Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Phục Sinh - năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Phục Sinh - năm B

CHÚA NHẬT PHỤC SINH III NĂM B
(Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48)

CHỦ ĐỀ:
LÀM CHỨNG VỀ ĐỨC KITÔ
ĐÃ CHẾT VÀ PHỤC SINH
ĐỂ CỨU ĐỘ CHÚNG TA

Đấng Kitô phải chịu khổ hình,
rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại

(Lc 23,46)

Các bài đọc hôm Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến việc làm chứng (truyền giáo) về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu khổ nạn, chết nhưng nay đã phục sinh để cứu độ chúng ta. Người môn đệ cần phải vượt qua khỏi nỗi sợ hãi, củng cố niềm tin để dám ra đi làm chứng rằng Đức Giêsu Kitô cứu độ mọi người.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 3,13-15.17-19):

Dù đã có lúc chối Thầy Giêsu hoặc sợ hãi trước cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Thầy mình, nhưng nay một khi đã được ánh sáng Đức Giêsu Kitô Phục sinh chiếu soi, tông đồ Phêrô đã dám vượt ra khỏi nỗi sợ hãi để ra đi làm chứng về Đức Giêsu đã chết nay đã phục sinh để cứu rỗi mọi người. Bài đọc I cho thấy người tông đồ là người dám ra đi làm chứng, trước hết, bằng lời nói.

Trong diễn từ thứ nhất, tông đồ Phêrô đã làm chứng về Đức Giêsu chính là Đấng Kitô (Cv 2,14-36). Trong diễn từ thứ hai mà bài đọc I hôm nay trích dẫn, ông đã mạnh dạn loan báo về Đức Giêsu đã bị kết án chính là Đấng Thánh và là Công Chính; Đấng đã bị giết chết lại là Đấng Khơi Nguồn Sự Sống, vì đã được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cõi chết, đúng như lời các ngôn sứ báo trước. Những lời chứng này không phải để lên án những ai đã kết án và giết Đức Giêsu, nhưng để kêu gọi họ sám hối mà trở lại cùng Thiên Chúa để được xóa bỏ tội lỗi và đón nhận ơn cứu độ.

2. Bài đọc II (1Ga 2,1-5a):

Nếu Bài đọc I cho thấy các môn đệ đã làm chứng về Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh để cứu độ chúng ta, thì trong bài đọc II, Thánh tông đồ Gioan đã làm chứng về sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu Kitô theo một cách thế khác, đó là bằng chữ viết. Thánh nhân đã viết lời chứng rằng Đức Giêsu Kitô không chỉ đem ơn cứu độ cho loài người khi đang sống ở dương thế, mà vẫn còn tiếp tục công trình đó khi Người đã được tôn vinh trên Trời. Thánh Gioan làm chứng rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha, là Đấng Công Chính và là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta và tội lỗi cả thế gian nữa; nhờ đó, chúng ta được ơn cứu rỗi. Mục đích của việc làm chứng về Đức Giêsu Kitô là để người ta tin, nên thánh Gioan kêu gọi: ai tin và đón nhận Đức Giêsu Kitô như thế, thì hệ luận kéo theo là đừng phạm tội, đồng thời tuân giữ các điều răn của Người, nhất là giới răn yêu thương.

3. Bài Tin Mừng (Lc 24,35-48):

Luca tường thuật việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, giúp các ông thấu hiểu “Biến cố Đức Kitô: chịu khổ nạn, chết và Phục sinh” và ý thức sứ vụ ra đi làm chứng mà các ông đã được ủy thác.

Dù đã được nghe tin vui Đức Giêsu phục sinh nhưng các môn đệ vẫn chưa vượt qua được nỗi sợ hãi: vẫn kinh hồn bạt vía, hoảng hốt, ngờ vực về chính Thầy của mình. Chính lúc đó, Đức Giêsu Kitô Phục Sinh đã đến trao ban bình an, xóa tan mọi ngờ vực, giúp các ông nhận ra Ngài, hiểu rõ con đường cứu độ của Ngài và sai các ông ra đi làm chứng.

Trước hết, để giúp các môn đệ nhận ra Người, Đức Giêsu đã ăn khúc cá nướng mà họ đưa cho để chứng tỏ Người không phải là ma. Đức Giêsu Kitô cũng đã cho các môn đệ xem cạnh sườn và dấu tích của cuộc khổ nạn để chứng tỏ cho các ông thấy Người là Thầy Giêsu của họ chứ không phải là ai khác. Qua những dấu chỉ thể lý khả giác này, Luca muốn làm chứng cho những người Hylạp và Rôma, vốn chưa biết đến Kinh Thánh, biết rằng chính Đức Giêsu lịch sử đã chịu đóng đinh và chết nhưng nay đã sống lại thật rồi. Các sự kiện này đã được kiểm chứng.

Kế đến, Đức Giêsu Kitô đã soi trí mở lòng cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh để các ông biết rõ con đường cứu độ mà Đấng Kitô đã đi qua, đó là “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Những điều này xảy ra là để ứng nghiệm “những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy”, nghĩa là Đức Giêsu chính là Đấng Kitô mà Cựu Ước đã loan báo. Qua những lời chứng dựa vào Kinh Thánh này, Luca nhắm tới đối tượng là người gốc Dothái.

Cuối cùng, điều quan trọng Đức Kitô Phục sinh đã sai các môn đệ đi làm chứng (truyền giáo) về Đức Giêsu Kitô đã chịu khổ nạn, chết và phục sinh để cứu độ mọi người, khi nói “chính anh em là chứng nhân về những điều này”. Các ông nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân. Bắt đầu từ Giêrusalem, là chính trong môi trường các ông đang sống, cũng là nơi Đức Giêsu Kitô hoàn tất sứ vụ cứu thế của Người và cũng là nơi mà Giáo Hội khởi sự thi hành sứ vụ truyền giáo của mình. Sau đó, các ông mới đi loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Làm chứng/ truyền giáo là căn tính sống còn của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. Một hình thức đặc thù để cụ thể hóa việc truyền giáo là hình thức tông đồ giáo dân, cần được áp dung rộng rãi trong bối cảnh ngày nay. Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân số 16 viết: “Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức mến... Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa”. Chúng ta có ý thức rằng truyền giáo là làm chứng cho Đức Giêsu bằng chính cuộc sống của mình qua đức tin, cậy, mến để chứng tỏ rằng quyền năng của Đức Giêsu sống lại đã tác động và biến đổi chúng ta một cách lạ lùng nhất: có thể từ người luôn sợ hãi trở thành người can đảm; từ người luôn ngờ vực trở thành người vững tin; từ một người khô khan trở thành người sốt sắng; từ một người yếu đuối tội lỗi trở thành người mạnh mẽ thánh thiện; từ một người khép kín thành một chứng nhân cho Đấng đã biến đổi cuộc sống của mình?

2. Để có thể ra đi làm chứng/ truyền giáo, trước hết chúng ta phải có sự bình an của Đấng phục sinh ban tặng. Sự bình an này không chỉ đơn thuần là một tình trạng thể lý hay tâm lý, mà là sự bình an toàn bộ đời sống con người: đó chính là ơn cứu độ. Sự bình an này không phải là một sự bảo đảm rằng chúng ta sẽ có cuộc sống yên ổn, không thiếu thốn, lo lắng hay đau khổ gì ở trần gian, vì chính Đấng ban sự bình an này vẫn chịu khổ nạn, chịu chết trên thập giá, nhưng sau đó đã khơi nguồn sự sống. Do đó, sự bình an đích thực chẳng phải là một cuộc sống không bị xáo trộn, mà là một tình trạng thanh thản đón nhận tất cả, kể cả đau khổ và sự chết vì biết rằng mình sẽ được thông phần vào sự sống lại với Đấng đã ban tặng bình an. Chúng ta có xác tín như vậy không?

3. Để có thể ra đi làm chứng/ truyền giáo, chúng ta cần vượt qua nỗi sợ hãi, không còn hoảng hốt hay ngờ vực về “biến cố Đức Giêsu Kitô: khổ nạn, chết và phục sinh”. Nỗi sợ hãi này có thể do:

- chủ quan vì chúng ta sợ liên lụy đến bản thân sau tấn bi kịch khổ nạn của Thầy mình;

- hoặc khách quan từ mối nguy hiểm mà những người khác đang làm hại chúng ta vì có liên hệ với Đức Giêsu, với Kitô giáo.

Nhìn chung, sự sợ hãi và hốt hoảng là do yếu đuối, nhưng sự ngờ vực là do thiếu lòng tin. Vì thế, trước khi có thể ra đi truyền giáo, chúng ta cần được củng cố niềm tin và sống niềm vui Tin mừng trước đã. Liệu chúng ta có thể đem cho người khác niềm tin và niềm vui nếu mình không có các điều đó?

4. Người Sống niềm vui Phục Sinh cần phải “ra đi” làm chứng (truyền giáo) niềm vui đó cho người khác. Nhìn vào lịch sử dân Thiên Chúa, một ai đó khi đã gặp gỡ Thiên Chúa thì được thúc đẩy “ra đi”. Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng cũng nhấn mạnh đến các mẫu gương này, chẳng hạn như: Ábraham, cha của những kẻ tin đã “ra đi”. Dân Israel cũng “ra đi” khỏi Aicập cùng với Môsê để thực hiện cuộc xuất hành. Các môn đệ cũng “ra đi”, và Hội Thánh tự bản chất là “ra đi”, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi tham gia vào cuộc “ra đi” truyền giáo mới này (Niềm Vui Tin Mừng, số 20).

Muốn có sự tươi mới và động lực để “ra đi”, xin nghe lời ĐGH Phanxicô nhắn nhủ: “Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn (là Đức Giêsu) và khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra…” (x. Niềm Vui Tin Mừng, số 11). Nhờ đó, chúng ta mới có can đảm để ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi người ở vùng “ngoại ô” đang cần ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh (x. Niềm Vui Tin Mừng, số 20).

Có phải sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu đã kết thúc ở Giêrusalem, nhưng được lan tỏa đến tận cùng trái đất là nhờ lời loan báo của các môn đệ, tức là mọi Kitô hữu chúng ta? Sau mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi “lễ xong chúc anh chị em đi bình an”, phải chăng đó là “ra đi” để nối dài bước chân loan báo Tin Mừng cứu độ cho người khác?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã làm vinh danh Đức Giêsu Kitô khi phục sinh Người từ cõi chết. Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta tiếp tục làm vinh danh Con Một Người giữa thế giới hôm nay. Trong tâm tình ngợi khen và cảm tạ, chúng ta cùng tha thiết dâng lời nguyện xin:

1. “Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh cùng toàn thể Dân Chúa, được tràn đầy sức mạnh và ơn khôn ngoan, để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh giữa bao khó khăn hiện tại.

2. Nhiều nơi trên thế giới đang đối diện với những bất ổn về chính trị và kinh tế. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho nhà cầm quyền các quốc gia biết đặt lợi ích của dân nước trên mọi tham vọng cá nhân, hầu nỗ lực xây dựng hòa bình và mưu tìm hạnh phúc cho mọi người.

3. “Người mở trí cho các ông am hiểu Thánh Kinh.” Xin cho mọi kitô hữu, đặc biệt mỗi thành viên trong gia đình giáo phận chúng ta được thêm lòng yêu mến, luôn tích cực học hỏi Thánh Kinh và sống Lời Chúa cách hiệu quả trong môi trường sống và làm việc của mình.

4. “Ai giữ lời Người, thì tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.” Xin cho tất cả mọi người trong cộng đoàn chúng ta thực sự trở nên dấu chỉ cho sức sống, tình yêu và niềm vui của Chúa Phục Sinh qua đời sống yêu thương chân thành và quên mình phục vụ.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ! Chúa đã thương qui tụ và nuôi dưỡng chúng con bằng Lời Hằng Sống và Mình Máu Con Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn trung thành với sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hôm nay. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top