Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Mùa Thường Niên - Năm C

CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN C
(
Is 6, 1-2a, 3-8; 1 Cr 15, 1-11; Lc 5, 1-11)

LỜI MỜI GỌI VÀ SỰ ĐÁP TRẢ

Thế là họ đưa thuyền vào bờ,
rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người
.”

(Lc 5,11)

I. CÁC BÀI ĐỌC:

Các bài đọc lời Chúa hôm nay làm nổi bật khía cạnh về lời mời gọi và sự đáp trả. Mỗi câu chuyện có những nét khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung về ơn gọi từ Thiên Chúa và sự đáp trả của con người.

1. Bài đọc 1

Đoạn sách trình bày ơn gọi của ngôn sứ Isaia. Khi được Thiên Chúa mặc khải cho thấy vinh quang của Ngài (6,2.4), rằng Ngài là Đấng Thánh (6,3), Isaia nhận ra mình là một kẻ có môi miệng ô uế (6.5). Sau khi được Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng (6,6), vị ngôn sứ bày tỏ sự sẵn sàng để được sai đi (6.8).

Trước hết, ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa tỏ lộ cho thấy vinh quang của Ngài. Ngài là Đấng “ngự trên ngai rất cao”, với “các thần Sêraphim đứng chầu”; tiếng tung hô của các vị “làm cho các trụ cửa rung chuyển, khắp Đền Thờ khói tỏa mịt mù”. Đây là những dấu hiệu đặc trưng của một cuộc thần hiển, trong đó vinh quang Thiên Chúa “rạng ngời cả mặt đất”; Ngài cũng là Đấng được tung hô “ba lần Thánh”. Như thế, Thiên Chúa, như được mặc khải cho ngôn sứ Isaia, là một Đấng đầy quyền năng và vinh quang rạng ngời, là Đấng “chí thánh”.

Sau nữa, khi được chứng kiến vinh quang Thiên Chúa và phẩm chất “chí thánh” của Ngài, ngôn sứ Isaia mới cảm nhận được sự bất xứng và ô uế của mình: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” (6,5). Đứng trước một Thiên Chúa “chí thánh”, một đàng, ngôn sứ thấy rõ thân phận tội lỗi của mình, đàng khác, ngôn sứ như cảm nhận được sự ưu ái Thiên Chúa dành cho mình: “Thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!”. Thiên Chúa không chỉ là Đấng “chí thánh”, “quyền uy” đáng sợ, mà còn là Đấng quan tâm và ưu ái tỏ mình ra cho cả người tội lỗi.

Cuối cùng, Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng ông Isaia và sai ông làm ngôn sứ cho Ngài. Thiên Chúa sai thần Sêraphim dùng hòn than hồng gắp từ trên bàn thờ mà thanh tẩy môi miệng vị ngôn sứ, làm cho ông “được tha lỗi và xá tội” (6,7). Thiên Chúa là Đấng Thánh (6,3), và lời Ngài là lời thánh thiêng nên miệng lưỡi của ngôn sứ, người nói lời Chúa, cũng phải được thanh tẩy cho xứng đáng với sứ mạng nói lời Chúa. Chỉ sau khi được thanh tẩy miệng lưỡi, ngôn sứ mới tự tin đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (6,8).

2. Bài đọc 2

Thánh Phaolô bộc bạch với các tín hữu Côrintô về ơn gọi và sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Đối với thánh Phaolô, Đức Kitô đã chết và đã sống lại theo đúng như lời Kinh Thánh là nội dung sứ điệp Tin Mừng mà ngài phải rao giảng và mời gọi mọi người tin để được cứu độ.

Trước hết, thánh Phaolô nói về ơn gọi của mình. Ngài xác tín rằng, chính Thiên Chúa chọn, gọi và trao cho ngài sứ mạng rao giảng Tin Mừng (Gl 1,15-16) và chính Chúa Kitô Phục Sinh đã trực tiếp mạc khải cho ngài Tin Mừng ấy (1 Cr 15,8; Gl 1,12). Dù chỉ như một đứa trẻ sinh non, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, nhưng thánh nhân luôn xác tín mạnh mẽ về ơn gọi làm sứ giả rao giảng Tin Mừng. Đó không phải là một sự chọn lựa, mà là một ơn gọi, một sự “đòi buộc” từ Thiên Chúa: đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16).

Sau nữa, thánh Phaolô cảm nhận sự bất xứng của mình trước ơn gọi lớn lao và sức mạnh của ơn Chúa nơi mình. Một đàng, ngài chỉ xem mình là người hèn mọn trong số các tông đồ vì ngài đã từng ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Đàng khác, thánh nhân xác tín mạnh mẽ về sức mạnh mà Thiên Chúa ban cho ngài. Tất cả những gì ngài làm được đều “nhờ ơn Thiên Chúa”, đều do “ơn Thiên Chúa ở cùng” (1 Cr 15,10). Thánh nhân không ngại thừa nhận sự yếu đuối của mình, vì chính trong sự yếu đuối đó mà sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ: “Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2 Cr 12,9).

Khi xác tín về ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa dành cho mình, đồng thời, ý thức về thân phận yếu đuối của mình để sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ hiện, thánh Phaolô đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2) để mọi người tin mà được cứu độ.

3. Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng cũng là câu chuyện về ơn gọi và sự đáp trả của ông Phêrô và các bạn chài của mình. Chúa Giêsu là người chủ động tiếp xúc và bày tỏ quyền năng của Người cho các ông qua mẻ cá lạ lùng. Chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu, ông Phêrô kinh ngạc và nhận ra mình là kẻ tội lỗi, bất xứng, nhưng Đức Giêsu trấn an ông và mời gọi ông làm môn đệ “thu phục người ta”.

Trước hết, câu chuyện ơn gọi của ông Phêrô và các bạn phát xuất từ sự chủ động của Chúa Giêsu. Người xuống thuyền của ông, yêu cầu ông chèo ra xa bờ, yêu cầu ông thả lưới bắt cá. Ông Phêrô từng bước vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, dù có lúc ông không cảm thấy xác tín lắm về những việc mình làm: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (5,5). Chỉ khi ông Phêrô “vâng lời Thầy”, ông và các bạn mới được chứng kiến điều kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa qua mẻ cá lạ lùng. Ở đây, sự “vâng phục” của người môn đệ là điều kiện cần thiết để quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua những con người tầm thường.

Thêm vào đó, qua mẻ cá lạ lùng này, ông Phêrô và các bạn không chỉ “kinh ngạc” mà còn hoàn toàn bị Chúa Giêsu thu phục. Cử chỉ “sấp mặt dưới chân Đức Giêsu” thể hiện sự tùng phục hoàn toàn. Các ông không chỉ nhận ra sự cao cả và quyền năng của Thầy, mà còn nhận thức được thân phận tội lỗi, bất xứng của mình: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (5,8). Giờ đây, trong mắt của ông Phêrô và các bạn, Đức Giêsu không còn đơn thuần là Thầy [“Thưa Thầy”] (5,5) như bao bậc thầy khác, mà là Chúa [“Lạy Chúa”] (5,8), Thiên Chúa duy nhất của cuộc đời các ông.

Cuối cùng, khi ông Phêrô và các bạn đã hoàn toàn bị “khuất phục”, Chúa Giêsu mới trao cho các ông sứ vụ. Chúa Giêsu trao cho các ông sứ vụ “thu phục người ta” cùng với lời khích lệ “đừng sợ”. “Đừng sợ” vì dẫu các ông vẫn là những con người yếu đuối và tội lỗi, các ông luôn có sức mạnh của Đức Giêsu là Thầy và là Chúa của mình. Có Đức Giêsu cùng đồng hành, các ông sẵn sàng “bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Sứ mạng “thu phục người ta” đòi hỏi nơi người môn đệ một thái độ dứt khoát từ bỏ và dấn thân trọn vẹn cho Thầy và cùng với Thầy Giêsu.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa mặc khải cho thấy vinh quang và quyền năng của Ngài. Đứng trước một Thiên Chúa là Đấng “chí Thánh”, ngôn sứ nhận thấy mình “ô uế” và “tội lỗi”. Tuy vậy, ngôn sứ được Thiên Chúa thanh tẩy miệng lưỡi và mời gọi làm ngôn sứ cho Ngài. Lời “xin vâng” của ngôn sứ là lời đáp trả của một con người đầy yếu đuối trước một Thiên Chúa toàn năng và chí thánh. Tôi có mở lòng để được Thiên Chúa “thanh tẩy” và sai đi làm ngôn sứ cho Chúa? Tôi có sẵn sàng ra đi với sức mạnh của Thiên Chúa, dẫu vẫn ý thức rằng mình là một người yếu đuối và bất xứng?

2/ Thánh Phaolô xác tín mạnh mẽ về ơn gọi và sứ mạng rao giảng Tin Mừng mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã trực tiếp ủy thác cho ngài. Dẫu vậy, thánh nhân luôn ý thức mình bất toàn và yếu đuối, để sức mạnh của Chúa Kitô được thể hiện. Tôi có xác tín rằng tôi được Thiên Chúa mời gọi và sai đi không phải vì tôi xứng đáng hay vì tài năng của tôi, mà là vì Thiên Chúa ưu ái và yêu thương, để sức mạnh của Ngài được thể hiện nơi sự yếu đuối của tôi?

3/ Đứng trước quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ qua mẻ cá lạ lùng, thánh Phêrô và các bạn chài nhận ra sự yếu đuối và thân phận tội lỗi của mình. Dẫu vậy, các ngài được Chúa Giêsu khích lệ “đừng sợ” và hãy can đảm nhận sứ mạng “thu phục người ta”. Với ơn Chúa, các ngài đã sẵn sàng “bỏ mọi sự mà theo Người”. Tôi có sẵn sàng “từ bỏ” những gì thuộc về tôi và phó thác con người yếu đuối và tội lỗi của mình trong bàn tay quyền năng của Chúa Giêsu, để thực hiện sứ mạng “thu phục người ta” theo lời mời gọi của Chúa Giêsu?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cha đã thương mời gọi chúng ta làm tông đồ để loan báo và xây dựng Nước Trời. Chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và khẩn khoản nài xin.

1. Hội Thánh có sứ mạng đem muôn dân về với Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Giáo hội luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng, nỗ lực hoạt động để Tin Mừng cứu độ của Chúa được loan báo cho mọi tâm hồn.

2. Nhờ vâng theo lời Chúa, thánh Phêrô đã lưới được mẻ cá đầy. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người Công giáo Việt Nam biết tích cực phúc âm hóa đời sống xã hội, cách đặc biệt trong dịp Tết này, bằng việc sống bác ái yêu thương như Chúa truyền dạy.

3. Gia đình là tổ ấm góp phần nuôi dưỡng ơn gọi tông đồ. Chúng ta cùng cầu xin cho các gia đình trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức vun đắp lòng đạo đức và lý tưởng tông đồ cho con cái bằng lời cầu nguyện, gương lành và những khích lệ cụ thể.

4. Ý thức sự yếu đuối và giới hạn của con người là điều kiện để ơn thánh tuôn tràn. Xin cho từng người trong chúng ta biết nhận ra những lỗi lầm thiếu sót trong một năm qua và quyết tâm sửa đổi để xứng đáng đón nhận muôn phúc lành trong năm mới.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin thương nhận những ước nguyện chân thành của chúng con. Xin ban ơn Thánh Thần giúp chúng con sống xứng đáng với ơn gọi kitô hữu, luôn nhiệt tình chia sẻ niềm vui Tin mừng và thu phục các tâm hồn về với Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top