn đệ và những người Do Thái đạo đức thì chắc chắn đây là dịp để họ vui mừng. Thánh Gioan ghi lại một chi tiết rất nhỏ, nhưng nó cũng nói lên một phần nào niềm vui của những người thấy nhà của Chúa được bảo vệ: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa thiêu đốt tôi” (Tv 69,10) . Đây cũng là cơ hội để họ được chứng kiến những lời mà các tiên tri đã loan báo từ bao nhiêu năm qua được thể hiện. Vâng từ bao nhiêu năm qua, một số các ngôn sứ đã dự báo trước về sự việc này.

Tiên Tri Malakia đã loan báo: “Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Ðiện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - Ðức Chúa các đạo binh phán. Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? (Ml 1,3) Hay như Dacaria cũng đã có lần nói: “Sẽ không còn phường lái buôn trong đền thờ của ĐỨC CHÚA nữa.” (Dcr 14,21)

Ngài đến để thực hiện một hy lễ “đẹp lòng Thiên Chúa hơn lễ tế bò tơ hay ngưu sinh đủ sừng đủ móng” (Tv 69,32).

Còn đối với giai cấp lãnh đạo đền thờ thì chắc chắn đây là dịp để họ tăng thêm lòng ghen ghét đối với Chúa.

Sự việc Chúa là một con người không thuộc giai cấp tư tế mà lại dám can thiệp vào công việc có tính cách nội bộ của đền thờ thì điều đó đối với họ không thể nào chấp nhận được. Tuy nhiên chúng ta thấy phản ứng của họ ở đây tương đối là có hạn chế. Nó chỉ dừng lại ở một chất vấn là Chúa lấy quyền nào mà dám làm như vậy. Ngoài ra chúng ta thấy họ đã không có một hành động nào khác. Điều đó chứng tỏ việc Chúa làm là việc hợp lẽ phải, hợp lòng người. Chính vì thế mà ngay cả các tư tế cũng không dám có một phản ứng mạnh nào đối với Chúa.

C. Vấn đề còn lại là tại sao Giáo Hội lại chọn đoạn Tin Mừng này để đọc vào Chúa nhật thứ 3 mùa Chay hôm nay? Câu trả lời không khó lắm: Giáo Hội cũng muốn chúng ta làm một cuộc "thanh tẩy", không phải đền thờ vật chất nhưng là đền thờ tâm hồn của mỗi người như lời thánh Phaolô: "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?" (1Cr 3,16)

Vua Trajano là hoàng đế cai trị nước Rôma từ năm 98 đến năm 117. Nhà vua đã cấm đạo, và đã bắt Thánh Ignatio, Giám mục thành Antiochia. Tại tòa án, nhà vua đã chế nhạo đạo Công giáo, rồi gọi Thánh Ignatio là thằng quỉ xấu xa, Thánh Giám mục Ignatio thưa lại rằng:

- Tâu đức vua, chẳng có ai gọi người mang Thiên Chúa trong mình là thằng quỉ dữ được.

Nhà vua hỏi lại:

- Vậy ông mang Thiên Chúa trong mình ư?

Thánh Giám mục Ignatio trả lời:

- Tâu đức vua, phải! Tôi mang Thiên Chúa trong mình, vì những người đã chịu phép rửa tội, sống đời sạch tội, đều là đền thờ của Thiên Chúa. Bởi vậy, không hạnh phúc nào lớn lao cho bằng người Công giáo, bằng được trở nên đền thờ Thiên Chúa; và cũng chẳng có gì can hệ cho con người bằng phải luôn là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

Nghe xong, hoàng đế Trajano đã lên án rằng:

- Ignatio thành Antiochia là người đã cậy mình vì mang Thiên Chúa trong mình nên phải điệu đến Rôma, để làm của ăn cho thú dữ.

Đức Giêsu đã thanh tẩy đền thờ. Người cũng muốn chúng ta hãy tiếp tục công việc của Người là giữ gìn ngôi đền thờ thiêng liêng là chính bản thân ta. Tâm hồn chính là cung thánh nơi Chúa ngự. Ta phải luôn luôn thanh tẩy để tâm hồn được xứng đáng với Chúa.

Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói tôn thờ tiền bạc, coi trọng tiền bạc hơn Chúa.
Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi những dục vọng đam mê làm ô uế cung thánh của Chúa.
Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói gian tham, bất công.
Hãy thanh tầy tâm hồn ta khỏi những kiêu căng đố kỵ.
Hãy kính trọng thân xác của mình và của người khác.
Hãy tu bổ những đền thờ thân xác đã xuống cấp, suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ.
Hãy sửa chữa những đền thờ thân xác đang bị bào mòn vì bệnh tật, vì đói khát, vì thương tích.

Tôi xin được kết thúc bằng một lời cầu xin của một người ngoại đạo. Người ngoại đạo nhưng lời cầu nguyện của họ còn đẹp hơn rất nhiều người có đạo. Tôi muốn nói đến văn hào R. Tagore (lời thơ sau do Đỗ Khánh Hoan dịch):

Lạy Thiên Chúa,
đây lời con cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim con
mọi biển lận tầm thường.

Xin cho con sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho con sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho con sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục
trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho con sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên
khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho con sức mạnh tràn trề
để nâng mình theo ý Ngài luôn.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top