Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật X Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM C
(1V 17,17-24; Gl 1,11-19; Lc 7,11-17)
CHỦ ĐỀ:
THIÊN CHÚA
- ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT -
“Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương”
(Lc 7,13)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay làm nổi bật lòng thương xót của Thiên Chúa nhiều lần nhiều cách, qua các trung gian khác nhau. Qua trung gian của Ngôn Sứ Êlia, Thiên Chúa đã thể hiện tình thương đến với bà góa nghèo ở Sarépta khi bà đau khổ trước cái chết của đứa con trai. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy sự đau khổ của con người và thực hiện phép lạ cứu sống đứa con trai của bà góa thành Nain. Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa trong cuộc sống và ơn gọi Tông Đồ của mình.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC I (1V 17,17-24)
Trong thời gian xảy ra hạn hán ở Israel, Thiên Chúa sai Ngôn Sứ Êlia đến Sarépta, thuộc Siđôn, vùng đất của dân ngoại để ra tay giúp bà góa nghèo. Bà có một đứa con trai đang bị bệnh nặng. Bà đã thốt lên lời than trách như bao người khác khi đứng trước đau khổ: Tại sao Thiên Chúa đánh phạt tôi? Tôi đã làm điều gì sai phạm? Tại sao lại xảy đến cho tôi những điều tai ương? Bà góa này đã chất vấn rồi suy tư phản tỉnh và cuối cùng nhận ra rằng những gì bà đang gặp hiện nay là do tội lỗi mà bà đã mắc phạm thời xuân xanh. Bà đã xác quyết rằng chính sự hiện diện của Ngôn Sứ đã dẫn đến cái chết cho con trai của bà; chính sự thánh thiện của Ngôn Sứ đã nhắc nhở Thiên Chúa về những lỗi lầm của bà trong quá khứ, do đó đã dẫn tới hậu quả này: “Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới nhà tôi để nhắc lại tội tôi và làm cho con tôi phải chết?”. Tuy nhiên, bà đã nhận ra mình có trách nhiệm đối với cái chết của con mình. Êlia đã không trả lời vấn nạn của bà góa. Ông ẵm đứa trẻ lên phòng và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Người đã lắng nghe lời cầu xin của Ngôn Sứ khi cho đứa bé sống lại. Qua phép lạ này, Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót của Người đối với những người bất hạnh, nhất là đối những người bị người đời khinh chê. Đồng thời cũng qua phép lạ này, bà góa đã nhận ra quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi sứ vụ của ngôn sứ Êlia: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng”.
2. BÀI ĐỌC II (Gl 1,11-19)
Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu ở Galát ơn gọi Tông Đồ của mình. Ngài cảm nghiệm rằng sứ vụ của mình xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho ngài từ rất xa xưa: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người”. Dù người đã “quá hăng say bắt bớ, và muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa”, thế nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa đã vượt thắng qúa khứ của Phaolô, để kêu gọi ngài làm tông đồ của Đức Giêsu Kitô phục sinh. Qua biến cố ngã ngựa, Phaolô đã được Thiên Chúa mặc khải để ngài tin vào Đức Giêsu Kitô, khiến thánh nhân dấn thân cách quyết liệt cho sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Người đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã biến đổi tận căn một con người: từ một người Dothái nhiệt thành, một người bắt bớ và gây sợ hãi cho các Kitô hữu tiên khởi, Phaolô đã trở thành một Tông Đồ nhiệt thành loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.
3. BÀI TIN MỪNG (Lc 7,11-17)
Trong khi đi rao giảng, Đức Giêsu đã đi tới thành Nain, một thành ở Galilê. Khi đến gần cổng thành, Người thấy một đám đông đang khiêng một người chết đi chôn. Người này là đứa con trai duy nhất của một bà góa. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và Người đã thực hiện phép lạ làm cho đứa con trai được hồi sinh.
Động từ “chạnh lòng thương” (σπλαγχνίζομαι) dùng để diễn tả sự rung động tận cõi lòng, lòng thương cảm sâu xa trước những người đang gặp đau khổ bất hạnh. Luca dùng động từ này ba lần để diễn tả lòng thương xót của Đức Giêsu hoặc của Chúa Cha (Lc 7,13; 10,33; 15,20).
- Trước hết, động từ chạnh lòng thương được áp dụng cho Đức Giêsu trong Lc 7,13 trong bài Tin Mừng hôm nay: khi Đức Giêsu thấy bà goá thành Nain đang khóc thương người con trai của bà vừa qua đời, “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: ‘Bà đừng khóc nữa!’”, rồi Người cứu sống con bà.
- Kế đến, động từ chạnh lòng thương xuất hiện trong dụ ngôn “Người Samari tốt lành”, trong đó Lc 10,33 thuật rằng: “Một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương”. Thánh Augustinô giải thích rằng người Samari tốt lành tượng trưng cho Đức Giêsu.
- Sau cùng, động từ chạnh lòng thương được áp dụng cho Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha Tốt Lành”. Bản văn Lc 15,20 thuật rằng: “Anh còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ và hôn anh thắm thiết”. Chính nhờ động từ này trong dụ ngôn “Người Cha Tốt Lành” cùng với các dụ ngôn “Tìm con chiên lạc” và “Tìm đồng bạc mất” trong chương 15, Tin Mừng Luca đã làm nổi bật chủ đề “Lòng thương xót” của Thiên Chúa.
Lòng thương xót của Thiên Chúa là một sức mạnh vượt thắng mọi rào cản về thành kiến và lỗi lầm, đem lại sự an ủi bằng ơn tha thứ, và chất chứa yêu thương để xoa dịu nỗi đau của con người, nhất là người nghèo khổ, bất hạnh; đồng thời lấp đầy tâm hồn họ bằng niềm vui cứu độ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tỏ lòng thương xót trước tình cảnh bà góa đang gặp đau khổ: “Trông thấy bà, Đức Chúa chạnh lòng thương”. Đức Giêsu đã thể hiện lòng thương xót bằng lời an ủi dành cho người mẹ: “Bà đừng khóc nữa”, rồi thể hiện qua hành động cụ thể “Người lại gần, sờ vào quan tài…” rồi nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”.
Qua phép lạ này, Đức Giêsu mặc khải cho dân chúng thấy hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi và yêu thương con người, đồng cảm, chia sẻ và chữa lành những đau khổ của họ; đồng thời giúp họ nhận ra Đức Giêsu là người của Thiên Chúa: “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Một vị Ngôn Sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người’”.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa và lời Đức Chúa do miệng ông nói ra là đúng”. Qua lời rao giảng, việc làm của Êlia, bà góa thành Sarépta đã nhận biết uy quyền của Thiên Chúa, nhận ra căn tính của Ngôn Sứ cũng như chân nhận sự thật trong lời rao giảng của Ngôn Sứ. Cuộc sống của tôi có trở nên tấm gương phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa cho người khác để họ nhận biết Người?
2. “Người đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn và vượt lên trên các lỗi lầm yếu đuối và bất xứng của tôi. Được biết về Đức Giêsu là ơn sủng của Thiên Chúa. Tôi có trân trọng hồng ân cao cả này không? Tôi có biết chia sẻ và làm chứng về Đức Giêsu cho người khác?
3. “Trông thấy bà, Đức Chúa chạnh lòng thương”. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi bất cứ ai tìm đến Người như nguồn mạch của sự an ủi, yêu thương, vì Người là “Đấng giàu lòng thương xót”. Về phần mình, tôi có cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống cá nhân không? Tôi có biết đến với Thiên Chúa để chia sẻ với Người những trăn trở, vui buồn của cuộc sống không?
4. “Một vị Ngôn Sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Quả thật, ĐGH Phanxicô nhận định rất đúng: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu” (Misericordiae Vultus, số 1), vì trong Tin Mừng Luca, lòng thương xót của Thiên Chúa Cha được thể hiện rõ nét qua con người và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô. Là Kitô hữu, tức là trở thành môn đệ Đức Giêsu Kitô, phải chăng mỗi người chúng ta, tùy theo khả năng, ơn gọi, môi trường hoạt động và sinh sống, cần quan tâm giúp đỡ người nghèo khổ, bất hạnh và những ai đang bị gạt ra bên lề của cuộc sống, như là cách góp phần nhỏ bé để phác thảo nên Dung Mạo của Lòng Chúa Thương Xót cho con người và thế giới hôm nay?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót cho con người qua nhiều cách khác nhau. Trong các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, Người đã cất đi đau khổ và trả lại sự sống cho con người. Với niềm xác tín vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta hãy thành tâm và tha thiết cầu xin.
1. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương hoàn cảnh của bà góa thành Nain. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục và các Linh mục luôn là những mục tử như lòng Chúa mong ước, nên dấu chỉ sống động cho lòng thương xót của Chúa qua lời nói và hành động khi thi hành tác vụ Chúa trao.
2. Chúa đã an ủi bà mẹ mất con: “Bà đừng khóc nữa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhà cầm quyền các quốc gia trên thế giới biết quan tâm và đồng cảm trước hoàn cảnh của người dân, luôn tìm ra những phương cách hỗ trợ kịp thời và chính đáng cho những người nghèo đói, đau khổ hay già yếu bệnh tật.
3. Chúa phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh hãy trỗi dậy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang sống trong tội lỗi và đắm mình trong văn hoá sự chết, được nghe tiếng Chúa thức tỉnh để dứt khoát với mọi đam mê sai trái, biết tìm đến nguồn mạch ân sủng nơi các bí tích, và sống một đời sống mới như Chúa muốn.
4. Mọi người đều ngợi khen Thiên Chúa khi chứng kiến phép lạ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và trân trọng hồng ân sự sống, biết dùng cuộc sống Chúa ban ở đời này để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân, đồng thời chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của chính mình.
Chủ tế: Lạy Chúa là Thiên Chúa hằng sống, xin thương nhận những ý nguyện chúng con dâng lên Chúa và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con biết sống trọn vẹn cuộc sống hiện tại, để mai sau xứng đáng được thông phần vào sự sống của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Bình An khai giảng khóa huấn luyện huynh trưởng cấp 1- 2025
-
Giáo hạt Gia Định hành hương Năm Thánh -
Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025 -
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023