Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C
Xh 3,1-8a.13-15 ; 1Cr 10,1-6.10-12
Lc 13,1-9

HÃY SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

“Nếu các ông không chịu sám hối,
thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.”

(Lc 13,5)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. BÀI ĐỌC I (Xh 3,1-8a.13-15)

Đoạn sách Xuất hành hôm nay kể lại việc Môsê đối thoại với Thiên Chúa khi ông nhìn thấy bụi gai bốc cháy nhưng không bị thiêu rụi. Môsê được Thiên Chúa cho biết bụi gai bốc lửa, nơi ông đang muốn đến xem là nơi thánh vì Thiên Chúa hiện diện ở đó. Thiên Chúa cũng khẳng định với Môsê rằng Người chính là Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp; Người cũng chính là Thiên Chúa của toàn thể Israel, và là Đấng trung thành với lời giao ước. Như Người đã là Thiên Chúa của các tổ phụ và cứu giúp họ, thì nay người cũng trợ giúp con cái Israel. Bởi thế, Người đã chọn Môsê như vị lãnh đạo để giải thoát Israel dân riêng của Người thoát khỏi ách nô lệ Ai cập.

Tên của Thiên Chúa được mạc khải cho Môsê và Israel “Ta là Đấng Ta là” khẳng định sự hiện diện của Người, sự trợ giúp đối với con cái Israel. Nếu như con cái Israel dưới ách nô lệ Ai cập cảm thấy Thiên Chúa đang vắng bóng thì mạc khải về tên của Người khẳng định sự hiện diện của Người. Người hiện diện để đưa họ ra khỏi Ai cập, đưa họ đến vùng đất chảy sữa và mật. Chính Môsê là Người được Thiên Chúa tuyển chọn để thi hành sứ vụ giải phóng dân Người.

Như thế việc Thiên Chúa hiện diện qua bụi gai bốc cháy vừa khẳng định sự hiện diện của Người, đồng thời cũng xác định ơn gọi của Môsê chính là từ Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ đồng hành cùng Môsê trong sứ vụ mà Người trao phó cho ông. Sứ vụ của ông sẽ đánh dấu một giai đoạn quyết định trong lịch sử cứu độ. Thiên Chúa là Chúa của Israel và Israel là dân Người tuyển chọn. Do đó, Người sẽ luôn hiện diện và cứu giúp họ.

2. BÀI ĐỌC II (1Cr 10,1-6.10-12)

Từ lịch sử của Israel thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu giáo đoàn Côrintô cũng như các Kitô hữu không nên tự hào về sự trung thành với Thiên Chúa và chắc chắn rằng mình sẽ được cứu độ. Chương 10 của thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô nằm trong bối cảnh thánh Phaolô lên án việc thờ ngẫu tượng. Ngài khuyến cáo các tín hữu bằng việc nhắc lại cho họ thấy, Israel đã được tuyển chọn, đã được chứng kiến những hành động diệu kỳ của Thiên Chúa, đã trải qua những kinh nghiệm thiêng liêng, nhưng họ đã không đứng vững trước những thử thách và đã bất trung với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đoán phạt Israel tội lỗi thì Người cũng sẽ đoán phạt các Kitô hữu về sự bất trung của họ.

Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu đừng sa vào việc thờ ngẫu tượng, không chỉ qua việc thờ cúng các thần nhưng còn bởi đời sống thiếu luân lý, coi như Thiên Chúa không hiện diện hay thậm chí còn thử thách Người. Sự vâng phục và trung thành được thể hiện qua việc vâng nghe và tuân giữ chứ không kêu ca trách móc phàn nàn như dân Israel đã bất tuân chống lại Thiên Chúa. Đặc biệt việc kêu trách chống lại các vị lãnh đạo bởi những lời dạy dỗ của họ cũng là hành đông chống lại Thiên Chúa. Tất cả tín hữu cũng được thánh Phaolô mời gọi hãy luôn tỉnh thức để không trở nên bất trung với Thiên Chúa. Đừng ai nghĩ rằng mình được đảm bảo sẽ được cứu độ, không bị Thiên Chúa luận phạt nên cứ sống trong sự vô luân và tôn thờ ngẫu tượng.

3. BÀI TIN MỪNG (Lc 13,1-9)

“Nếu các ngươi không hoán cải, các ngươi sẽ bị tiêu diệt như thế”. Đó là lời kết của Chúa Giêsu sau hai “thảm kịch” mà thánh Luca tường thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Vào thời Chúa Giêsu, người ta tin rằng những tai ương hoạn nạn xảy đến cho một người là hình phạt tương xứng với những tội người đó đã phạm, là cách mà Thiên Chúa thực hiện sự công bằng. Bởi thế họ nghĩ rằng những người Galilê bị Philatô giết hay 18 người bị tháp Siloê đè chết là những người tội lỗi. Điều này dẫn đến nguy hiểm là những người không bị đau khổ bất hạnh đều cho là mình vô tội. Chúa Giêsu đã sửa sai quan niệm này và giúp họ hiểu rằng không có sự liên hệ giữa tội lỗi và tai ương hoạn nạn, và mọi người đều là những tội nhân và cần phải hoán cải. Người khẳng định rằng những người bị giết hay bị tháp đè không phải là những người tội lỗi hơn mọi người khác, nhưng cái chết của họ là một lời nhắc nhở những người còn sống hãy ăn năn hoán cải. Mọi người đều phải chết và thậm chí có thể chết cách bất ngờ như những người bị tháp đè. Do đó cần hoán cải, canh tân đời sống theo lời mời gọi cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo.

Dụ ngôn cây vả trong phần hai của bài Tin Mừng tiếp tục lời mời gọi hoán cải của Chúa Giêsu. Có thể nói Israel được ví như vườn nho nơi Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ và chính con của Người đến để thu hoa trái. Nhưng Thiên Chúa cũng giàu lòng thương xót, Người kiên nhẫn trước sự cứng cỏi tội lỗi của con người. Người luôn dành cho con người thời gian để ăn năn sám hối và đón nhận ơn cứu độ. Nhưng nếu như con người từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa, từ chối ăn năn hối cải, từ chối lòng nhẫn nại thương xót của Thiên Chúa thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về chính mình. Nếu như những người Galilê  chết dưới bàn tay của Philatô, hay những người bị tháp đè chết vì sự không may, thì những người không hoán cải sẽ bị tiêu diệt vì chính tội của họ như cây vả không sinh trái, và chắc chắn tội của họ nặng hơn tội của những người khác.

II. CÂU HỎI GỢI Ý

1. “Hãy ăn năn sám hối” là lời mời gọi của Chúa Giêsu ngay khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Lời mời gọi này được nhắc đi nhắc lại trong mùa Chay thánh. Tôi có thật sự lắng nghe và thực hành lời mời ăn năn hoán cải này chưa? Tôi có ý thức về tội lỗi của mình để ăn năn hoán cải chưa, hay tôi nghĩ mình đã “đạo đức đủ” qua việc thường xuyên tham dự các Bí tích, đọc kinh nhiều giờ?

2. Tôi có sẵn lòng lắng nghe những lời góp ý, những lời dạy dỗ của những người có trách nhiệm để sửa đổi những sai lầm thiếu sót, hay tôi khó chịu khi nghe những góp ý chân thành nhưng không được tốt về mình và tìm cách biện hộ hay thậm chí thù ghét người đã giúp mình?

3. Tôi có nghĩ mình đạo đức hơn người khác để rồi xét đoán người khác, khinh chê những người tôi cho là kém đạo đức, khinh bỉ những người tôi cho là tội lỗi? Lời Chúa hôm nay có giúp tôi nhìn lại mình và nhận ra con người thật của mình hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha nhân từ đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến mời gọi những người tội lỗi trở về hiệp thông với Người. Với niềm tin tưởng và lòng sám hối chân thành, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. Hội Thánh có sứ mạng làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn luôn là hiện thân của Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ qua việc quảng đại đón nhận và tận tâm giúp đỡ những người lầm lỗi.

2. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ cho những người sám hối. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang lầm đường lạc lối, biết nhận ra tình trạng tội lỗi bất xứng của mình, mà quyết tâm quay về với tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

3. Sám hối tích cực phải nhất thiết đưa đến việc canh tân đời sống. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu trong mùa Chay thánh này biết ý thức đào sâu đức tin, gia tăng việc lành, và nhiệt tâm sửa đổi bản thân để ngày càng hoàn thiện hơn.

4. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn có thái độ khiêm tốn quảng đại, không bao giờ xét đoán hay chỉ trích gây thiệt hại cho người khác.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con thành tâm sám hối, canh tân đời sống, và luôn gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top