Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Phục Sinh

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Phục Sinh

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

(Cv 10,34a.37-43 ; Tv 117 ; Cl 3,1-4 ; Ga 20,1-9)

TÌNH YÊU LÀM CHO THẤY VÀ TIN

 “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1 (Cv 10,34a.37-43)

Mầu nhiệm Phục sinh là trung tâm của niềm tin Kitô giáo, do đó không lạ gì mầu nhiệm này cũng là tâm điểm của các lời giảng dạy của các Tông đồ. Lời giảng dạy của thánh Phêrô tại nhà ông Cônêliô ở Xêdarê cũng giống như những lời giảng thuyết trước đó, tập trung trên con người và sứ vụ của Chúa Giêsu. Người đã được Thiên Chúa Cha xức dầu thánh hiến qua việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người, để như Đấng Mêsia, Người thực hiện lời ngôn sứ Isaia loan báo: chữa lành người đau yếu, giải thoát kẻ bị giam cầm, công bố tin mừng Nước Thiên Chúa. Người đã bị kết án tử nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Chính Phêrô và các Tông đồ là những nhân chứng về các điều họ giảng dạy. Họ không chỉ thấy Người đã sống lại nhưng còn ăn uống và trò chuyện với Người. Các Tông đồ cũng thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh là loan báo cho mọi người biết Người chính là Đấng sẽ xét xử muôn dân, nhưng những ai tin vào Người sẽ được sống.

Như thế sứ vụ của Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, đã được Cựu Ước loan báo và chính Người đã thực hiện. Người đến cứu độ con người khỏi án phạt của tội lỗi nhờ sự chết của Người và ban cho họ sự sống mới nhờ thông phần vào sự phục sinh của Người. Người không chỉ đến để cứu người Do thái, nhưng là tất cả những ai tin vào Người, những ai sống theo sự công chính và ngay thẳng. Do đó thánh Phêrô đã tuyên bố rằng Thiên Chúa không thiên vị người nào, dù là Do thái hay dân ngoại. Những người tin vào lời giảng dạy của các Tông đồ không chỉ có người Do thái, nhưng cả dân ngoại, và họ không chỉ tin vào các Tông đồ nhưng chính là tin vào Đấng các ngài rao giảng và làm chứng, Đấng thực hiện lời hứa cứu độ cho những ai tin tưởng vào Người.

2. Bài đọc 2 (Cl 3,1-4)

Qua phép rửa tội, tín hữu chết cho con người cũ của tội lỗi và được tham dự vào sự sống mới Chúa Kitô phục sinh trao ban. Do đó Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu, những người đã sống lại với Đức Kitô hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thánh nhân không có ý bảo các tín hữu xa lánh hay sống bên lề xã hội, không quan tâm đến cuộc sống hiện tại. Nhưng thay vì chú tâm tìm kiếm những thứ sẽ hư hao tan biến thì các tín hữu hãy biết sử dụng cuộc sống hiện tại theo một phương thế tích cực. Những lời khuyên nhủ của thánh Phaolô mang màu sắc tích cực, tìm kiếm những điều tốt, những điều thuộc về Thiên Chúa. Tâm trí của người tín hữu phải hướng đến cuộc sống vĩnh cửu, tìm thấy nơi đó chính là cuộc sống thật và mục đích của hành trình trần gian. Chính nhờ đời sống mới của họ mà tín hữu có thể ngợi khen chúc tụng Đức Kitô phục sinh, Đấng đã tiêu diệt tội lỗi và sự chết, Đấng đã phục sinh và không bao giờ chết nữa.  

3. Bài Tin Mừng (Ga 20,1-9)

Nếu trong mùa Phục Sinh chúng ta chờ đợi để nghe các thánh sử tường thuật lại việc Chúa Giêsu đã sống lại như thế nào thì chắc hẳn chúng ta sẽ thất vọng, vì trong các đoạn nói về Chúa Giêsu phục sinh, bốn sách Tin Mừng đều không trình bày sự kiện Chúa Giêsu đã phục sinh như thế nào, nhưng chỉ kể lại việc các phụ nữ đến viếng mồ Chúa Giêsu, việc tảng đá trước mộ đã bị lăn ra, ngôi mộ trống, các thiên thần báo tin Người đã sống lại, các cuộc hiện ra của Người, vv. Chúng ta có thể thắc mắc: đoạn Tin Mừng của ngày Chúa nhật Phục Sinh hôm nay chỉ nói về ngôi mộ trống cùng các tấm khăn liệm và các băng vải được xếp gọn, còn xác của Chúa Giêsu thì không còn ở đó. Những điều này có ý nghĩa gì đối với việc phục sinh của Chúa Giêsu và đối với niềm tin của chúng ta vào việc Chúa Giêsu phục sinh?

Thánh sử Gioan kể lại rằng bà Maria Mađalêna đã đi ra mồ lúc trời còn tối vào sáng ngày thứ nhất trong tuần và bà đã nhìn thấy tảng đá trước cửa mồ đã được lăn ra. Bà đã chạy về báo cho ông Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, và họ đã chạy đến mồ. Đến nơi họ chỉ thấy mồ trống cùng các khăn liệm vẫn còn đó và khăn che đầu được xếp lại và nằm riêng một chỗ. Thánh Gioan kể thêm: người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến đã thấy và đã tin. Ông thấy gì và tin gì? Có lẽ ông thấy mộ trống cùng các khăn liệm được xếp ngay ngắn nên ông tin là Chúa đã sống lại? Mồ trống có phải là dấu chỉ của việc Chúa sống lại không? Không chắc, vì như thánh Mátthêu đã viết, các lính canh Do thái đã nhận tiền để phao tin là các môn đệ của Chúa Giêsu đã đến lấy xác của Người; hay như chính bà Maria Mađalêna, khi thấy tảng đá bị lăn ra đã chạy đi báo cho các môn đệ Chúa Giêsu là “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Nhưng các tấm khăn liệm và khăn vải được xếp ngay ngắn có thể cho thấy mộ trống không phải là kết quả của một cuộc trộm xác, vì không có kẻ trộm nào lại dư giờ lột các tấm khăn rồi còn xếp ngay ngắn; hơn nữa vác một cái xác không có quấn khăn làm cho việc trộm xác dễ bị lộ diện. Các thánh sử sau khi thuật lại sự kiện mồ trống đã kể lại các lần hiện ra của Chúa Giêsu với bà Maria, với các môn đệ của Người. Như vậy sự kiện mồ trống và các cuộc hiện ra có một sự liên hệ: mồ trống xác nhận là Chúa Giêsu không còn ở đó, và các cuộc hiện ra xác nhận rằng Người không còn ở trong mồ vì Người đã sống lại; Người đã sống lại từ cõi chết.

 Điều quan trọng thánh sử Gioan nhấn mạnh trong đoạn Tin Mừng hôm nay chính là niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu và hành trình đi đến niềm tin đó. Thánh sử đã nhấn mạnh: “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến đã thấy và đã tin”. Sự kiện mồ trống có thể làm cho hai môn đệ hoang mang bối rối, nhưng thánh sử đã cho thấy hành trình đến niềm tin của người môn đệ được yêu mến. Điều người môn đệ này thấy cũng là điều ông Phêrô thấy, nhưng tác giả nhấn mạnh trên niềm tin của người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến. Niềm tin tác giả nói đến đây là một niềm tin thật sự, một cảm nghiệm sâu xa, niềm tin chỉ có thể giải thích bằng sự liên kết của tình yêu, cảm nhận của tình yêu. Bà Maria cũng yêu mến Chúa Giêsu nên đã đến viếng mồ từ sáng sớm. Nhưng khi thấy tảng đá bị lăn ra khỏi cửa mồ, bà chỉ nghĩ đến việc người ta đã mang Người đi. Ông Phêrô cũng yêu mến Chúa Giêsu, cũng lo lắng vội vàng chạy đến mồ khi nghe báo người ta đã mang Chúa đi, nhưng vẫn không nhận ra mầu nhiệm của những sự kiện đang nhìn thấy. Còn người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến thì khác, ông đã thấy và đã tin.

Việc thánh sử Gioan lập đi lập lại “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến” không ngoài mục đích nhấn mạnh đến tình yêu của Chúa Giêsu dành cho ông và chắc chắn tình yêu của ông đối với Người. Chính cách gọi này dẫn chúng ta đến lý do tại sao người môn đệ này “đã tin”. Tình yêu đã thúc đẩy ông cùng với ông Phêrô chạy đến mồ khi nghe bà Maria báo tin người ta đã mang Chúa đi. Tình yêu đã giúp ông nhận ra được Chúa Giêsu trong khi các môn đệ khác còn đang bối rối lo sợ. Tình yêu đã giúp ông nhận ra Người đã phục sinh ngay cả khi không được nhìn thấy Người đã phục sinh như thế nào. Có những điều lý trí không giải thích được nhưng tình yêu đã giúp cảm nhận và nắm bắt ý nghĩa của nó. Tình yêu đã soi sáng cho người môn đệ này nên khi nhìn thấy mồ trống và các khăn liệm ông tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Niềm tin của người môn đệ này giải thích ý nghĩa của sự kiện mồ trống; mồ trống không phải vì người ta đã trộm xác Chúa Giêsu, nhưng chính là vì Người đã sống lại.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Bao nhiêu lần mừng lễ Phục sinh tôi có tự hỏi việc Chúa sống lại có ý nghĩa nào trong cuộc đời tôi? Tôi có xác tín Người đã chết và sống lại vì tôi? Lễ Phục Sinh được cầu chúc “Phục Sinh vui tươi” có đúng với tôi không? Tôi có cảm nghiệm niềm vui Chúa Phục Sinh mang lại cho tôi, hi vọng Người ban cho tôi, để niềm vui Phục sinh cũng được tôi trao ban cho anh em tôi?

2. Tình yêu dành cho Chúa Giêsu của bà Maria, của ông Phêrô hay của người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến có chất vấn tình yêu của tôi dành cho Người và cho anh em, để có thể có một gặp gỡ, có những đồng cảm chia sẻ có thể thay đổi cuộc đời của tôi hay của anh em tôi?

3. Lời mời gọi của thánh Phaolô nhắc nhở tôi hãy thay đổi cách sống của mình để trở nên giống với những người thuộc về Thiên Chúa, những người đang sống sự sống mới được lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy, qua việc giao hòa với Thiên Chúa và anh em trong bí tích hòa giải, và nhờ sức mạnh thần linh được thông ban qua việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã cho Đức Giêsu Kitô chỗi dậy từ trong cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần; nơi Người, chúng ta được tái sinh và đón nhận sức sống mới. Trong niềm hân hoan mừng Chúa sống lại, chúng ta cùng tôn vinh chúc tụng Chúa và dâng lời cầu nguyện.

1. Người môn đệ được Chúa yêu “đã thấy và đã tin.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn vững tin vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, và nhiệt tâm loan báo tin mừng Phục Sinh cho con người hôm nay bằng lời rao giảng, đời sống cầu nguyện và gương sáng đức tin của mình.

2. “Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi dân tộc trên thế giới được nghe loan báo về Đức Kitô phục sinh và tin nhận Người là “khởi nguyên và cùng đích”, để tất cả mọi người luôn sống trong tin yêu hy vọng hướng về hạnh phúc đời đời.

3. Đức Kitô phục sinh là niềm hy vọng và an ủi cho những ai u sầu thất vọng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ hồn xác được tham dự vào niềm vui phục sinh hôm nay, để họ có thêm can đảm đón nhận và vác thập giá trong đời sống hàng ngày mà bước theo Chúa.

4. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người tham dự phụng vụ hôm nay được lãnh nhận dồi dào ân sủng của Chúa phục sinh, biết làm sống động đức tin của mình qua đời sống đạo nhiệt thành, trở nên men muối cho đời, và ánh sáng cho trần gian.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa hằng sống, Con Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, và cho niềm vui phục sinh hôm nay biến đổi chúng con trở nên những con người mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

 

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top