Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật I Mùa Chay năm B

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật I Mùa Chay năm B

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B
St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15

Chủ đề:
SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
ĐỂ ĐƯỢC CỨU

Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
(Mc 1,15)

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để các Kitô hữu chú tâm kiểm điểm đời sống và sám hối, thể hiện qua việc cầu nguyện, ăn chay, và bố thí. Đó là ba tập tục đạo đức truyền thống tạo nên thế “chân kiềng” vững chắc giúp cho người tín hữu sống các chiều kích của đời sống Kitô giáo trong sinh hoạt thường nhật, nhưng đặc biệt được nhấn mạnh trong Mùa Chay Thánh này.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (St 9,8-15)

Bài đọc I hôm nay nằm ở phần kết thúc của trình thuật về Hồng Thủy trong St 6,9‒9,17. Trình thuật này làm nổi bật các chiều kích về nguồn gốc và hậu quả của tội, sự thanh luyện và cứu thoát của Thiên Chúa đối với những ai sống công chính và tuân giữ lời Người, nhưng đặc biệt nhấn mạnh hai khía cạnh sau:

- Hồng Thủy thay đổi hoàn toàn công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đó là một cuộc “phá bỏ tạo dựng” hay “kháng tạo”.

- Từ Hồng Thủy nảy sinh một thế giới mới, một “tân-tạo dựng”.

Trình thuật này đã quy chiếu về trình thuật tạo dựng trong St 1, theo đó thế giới được tạo dựng từ hỗn mang trống rỗng (St 1,2). Ngược lại, Hồng Thủy là một cuộc quay trở lại với tình trạng hỗn mang của nước lúc ban đầu. Tuy nhiên, khi Hồng Thủy kết thúc lại mở ra khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới: sau Hồng Thủy, Thiên Chúa tái lập trật tự vũ hoàn vào đúng quỹ đạo của chương trình tạo dựng ban đầu.

Bài đọc hôm nay loan báo một khởi đầu mới sau Hồng Thủy, một kỷ nguyên mới cho nhân loại qua giao ước của Thiên Chúa với ông Nôê và các con của ông, với lời chúc lành đã được nêu ở đoạn trước bằng công thức: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều”, “cho đầy mặt đất”, và “chúng được trao vào tay các ngươi” (St 9,1-7; x. 1,28). Điều này bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ che chở mọi xác phàm và sinh vật còn sống sót trên đất (St 9,11) và ban cho nhân loại mới có đủ năng lực để sinh sôi nảy nở và phát triển và giao cho con người quyền quản trị muôn loài thụ tạo khác, tương tự như trong cuộc tạo dựng lần thứ nhất.

Giao ước trong St 9,8-15 bảo đảm cho sự vững bền của thế giới trong tương lai. Thiên Chúa hứa “Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước Hồng Thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có Hồng Thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9,11). Giao ước này vô điều kiện, và được Thiên Chúa thiết lập với ông Nôê cùng con cái ông và mở ra với toàn trái đất. Nói đúng hơn, đó là giao ước của Thiên Chúa với nhân loại.

Trên phương diện thần học, Hồng Thủy cho thấy một mặt, Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ và muốn cứu thoát những ai sống công chính và tuân theo lệnh Người; mặt khác hành động của ông Nôê đáp trả cách cụ thể ý muốn của Thiên Chúa cũng có vai trò quyết định. Bản văn cho biết Thiên Chúa truyền lệnh và ông Nôê thi hành tất cả. Điều này làm cho ông Nôê trở thành một mẫu gương nổi bật về sự tin tưởng và tuân phục Thiên Chúa. Nhờ đó, ông được cứu, và qua ông, nhân loại cũng được cứu. Sự tuân phục của ông dẫn đến cuộc tái tạo, thay thế cho sự đổ vỡ do bất tuân của con người trước đây. Sự bất tuân của Ađam đã dẫn tới sự hủy diệt hoàn toàn. Ngược lại, nhờ sự tuân phục của ông Nôê và lời chúc lành với giao ước của Thiên Chúa, vũ trụ được tái tạo và một nhân loại mới được sinh ra.

Nếu Ađam đã là ông tổ của nhân loại cũ, nay ông Nôê trở thành ông tổ của nhân loại mới. Khi trình thuật như thế, tác giả mặc nhiên mời gọi nhân loại mới sống được nghĩa với Thiên Chúa bằng cách sống công chính và vâng theo lệnh truyền của Thiên Chúa, giống như ông Nôê.

2. Bài đọc II (1Pr 3,18-22)

Trong Bài đọc II, thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta hai điều cơ bản:

- Chúng ta được cứu thoát nhờ Phép Rửa cũng giống như ông Nôê đã được cứu thoát qua Hồng Thủy. Nếu nhờ Hồng Thủy, nhân loại bước vào một cuộc sáng tạo mới thì qua Phép Rửa, người tín hữu được ban cho một lương tâm ngay thẳng khi được tẩy rửa mọi tội lỗi để bước vào đời sống mới, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã phục sinh về trời và được tôn vinh ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.

- Trong sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, Phép Rửa cũng ám chỉ đến cuộc khổ nạn và chịu chết của Người (x. Mc 10,38-39). Tuy nhiên, qua Phép Rửa này, Đức Giêsu được sống lại và tôn vinh. Là người tín hữu, một khi đã chịu Phép Rửa, cách nào đó chúng ta đã muốn cam kết trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, tức là từ bỏ bản thân mình để phục vụ Chúa và người khác cách vô vị lợi như Đức Giêsu đã làm. Nếu được như thế, Phép Rửa sẽ tẩy rửa chúng ta để làm cho chúng ta trở nên thụ tạo mới, được công chính hóa và làm một với Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, chúng ta sẽ được sống lại và tôn vinh giữa các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh trên Thiên Quốc cùng với Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

3. Bài Tin Mừng (Mc 1,12-15)

Trong biến cố chịu Phép Rửa ở Mc 1,9-11, Đức Giêsu đã lãnh nhận Thần Khí từ trời và được xác nhận tư cách Con Thiên Chúa. Chính Thần Khí đó đã “đẩy” Người vào hoang địa. Tại đó, Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ để rồi bắt đầu đi công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa như được trình thuật trong bài Tin Mừng Mc 1,12-15 hôm nay. Xét theo bối cảnh và nội dung, đoạn văn này được chia làm hai phần:

1/ Đức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc (1,12-13)

Trong khi Lc và Mt lại trình thuật chi tiết về việc Đức Giêsu vào hoang địa chịu cám dỗ để làm nổi bật Đức Giêsu là hình ảnh đối trưng của ông Môsê và dân Israel trong cuộc xuất hành, thì Tin Mừng Mc trình thuật rất ngắn sự kiện này và làm nổi bật các điểm sau:

- Đức Giêsu là hình ảnh đối trưng của Ađam. Ngày xưa Ađam đã không chiến thắng được cám dỗ, hậu quả là đánh mất sự hài hòa giữa con người với nhau, gây ra sự đối địch với các loài thụ tạo, phải lao nhọc trong cuộc sống và nhất là đánh mất mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Ngày nay Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ, phục hồi tình trạng hài hòa giữa con người với nhau, và với muôn loài kể cả các loài dã thú, đồng thời sống trong sự chở che của Thiên Chúa khi có các thiên sứ đến phục vụ Người. Tất cả các điều đó cho thấy Đức Giêsu là Ađam mới, Đấng biết vâng phục Chúa Cha và làm đẹp lòng Cha mọi đàng.

- Sa mạc một nơi chốn mang tính biểu tượng đã được đề cập ngay trong những câu đầu tiên của Tin Mừng (Mc 1,2-3). Khi nói đến sa mạc, cùng với con số 40 ngày, độc giả liên tưởng ngay đến những kinh nghiệm của Môsê và các ngôn sứ hoặc của chính dân Israel liên quan đến việc chịu thử thách và thanh luyện hay kết hợp với Thiên Chúa trong sa mạc. Đó là nơi dân Israel được thử thách và thanh luyện nhưng cũng là nơi để tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa.

Như thế, bài Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay vừa đề cao sự tuân phục thánh ý Thiên Chúa, nhưng đặc biệt làm nổi bật hình ảnh mang tính Kitô học: Đức Giêsu là Đấng làm trọn lời loan báo của Ngôn sứ Isaia về Đấng sẽ đến cứu độ nhân loại vào thời cánh chung. Đấng ấy sẽ khởi đầu sứ vụ công khai của mình dưới tác động của Thần Khí (Mc 1,12) bắt đầu từ sa mạc (Mc 1,12-13a), tại đó Người phải đối đầu với thế lực cản trở là Satan (Mc 1,13a), nhưng cũng là nơi Người sống hài hòa giữa các loài dã thú và có các thiên sứ phục vụ Người (Mc 1,13b). Đó là khung cảnh Địa Đàng. Đó là dấu chỉ của một thời kỳ mới: thời cứu độ của Triều đại Thiên Chúa.

2/ Đức Giêsu khai mạc sứ vụ rao giảng (1,14-15)

Mc 1,14-15 được xem là lời công bố sứ điệp tóm lược và cũng là tuyên ngôn khai mạc sứ vụ công khai của của Đức Giêsu. Sứ điệp tóm lược này bao gồm hai tuyên bố và hai mệnh lệnh song song với nhau.

Trong hai lời tuyên bố, vế thứ nhất “thời kỳ đã mãn” song song với vế thứ hai “Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần”. Nói cách khác, “thời kỳ đã mãn” đồng nghĩa với “Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần”. Khi công bố “thời kỳ đã mãn” (καιρός), Đức Giêsu khẳng định đây là “thời điểm đã được ấn định” và “mang tính quyết định” để “thực hiện” chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà các ngôn sứ, nhất là Ngôn sứ Isaia, đã loan báo. Đây là thời của “Triều Ðại Thiên Chúa”.

Như thế, Triều đại Thiên Chúa vừa mang chiều kích hiện tại, vừa có chiều kích tương lai. Triều đại Thiên Chúa đã “đi vào trong lịch sử” với “thời điểm quyết định” hiện tại, khi Đức Giêsu thi hành sứ vụ công khai, nhưng chưa hoàn thành, chưa kết thúc. Triều đại này sẽ hoàn thành cách viên mãn trong ngày quang lâm của Con Người.

Cũng trong sứ điệp tóm lược ở Mc 1,15, có hai mệnh lệnh song song với nhau: “hãy sám hối” và “hãy tin vào Tin Mừng”. Mệnh lệnh “hãy sám hối” khiến người ta “suy nghĩ lại”; “thay đổi nếp nghĩ”, “hối hận”, “hoán cải” hay “quay về” với Thiên Chúa để được ơn tha thứ. Mệnh lệnh “hãy tin vào Tin Mừng” thúc đẩy người ta phải có hành động tín thác và có một cam kết mang tính cá vị, định hướng cuộc sống của người đó hướng về tương lai, đặt cuộc sống của mình vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Hai mệnh lệnh trên không thể tách rời nhau, và được hiểu “Hãy sám hối nghĩa là hãy tin vào Tin Mừng”. Như thế, người “sám hối” chính là người “tin vào Tin Mừng”. Nói cách khác “sám hối” và “tin vào Tin Mừng” là hai mặt của một hành vi duy nhất.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa. Chúng ta có biết rằng Thiên Chúa hướng chúng ta đến sự sống chứ không phải sự hủy diệt; sự sống ấy được ban tặng cho chúng ta cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô và chúng ta được đón nhận sự sống đó khi chịu Phép Rửa hay không? Chúng ta có ý thức rằng một trong những chủ đích chính của Mùa Chay Thánh là thúc đẩy người ta thanh tẩy mình khỏi mọi tội lỗi, thanh luyện bản thân khỏi mọi ích kỷ qua sự từ bỏ mình và tuân giữ mệnh lệnh Chúa truyền ban, để trở nên thụ tạo mới và được chúc lành để không còn bị “tiêu diệt” nữa?

2.Hiện giờ Phép Rửa cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy”. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được cứu thoát giống như ông Nôê đã được cứu thoát qua Hồng Thủy. Chúng ta có nhận ra rằng nếu nhờ Hồng Thủy, nhân loại bước vào một cuộc sáng tạo mới thì qua Phép Rửa, người tín hữu trở nên một thụ tạo mới khi được tẩy rửa mọi tội lỗi để bước vào đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô hay không?

3.Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nước Thiên Chúa đã khai mở, và có được tham dự vào Nước ấy hay không là tùy thuộc thái độ đáp trả của mỗi người chúng ta qua việc sám hối. Chúng ta có ý thức rằng hành vi sám hối cụ thể nhất đó là canh tân đời sống, quay trở về với Thiên Chúa, nghĩa là tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu là Cứu Chúa của chúng ta và thể hiện niềm tin đó qua một lối sống dựa theo những đòi hỏi của Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên Dân Mới của Thiên Chúa cùng với lời mời gọi hoán cải: “sám hối và tin vào Tin Mừng.” Trong niềm tin tưởng vào Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng ma quỉ và sự chết, chúng ta cùng tha thiết cầu xin:

1. Chúa Giêsu đã ở trong hoang địa 40 ngày và chịu nhiều cám dỗ. Chúng ta cùng cầu xin cho hàng Giáo Phẩm và các vị chủ chăn luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô để được gia tăng sức mạnh, hầu vượt qua những khó khăn thử thách trong khi thi hành sứ vụ.

2. “Thời giờ đã mãn, và Nước Chúa đã gần đến.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu biết tích cực sống tinh thần Mùa Chay qua đời sống cầu nguyện, hãm mình, và làm việc bác ái, hầu loan báo Tin Mừng Nước Chúa cho con người thời đại hôm nay.

3. Thánh Phaolô khẳng định: “Hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em.” Chúng ta cùng cầu xin cho tất cả anh chị em dự tòng sẽ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy trong Đêm Vọng Phục Sinh, được thêm niềm xác tín và hân hoan chuẩn bị cho ngày trọng đại ấy.

4. “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn tỉnh thức trước cơn cám dỗ theo lối sống dửng dưng của thời đại và không ngừng canh tân đời sống với tinh thần yêu thương phục vụ của Tin Mừng.

Chủ tế: Lạy Chúa, Con Một Chúa đã nêu gương và mời gọi chúng con tiến bước trên con đường hoàn thiện. Xin thương nhận lời chúng con cầu khẩn, cùng giúp chúng con biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể chiến thắng bản thân, vượt qua mọi cám dỗ, hầu giữ trọn lời cam kết của Bí tích Rửa tội. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top