Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Lc 19,28-40; Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 23,1-49
“Lạy Cha, Con xin phó thác hồn Con
trong tay Cha” (Lc 23,46)
Trong Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, người tín hữu khắp nơi trên thế giới cùng hòa mình vào các đoàn rước, cầm nhành lá trên tay, noi gương dân thành Giêrusalem, hoan hỷ đón Chúa Giêsu Kitô ngự đến cộng đoàn phụng vụ của mình, ngự vào tâm hồn mỗi người chúng ta, như Vị Vua đầy nhân hậu và khoan dung, Vị Vua vĩnh cửu, hiển trị thiên đường. Thánh Thi mừng Chúa Kitô Vua có đoạn viết:
“Câu chúc tụng, lời tung hô vạn tuế
Kính dâng Ngài, lạy Vua Cả Kitô
Xin tôn vinh Đấng Cứu Chuộc nhân từ
Như toàn thể thiếu nhi xưa mừng Chúa”.
Ngoài nghi thức làm phép lá và rước kiệu, phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ còn cho chúng ta nghe lại những đoạn đoạn sách linh hứng có liên hệ đến Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô, thổi bùng lên trong lòng chúng ta tình cảm mến tri ân Đấng đã vì yêu thương chúng ta mà sẵn lòng đón nhận mọi khổ đau, thương tích và cả cái chết ô nhục trên thập giá.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1- BÀI ĐỌC 1: Is 50,4-7
Bài đọc 1 là trích đoạn chính trong bài ca thứ ba về người Tôi Trung của Thiên Chúa Yahweh (Is 50,4-9). Các bài ca còn lại về người Tôi Trung này xuất hiện ở Is 42,1-4; 49,1-6; 52,13-53,12. Trong bài đọc 1 này, Người Tôi Trung phải chịu cảnh nhục nhã ê chề, đau đớn về mặt thể lý lẫn tinh thần. Vì muốn sống trọn lòng vâng phục của mình với Thiên Chúa, Người Tôi Trung đã vui lòng đón nhận việc “đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”. Quả thật, cảm nghiệm và kinh nghiệm bị người đời đối xử bất công, bị hành hạ về thể lý, bị nhục mạ về tinh thần, vốn thường là những hậu quả không tránh khỏi của không ít những ai muốn sống trung tín với Thiên Chúa, với sứ mạng Người trao.
Người Tôi Trung cảm nhận mình đã được Thiên Chúa giảng dạy, đã được Thiên Chúa mở tai, để được lắng nghe tiếng Người. Về phía mình, Người Tôi Trung đã không ngoảnh mặt làm ngơ trước những gì Chúa dạy. Ngài đã không thoái lui trước sứ mạng Chúa trao. Với khả năng được Thiên Chúa trao ban cho mình, Người Tôi Trung đã trình bày Lời Chúa như một “người môn đệ”, tức là, như người giảng dạy Lời Chúa cho dân, phát xuất từ những kinh nghiệm thâm sâu của chính mình với “Đức Chúa là Chúa Thượng” (3x, cc.4.5.7), là bậc tôn sư của mình. Chính từ kinh nghiệm thân tình này với Thiên Chúa, mà Người Tôi Trung biết dùng lời lẽ “nâng đỡ những ai kiệt sức rã rời”.
Người tín hữu chúng ta không khó nhận ra những lời này đã được ứng nghiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Chính Người đã từng dùng những lời an ủi nâng đỡ chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Với những ai đang đau khổ buồn phiền vì mang lấy gánh nặng của tội lỗi nơi mình, Chúa Giêsu đã mang lại cho họ niềm hy vọng và niềm tin vào lòng xót thương của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
Nhưng không phải tất cả mọi người đều sẵn lòng nghe tiếng Người Tôi Trung giảng dạy. Không ít kẻ đã tỏ thái độ thù nghịch với Người Tôi Trung. Họ đã đối xử với Ngài bằng những hình thức bất công và bạo lực, nhằm làm lung lay tinh thần của Ngài. Nhưng từ cảm nghiệm thiêng liêng sâu xa trong tình thân với Thiên Chúa, tức là nghiệm thấy một đàng, những hành vi nhục mạ kia không phải do lỗi của Người Tôi Trung, nhưng do sự ghen ghét đố kỵ của những kẻ chống lại Ngài mà ra; đàng khác, và đây là điểm sâu xa hơn, đó là Người Tôi Trung nghiệm thấy Đức Chúa luôn là Đấng phù trì, bênh đỡ mình ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng chừng bi đát nhất. Từ kinh nghiệm thiêng liêng này, mà Người Tôi Trung không tỏ ra nao núng, nhưng cương quyết hơn bao giờ hết trước sứ mạng được Thiên Chúa trao ban.
Đối với người tín hữu chúng ta, những lời ngôn sứ về tình cảnh đau thương của Người Tôi Trung – việc “đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (c6) - đã được ứng nghiệm theo nghĩa đen của hạn từ trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu (x. Mt 26,57; 27,30; Mc 14,65; 15,16-20; Lc 22,63).
2- BÀI ĐỌC 2: Pl 2,6-11
Bài đọc 2 được xem là một trong những đoạn Kinh Thánh ghi đậm nét Kitô học nhất trong toàn bộ Tân Ước. Thánh Phaolô đã trình bày bài thánh thi này như lời mời gọi sâu xa đối với từng người tín hữu: “hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ghen tị hay hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,2-4).
Ngài mời gọi người tín hữu hãy học nơi Đức Giêsu Kitô gương tự hạ hoàn toàn, xóa mình ra không, vì lợi ích phần rỗi của con người. Quả thật, bài thánh thi này đã tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã hóa mình ra không, Ngài là Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”, nhưng đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang”, nên một trong chúng ta trong mầu nhiệm Nhập Thể của Người. Điều này không có nghĩa là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, không còn là Thiên Chúa nữa. Không, Ngài mãi là Thiên Chúa theo thần tính của Người. Nhưng với mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài là Thiên Chúa theo hình thái khác: Ngài là Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa với “thân xác” như chúng ta, nghĩa là chịu những giới hạn tự nhiên đi kèm theo thân xác ấy.
Với thân xác như chúng ta, Đức Giêsu Kitô là “Thiên Chúa ẩn mình”. Ngay cả các môn đệ là những người cận kề bên Người thường ngày, cũng không dễ dàng nhận ra “thần tính” của Người. Khi Chúa Giêsu thi hành sứ vụ công khai của Người, chỉ có ba môn đệ là Phêrô, Gioan và Giacôbê, là những người được Chúa Giêsu ban cho những giây phút hạnh phúc ngất ngây nhất, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu biến hình, bày tỏ vinh quang Thiên Chúa rạng ngời vinh hiển của Người. Quả thật, vào thế kỷ I, không mấy ai nhận ra vinh quang Thiên Chúa nơi Đức Giêsu tại thế, đó là vì Người đã tự nguyện “trút bỏ vinh quang”, nghĩa là đã ẩn dấu vinh quang thần linh ấy nơi cuộc sống thường ngày của Người.
Người lại còn hạ mình hơn nữa, khi vâng phục đón nhận cái chết đau đớn và ô nhục trên thập giá, vì tình yêu dành cho Thiên Chúa Cha và vì phần rỗi của từng người chúng ta. Vì thế, hơn ai hết, Đấng đã hạ mình tột bậc, vốn thể hiện rõ nét nhất trong Cuộc Thương Khó, nay với biến cố Phục Sinh, xứng đáng được Thiên Chúa siêu tôn, với danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu, và được mọi loài trên trời, dưới đất, trong nơi âm phủ bái lạy Người, tôn xưng Người là Chúa.
3- BÀI TIN MỪNG: Lc 22,14 – 23,56
Bài đọc về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô làm nổi bật những hình ảnh tương phản, những nhân vật có những vai trò khác nhau. Những hình ảnh và những nhân vật này đáng để chúng ta suy gẫm:
1. Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để ở lại mãi với chúng ta. Người muốn hiến thân mình để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nhưng các môn đệ lại chưa hiểu được những điều tâm huyết Chúa muốn chia sẻ với họ trước khi Người bước vào thời khắc quyết định trong Cuộc Thương Khó. Họ lại còn cãi nhau sôi nổi xem ai là người cao trọng nhất trong nhóm.
2. Tại Vườn Dầu, Chúa Giêsu tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha. Có lúc Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất. Trong khi đó, các môn đệ lại đang ngủ, chẳng màng gì đến lời Chúa khuyên bảo họ trước đó: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”.
3. Phêrô tỏ rõ quyết tâm theo Chúa Giêsu, ông thưa với Người: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng”. Nhưng Chúa Giêsu lại tiên báo: “hôm nay gà chưa kịp gáy, thì anh đã ba lần chối là không biết Thầy”.
4. Chúa Giêsu yêu mến các môn đệ của Người. Nhưng Giuđa lại bán Chúa bằng một nụ hôn giả hình. Phêrô đủ can đảm chém đứt tai tên đầy tớ, nhưng lại không dám tuyên nhận mình là người môn đệ của Chúa.
5. Chúa Giêsu là một bậc thầy công chính, nhưng các thượng tế, kinh sư, kỳ mục và đám tùy tùng lại tìm bắt Chúa như bắt một tên trộm cướp. Nhiều phiên tòa được tổ chức vội vã để lên án tử cho Giêsu. Những câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu đều mang tính gài bẫy, hòng tìm cách giết Người cho bằng được. Trước tòa án tôn giáo, họ nại đủ lý do mang tính tôn giáo để tìm cách giết Người. Trước toàn án Philatô, những kẻ tố cáo Người phát biểu lấp liếm, tạo lý do chính trị để Philatô dễ kết án Người.
6. Quan tổng trấn Philatô tỏ ra là một người bạc nhược, khiếp sợ trước sức ép của dân chúng. Ông không muốn can thiệp, đứng về lẽ phải, dù ông biết rõ Chúa Giêsu chẳng có tội gì. Để khỏi nhọc công, ông đùn đẩy vụ việc sang vua Hêrôđê. Cuối cùng, dù thừa biết Chúa Giêsu chẳng có tội gì, và thừa biết do sự ghen tức mà các vị lãnh đạo dân Do-thái đã nộp Người cho mình, Philatô đã cho đánh đòn để thị uy, rồi cho giết Người để làm vui lòng dân chúng.
7. Vua Hêrôđê gặp Chúa Giêsu thì mừng lắm, nhưng thực ra ông chỉ mong xem một vài phép lạ Chúa làm cho vui, để thỏa chí tò mò. Ông tỏ ra mình là người biết điều tra. Ông hỏi nhiều điều. Nhưng khi Chúa không trả lời, vua và thị vệ đều khinh dể Người ra mặt, khoác cho Chúa một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, như thể xem Người là người khờ khạo, chẳng biết gì, hỏi gì cũng chẳng biết đối đáp.
Qua những nhân vật khác nhau, qua những hình ảnh tương phản, trình thuật Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như muốn làm nổi bật:
1. Chiến thắng của tình yêu Chúa Giêsu trên lòng hận thù của các thượng tế, kinh sư, và các kỳ mục
2. Chiến thắng của lòng thành tín nơi Chúa Giêsu trên sự phản bội của Giuđa
3. Chiến thắng của sự can trường nơi Chúa Giêsu trên sự khiếp nhược của Phêrô
4. Chiến thắng của sự thật trên sự mù quáng chính trị và thói mị dân của Philatô
5. Chiến chắng của lòng quả cảm và sự khiêm hạ nơi Chúa Giêsu trên sự hung tàn của các người lính Rôma
6. Chiến thắng của sự tha thứ nơi Chúa Giêsu trên sự nhục mạ của tên trộm dữ, của bao kẻ qua lại dưới thánh giá.
7. Chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối sự chết; của sự thiện trên sự dữ.
Trong Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, thánh sử Luca cho chúng ta thấy vẫn có những người đang âm thầm được tình yêu, sự khiêm hạ tột cùng, và sự tha thứ của Chúa Giêsu thuyết phục và cảm hóa: ông Simon người Kyrênê; các phụ nữ thành Giêrusalem; người trộm lành; viên đại đội trưởng; của bao người đã biết đấm ngực ăn năn; của ông Giuse, người thành Arimathea, v.v.
II. CÂU HỎI GỢI Ý
1. Chúa Giêsu đã bước vào Cuộc Thương Khó vì từng người chúng ta. Khi nhìn về cuộc đời của mình, bạn và tôi thấy mình trong tương quan với Chúa Giêsu đang sống hay hành xử giống với những nhân vật nào trong biến cố này?
2. Chúa Giêsu đã chịu chết để bạn và tôi được sống. Bạn và tôi đã, đang, và sẽ làm gì cho Chúa, để diễn tả tâm tình cảm mến tri ân Người?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại đã thể hiện trọn vẹn trên thánh giá qua cái chết của Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của Người. Với tâm tình tri ân cảm tạ, chúng ta cùng tin tưởng và tha thiết dâng lời nguyện xin.
1. Đức Giêsu đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn biết hạ mình và hy sinh theo gương Thầy Chí Thánh, dấn thân phục vụ và loan báo Tin Mừng cứu độ cho con người thời đại hôm nay.
2. Cuộc vượt qua của Chúa Kitô đem lại ơn giải thoát toàn diện cho nhân loại. Xin cho những người đang đau khổ ở khắp nơi trên thế giới, tìm được nguồn an ủi nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, cho những ai đã qua đời được chia sẻ vinh quang phục sinh cùng với Người.
3. Chúa Giêsu nói với kẻ trộm lành: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta.” Xin cho mọi kitô hữu, cách riêng những người trẻ, luôn đặt trọn niềm trông cậy nơi Chúa, và siêng năng đến với Người qua việc tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích.
4. Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó trong tâm tình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức chu toàn ý Chúa qua bổn phận hằng ngày, luôn tích cực loan báo niềm vui và hy vọng đích thực cho mọi người chung quanh.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và dẫn đưa chúng con ngày càng tiến sâu vào trong sự sống viên mãn mà Đức Giêsu Kitô đã đem đến cho nhân loại nhờ sự chết và cuộc phục sinh của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm
-
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023