Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 22 Thường Niên - Năm C

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 22 Thường Niên - Năm C

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN - NĂM C
Hc 3,19-21.30-31; Hr 12,18-19.22-24a;
Lc 14,1.7-14

CHỦ ĐỀ:
KHIÊM NHƯỜNG
ĐỂ ĐƯỢC CỨU

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống,
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”

(Lc 14,11)

Sự kiêu ngạo là đầu mối gây ra mọi tai họa cho con người. Nó phá vỡ mối tương quan của con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Vì thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy để cho lời dạy về sự khiêm nhường của Đức Giêsu thấm nhuần trong tâm hồn và tác động vào đời sống của chúng ta. Sự khiêm nhường sẽ giúp chúng ta nhận ra con người đích thực của mình và mở lòng ra với Thiên Chúa và người khác.

I. BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

1. BÀI ĐỌC I (Hc 3,19-21.30-31)

Tác giả sách Huấn Ca cho rằng nhân đức khiêm nhường là chìa khoá của sự thành công cho đời sống. Càng đạt tới địa vị cao trọng thì càng phải trở nên khiêm nhường, bởi vì sự khiêm nhường thì làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.” Thật ra, con người chẳng là gì để mà tự phụ trước mặt Thiên Chúa và người khác, vì những gì mình có cũng là do ơn Thiên Chúa ban, còn con người chỉ là kẻ nắm giữ. Trong tương quan chiều dọc-hướng thần, Thiên Chúa yêu thích và nâng dậy những ai có lòng khiêm nhường: “Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao. Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Trong tương quan chiều ngang-hướng tha, sự khiêm nhường đích thực giúp cho con người dễ dàng đi vào những mối tương giao huynh đệ, thân tình với những người khác. Ngược lại, sự kiêu ngạo sẽ làm đứt mối tương quan với Thiên Chúa sụp đổ mọi mối tương giao với người khác.

2. BÀI ĐỌC II (Hr 12,18-19.22-24a)

Tác giả thư Hípri (thư Dothái) nói cho chúng ta về hai kinh nghiệm: kinh nghiệm của dân Dothái tại núi Sinai và kinh nghiệm của những người thuộc về Đức Kitô trong Hội Thánh. Kinh nghiệm tại núi Sinai, nơi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang uy dũng của Người: “có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và dông tố, có tiếng kèn vang dậy và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa”. Kinh nghiệm này mặc khải cho chúng ta về quyền năng Thiên Chúa. Chúng ta cần phải kính sợ uy danh Người. Đây là thái độ cần thiết của một tạo vật khi đứng trước Thiên Chúa. Kinh nghiệm thứ hai nói về mối tương quan giữa Thiên Chúa với những người thuộc về Người:“Anh em đã tới núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời.” Chúng ta sẽ có được kinh nghiệm này nhờ lòng tin vào Đức Giêsu, đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với con người.

3. BÀI TIN MỪNG (Lc 14,1.7-14)

Đức Giêsu được mời tới dự tiệc tại nhà một Pharisêu. Người quan sát thái độ của những vị khách mời. Đức Giêsu thấy họ luôn tìm kiếm cho mình chỗ cao trọng trong bữa tiệc để đề cao vị thế của mình. Vì thế, Người đã kể cho họ dụ ngôn nói về thái độ khiêm nhường và sự quảng đại không tính toán. Người nói: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.”

Đức Giêsu dạy cho chúng ta bài học về các chiều kích của lối sống khiêm nhường. Trước hết là cần có thái độ khiêm nhường trong cuộc sống. Người khiêm nhường luôn biết từ bỏ “cái tôi”, luôn biết nghĩ về Thiên Chúa và quan tâm đến người khác. Người khiêm nhường không muốn tự nhận mình là “số một”, là trung tâm của thế giới, hạt nhân của nhóm, để rồi bắt mọi người phải phục vụ mình, hoặc làm theo ý mình. Người khiêm nhường có tinh thần hòa đồng, biết mình biết ta, cộng tác với mọi người. Nhờ đó, họ thực sự làm đẹp lòng Thiên Chúa và người khác. Người khiêm nhường thực sự sẽ được cất nhắc xứng đáng: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Kế đến, cần có một thái độ khiêm nhường đích thực nội tâm, chứ không chỉ là khiêm nhường giả tạo bên ngoài. Sự khiêm nhường đích thực được thể hiện qua việc sống kín đáo, không phô trương, không muốn cho người ta biết “mình là khiêm nhường nhất”. Người khiêm nhường sống đơn sơ, không so đo tính toán. Điều này được ví như người mời khách dự tiệc: không mời những người giàu có, nổi tiếng để được đáp lễ, nhưng mời những người vô danh tiểu tốt, bất hạnh. Như vậy, tính khiêm nhường còn được thể hiện qua lối sống quảng đại không tính toán trong mọi hành vi. Lòng quảng đại đích thực không chờ đợi sự đáp trả. Nếu chúng ta thực hành một việc bác ái và chờ đợi một sự đáp trả, chúng ta sẽ không được công trạng gì hết. Đức Giêsu đã dạy cách cụ thể: “Trái lại, khi anh đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khổ, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, anh mới thật có phúc”. Những hành vi bác ái đích thực sẽ tồn tại mãi và làm đẹp lòng Thiên Chúa.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa”. Tôi có thực hành lời dạy này chưa? Tôi có thực sự khiêm hạ trong lòng? Hay tâm hồn tôi còn đầy dẫy những núi đồi của lòng tự cao?

2. “Anh em đã tới núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời”. Để được tham dự vào mối tương quan hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa và với những người công chính trong thành đô của Thiên Chúa, tôi cần phải thay đổi con người của tôi. Vậy, tôi đã bắt đầu thực hiện việc thay đổi này chưa?

3. “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Tôi đã có những biện pháp nào để dẹp trừ tính kiêu ngạo? Tôi có biết chết đi cho tính kiêu ngạo của mình trong tương quan với những người khác?

4. Khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc”. Những đối tượng này chính là những đối tượng đang sống trong vùng “ngoại biên hiện sinh” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Hội Thánh quan tâm nhiều trong những năm gần đây. Tôi có quan tâm đủ những đối tượng trên trong cuộc loan báo Tin Mừng và trong tương quan đời sống hằng ngày của tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến trần gian nêu gương sống khiêm nhường phục vụ, và mời gọi chúng ta noi theo để được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Tin tưởng vào ơn trợ giúp của Chúa, chúng ta cùng tha thiết cầu xin.

1. Hội thánh được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu thế của Chúa Kitô. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh, cách riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các Giám mục của chúng ta, luôn hăng say phục vụ Tin Mừng và sống hết mình vì phần rỗi mọi người.

2. “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Chúng ta cùng cầu xin cho tất cả những ai đang giữ vai trò lãnh đạo trong giáo hội cũng như xã hội, luôn sống khiêm tốn chân thành với mọi người, biết đặt lợi ích chung lên trên quyền lợi riêng tư.

3. Tham vọng và ích kỷ đã gây bao nhức nhối cho đời sống gia đình và xã hội. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang đau khổ vì sự ích kỷ của người khác, tìm được niềm vui và nguồn an ủi nơi Chúa Kitô là Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”

4. Khiêm nhường và bác ái là phương thế hữu hiệu để người tín hữu nên trọn lành. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết trung thành thực thi Lời Chúa dạy: chân thành yêu thương nhau và luôn tôn trọng phẩm giá của người khác.

Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng quyền năng cao cả, xin đoái thương chúc lành cho những ý nguyện của chúng con. Xin giúp chúng con luôn tích cực sống khiêm nhường bác ái như Đức Giêsu Kitô, Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top