Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên - Năm C
CHÚA NHẬT
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN NĂM C
(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)
SỨ VỤ CỦA KITÔ HỮU:
ĐƯỢC SAI ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG
“Phải nhân danh Thầy
mà rao giảng cho muôn dân,
bắt đầu từ Giêrusalem,
kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
Chính anh em là chứng nhân
về những điều này.”
(Lc 24,47-48)
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đề cập đến biến cố Chúa Giêsu Kitô Thăng Thiên (lên Trời) nhưng sứ điệp lại nhấn mạnh đến việc sai đi loan báo Tin Mừng ở dưới đất (truyền giáo). Đó là cách các Tông Đồ tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu. Nhờ đó, các Tông Đồ cùng với những ai đón nhận sứ điệp Tin Mừng sẽ được chung phần vinh quang của Chúa Giêsu Kitô trong Nước Trời.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC I (Cv 1,1-11)
Cv 1,1-11 với Lc 24,50-53 (của cùng một tác giả Luca) là hai đoạn văn Tân Ước minh nhiên trình thuật biến cố Chúa Giêsu Kitô lên Trời. Dầu vậy, bản văn Cv nhấn mạnh đến lệnh truyền Loan báo Tin Mừng. Đây là một sứ vụ tiếp nối chương trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Vì chủ đích này, ngay những câu đầu tiên, Sách Công vụ Tông Đồ đã tóm lược nội dung Tin Mừng theo Thánh Luca, đó là “tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho đến ngày Người được rước lên trời” (Cv 1,1-2a) mà các Tông Đồ đã tận mắt thấy tai nghe. Biến cố Chúa Giêsu Kitô lên Trời kết thúc giai đoạn “Công bố Tin Mừng” của Đức Giêsu từ Galilêa đến Giêrusalem; đồng thời, mở ra một giai đoạn mới, nhưng vẫn tiếp nối giai đoạn cũ của Đức Giêsu, là “Loan báo Tin Mừng” của các Tông Đồ từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.
Đức Giêsu đã được nhận Chúa Thánh Thần trong biến cố chịu Phép Rửa và để Người tác động trong suốt sứ vụ của mình thế nào, thì lúc này “anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” để dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ được sai đi làm chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô “tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa, Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”.
Biến cố lên Trời của Đức Kitô làm cho tâm trí các Tông Đồ “hướng về trời”, nhưng phải được thực hiện bằng việc “trở lại mặt đất” để loan báo Tin Mừng. Nhờ thế, một ngày nào đó, Đấng vừa lên trời vinh hiển mà các Tông Đồ vừa chiêm ngưỡng lại đến trong vinh quang để đón các ông và những kẻ tin cùng lên trời.
2. BÀI ĐỌC I (Ep 1,17-23)
Chúa Giêsu Kitô lên Trời là bảo chứng cho niềm hy vọng và là gia nghiệp cho những ai ra đi loan báo Tin Mừng, và cho cả những kẻ đón nhận Tin Mừng. Qua sự kiện này, quyền lực vô biên Thiên Chúa được biểu dương nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu khổ nạn, chịu chết, đã phục sinh và nay lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, qua việc tôn vinh Người làm Chúa trên mọi quyền lực thần thiêng.
Khi được siêu thăng, Chúa Giêsu Kitô có quyền năng trên tất cả mọi sự và được đặt làm Đầu của Hội Thánh. Là thân thể có Chúa Giêsu Kitô là Đầu, Hội Thánh chính là sự viên mãn của Người. Đồng thời, vì Hội Thánh vừa là chứng nhân của các sự kiện liên quan đến cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, vừa được chia sẻ quyền năng của Người nên có sứ mạng loan báo Tin Mừng để làm cho tất cả mọi người được viên mãn trong Đấng vừa được siêu thăng.
3. BÀI TIN MỪNG (Mc 16,15-20)
Khác với các Tin Mừng theo thánh Mátthêu và thánh Máccô thuật việc Chúa Giêsu lên Trời tại Galilê, Tin Mừng theo thánh Luca thuật biến cố Đức Giêsu lên Trời tại một nơi gần Bêtania (Lc 24,50), vẫn thuộc Giêrusalem. Sự khác biệt này là tuỳ theo chủ đích của từng Tin Mừng. Mátthêu và Máccô cố ý nhấn mạnh rằng các môn đệ sẽ nhận sứ vụ và bắt đầu tại nơi Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Người tại Galilê. Sau này, đi tới đâu thì các ông sẽ nói những điều Đức Giêsu đã loan báo và làm những việc Đức Giêsu đã làm mà các ông đã nghe, đã chứng kiến khi theo Người. Còn Luca nhấn mạnh rằng sứ vụ của Đức Giêsu bắt đầu từ Galilê và đã kết thúc ở Giêrusalem. Đến lượt, các môn đệ sẽ nhận lãnh và tiếp tục sứ vụ của Đức Giêsu từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất (Cv 1,8). Tuy nhiên, các trình thuật đều nhấn mạnh một điểm cốt yếu chung, đó là mệnh lệnh cuối cùng mà Chúa Giêsu Kitô truyền cho các môn đệ trước khi lên Trời là sứ vụ Loan báo Tin Mừng.
Vì thế, sứ vụ này rất quan trọng, mang tính chất sống còn của các môn đệ. Theo Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu Kitô đã truyền dạy: Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,47-48). Lệnh truyền này khiến các môn đệ phải “đi ra” loan báo Tin Mừng (truyền giáo), hầu đem lại ơn cứu độ cho mọi người khắp nơi.
Như vậy, chính lúc Chúa Giêsu Kitô kết thúc sứ vụ của Người ở trần gian, các môn đệ lại bắt đầu sứ vụ của mình bằng cách đi khắp nơi loan báo Tin Mừng. Khi làm như vậy, các môn đệ tiếp nối sứ vụ cứu độ mọi người của Chúa Giêsu Kitô.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđê, Sammari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chúa Giêsu Kitô thăng thiên nhưng Người truyền cho các Tông Đồ, tức là Hội Thánh tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Người cho đến mọi miền trên trái đất. Thi hành lệnh truyền này là sứ vụ cốt yếu làm nổi bật căn tính của Hội Thánh và cũng là của mỗi Kitô hữu. Sự sống còn của Hội Thánh tùy thuộc vào sứ vụ này. Phải chăng điều cốt lõi nơi đời sống đạo của mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi đoàn thể và nhất là mỗi Kitô hữu phải liên quan đến việc làm chứng về cuộc khổ nạn, chết và phục sinh để cứu độ mọi người của Đức Kitô, nghĩa là đem Tin Mừng đến mọi người mọi nơi? Sứ vụ này bắt đầu từ “Giêrusalem”, phải chăng đó là bắt đầu từ môi trường mình đang sống, qua những lời nói và gương sáng trong đời sống hằng ngày, rồi sau đó lan tỏa sang môi trường rộng hơn, và cuối cùng “đến tận cùng trái đất”?
2. “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy” (Cv 1,8). Nếu các Tông Đồ đã được Đức Giêsu tuyển chọn nhờ Thánh Thần (Cv 1,2) thì cũng sẽ nhờ Thánh Thần để sai đi loan báo Tin Mừng và làm Phép Rửa (Cv 1,5.8). Việc loan báo Tin Mừng là sứ vụ của Hội Thánh nhưng do tác động của Chúa Thánh Thần và có Chúa Giêsu Kitô cùng hoạt động. Phải chăng khi thực hiện sứ vụ truyền giáo, mỗi Kitô hữu chúng ta cần hành động theo sự tác động khôn ngoan của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có ý thức rằng mặc dù Đức Giêsu đã lên Trời nhưng Người vẫn đang “cùng hoạt động” với mỗi Kitô hữu chúng ta dưới thế khi chúng ta thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và Người sẽ dùng các “dấu lạ” để xác nhận công việc truyền giáo này của Hội Thánh (Mc 16,20)?
3. “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?” (Cv 1,11). Thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta hướng lòng về trời, nơi mà Đức Giêsu đã lên để chuẩn bị và sẽ lại đến để đón chúng ta. Tuy nhiên, các Kitô hữu không thể cứ đứng đó “nhìn trời” mà chờ, nhưng muốn về trời thì trước hết phải “ra đi” sống đời chứng nhân trước đã. Đó là điều Đức Giêsu đã truyền “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Nếu “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu” (Tông sắc Dung mạo Lòng thương xót, 1), mà Đức Giêsu đã lên Trời thì phải chăng đây là lúc chúng ta cần phản ánh dung mạo lòng thương xót đó dưới mặt đất, bằng cách đến với những người bất hạnh. Phải chăng điều Chúa muốn là một Hội Thánh “nhập thế” hay “vào đời”?
4. ĐGH Phanxicô nói: “Email, tin nhắn, mạng xã hội và trò chuyện cũng có thể là những hình thức truyền thông đầy tính nhân văn… Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Đây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao. Tôi muốn dùng từ “sự gần gũi” để nói về sức mạnh truyền thông này. Cuộc gặp gỡ giữa truyền thông và lòng thương xót sẽ mang lại hoa trái vì nó tạo nên được sự gần gũi để chăm sóc, an ủi, chữa lành, đồng hành và chung vui với nhau.” (Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49, ngày 24-1-2016). Luôn ý thức điều trên, Hội Thánh hoàn vũ đã chọn lễ Thăng Thiên hằng năm làm Ngày Quốc tế về Truyền thông để loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã lấy ngày này làm ngày Truyền Thông của Hội Thánh Việt Nam. Chúng ta có nghĩ rằng các hình thức truyền thông đều có thể được sử dụng làm phương tiện tốt để loan báo Tin Mừng. Dựa theo tinh thần đó, mỗi Giáo xứ hoặc Dòng tu, mỗi Cộng đoàn hay Nhóm… có nên phát hành những bản tin, một tập san của giáo xứ; sách vở, video clips, CD hay VCD... như là những phương thế mới để loan báo Tin Mừng cho con người thời nay hay không? Phải chăng chúng ta tìm cách sử dụng hợp lý những phương tiện truyền thông xã hội như mạng internet, trang web, facebook để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng giúp mọi người sống chân-thiện-mỹ, cảm nhận được lòng thương xót và gần gũi để chia vui sẻ buồn với nhau?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô đã khải hoàn và lên trời vinh hiển, đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha để chuyển cầu cho nhân loại. Cộng đoàn chúng ta hãy hoan hỷ tôn vinh Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Ðức Kitô phục sinh đã trao sứ mạng loan báo Tin Mừng cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa luôn ý thức và trung thành thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người bằng một đời sống chứng tá.
2. Truyền thông có vai trò và ảnh hưởng lớn trong xã hội loài người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với tinh thần bác ái và đạo đức, nhằm phục vụ hữu hiệu cho công cuộc loan báo niềm vui Tin mừng.
3. “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ thể xác hay bị áp lực tinh thần luôn cảm nghiệm được sự đồng hành và nâng đỡ của Chúa phục sinh trong cuộc sống hằng ngày.
4. “Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được đón nhận dồi dào ân huệ Chúa Thánh Thần là quà tặng của Đấng phục sinh, và trở nên công cụ hữu hiệu của Người.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã mở đường dẫn lối chúng con về quê trời qua cuộc phục sinh và lên trời của Con Một Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con luôn vững bước trên hành trình thiêng liêng về bên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm
-
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023