Suy niệm Lễ Thánh Gia

Suy niệm Lễ Thánh Gia

Các bài suy niệm LỄ THÁNH GIA – Năm A
Lời Chúa: Hc 3,3-7.14-17a (hay Hl 3,2-6.12-14); Cl 3,12-21; Mt 2,13-15.19-23

MỤC LỤC

1. Những Hêrôđê thời nay
2. Một kiểu vâng lời luôn hợp thời
3. Trốn sang Ai Cập
4. Lễ Thánh Gia
5. Gia đình cộng đoàn yêu thương
6. Thánh Gia
7. Gương gia đình hạnh phúc - ĐTGM Ngô Quang Kiệt
8. Vai trò của gia đình

--------------------------------------

Gospel

Matthew 2:13-15.19-23
 13When they had gone, an angel of the Lord appeared to Joseph in a dream. “Get up,” he said, “take the child and his mother and escape to Egypt. Stay there until I tell you, for Herod is going to search for the child to kill him.”

 14So he got up, took the child and his mother during the night and left for Egypt, 15where he stayed until the death of Herod. And so was fulfilled what the Lord had said through the prophet: “Out of Egypt I called my son.”
 19After Herod died, an angel of the Lord appeared in a dream to Joseph in Egypt 20and said, “Get up, take the child and his mother and go to the land of Israel, for those who were trying to take the child’s life are dead.”
 21So he got up, took the child and his mother and went to the land of Israel. 22But when he heard that Archelaus was reigning in Judea in place of his father Herod, he was afraid to go there. Having been warned in a dream, he withdrew to the district of Galilee, 23and he went and lived in a town called Nazareth. So was fulfilled what was said through the prophets, that he would be called a Nazarene. 

1. Những Hêrôđê thời nay

Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay kể lại câu chuyện thánh Giuse đem Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập, để thoát khỏi sự bách hại của Hêrôđê và sau đó quay về Israel. Đặt bối cảnh câu chuyện trên trong Chúa nhật lễ Thánh Gia, chúng ta có thể hiểu đây là một lời nhắc nhở đến bổn phận của người làm cha làm mẹ đối với con cái.

Quả thực là ngày nay, không còn có những Hêrôđê dám công khai ra lệnh tru diệt hàng loạt trẻ nhỏ, những hình ảnh gần gũi nhất với Chúa. Nhưng nói thế không có nghĩa là không còn những Hêrôđê hiện đại tàn ác có khi còn hơn cả ngày xưa nữa. Không kể đến những Hêrôđê chuyên giết chết trẻ em ở Brasil, những Hêrôđê chuyên bắt cóc trẻ em để bán làm mãi dâm ở Bangkok... trong cuộc sống thường ngày, vẫn có thể có những Hêrôđê đang rình rập để phá hoại trẻ em: Một nền văn hoá không lành mạnh, với những phim ảnh, sách vở và báo chí khiêu dâm, một xã hội thiếu những giá trị đạo đức, luôn cổ võ cho bạo lực, khủng bố.

Ngay trong bầu khí gia đình, những Hêrôđê thời nay có thể là chính những người cha, những người mẹ đã tàn nhẫn giết chết con mình từ trong trứng nước bằng những hành động ngừa thai và phá thai mà mỗi ngày một gia tăng.

Những Hêrôđê thời nay có thể là những người cha, những người mẹ đã không biết nhường nhịn chịu đựng lẫn nhau, để rồi đã phá huỷ bầu khí gia đình bằng cách ly dị, đẩy con cái vào chốn bơ vơ lạc lõng.

Những Hêrôđê thời nay có thể là những người cha, những người mẹ không sống gương mẫu, dù chỉ là một hành vi nhỏ mọn, cũng có thể tác hại đến con cái của mình, ít nữa là về phương diện tinh thần. Không phải chỉ khi nào làm các em đau đớn về thể xác hay tinh thần, mà ngay cả khi nuông chiều một cách thái quá và vô lý... cũng đã là một cách đẩy các em vào chỗ chết. Và trong cuộc sống hiện nay không thiếu những trường hợp như thế, để cuối cùng các em trở thành những tội phạm.

Vì thế, thái độ tỉnh táo của thánh Giuse trước cuộc sống để bảo vệ Hài nhi Giêsu vẫn là tấm gương cho các bậc phụ huynh noi theo trong việc chăm sóc và giáo dục con cái mình.

Lập trường của Chúa Giêsu trong vấn đề này thật là quyết liệt như chúng ta đã từng thấy Ngài tuyên bố: Ai làm gương mù gương xấu cho một trong những trẻ này, thì thà cột cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn.

Hãy cần xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết ý thức và chu toàn bổn phận giáo dục con cái, để gia đình chúng ta có được một bầu khí yêu thương và đạo đức như Thánh Gia ngày xưa.

2. Một kiểu vâng lời luôn hợp thời

Những việc nhỏ mọn xảy ra hằng ngày trong đời sống của một đứa bé đều quan trọng đối với bậc cha mẹ, nhưng những người chung quanh ít để ý và mau quên lãng. Tuổi thơ ấu của Chúa Giêsu được đánh dấu bởi một ít việc khác thường, nhưng khi thánh Mátthêu viết Phúc Âm (chắc chắn số người biết rõ tuổi thơ ấu của Chúa đang sống tản mác hoặc đã từ trần rồi), thánh nhân chỉ phác vẽ lại cách giản dị kỷ niệm về các sự việc ấy và tán dương chúng bằng cách chiếu rọi lên chúng ánh sáng của Thánh Kinh. Cũng nên nói thêm rằng trong trường hợp này, tác giả giải thích Thánh Kinh một cách rất tự do. Trong sách tiên tri Ôsê (11,1), đứa con được gọi từ Ai Cập về chính là Israel. Thật ra chiều sâu của thực tại thiêng liêng mà Mátthêu nêu lên, vượt xa trình độ của câu chuyện kể lại. Nhắc đến việc từ Ai Cập trở về, là nhắc đến biến cố Phục Sinh mang lại ơn cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô. Ngoài ra, ta nhận thấy thánh Mátthêu nói nhiều đến thánh Giuse trong các câu chuyện về thời niên thiếu của đức Kitô. Đối với người gia trưởng của Thánh Gia, tuổi thơ ấu của Đức Kitô không trôi qua trong bầu khí thơ mộng mà các nhà nghệ sĩ đã phổ vào tác phẩm của họ. Nó bi thiết lắm. Giuse là người di cư, là người đi tìm một nhà ở, là người thợ lo lắng tìm ra nghề để nuôi sống gia đình. Giuse xuất hiện với chúng ta như một con người sau khi đã chấp nhận dấn thân vào một định mệnh do Thiên Chúa đề nghị, vẫn trung thành với lời cam kết dù gặp khó khăn thử thách. Cái chìa khóa giúp ta hiểu thánh Giuse là lòng tuân phục Chúa. Ta nên lưu ý tới câu “Giuse chỗi dậy”. Câu này chỉ ba điều:

1) Sự tuân phục Thiên Chúa gây xáo trộn cho con người. Cứ tưởng tượng Giuse mới vất vả cất được căn nhà nhỏ ở Bêlem rồi ở Ai Cập. Thế rồi Chúa đến quấy rầy người. Hãy chỗi dậy! Câu chuyện này xảy ra trên bình diện đời sống gia đình đối với Giuse, vẫn thường xảy ra trên bình diện thiêng liêng cho mọi Kitô hữu có Đức Kitô trong cuộc sống mình. Đức Kitô thích phá tan những ‘tòa nhà’ ý tưởng, nhân đức tiện nghi tinh thần của ta. Phải sẵn sàng đứng dậy, nghĩa là để Chúa quấy rầy ta về trí thức cũng như luân lý.

2) Giuse chỗi dậy, nghĩa là vâng lời lập tức. Người vâng lời mau mắn vì Người yêu mến. Yêu mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Vì lợi ích của các Đấng, người không thể trì hoãn. Ta khó vâng lời vì ta thiếu mất một cái gì: thiếu tình yêu.

3) Giuse đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa. Lòng tín thác là sự triển nở của đức tin chân chính. Chúa quấy rầy Giuse, đẩy người vào trong xa lạ. Người không bàn cãi, không hoảng hốt, người hành động.

Người có thể nêu ra bao nhiêu thứ câu hỏi về tương lai. Nhưng người hành động ngày này qua ngày khác, luôn luôn vâng lời Thiên Chúa. Ý nghĩ về ngày mai, người đặt vào trong đức tin nơi Thiên Chúa. Một lòng tín thác như thế vẫn phải trả giá rất đắt đối với mọi người cha gia đình ngày hôm nay, họ phải có đức tin mạnh để vượt qua những khó khăn lớn lao.

Ngày 08/12/1870, Đức Thánh Cha Piô IX đã chọn thánh Giuse làm bổn mạng Đại Gia Đình Giáo Hội. Ta hãy cầu nguyện như Đức Gioan XXIII: “Lạy thánh Giuse, xin lấy tinh thần bình an, lặng lẽ và hoạt động của Ngài phụng sự Hội Thánh, mà tăng cường sinh lực cho chúng con luôn mãi”.

3. Trốn sang Ai Cập

Đoạn Tin Mừng trên đây kể lại một biến cố không vui. Con Thiên Chúa bị Hêrôđê đe dọa tính mạng. Được mộng báo, đang đêm Giuse phải đem gia đình đi trốn.

Đất Ai cập vẫn được coi là chỗ trú ẩn an toàn? Nhưng ngay cả khi vua Hêrôđê lìa đời, mối đe dọa vẫn còn tồn tại. Archelao kế nghiệp vua cha, là người tàn ác không kém, khiến Thánh gia chẳng dám về ở vùng Giuđê, mà phải trở về quê nhà ở Nadarét.

Như thế cuộc sống của Thánh gia chẳng phải là êm ả.

Đâu phải có Chúa là tránh được căng thẳng, long đong.

Chỉ có một điều Thánh gia đã không để mất, đó là niềm tín thác vững vàng vào Thiên Chúa, ngay giữa những hiểm nguy từ phía bạo quyền, đó là tình yêu thương gắn bó với nhau, giữa những lúc khó khăn chồng chất.

Rồi mọi sự sẽ qua, rồi bình an sẽ trở lại.

Nhìn lại cuộc sống Thánh gia, ta thấy có nhiều sóng gió. Có lúc tưởng như tan vỡ, khi thánh Giuse định rút lui? Có lúc bối rối khi ở Bêlem không tìm ra chỗ trọ. Có những ngày đôn đáo tìm con trong nước mắt. Có lúc họ hàng tưởng Đức Giêsu mất trí, nên đi bắt về. Và nhất là có lúc Mẹ phải đứng bên xác con? Thánh gia chẳng được hưởng một chút ưu đãi nào.

Một gia đình vô cùng thánh thiện và gương mẫu cũng phải chịu bao khổ đau và nghịch cảnh, nhờ đó mọi gia đình Kitô hữu khác có thể yên tâm đứng vững giữa những lúc mây mù.

Các gia đình hôm nay cũng bị đe dọa. Có những gia đình quá nghèo túng và nợ nần. Có những trẻ thơ bị thất học, bị bỏ rơi, bị lạm dụng.

Mối đe dọa lớn nhất là thiếu vắng tình yêu.

Có những xung đột giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Kết quả là nạn phá thai, ngoại tình, ly dị. Gia đình chẳng còn là dòng suối ngọt ngào, nơi mọi người lớn lên nhờ yêu và được yêu.

Nhờ kiên nhẫn lắng nghe, nhờ dịu dàng đối thoại, nhờ bầu khí cảm thông khiến người ta dám chấp nhận nhau.

Trong một cuộc phỏng vấn, mẹ Têrêsa phát biểu: "Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng ý thức về tầm quan trọng của gia đình. Nếu chúng ta đưa tình yêu trở lại gia đình, thế giới này sẽ đổi khác."

Thế giới băng hoại vì gia đình thiếu tình yêu. Giới trẻ nghiện ngập và hư hỏng vì bơ vơ, buồn chán.

Ước gì mỗi gia đình Kitô hữu đều là một mái ấm, đầy ắp tình yêu, đầy ắp Thiên Chúa.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo ý bạn, ngày nay điều gì đang đe dọa hạnh phúc gia đình, điều gì đang gây khó khăn cho việc giáo dục con cái?

Gia đình Kitô hữu là một Giáo hội nhỏ. Theo ý bạn đâu là những nét nổi bật của một gia đình Kitô hữu gương mẫu? Chúng ta có thể học được gì nơi Thánh gia?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét, Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Chúa.

Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Chúa đã học nơi mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con, xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn, Giáo hội chúng con thánh thiện hơn, nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa.

4. Lễ Thánh Gia

Nhân vật nữ được tuần báo Time chọn làm người của năm 1996 là công chúa Diana của Anh Quốc. Trong phỏng vấn dành cho đài BBC, công chúa đã không ngần ngại bộc bạch hết câu chuyện đổ vỡ của gia đình bà. Sự đổ vỡ của gia đình vương giả này khiến nhiều người phải tiếc xót. Bởi vì, nếu xét theo những tiêu chuẩn thông thường, thì quả thực cặp vợ chồng này có mọi sự để được hạnh phúc, như danh vọng, tiền tài, địa vị. Thế nhưng tại sao họ không tìm được hạnh phúc trong gia đình? Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này? Có lẽ họ còn thiếu một cái gì đó mà sự giàu sang phú quý không thể mua được cũng như khiến họ không thể vượt qua được khó khăn thử thách.

Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh Gia thất để múc lấy bí quyết hạnh phúc gia đình. Cũng như bao gia đình khác. Thánh gia cũng đã trải qua nhiều sóng gió, thử thách. Chúng ta hãy nhìn lại cảnh bối rối mà có lẽ ít có đôi vợ chồng trẻ nào phải trải qua: vợ sắp sinh đi tìm một quán trọ để qua đêm nhưng không có, cuối cùng phải vào một chuồng súc vật và sinh con ở đó, và rồi sau đó đã phải vội vã đi lánh nạn trong một cuộc hành trình cam go và sống giữa những người xa lạ. Bí quyết đã giúp Đức Maria và thánh Giuse vượt qua khó khăn thử thách, đó là có Chúa Giêsu bên cạnh. Sự hiện diện của Chúa Giêsu chính là nền tảng của gia đình Nagiarét.

Cũng như Thánh gia thất, ngày nay các gia đình Việt Nam cũng đang trải qua bao khó khăn thử thách. Trước tiên là cái nghèo và rồi từ nghèo khổ sinh ra dốt nát, dốt nát kéo theo bao hệ lụy khác. Tuy nhiên, nhìn vào gương Thánh gia thất, chúng ta thấy rằng nghèo khổ không đương nhiên gây nên bất hạnh và đổ vỡ cho gia đình. Tỷ lệ những đổ vỡ của các gia đình tại các nước công nghiệp tiên tiến là bằng chứng cho thấy giầu có chưa hẳn đã là một bảo đảm cho hạnh phúc gia đình.

Không những trải qua cảnh nghèo. Thánh gia thất còn phải đương đầu với bạo chúa Hêrôđê nữa. Ngày nay, các gia đình cũng phải đương đầu với nhiều thứ bạo chúa, như các phương tiện truyền thông quảng bá lối sống đồi phong bại tục nhằm lung lạc và đầu độc giới trẻ, hoặc những luật pháp áp đặt những luật lệ nhằm phá đổ chính nền tảng thánh thiêng của gia đình, chẳng hạn luật cho phép phá thai, ly dị…

Thánh gia thất đã vượt qua được sóng gió nhờ niềm tin vững chắc vào sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Đó cũng là bí quyết mà Giáo Hội đề ra cho chúng ta khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thánh gia thất. Lấy sự hiện diện của Chúa Giêsu làm nền tảng vững chắc cho gia đình chính là mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, tha thứ cho nhau; lấy sự hiện diện của Chúa Giêsu làm nền tảng vững chắc cho gia đình chính là lấy sự cầu nguyện trong gia đình làm mối giây liên kết mọi người: một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững, và đó là điều chúng ta phải cầu xin cho nhau.

5. Gia đình cộng đoàn yêu thương (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Vào năm 1990, cậu bé siêu sao màn ảnh Macaulay Culkin nổi bật với bộ phim “Ở nhà một mình” (Home Alone). Bộ phim này với doanh thu hơn 500 triệu đô la. Bố mẹ cậu Macaulay Culkin từng đi làm kiếm sống. Ông Culkin là ông từ tại một nhà thờ ở NewYork; bà Patrica Bentrup là một nhân viên trực điện thoại. Với số tiền lớn do cậu con mang về, hai ông bà liền bỏ việc, ở nhà làm chủ những món tiền mà tài năng của cậu nhỏ còn hứa hẹn nhiều.

Nhưng kể từ khi hai ông bà ở nhà, mái ấm gia đình trở thành bất ổn. Bố mẹ Macaulay Culkin thường xuyên gây gổ với nhau tới mức bà Patrica tố cáo chồng “rượu chè be bét, xúc phạm tình dục quá đáng và bội tín”.

Bắt đầu đóng phim từ tuổi lên tám, năm nay Macaulay Culkin đã 15 tuổi. Buồn nản và cô độc trong gia đình, cậu thường tìm giải khuây trong những bữa tiệc vô độ và ở những hộp đêm. Hậu quả là sự nghiệp của ngôi sao đang lên này đã khựng lại. Ba bộ phim gần đây do cậu thủ vai chính hoàn toàn không đạt được thành công như những bộ phim ban đầu.

Anh chị em thân mến,

Gia đình là một tổ ấm khi vợ chồng biết quảng đại hy sinh cho nhau và cho con cái, mặc dù đời sống kinh tế có khi còn chật vật khó khăn. Nhưng một khi gia đình để cho tiền của chi phối, tổ ấm sẽ bị xáo trộn đưa đến ích kỷ, đổ vỡ và chia ly, điển hình là tổ ấm của gia đình của cậu Macaulay Culkin. Cho hay rằng, tiền của không làm nên hạnh phúc gia đình. Chính tình yêu quảng đại mới tạo nên hạnh phúc cho gia đình.

Trong một thời gian dài, ở Âu Mỹ, người ta đã lãng quên những giá trị gia đình. Người ta nói nhiều đến tự do cá nhân, đề cao việc nhập thể và cuộc giải phóng con người. Dựa vào tự do cá nhân, những luật lệ và quy định tự do của mình, Âu Mỹ đang tách ly tình dục khỏi tình yêu, tình yêu khỏi hôn nhân, hôn nhân khỏi việc sinh con, và việc sinh con khỏi trách nhiệm đối với Chúa. Hậu quả là ở Mỹ hiện nay con số những đứa con sinh ngoài hôn nhân lên tới 30%. Ở Anh cũng có đến 30% trẻ con sinh ngoài gia đình, hơn nữa, 20% trẻ em chỉ sống với cha hoặc mẹ và 40% cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị. Và tình trạng trẻ em trong các gia đình đổ vỡ này thường có xu hướng chán đời, dễ bệnh hoạn, học kém, dễ bị lôi cuốn vào tội ác hơn, rồi cuối cùng chính chúng sẽ lập lại chu trình gia đình đổ vỡ mà chúng từng là nạn nhân. Thật không một xã hội nào có thể tồn tại nếu nó dành cho trẻ em quá ít sự an toàn, sự chăm sóc và tình yêu. Bức tranh ảm đạm này hiện đang lởn vởn đe doạ phần còn lại của thế giới đang phát triển, trong đó có đất nước chúng ta.

Thử hỏi bối cảnh không mấy tốt đẹp của gia đình ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay. Lễ Kính Thánh Gia nói gì với các thành viên của gia đình về những giá trị mà Tin Mừng luôn đề cao?
Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia đình, mà lại là một gia đình nghèo ngài cũng có cha mẹ như bao trẻ em khác. Cha mẹ Ngài cũng là những người lao động phải sống bằng mồ hôi nước mắt như hầu hết các gia đình khác. Là Thiên Chúa, Ngài đã đến với loài người như một con trẻ bé bỏng, cần đến sự đùm bọc, che chở của những người thân. Cũng như bao trẻ em khác, Ngài cũng bị những biến cố lớn nhỏ của gia đình và xã hội chi phối, đưa đẩy, ảnh hưởng.

Rồi những năm thơ ấu, những thời kỳ niên thiếu và thanh niên, Chúa Giêsu đã sống bên cạnh Đức Maria, Mẹ Ngài, và Thánh Giuse, cha nuôi Ngài. Ngài cũng đã phải tập đi, tập nói, tập đọc, tập viết. Ngài cũng đã phải học Thánh Kinh, Lề Luật. Ngài cũng đã phải tập lao động với những dụng cụ như cưa, bào, đục… trên những khúc cây, tấm ván. Ba mươi năm tại Nazarét là một chuỗi ngày bình dị như hàng trăm gia đình cùng thôn cùng làng, như hàng triệu cuộc sống của con người qua các thời đại.

Trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, bài sách Huấn Ca nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo của người con đối cha mẹ trong gia đình, khiến chúng ta dễ dàng hình dung ra cách sống của Con Thiên Chúa làm người dưới mái ấm gia đình Nazarét. Bài Tin Mừng nhắc đến vai trò đặc biệt của Thánh Giuse trong sứ mạng bảo vệ, che chở, dưỡng nuôi Chúa Cứu Thế, và Thánh Giuse đã chu toàn vai trò đó một cách khiêm tốn nhưng anh dũng, không quản ngại hy sinh gian khó. Ở đây, vai trò của Đức Maria xem ra rất khiêm tốn, đúng với cung cách khiêm nhu của người “Nữ tỳ của Chúa”. Còn bài đọc 2 là lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô về mối quan hệ giữa những người được Chúa yêu thương, tuyển chọn sống thành gia đình của Thiên Chúa: đó là lòng từ bi, nhân hậu, là khiêm cung, ôn hòa, là nhẫn nại chịu đựng, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau. Gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là một gia đình đã sống trọn vẹn hơn ai hết tinh thần ấy, vì các ngài đều là những “tôi tớ của Thiên Chúa” trong ý nghĩa là mỗi vị và cộng đoàn ba vị, đều lãnh nhận từ Thiên Chúa một sứ mạng đặc biệt. Gia đình Nazarét là gương mẫu, là lời mời gọi đến với mỗi người chúng ta trong các gia đình Công giáo ngày nay.

Thưa anh chị em, gia đình là cái nôi đầu tiên đón tiếp con người và cung cấp cho con người những điều kiện cần thiết của cuộc sống và hạnh phúc. Trong gia đình, một trẻ thơ khám phá dần dần mối tương quan với thế giới chung quanh, nhận lãnh sự giáo dục đầy trìu mến của cha mẹ và những người thân thương. Đối với Kitô hữu, gia đình còn là một cộng đoàn yêu thương phản ánh cộng đoàn của Thiên Chúa, theo gương mẫu Thánh Gia Nazarét. Sứ mạng thật cao cả, nên trách nhiệm thật lớn lao của các bậc làm cha làm mẹ. Chức năng nhiệm vụ vừa cao cả vừa nặng nề ấy gia đình chỉ có thể hoàn thành nếu biết sống theo tinh thần và tâm tình của Thiên Chúa: Đó là yêu thương và tha thứ. Đó là quy luật trọng yếu trong mối quan hệ giữa vợ chồng, giữa con cái và cha mẹ. Vì trong đời sống gia đình, con người có đầy đủ những dữ kiện để biến cuộc sống gia đình thành thiên đàng hoặc hỏa ngục trần gian.

Cuộc sống gia đình tạo cho chúng ta những cơ hội quý báu để thực hiện tinh thần yêu thương quên mình, mưu tìm hạnh phúc cho người khác. Cuộc sống gia đình luôn đòi chúng ta phải dẹp bỏ ý riêng mình, quan điểm riêng của mình, để tôn trọng và giúp đỡ người thân của mình phát triển về mọi mặt. Do tình hình khác nhau, giáo dục và truyền thống khác nhau, tuổi tác khác nhau, sở thích khác nhau, nên chuyện xung đột là đương nhiên không thể tránh được giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái. Muốn vượt qua những xung đột, những căng thẳng ấy, mỗi người –dù vợ hay chồng, dù là con cái hay cha mẹ– đều phải thấm nhuần tinh thần phục vụ của Chúa Kitô: “Tôi đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ”. “Ai muốn làm đầu, thì hãy làm tôi tớ phục vụ mọi người” (Lc 22,26).

Anh chị em thân mến, Con Thiên Chúa làm người đã sống trong một gia đình để nói lên sự cao trọng của cộng đoàn gia đình. Nhưng thực tế chúng ta còn chứng kiến cảnh những gia đình tan vỡ và cảnh những gia đình không hội đủ điều kiện về kinh tế, tài chánh, văn hóa để những người trong đó sống cho ra người, để con cái được giáo dục nên người hữu ích cho xã hội. Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta có trách nhiệm nặng nề trong việc xây dựng gia đình của chúng ta và giúp các gia đình khác có đủ điều kiện vật chất, tinh thần để sống phù hợp với chức năng của con người, xứng với phẩm giá con người là con cái của Thiên Chúa, là anh em trong đại gia đình của Cha trên trời.

6. Thánh Gia

Có một câu chuyện kể lại rằng: Giữa đường chạy trốn sang Ai Cập, để tránh khỏi sự tàn sát của Hêrôđê, Thánh Gia đã gặp phải một bọn cướp và bị chúng bao vây. Vừa khi chúng định nhào tới trấn lội đôi vợ chồng trẻ, thì một tên trong bọn tên là Dismas, bỗng nhận ra đôi tay Mẹ Maria có ẵm một Hài Nhi.

Quá xúc động trước nét mặt vô tội củaHài Nhi, hắn đã khuyên can đồng bọn để cho Thánh Gia ra đi được an toàn. Trước khi rút lui, hắn đã nghiêng mình trên Hài Nhi Giêsu và nói:

- Xin hãy nhớ đến tôi và đừng bao giờ quên giây phút này.

Truyền thuyết kể tiếp: Về sau tên cướp ấy đã trở thành người trộm lành, bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu trên thập giá. Và chính Ngài đã nói với anh ta:

- Ngày hôm nay, con sẽ được ở cùng Ta trên thiên đàng.

Dĩ nhiên đây chỉ là một truyền thuyết, nhưng từ đó, chúng ta có thể tìm thấy được một kết luận quan trọng. Đó là khi trốn sang Ai Cập, Thánh Gia đã gặp phải rất nhiều hiểm nguy.

Thời xưa, hầu như mọi người đều đi thành từng đoàn, bởi vì nhiều quãng đường thường bị những bọn cướp kiểm soát, uy hiếp và trấn lột. Điên rồ lắm mới đi một mình, trừ khi vì khẩn cấp như trường hợp của Thánh Gia hôm nay.

Thánh Gia cũng là một gia đình bình thường như gia đình của chúng ta, nghĩa là cũng đã phải gánh chịu những khổ đau và cay đắng.

Đầu tiên đó là việc Mẹ mang thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần mà Giuse không hay biết, khiến ông đã tính từ bỏ Mẹ một cách kín đáo. Rồi cuộc hành trình từ Nagiarét xuống Bêlem để đăng ký nhân hộ khẩu giữa lúc Mẹ đang bụng mang dạ chửa. Không tìm được quán trọ, Mẹ đã phải sinh Chúa trong cảnh khó nghèo của máng cỏ Bêlem. Hài nhi Giêsu mở mắt chào đời chưa được bao lâu, hai ông bà đã phải vội vã đem con trốn sang Ai Cập. Làm sao kể cho hết những hiểm nguy trên đường chạy trốn, cũng như những khó khăn vất vưởng nơi đất khách quê người. Rồi những năm tháng âm thầm vất vả nơi xưởng thợ Nagiarét. Và nỗi khổ đau khi lạc mất Chúa vào dịp lên đền thờ dự lễ vượt qua.

Thế nhưng, có một điều chúng ta cần phải học hỏi nơi Thánh Gia đó là đứng trước mọi biến cố khổ đau và bất hạnh, thánh Giuse và Mẹ Maria đều coi đó như là thánh ý Chúa gửi đến trong đời, để rồi các ngài đã mau mắn chu toàn, mà không một lời ca thán, mà không một tính toán hơn thiệt. Vì thế, lúc nào mái ấm của các ngài cũng ngập tràn hạnh phúc và bình an.
Còn chúng ta thì sao? Phải nhận rằng gia đình nào cũng có những vấn đề. Gia đình nào cũng có những lo lắng những khổ đau của mình. Gia đình nào cũng đã từng gặp phải những tai ương hoạn nạn. Tuy nhiên điều quan trọng là thái độ của chúng ta khi đứng trước những khổ đau gặp phải.

Rất có thể chúng ta đã phẫn uất, đã bực bội và tức tối, để rồi khổ đau chúng ta vẫn phải chịu mà chẳng đem lại lợi ích gì, mà hơn thế nữa, còn trở nên là một thứ chất độc làm hại tâm hồn chúng ta.

Trái lại, nếu chúng ta coi đó như là một thập giá, như là thánh ý Chúa gửi đến và cố gắng chu toàn trong lòng cuộc đời, lúc bấy giờ những khổ đau dù bé nhỏ và tầm thường nhất, cũng có được một giá trị to lớn, chúng sẽ trở thành những sợi chỉ vàng dệt nên tấm vải cuộc đời chúng ta.

7. Gương gia đình hạnh phúc - ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Ngày lễ Thánh Gia là ngày lễ của các gia đình. Để làm khuôn mẫu cho các gia đình, ta tưởng Giáo Hội sẽ đưa ra hình ảnh một gia đình đầm ấm, vợ chồng con cái sum họp quanh bàn ăn, quanh chiếc ti vi. Hoặc chí ít cũng là cảnh thánh Giuse làm thợ mộc với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu. Bên cạnh là Đức Maria đang ngồi khâu vá hoặc nấu nướng. Nhưng không, Giáo Hội mời gọi ta chiêm ngắm cảnh Thánh Gia chạy trốn bạo vương Hêrôđê giữa đêm hôm khuya khoắt.

Thánh Gia đã biết đến những hiểm nguy đe dọa hạnh phúc gia đình. Nhưng các Ngài đã biết cách gìn giữ gia đình bình an qua cơn dông tố. Các bài sách thánh đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta những bí quyết mà Thánh Gia sử dụng để giữ được hạnh phúc gia đình.

Bí quyết thứ nhất đó là vâng nghe Lời Chúa. Thánh Giuse vâng lệnh Chúa truyền một cách mau mắn và tuyệt đối. Dù lệnh truyền ban ra giữa đêm khuya, Ngài thức giấc thi hành tức khắc. Dù lệnh truyền rất khó khăn Ngài vẫn mau mắn vâng lời. Đức Maria và Chúa Giêsu cũng có một thái độ vâng phục tuyệt đối như thế. Thánh ý Thiên Chúa luôn luôn là mệnh lệnh tuyệt đối. Lời Chúa dạy luôn luôn là kim chỉ nam. Thiên Chúa chính là người điều khiển gia đình các Ngài. Vì thế, dù gặp nhiều gian nan thử thách, gia đình các Ngài vẫn giữ được hạnh phúc.

Bí quyết thứ hai đó là coi con cái là vốn quý nhất. Con cái là vốn quý nhất nên các Ngài đã đem hết sức lực ra bảo vệ. Khi có những nguy cơ đe dọa, các Ngài đem con cái chạy trốn tránh xa. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả: thời giờ, nhà cửa, tài sản, nghề nghiệp và công việc làm ăn, mong đem con cái đến nơi an toàn. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Ngài không ngần ngại nâng niu phục vụ. Hình ảnh thánh Giuse đi bộ dắt lừa cho Chúa Giêsu và Đức Maria là hình ảnh của một người chủ gia đình hết lòng nâng niu phục vụ vợ con. Vì con cái là vốn quý nhất, nên các Đức Maria đã dõi theo con đến cùng, nhẫn nhục đứng bên thập giá chia sớt đau khổ với con.

Bí quyết thứ ba đó là con cái luôn hiếu thảo với cha mẹ. Chúa Giêsu là một người con hiếu thảo. Tin Mừng tóm tắt cuộc sống thơ ấu của Người bằng một câu ngắn gọn: “Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,51). Sự hiếu thảo của Chúa Giêsu được thấy trong tiệc cưới Cana. Khi đám cưới thiếu rượu, Đức Maria xin Người giúp. Tuy chưa đến thời điểm, nhưng Chúa Giêsu vẫn làm phép lạ cho nước biến thành rượu để giúp đám cưới theo yêu cầu của Mẹ. Cảm động hơn hết là giây phút cuối đời, khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn quan tâm đến Mẹ nên đã gửi gấm nhờ thánh Gioan, môn đệ yêu quý, chăm sóc Mẹ.

Ngày nay, nhiều gia đình đang trong tình trạng báo động. Từ thời mở cửa, gia đình Việt Nam đã biến chuyển mãnh liệt theo chiều hướng nguy hiểm. Số cặp vợ chồng ly dị tăng nhanh một cách đáng sợ. Con cái không còn vâng lời cha mẹ như xưa. Theo đà tiến triển kinh tế, nhiều gia đình trở nên giàu có hơn, nhưng con cái lại bỏ bê học hành, lao vào con đường ăn chơi, vướng vào tệ nạn xã hội, làm cho cha mẹ buồn lòng, gia đình tan nát.

Để bảo vệ gia đình trước làn sóng văn minh vật chất, hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa, ta hãy học hỏi mẫu gương Thánh Gia.

Trước hết, cha mẹ phải coi con cái là vốn quý nhất Chúa ban cho gia đình. Vốn này cần được quan tâm chăm sóc không phải chỉ bằng tiền bạc, phương tiện vật chất mà quan trọng hơn, bằng tình thương, sự săn sóc, dạy dỗ uốn nắn ngay từ khi còn thơ, sự hiểu biết, cảm thông khi đến tuổi trưởng thành. Dù thành công trong xã hội mà con cái hư hỏng thì vẫn là thất bại cả cuộc đời. Vì thế, phải bảo vệ con cái khỏi các bạo vương Hêrôđê thời đại. Đó là sách báo phim ảnh xấu. Đó là bạn bè xấu. Đó là tệ nạn xì ke ma túy. Nếu cần phải đem con cái trốn chạy khỏi nanh vuốt của bạo vương, tìm nơi an toàn để cho con cái sinh sống, ăn học và giữ được đạo đức.

Đáp lại, con cái phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu thảo vừa là một đức tính của người có lương tri vừa là một thái độ khôn ngoan của người khiêm tốn. Có lương tri và có sự khôn ngoan, người trẻ mới tiến xa và trở nên hữu ích cho xã hội.

Sau cùng, cả gia đình phải sống theo Lời Chúa dạy. Lời Chúa là nền tảng của gia đình. Sống theo Lời Chúa là xây dựng gia đình trên nền đá vững chắc. Gia đình sống theo Lời Chúa sẽ vững vàng qua mọi bão lốc thời đại.

Gia đình Công Giáo sống theo Lời Chúa không những giữ được hạnh phúc cho gia đình mà còn đóng góp vào việc xây dựng xã hội trong hoàn cảnh đạo đức đang xuống cấp hiện nay.
Lạy Thánh Gia, xin giúp gia đình chúng con sống theo gương lành của các Ngài. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Đâu là những nguy cơ đang đe dọa hạnh phúc gia đình hiện nay?

2) Thế nào là một gia đình gương mẫu?

3) Gia đình bạn quyết tâm làm gì trong tuần này để noi gương Thánh Gia?

8. Vai trò của gia đình

Mừng lễ Thánh gia hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về vai trò của gia đình trong đời sống cá nhân và xã hội.

Như chúng ta đã biết hệ thống tổ chức của xã hội loài người khởi đi từ cá nhân, rồi đến gia đình, làng xóm và sau cùng là quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Tự bản tính, con người không thể nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác trong một cộng đoàn.

Những người trước nhất chúng ta sống với chính là những người thân yêu cùng cư ngụ dưới một mái nhà. Và như vậy, cộng đoàn đầu tiên chúng ta tiếp xúc chính là gia đình.

Vì thế, Công đồng Vaticanô II đã xác quyết:

- Gia đình là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người.

Ai trong chúng ta cũng đều có những kỷ niệm êm đẹp về gia đình mình. Bình thường chúng ta chẳng mấy khi để ý tới, thế nhưng đến lúc phải rời xa, chúng ta mới nghiệm ra rằng:
- Gia đình chính là chiếc nôi cho chúng ta khôn lớn. Được sống trong gia đình là điều quí hóa.

Tôi không thể nào quên được những lần nghịch ngợm đã bị ba tôi sửa phạt, cũng như không thể nào quên được những lời khuyên thấm thía của ba tôi mỗi khi tôi phải lên đường, rời xa gia đình trong một khoảng thời gian nào đó.

Tôi không thể nào quên được những chăm sóc nhỏ nhoi nhưng thấm đượm yêu thương của mẹ tôi: từ củ khoai lang và những chiếc bánh mỗi khi đi chợ về đến ánh mắt lo âu khi tôi đau yếu.

Tất cả những yêu thương trìu mến ấy đã góp lại và tạo nên con người tôi hôm nay.

Đúng thế, gia đình chính là mái trường đầu tiên dạy cho chúng ta những bài học làm người cũng như chuẩn bị cho chúng ta những hành trang cần thiết để bước xuống cuộc đời.

Hơn thế nữa, gia đình còn là nền tảng của xã hội, còn là con tim của nhân loại. Gia đình có ổn định thì xã hội mới được phát triển. Gia đình có hòa thuận và yêu thương thì nhân loại mới được lành mạnh.

Tìm hiểu vể tệ trạng thanh thiếu niên đi bụi đời và phạm pháp, chúng ta thấy đa số đều đã gặp phải những bất ổn trong gia đình. Có thể vì cha mẹ họ thường xuyên cãi vã. Có thể vì mẹ họ không còn trung thành với nhau theo kiểu ông ăn chả bà ăn nem. Có thể cha mẹ họ vì quá mải miết chạy theo tiền bạc, không còn lưu tâm tới họ nữa…Họ không tìm thấy trong gia đình một tình thương chân thành, một nơi nương tựa vững chắc. Và từ đó, họ chán nản bỏ nhà ra đi, nhúng tay vào tội ác, làm cho xã hội phải điêu đứng.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Nền tảng ấy đã lung lay, thì xã hội sẽ bị chao đảo, nếu không muốn nói là đi dần tới chỗ sụp đổ.

Chính vì thế, người xưa đã bảo:

- Phải tu thân và tề gia trước đã, rồi sau đó mới trị quốc và bình thiên hạ.

Muốn làm lớn ngoài xã hội, thì trước hết phải lo tu sửa bản thân và ổn định trong gia đình. Hay như ca dao cũng đã diễn tả:

- Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

-Thứ nhất thì tu tại gia,

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Dưới ánh sáng của Kinh thánh, chúng ta cũng thấy được những ý nghĩ như vậy.

Đúng thế, ngày từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã không sống cô độc lẻ loi, nhưng đã sống trong một hình thức gia đình, có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Khi nhập thể, Ngài đã không một mình bước vào cuộc đời, nhưng đã sống trong một gia đình, có mẹ là Đức Maria, có cha nuôi là thánh Giuse.

Trong quãng đời công khai, Ngài không sống cô độc, nhưng đã sống trong một cộng đoàn, quây quần chung quanh Ngài có mười hai tông đồ và các môn đệ.

Trong Cựu ước, chúng ta thấy khi tạo dựng nên con người, Ngài không dựng nên họ cô đơn vò võ, nhưng đã dựng nên một người nam và một người nữ. Đó là mái ấm gia đình đầu tiên, đặt nền tảng cho xã hội loài người. Chính vì thế, Ngài đã phán:

- Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ để kết hiệp với vợ mình và cả hai sẽ trở nên một xương một thịt.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã nhắc lại lập trường kể trên khi Ngài nói về chuyện ly dị. Thánh Phaolô còn dùng hình ảnh hôn nhân để nói lên tình yêu và sự kết hiệp giữa Đức Kitô và Giáo hội.

Thánh nhân cũng đã nhiều lần đề cập đến những bổn phận trong lãnh vực gia đình:

- Hỡi những người vợ, hãy phục tùng chồng mình trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Đức Kitô yêu thương Giáo hội và đã nộp mình vì Giáo hội.

Xin Chúa luôn gìn giữ mái ấm của chúng ta trong yêu thương và hòa thuận, để tình yêu gia đình chúng ta sẽ là một phản ảnh sống động cho tình yêu Thiên Chúa.

Top